TIN TRỌN MỘT NIỀM TIN

Gửi ngày 28/09/2014
TIN TRỌN MỘT NIỀM TIN
TIN TRỌN MỘT NIỀM TIN
hay là đọc-hiểu Thánh thi của đức Lý Đại Tiên Trưởng

 
"Các em từng đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp các em thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho là đúng. Đó là phần hướng nội, là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em mỗi người thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình." ( Vân Hương Thánh Mẫu, 13-08-Kỷ Mùi, 1979)

Bài tham luận hôm nay, sẽ góp vào buổi hội thảo vấn đề tuổi trẻ Đại Đạo cần hiểu và thực hành đức tin như thế nào bằng cách mượn lời thánh giáo của đức Vân Hương Thánh Mẫu làm lời Đề từ và tập trung vào Thánh thi của đức Lý Đại Tiên dạy thanh thiếu niên làm nội dung chính. Đây cũng là việc áp dụng kiến thức khoa học xã hội vào nghiên cứu giáo lý đạo cũng như giải đáp nghi vấn cho bản thân mình bằng một cách phổ thông mà người thanh niên đạo nào đã học qua chương trình Ngữ văn phổ thông đều áp dụng được.
Tin trọn ...
Trước khi đọc thánh thi của đức Lý Đại Tiên để hiểu và thực hiện khái niệm đức tin như thế nào, thiết nghĩ, chúng ta cần đọc hiểu đoạn thánh giáo của đức Vân Hương Thánh Mẫu làm tiền đề :
"Các em từng đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp các em thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho là đúng. Đó là phần hướng nội, là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em mỗi người thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình.".
Để tự chọn làm tín đồ Cao Đài giáo, chắc hẳn mỗi chúng ta đã đặt nơi lòng mình một niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng, nếu không thì chúng ta đã không theo đạo Cao Đài, cho dù niềm tin này đã trọn vẹn hay chưa? Và Cao Đài giáo có đặc trưng là giáo chủ vô vi nên không dạy một cách trực tiếp hữu hình như các tôn giáo khác trước đây mà phải thông qua linh cơ để giác mê khải ngộ để giúp chúng ta thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên.Do đó, để theo được đạo Cao Đài thì việc tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê là điều không thể thiếu ở lòng mỗi tín hữu. Và mọi niềm tin sẽ chẳng thể trở thành hiện thể hiện hữu nếu như niềm tin ấy không chuyển hóa thành hành động. Hành động theo niềm tin ấy thì mới thật tin! Người thật tin thì chắc hẳn cũng tin cái đạo nơi tự thân mình mà tự cường bất tức như Càn kiện cao minh để thực hiện sứ mạng mà mình đã thật tin theo. Đức Vân Hương xem việc đặt trọn niềm tin ấy là đúng đắn. Dựa theo các căn cứ vừa phân tích, người viết tạm đưa ra định nghĩa như sau:
Đức tin Cao Đài là một khái niệm giáo lý dùng để chỉ việc đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp con người thức tỉnh, tiến bước, hành đạo phản bổn hoàn nguyên, đồng thời cũng tin vào Đạo tự hữu nơi mỗi nhân thân mà tự thực thi sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không ngừng nghỉ. Đức tin ấy gồm tin và tự tin, ngoại tin và nội tin vào bản thể Đạo.
          ... Một niềm tin
          Đoạn Thánh thi đức Lý Đại Tiên Trưởng dạy Thanh thiếu niên về niềm tin hay đức tin:(1)Một niềm tin ban sơ đã có
Từ Thiên Cung đến ngõ hồng trần;
Niềm tin trong sạch lâng lâng,
Không ô nhiễm tục, không nhân quả nào.
 
Cho các trò mang vào thế hạ,
chơn tâm, chơn ngã, thiên lương;
Dầu thân tứ đại vô thường,
Vẫn còn Thượng Đế hằng thường giáng trung.
 
Xuân khai thới vô cùng sanh nở,
Đức Nguyên nhiều rực rỡ vinh quang;
Vó câu nhịp bước dặm ngàn,
Tuổi Xuânlà tuổi đầy tràn niềm tin.
 
