Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu)

Gửi ngày 11/08/2014
Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu)
Trước khi đi vào vấn đề,  cũng cần phân tích kỹ ý nghĩa hai chữ “hội nhập”. Từ ngữ này khá mới, và gần đây được nhắc đến thường xuyên do những bước đột phá về kinh tế của nước ta trước xu thế kinh tế toàn cầu.
 
Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa “hội nhập” trong ngữ cảnh “Hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo Bách khoa tự diển Wikipedia thì :
 
 “Hội nhập kinh tế quốc tế (international economic integration) là quá trình các doanh nghiệp của một quốc gia tham gia một cách chủ động, tích cực vào nền kinh tế thế giới. [...]”
 
Để hiểu rõ hơn, có thể đối chiếu ý nghĩa từ ngữ “hội nhập” với cách giải thích của tự điển Anh ngữ : Integrate ( hội nhập): nội động từ: 1. làm thành một toàn thể bằng cách chuyển tất cả các thành phần vào nhau; hiệp nhất. […] 2. Mở ra cho mọi giống người hay mọi dân tộc không giới hạn; xóa bỏ phân biệt chủng tộc. [...]
 
Hội nhập kinh tế quốc tế  và từ ngữ “hội nhập” có định nghĩa như thế; còn đối với  tôn giáo, tôn giáo có xu hướng hội nhập vào cuộc diện thế giới không? Câu trả lời là có, bởi vì tôn giáo nào cũng có mục đích cứu thế, nên đều tìm cách đưa ảnh hưởng vào đời sống hoặc đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân lọai.
 
Vậy đạo Cao Đài có khả năng hội nhập đó như thế nào?
 
-         Trước hết đạo Cao Đài được trang bị bản thể luận “Đại linh quang – Tiểu linh quang” rút ra từ nguyên lý “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” để nhìn nhận toàn thể nhân lọai có cùng một Bản thể duy nhất hầu khơi dậy tình thương đồng loại, không kỳ thị dân tộc hay tôn giáo.
-         Kế đến, đạo Cao Đài thuộc về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có mục đích tận độ chúng sanh, và tự nhận có sứ mạng thực thi mục đích đó cùng với các đạo truyền thống khác.
-         Thứ ba, đạo Cao Đài là tôn giáo vừa nhập thế vừa xuất thế , song hành thế đạo và thiên đạo, tổng hợp đường lối hành đạo của Tam giáo đạo để cứu độ toàn diện con người về mặt nhân sinh lẫn tâm linh.
 
 “An lạc nào riêng kẻ thoát trần,
Khi thuyền lướt sóng vượt dòng ngân;
Vui lên sứ mạng vi nhân đó,
Mà cũng Phật tiên cũng Thánh thần.”
 
Nhưng tựu trung khả năng độc đáo của Cao Đài vẫn rút ra từ phẩm chất truyền thống đạo đức dân tộc và bản tính dung hòa, dung hợp của con người Việt Nam. Đức Thượng Đế Cao Đài đã vận dụng những đặc điểm đó để khai Tam Kỳ Phổ Độ (TKPĐ) tại Việt Nam, lập thành tôn giáo Nhân bản – Đại đồng.
 
Trở lại ý nghĩa lịch sử của công cuộc khai Đạo tại đất nước Việt Nam, sự chọn lựa nơi khai sinh Tam kỳ phổ độ không phải là một ngẫu nhiên. Đó là sự ban trao sứ mạng tiên phong cho một dân tộc “có một nền văn hóa huy hoàng từ ngàn xưa được cấu tạo trên một nền tảng  văn minh nhân bản sớm nhất nhân loại”
 
Chính tố chất nhân bản này là động năng phổ quát-trường cửu, là tình người, là tính người, là bản vị đánh giá từng nấc thang tiến hóa của nhân lọai đạt đến Chân Thiện Mỹ.
Ngay như trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, khi trải qua chặng đường lịch sử bị bế tắc, sự thức tỉnh vươn lên bao giờ cũng là giải pháp “về nguồn” để “đổi mới”.
 
Đổi mới ở đây không có nghĩa là vay mượn một tính cách nào, một hình thức nào mà là tỉnh táo nhận thức đúng đắn thực lực Việt Nam và trào lưu tiến bộ của thế giới để chọn lựa vị thế ưu việt nhất. Nói cách khác là biết người, biết ta. Đó là cái kinh nghiệm “một dân tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu độc lập dân tộc mình.”
 
Nhận định này, khiến người tín hữu Cao Đài nhớ lại thánh ngôn của Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương: “Sứ mạng trọng đại của Đại Đạo là phục hưng tinh  thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một  nguơn hội thái bình  vĩnh cửu cho  muôn  người”
 
( Sứ mạng Đại Đạo cần hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là sứ mạng của tôn giáo Cao Đài. NV.)
           
Vậy khả năng hội nhập thế giới của đạo Cao Đài phải bao gồm luôn cả tinh thần đồng hành cùng dân tộc.
 
Ý THỨC ĐỒNG HÀNH  và HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI CAO ĐÀI
 
Chúng ta có thể xác định khả năng “Đồng hành cùng dân tộc và hội nhập thế giới” của đạo Cao Đài. Nhưng một câu hỏi được nêu ra là: Người Cao Đài cần có những ý thức gì để bước vào cuộc đồng hành và hội nhập này?
 
Có thể giải đáp:
 
Không mê ngủ trong đức tin, đừng ảo vọng trong lý tưởng. Phải học hỏi rèn luyện không ngừng, vượt qua mọi thử thách mới có đủ bản lãnh đồng hành và hội nhập.
 
Không tự giam mình trong “tháp ngà” của đạo. Bởi vì Đại Đạo không phải chỉ là một Hội thánh, một Thánh thất, một Tổ chức, thậm chí không phải chỉ là Cao Đài giáo.
 
Muốn đại đồng cùng thiên hạ phải đại đồng cùng dân tộc trước đã ( Nói cách khác, muốn hội nhập cùng thế giới, phải đồng hành cùng dân tộc trước đã.)
 
Và hơn nữa muốn đồng hành cùng dân tộc, phải đồng hành cùng toàn đạo trước đã. “ Đùng ai nghĩ rằng có thể trồng cây Đại Đạo trong lòng bàn tay của mình”.
Đứng trước phong trào toàn cầu hóa hiện nay, có thể nhận định rằng vận hội mới của đất nước gắn liền với thời cơ hội nhập cùng thế giới, người tín hữu Cao Đài sẽ cùng tín hữu các tôn giáo bạn có trách nhiệm sống đạo, hành đạo ứng hợp với trào lưu văn minh tiến bộ của thời đại.

Ban Biên Tập