CHỚ ĐÁNH MẤT MÙA XUÂN CỦA CHÍNH MÌNH

Gửi ngày 10/01/2017
CHỚ ĐÁNH MẤT MÙA XUÂN CỦA CHÍNH MÌNH
 
CHỚ ĐÁNH MẤT MÙA XUÂN CỦA CHÍNH MÌNH
 
Trong thiên nhiên, mùa Xuân là cuộc lập lại chu trình sống,  bởi vì đó là luật bảo tồn và tiến hóa của vũ trụ. Dù Hạ có nóng bức, Đông có giá lạnh, sức sống tiềm tàng của vạn vật vẫn duy trì để khởi phát vào Xuân.
Hoa cỏ vô tư, cứ theo sự luân chuyển của đất trời mà sinh sôi nẩy nở, tô điểm sắc màu cho bốn mùa tám tiết của thiên nhiên. Đàn chim biết di trú nhờ bản năng sinh tồn tự hữu mỗi khi tiết đại hàn sắp đến.

Bản năng sinh tồn của con người cũng không khác, nhưng con người là sinh vật đã tiến hóa vượt bực, vừa phải duy trì nấc thang làm người, tức nhân vị, vừa phải tiếp tục tiến hóa do đã thọ bẫm được thiên tính từ thuở lọt lòng. Chính mùa Xuân luôn nhắc lại “sứ mạng”  đương nhiên ấy của con người. Tuy nhiên, con người vẫn là một sinh vật, rất dễ bị bản năng lôi cuốn sống theo thú tánh.

Thú tánh trong con người, mỗi khi phát động còn ghê gớm hơn nơi thú vật nhiều, bởi trí khôn khiến nó trở nên rất xảo quyệt. Những tội ác xảy ra hằng ngày trong xã hội loài người như trước mắt chúng ta hiện nay đã chứng minh điều đó. Hãy tự hỏi nguyên nhân của những thảm trạng nầy.
Ơn Trên từng giải đáp: “Ôi! trong bức màn vô minh có biết bao điểm linh quang chói sáng để phá tan cảnh tượng mờ ám hãi hùng. Điểm linh quang ấy không chi lạ, là chúng sanh, là chư hiền, là Thiên tánh của bản thể vũ trụ, chỉ tiếc rằng chư hiền không thiên hẳn về hằng tánh của Thượng Đế giáng sinh, nên mọi vật chất đối lập dễ dàng chiến thắng chư hiền trong khi chư hiền mang một hình thể gọi là Tiểu Thiên Địa.” [1]
 
Con người sống bằng bản năng đơn thuần, dục vọng càng cao, càng trở nên điên loạn, mất tự chủ, bởi vì không bao giờ chịu thỏa mãn mọi dục vọng. Đã nói con người là một “Tiểu thiên địa” tức là một cấu thể hoàn hảo “âm dương chi giao, quỉ thần chi hội”, thì làm thế nào chủ sử cái “máy trời” kỳ diệu này? Âm dương giao là thế quân bình của sự sống; quỉ thần hội thì lý trí và tâm linh phải dung hòa.
 
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: “Hình hài  thân thể nầy  là tạm, chỉ  tồn tại có  mấy mươi năm rồi cũng trở về với  cát bụi, mượn cái hữu thể nầy  sống trong cảnh hữu vi. Hãy nuôi dưỡng nó, quí trọng nó và  hy sinh nó cho lý tưởng cao cả, chớ đừng bắt nó phải hy sinh cho tư  dục, cho ích kỷ, cho vật chất, mà phải hy sinh nó cho đại chúng, cho đạo lý, cho lẽ phải, cho mọi người. Vì nó mà ta được đời  lưu niệm đúng với ý nghĩa - sống  đời đáng sống - Vì nó mà ta hành tròn sứ mạng Thiêng Liêng  giao phó. Có nhưvậy ta mới không hổ thẹn với nguồn gốc truyền thống của nó.” [2]
 
Gần đây, báo chí và nhiều đoàn thể đã nêu lên một tấm gương biết tận dụng đời người trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, cố vươn lên để để phục vụ đại chúng. Người ta ngợi khen “hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng” [3], người bại liệt chỉ còn vận động một ngón tay, mà với ý chí và lòng nhân ái của mình đã làm nên một sự nghiệp phi thường vì cộng đồng khuyết tật.
 
Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Chúng ta có thể sống mà không có tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể sinh tồn mà không có tình cảm của con người” (We can live without religion and meditation, but we cannot survive without human affection.” – 14th Da lai Lama,  The Wisdom of the Heart)
 
Thật vậy, lòng nhân ái như khí Xuân của đất trời, cũng là lẽ sống của người có đủ lòng nhân. Nếu Công Hùng bi quan, luôn đau khổ với số phận của mình mà không có tấm lòng vị tha cao thượng thì không thể sống vui, sống hữu ích cho mọi người trong thời gian qua.
Ngược lại, những kẻ mang dục vọng chiếm đoạt sự sống, quyền sống của đồng loại là kẻ đánh mất mùa Xuân của chính mình, đồng thời cắt đứt chu trình tiến hóa của bản thân, không còn xứng đáng là chủ nhân của một “Tiểu thiên địa”.
 
Thế nên, ý nghĩa mùa Xuân phải là:
 
                                 Xuân là để canh tân thế đạo,
                                 Xuân là mầm sáng tạo tương lai,
                                 Thâu tàng sanh trưởng ngày ngày,
                                 Phục nguyên đức cả an bài vạn linh. [4]

                                                                                                                                                Thiện Chí
 
 
 
[1] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Hườn Cung Đàn, Tý thời 30 rạng mùng 1 tháng 8 Quý Mão, (17.7.1963)
[2] ĐÔNG PHƯƠNG  LÃO TỔ, NGỌC MINH ĐÀI, Tuất thời Rằm tháng 6 Mậu Thân (10.7.1968)
 
[3] http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/528116/%E2%80%9CNgon-lua-cua-Hung-chay-mai.html
[4]GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Rằm tháng 01 Nhâm Tuất (8.2.1982)