ĐẠO LÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA NGAY BỊNH TRẦN

Gửi ngày 27/09/2014
ĐẠO LÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA NGAY BỊNH TRẦN

ĐẠO LÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA NGAY BỊNH TRẦN
 


Là một nhân sinh tại thế, sống trong cõi hậu thiên, với quy luật đối đãi đương nhiên, con người bị chi phối bởi nhiều lãnh vực trong đời sống thường nhựt. Những chi phối đa diện là nguyên nhân chính, làm cho chúng ta bị quay cuồng, bị cuống hút, bị tác động, bị ảnh hưởng, làm trở ngại đến việc tu học hành đạo.
Có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ.” (Trước tự trách, sau trách người)
Lúc bình thường không có chuyện gì xảy đến thì thôi, hễ có những biến cố xảy ra, thì con người than thân trách phận, đổ thừa tại cái nầy, bị cái nọ, bởi cái kia…
Với tình mẫu tử vô biên, Đức Từ Tôn Vô Cực luôn dõi mắt trông theo những đàn con thơ dại chốn hồng trần bị nhiều cám dỗ của vật chất làm mờ mịt tâm hồn, đa mang nghiệp lực, bá bịnh nhiễm truyền. Bịnh thể xác thì hành hạ đau đớn triền miên, bịnh tâm hồn khiến cho lương tâm trăn trở ray rứt. Từ thân xác đến tâm hồn đều vương mang nhiều hệ lụy như thế, làm cho kiếp sống của con người lẩn quẩn loanh quanh không tìm ra lối thoát như kiến bò miệng chậu. Cảm thương những đứa con ngây khờ trước những sóng gió dồn dập của cuộc đời, Đức Từ Tôn Kim Mẫu đã để lời dạy dỗ, an ủi vỗ về:

Tu con sửa cái Ta trước nhứt,
Tu con vun cội đức sau này,
Cõi trần tỉnh tỉnh say say,
Đạo là phương pháp chữa ngay bịnh trần.(1)

