Đức tin trong Tam kỳ phổ độ (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu)

Gửi ngày 11/08/2014
Đức tin trong Tam kỳ phổ độ (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu)
Trong một lần giáng cơ, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã nêu lên câu hỏi về đức tin như sau : "Chỉ có một Thiên nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai?" (Trúc Lâm Thiền điện, Tuất thời, 07-5 Quý Sửu, 07-6-1973)

Câu hỏi đột ngột của Đức Thiền sư lúc ấy có lẽ đã khơi dậy những suy tư vể đức tin của chư vị thiên ân trước sứ mạng Tam kỳ phổ độ. Đó là thời điểm sau 47 năm khai Đạo. Còn hiện nay, câu hỏi đã được đặt ra hơn 40 năm, liệu chúng ta có thể trả lời dễ dàng chăng ?

Đức tin Cao Đài không chỉ để sùng kính hằng ngày;

Đức tin Cao Đài không chỉ để cầu nguyên cho bản thân;

Đức tin Cao Đài không chỉ để ngưỡng mộ công đức của các đấng Giáo tổ hoặc chư Phật Tiên Thánh Thần;
Vậy đức tin Cao Đài phát xuất từ cơ bút là một huyền diệu hi hữu, nhưng ý nghĩa của nó hẳn nhiên không chỉ để chứng tỏ sự huyền diệu của cõi vô hình hay sự hiện hữu của Thượng Đế.

Chính vì Đức Thượng Đế không muốn lập ra một tôn giáo trong thời kỳ nầy để chúng sanh có một đức tin như thế nên Ngài chỉ thị hiện Thiên nhãn làm biểu tượng Cao Đài mà thôi.

Ở phương diện hữu hình, con mắt là cơ quan đồng nhất giữa nhân sanh, biểu thị tâm hồn của mọi nguời.
Về mặt tâm linh, Thiên nhãn là Thượng Đế, mà cũng là tâm linh con người.
Nhưng tượng Thiên nhãn vẫn là vật hữu hình, nên Thiên nhãn phải có nhân tâm làm chứng thị, nghĩa là người tín đồ phải nhận được mạc khải từ Thiên nhãn thì mới đạt đến đức tin thật sự.

Tuy nhiên, có ấn chứng nơi Thiên nhãn, nơi cơ bút, mới chỉ đạt đến đức tin Cao Đài như một tôn giáo bình thường; chưa đạt đến đức tin Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thế nên tuyệt đích của đức tin Cao Đài phải gắn liền với Sứ mạng kỳ ba.

Bởi chính Sứ mạng kỳ ba làm chứng thị cho Qui luật tiến hóa tuần hoàn bất biến của vũ trụ, đã đến thời kỳ qui nguyên những chủ thể tiến hóa và đào thải những chơn linh lầm lạc. Động năng tiến hóa chủ yếu của từng chủ thể chính là công đức góp phần giác mê khải ngộ chúng sanh. Và Đại Đạo TKPĐ là cơ hội tu học , là trường huấn luyện, là trường thi mà Đức Chí Tôn đặc ân mở ra để chúng sanh tiến hóa kịp thời, càng đông đảo, càng vinh diệu cho cơ đạo. Sự cứu độ của Chí Tôn là giáo hóa để chúng sanh tự lực tiến hóa. Nên thánh giáo Đức Vân Hương Thánh Mẫu có dạy:

"Các em từng đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp các em thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho là đúng. Đó là phần hướng nội, là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em mỗi người thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình." ( VHTM, 13-08-Kỷ Mùi, 1979 )

Đức tin thời Tam Kỳ Phổ Độ phải là đức tin thuộc về Thiên cơ. Đức tin chân chính của mọi tôn giáo trong kỷ nguyên này sẽ phải đích thực là động năng cứu độ Kỳ ba. Các bậc giáo phụ Thiên chúa giáo giảng rằng “Tin chính là biết - biết rằng Thiên Chúa là ai, biết rằng Ngài yêu thương chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta, biết rằng những lời hứa của Ngài là dành cho chính mỗi người chúng ta . . .” . Nói cách khác, người có đức tin đích thực nơi Thượng Đế là người biết và tin chắc Thiên ý đang chuyển đưa nhân loại vào sự sống còn và tiến hóa thích ứng với chu trình diễn tiến của vũ trụ. Đã biết và tin chắc thì phải sống và hành động theo Thiên ý. Được như thế, mỗi tín hữu của mọi tôn giáo sẽ trở nên một động năng trong đại cuộc gọi là Kỷ nguyên cứu độ.

Đức Phật từng nói: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta.” Và Ngài bảo: "Ngươi đừng vội tin theo ai cả. Tất cả những gì ngươi đã thực nghiệm sâu xa, hợp với lý trí xét đoán của ngươi, có thể đem lại hạnh phúc cho chính ngươi và những kẻ khác, những cái ấy, ngươi hãy nhận đó là chân lý và hãy cố sống đúng theo chân lý ấy ".

Do đó, đức tin nơi Thượng Đế, nơi Thiên cơ, khiến tín hữu tự tin nơi mình. Lúc ấy, tín hữu đủ tự tin đề hành động, để hành đạo, cuộc sống là cuộc sống đạo.

Vậy có thể tóm tắt :

ĐỨC TIN trong TAM KỲ PHỔ ĐỘ = ĐỨC TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ  và THIÊN CƠ + TỰ TIN THI HÀNH SỨ MẠNG ĐẠI ĐẠO.

BAN BIÊN TẬP