Kìa thế sự nghiêng chinh vì bởi,
Nọ nhân loài khốn khổ đó là;
Chính vì ta chẳng tin ta,
Người xa nhân bản, nước nhà còn chi !
 
Muốn cứu mình cứu nguy thiên hạ,
Vững niềm tin Tạo Hóa Chí Công;
Trở về nguồn cội tổ tông,
Đó là cái đạo ở trong mỗi trò.
 
Tre cằn cổi đắn đo mai hậu,
Măng mụn còn kết cấu tinh anh;
Học tu giữ vẹn tánh lành,
Đó là cái đạo tài thành tương lai."
(Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Rằm tháng 7 Quý Sửu-1973)
Sau đây, xin mời người đọc cùng người viết đọc kỹ (lose reading) những từ ngữ, hình ảnh, thủ pháp mà mình cho là quan trọng với bố cục sau, để đọc-hiểu thông điệp đức tin mà Thánh thi gửi gắm cho người tín đồ nói một cách khái quát và cụ thể là Thanh thiếu niên Đại Đạo:
Nguồn gốc và bản chất từ thiên thượng
Nguồn gốc
Một niềm tin ban sơ đã có
Từthiên cung đến ngõ hồng trần
 
Mở đầu, đức Lý Đại Tiên Trưởng mặc khải cho chúng ta biết niềm tin ở con người không đơn thuần ngẫu nhiên mà có, cũng chẳng vì ai mà sinh ra. Bốn từ “ban sơ đã có” là một khẳng định về sự hiện diện của niềm tin là tự rất lâu, thuở khai thiên lập địa thì đã có. Xin nhấn mạnh là “đã có” chứ không phải là “mới có” hay “vừa có” để ta thấu rõ sự khởi thủy của niềm tin và niềm tin xuyên suốt “Từ thiên cung đến ngõ hồng trần”, hiện diện khắp vũ trụ càn khôn dù là cõi thanh khiết nhất nguyên của thiên cung hay là chốn ô trược nhị nguyên của hồng trần. Niềm tin “đã có” cùng với yếu tố tiên thiên khởi thủy vậy. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rộng ra rằng, lúc “một niềm tin” đã có thì vô thể hữu thể đồng hiện sinh.
Bản chất
Niềm tin trong sạch lâng lâng,
Không ô nhiễm tục, không nhân quả nào.
          Tính chất thượng thiên của niềm tin theo hai câu thơ trên cho ta biết rằng bản chất niềm tin là trong sạch, nhẹ nhàng, không cấu nhiễm, tức thuần dương tiên thiên nhất nguyên vậy!
Tá danh và biểu hiện nơi thế hạ
Cho các trò mang vào thế hạ,
chơn tâm, chơn ngã, thiên lương;
Dầu thân tứ đại vô thường,
Vẫn còn Thượng Đế hằng thường giáng trung.
          Như ta đã biết qua Thánh giáo, một vị Phật muốn xuống cõi Tiên là mang mặc vào một lớp áo... cho đến cõi trần này là đến mấy lớp áo. Giáng trần giáo đạo phổ độ chúng sinh là một hy sinh đại từ bi của các Đấng Thiêng Liêng, và niềm tin từ thượng thiên khi vào thế hạ cũng vì cõi hồng trần mà có sự biến đổi hình trạng nhưng bản chất thì luôn là bản chất và đó là chìa khóa để các nguyên căn trở về thượng thiên vậy. Vấn đề người tu hay bậc hành giả giác ngộ là tìm lại bản chất thượng thiên ấy để trở về. Nơi thân mỗi chúng ta, niềm tin ấy được gọi với nhiều tá danh khác nhau: chơn tâm-lòng thật, chơn ngã-cái ta thật, thiên lương-tính lành của trời. Yếu tố giúp người tu vượt lên vô thường là đây! Niềm tin là một nhân bản của Thượng Đế nơi nhân thân giúp người tu huyền đồng thiên địa, chuyển vô thường thân tứ đại thành hằng thường tối linh.
Tuổi ... tin
Xuân khai thới vô cùng sanh nở,
Đức Nguyênnhiều rực rỡ vinh quang;
Vó câunhịp bước dặm ngàn,
Tuổi Xuân là tuổi đầy tràn niềm tin.
          Đang giảng dạy về niềm tin, chợt đức Lý nhắc đến mùa Xuân, đức Nguyên và tuổi Xuân, thì chắc hẳn không là ngẫu nhiên hay đi xa đề mà là một sự so sánh liên hệ thiết thực giữa thiên địa nhân trong nhịp tiến hóa.
 