Ấm lòng thay tình thương của Mẹ, sưởi ấm con trong những đêm mưa dầm vần vũ, xoa dịu nỗi đau triền miên đã đeo bám theo con nhiều đời nhiều kiếp như bóng với hình. Mẹ đã chỉ cho con đường đi nước bước, đi đến nơi, về đến chốn, tu thoát khỏi trần la bao phủ, tu vượt qua nhân quả nghiệp duyên, cũng vì vật chất kim tiền, tâm hồn thể xác đảo điên đêm ngày, vì tu mà chẳng trọn tu, nên mới gặp chuyện lu bù thế kia. Cái ta còn nặng trong tư kỷ, nên Đức Từ Mẫu mới khuyên: “Tu con sửa cái Ta trước nhứt”.
Cái ta đó là cái ta phàm ngã, chất chứa nhiều tham vọng viển vông, tự phụ kiêu căng, tự ái tự cao, khinh khi ngã mạn, vượt quá giới hạn, lạm dụng quyền pháp... là những mầm mống tự diệt chính mình, tự lắp đường ngăn lối, chặn nẻo đi về với Đức Từ Mẫu, mà nơi Diêu cung Đức Mẹ mỏi mòn trông đợi.
Trong một lần giáng đàn, Đức Mẹ dạy: “Nếu các con đã vong ngã, tất nhiên sẽ phát hiện cái chơn thân tức là Đại Ngã. Các con sẽ chứng quả trong chỗ giai không đó.”(2)
Theo lời khuyên bảo của Đức Mẹ, việc đầu tiên khi dấn thân vào đường đạo, hành giả phải chỉnh sửa tư tâm thành chơn tâm, phàm ngã ra chơn ngã, vong ngã thành Đại Ngã.Lần hồi chế ngự thập tam ma, từng bước vượt qua tam độc, Kinh thuyết pháp có câu: “Cậy thánh tâm sửa đổi tánh phàm”. Hay: “Nhơn dục tịnh tận thiên lý lưu hành.”
Trải nghiệm một quá trình trui rèn mài giũa, gạn đục lóng trong, thường nhân thành hiền nhân, hay trở nên người quân tử làm chủ lấy mình, tiếp đó vượt bậc vươn lên hàng thánh nhân tại trần. Được vậy, phẩm giá đạo đức mới có giá trị thực tại, là thực thể đạo cứu thế, đem lại những lợi ích thực tế cho con người trong đời sống hiện hữu.
Những việc làm đem lại lợi lạc cho nhơn quần xã hội, là phân là nước vun tưới cho cội công đức của chư tín hữu Cao Đài, của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, càng ngày càng tỏa sáng, lan rộng không cùng tận, công đức không cùng tận, mới đủ sức thực thi sứ mạng tận độ quần sinh trong cõi tạm, chuyển Hạ nguơn mạt kiếp, tái tạo lại cõi dinh hoàn, lập đời Thượng nguơn Thánh đức, nhân loại hưởng cảnh thái bình, lạc nghiệp âu ca. Như vậy, mới xứng phận con thảo biết vâng lời: “Tu con vun cội đức sau này”.
Ca dao Việt Nam có câu:
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời cháu con.
Cổ Thánh thường nói: “Để lại tài sản sự nghiệp chưa chắc con cháu gìn giữ, để lại kinh sách chắc gì con cháu đã đọc, nhưng tích trữ công đức thì lâu bền và có giá trị hữu hiệu.”
Toàn Đạo chúng ta đang ở vào thời điểm lịch sử, chuẩn bị bước sang năm đạo thứ 90 và tiến tới kỷ niệm 100 năm khai Đạo Cao Đài, đồng thời lưu dấu mốc trong Đạo sử, kỷ niệm Lễ Hội Yến Diêu Trì đầu tiên tại tư gia Tiền Khai Cao Quỳnh Cư, đêm 14 rạng Rằm tháng tám năm Ất Sửu (02-10-1925).
Trải dài ngần ấy thời gian, nếu chúng ta không đào tạo thế hệ kế thừa, thì lấy đâu ra nhân sự tổ chức các ngày lễ trọng đại của Đạo, những sự kiện Đạo sử hy hữu, những dấu ấn khẳng định vị trí của một nền tân tôn giáo, do Đức Thượng Đế Chúa Tể Càn Khôn tá danh Cao Đài lâm trần khai Đạo. Thế nên, cội công đức mà Đức Mẹ bảo chúng ta vun đắp là nền tảng đạo đức căn bản cho thế hệ tiếp nối thừa hưởng, là mầm phát triển Đại Đạo ở hiện tại, là vĩ nghiệp Cao Đài trong tương lai.
Suốt quá trình duy trì đạo sự hiện tại, phát triển đạo nghiệp tương lai, không phải là việc làm đơn giản nhẹ nhàng, dễ dàng như trên lý thuyết. Đức Lý Giáo Tông có lần ta thán: “Nhìn cơ đạo ngổn ngang trăm mối”.
Nhìn lại thời gian đã qua, có những thời điểm toàn Đạo chúng ta hầu như bế tắc trong việc tu hành. Khó khăn như vậy, nhưng đức tin của những tín đồ Cao Đài lại vững chãi kiên định, nghiêm trì giới luật, nghiêm minh Đạo luật, kiền kiền giữ Đạo, bất khả ly tâm...
Thời điểm hiện tại thì sao? Cơ Đạo ngày nay có đủ điều kiện thuận lợi phát triển về mọi mặt: Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo thông thoáng, nhân lực, tài lực, trí lực không thiếu, phương tiện hành đạo dồi dào, giao thông thoải mái, giao lưu rộng rãi...
Nhưng tại sao, những nỗ lực tích cực của chúng ta vẫn chưa đáp ứng đúng theo nhu cầu nguyện vọng của nhân sanh, và thuận theo Thánh ý của Bề Trên?
Tự vấn và tự đáp, có phải chúng ta tự phát theo: tư tâm tư ngã, háo danh cục bộ, tự tôn cá nhân...đạo hữu phân vân, thiệt giả khó phân, cơ chỗ này linh, bút chỗ kia diệu... Mẹ ơi! “Điên đảo lòng con nỗi đạo đời”.
Lúc nào bằng lúc nầy, tự nhủ với lòng, tự tu tự tỉnh, vượt lên chính mình, minh triết bảo thân, bảo toàn Đạo nghiệp. “Dù cho đời đạo ngả nghiêng, mà ta vẫn cứ lòng thiềng lo tu.” như lời dặn dò của Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, kiêm Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
“Khuyên chư hiền sớm tối chuyên tu.”
Vừa thương, vừa lo, lại vừa sợ cho những đứa con đức tin còn mỏng, chất đạo chưa thấm nhập tận chơn tông, trước những biến cố của cơ đời, biến chuyển của cơ đạo, biến động của nhân tâm, sa đà theo xu hướng, sa ngã theo phong trào, lầm đường lạc lối, Đức Từ Mẫu vì tình thương vô biên, một lần nữa lại ôn tồn nhắn nhủ các con:
“Khéo khéo nghe con khỏi lạc lầm.”(3)
Như đã trình bày ở phần dẫn nhập, chúng ta đang sống trong thế giới nhị nguyên, trong trường đối đãi, trái phải khôn phân, tà chánh khó lường, lúc tỉnh hồi say. Chính vì lẽ đó Đức Mẹ nhắc: “Cõi trần tỉnh tỉnh say say.”
Và Đức Từ Mẫu đã chỉ đàng dẫn lối cho tất cả đàn con thương yêu:
“Đạo là phương pháp chữa ngay bịnh trần.”
Vì sao chúng ta lại vương mang nhiều bịnh tật? Sự tiến bộ vượt bậc về mọi mặt của thời đại hiện tại ở nhiều lãnh vực, trong đó ngành y tế với trang thiết bị cao cấp, đáp ứng theo mọi nhu cầu của bệnh nhân với nhiều chứng bệnh phức tạp. Thế mà, hầu như các bệnh viện lớn ở các tỉnh thành đều quá tải, do số lượng bệnh nhân quá nhiều.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn chạy đua tốc độ phát triển của thời đại, mọi sinh hoạt hầu như đều tất bật, con người không đủ ngày giờ kiểm soát lại chính mình, chuyện này giải quyết chưa xong, chuyện khác lại dồn tới, cứ như thế, bộ máy nhân thân không có ngày giờ tu bổ, cứ chạy theo công việc, theo tiến độ…chạy đến hụt hơi, đến rã rời, để trả cái nợ đời, đeo đẳng kiếp phù sinh nhiều hệ lụy.
Thỏa mãn các yêu cầu công việc của xã hội, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cho bản thân và gia đình, con người phải toan tính đủ điều, lao tâm nhọc trí, mất ăn mất ngủ, khi đã rơi vào tình trạng như thế, cơ thể mất thăng bằng, tâm bất an, thần bất định, đó là mầm mống, là nguyên nhân phát sanh bệnh tật.
“Bởi tâm thường vọng động, niệm niệm khởi sanh, phí hơi tổn thần nên phải vương nhiều bịnh tật.” (4)
Trong một dịp giáng đàn giáo Đạo, có một vị hầu đàn bạch xin với Đức Đông Phương Tôn Sư “…Con mắt mờ không thấy rõ muốn xin chữa trị.” Đức Tôn Sư không trả lời. Cũng trong buổi đàn hôm đó, Đức An Hòa Thánh Nương lâm đàn, lại có một vị hầu đàn xin với Ơn Trên chữa bệnh mắt mờ cho vị đạo hữu xin với Đức Đông Phương khi nãy, lời xin như sau: “Chỉ bảo cách giúp điều trị cho mắt được thấy rõ hầu nghiên cứu kinh sách.”
Đức An Hòa Thánh Nương đáp lại lời thỉnh cầu:“Hãy dùng phép khước bệnh như đã học. Cần nhứt là giữ thanh tịnh, đừng sân hận là giảm được bệnh.”
Sự kiện vừa nêu minh chứng cụ thể một trong những nguyên nhân vương mang bệnh tật, là do lòng sân hận, chỉ cần giữ tâm thanh tịnh, bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Bệnh về thể xác, với trang thiết bị y tế hiện đại như hiện nay, có thể chữa lành hầu hết bệnh tật, còn bệnh tinh thần rất khó trị. Và chỉ có Đạo là phương pháp chữa lành, dứt ngay mọi bệnh tật như lời dạy của Đức Mẹ: “Đạo là phương pháp chữa ngay bịnh trần.”
 