Ta chẳng tin ta ... – nguyên nhân “thế sự nghiêng chinh”
Kìa thế sự nghiêng chinh vì bởi,
Nọ nhân loài khốn khổ đó là;
Chính vì ta chẳng tin ta,
Người xa nhân bản, nước nhà còn chi!
          Mất niềm tin vào nhau, mất niềm tin vào chính con người và mất niềm tin vào chính cái ta-chơn ngã thì không đơn giản là không tin mà là cả một hệ lụy rùn rợn đi theo dẫn đến mất dần sự sống còn: thế sự chinh nghiêng, nhân loài khốn khổ. Ta chẳng tin ta. Xa nhân bản. Xa lẽ sống. Còn chi? Hồi chuông day dứt lòng người sựt tỉnh!
Vững niềm tin ... – giải pháp cứu nguy
Muốn cứu mình cứu nguy thiên hạ,
Vững niềm tin Tạo Hóa chí công;
Trở về nguồn cội tổ tông,
Đó là cái Đạo ở trong mỗi trò.
          Cùng chung một môi trường sống, nếu không lành mạnh hóa môi trường ấy thì sự mạnh mẽ nơi bản thân có to lớn đến đâu thì lâu dài cũng cấu nhiễm mà gục ngã. Khi đã không còn tin tưởng gì xung quanh thì dù sống cũng rằng gọi chết, vì “sống là sống với” không là sự riêng lẻ. Nhân rộng việc lương thiện là đang thánh thiện hóa môi trường sống, ấy là hành động chứng minh thuyết phục nhất cho sự vững niềm tin Tạo Hóa chí công nơi lòng mình. Niềm tin như thế chính là Đạo tự hữu nơi nội thân mỗi hành giả vậy!
Tre cằn cổi đắn đo mai hậu,
Măng mụn còn kết cấu tinh anh;
Học tu giữ vẹn tánh lành,
Đó là cái Đạo tài thành tương lai.
          Tin tưởng lẫn nhau giữa hai thế hệ là yếu tố không thể thiếu để sự tiếp nối được tiếp tục kế thừa. Giữ vẹn niềm tin thiêng lương ấy để làm sáng cái Đạo tự hữu mà phổ độ chúng sinh, giúp đời cải ác tùng lương, ... người đi trước soi đường đưa bước cho kẻ sau cùng dắt nhau đến nơi Bồng Đảo thì có khác gì cái Đạo tài thành của trời đất?
Sống được với niềm tin như thế là người tín đồ đã làm nên đức tin nơi mình và sanh chúng. Và đức tin trong mỡi tôn giáo nên được thực thi như thế thì thế giới hòa bình, càn khôn an tịnh và tâm linh giải thoát thanh tịnh tự tại an lạc hằng thường. Đức tin Cao Đài nói rộng ra thì thiên kinh vạn quyển mà thâu tóm lại thì có thể hiểu như đoạn Thánh thi và Thánh giáo bên trên. Tùy sự thực hành niềm tin mà đức tin nơi mỗi người ngày một trưởng thành và tiến hóa gần với bản chất nguyên thủy. Trưởng thành trong đức tin bao nhiêu thì tín hữu sẽ rõ thấu thấm thía việc “tin trọn một niềm tin” bấy nhiêu.

Võ Minh Trung
Thanh thiếu niên PTGL-Tập đoàn Giáo sĩ, Cơ Quan PTGL Đại Đạo


(1) Thánh giáo Rằm tháng 7 Quý Sửu-1973,