Tạm kết
- Đạo là chơn lý sáng soi, là ngọn đuốc tâm linh, chỉ đàng dẫn lối cho chúng ta vượt qua những chướng ngại của cõi hồng trần đầy ô trược. Muốn đắc thành sở nguyện, hành giả hãy thắp sáng cái Đạo tự hữu, hằng hữu hằng thường, tiềm ẩn trong mỗi người, cho tâm linh bừng sáng.

Mỗi người đều có Đạo trong mình,
Đạt được là nhờ trọn đức tin,
Cố gắng phân thanh cùng lóng trược,
Tánh phàm lặng lẽ hiện tâm linh.  (5)

- Đạo là con đường cứu rỗi, là phương pháp hữu hiệu chữa lành mọi chứng bệnh từ thể xác đến tinh thần, là chơn thoàn đưa vạn linh vượt khỏi ái hà, qua bờ giác ngạn, thẳng đến Diêu Cung.
Nhân ngày đại lễ Triều Thiên Vô Cực năm nay, tất cả con cái của Đức Từ Mẫu xin dâng trọn lòng chí thành vô hạn, làm lễ mọn hiến trình lên Đức Mẹ, và cùng nhau hứa nguyện, thực thi rốt ráo lời vàng tiếng ngọc của Đức Từ Mẫu, vì tình thương vô cực vô biên đã để lời giáo hóa.
 
Trung Thu Giáp Ngọ (2014)

Chí Thật (CQPTGL)


(1)Đức Vô Cực Từ Tôn, Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966).
(2)Vạn Quốc Tự, 08-3 Nhâm Tý (21-4-1972).
(3) Đức Vô Cực Từ Tôn, Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966).
(4) Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-12 Đinh Tỵ (09-01-1978).
(5) Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971).