MỘT GÓC NHÌN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC CỦA NGƯỜI TUỔI TRẺ ĐẠI ĐẠO

Gửi ngày 27/05/2017
MỘT GÓC NHÌN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC  CỦA NGƯỜI TUỔI TRẺ ĐẠI ĐẠO
MỘT GÓC NHÌN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC
CỦA NGƯỜI TUỔI TRẺ ĐẠI ĐẠO
                                                                                                                 Tu sĩ Ngô Nhật Quang*
 

Ảnh trên: một ban nhạc lễ đạo Cao Đài

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Nhà thơ Chế Lan Viên có nhắc đến lòng yêu nước trong bài thơ Sao chiến thắng như sau:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông
Mỗi khi đất nước lâm nguy, nhờ lòng yêu nước, người dân không ngại hi sinh thân mình để bảo vệ từng tất đất ngọn cây, đó là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”. Trong xây dựng đất nước ngày nay,thế hệ trẻ có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình. Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học, đó là yêu nước. Tự giác thực hiện chính sách, thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ cương, đó chính là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước… Còn đối với người tuổi trẻ Cao Đài thì như thế nào?
Người tuổi trẻ Cao Đài ngoài trách nhiệm là một công dân của Tổ quốc, còn là một tín đồ Cao Đài, mang trong người sứ mạng của dân tộc được chọn. Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đã từng dạy:
“Dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ đạo. Nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý và Thiên nhơn hiệp nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.Chư hiền cần làm sáng tỏ sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây để khế hợp giữa cơ đạo và văn minh toàn nhân loại.”
 
Hơn nữa, Đức Cao Triều Phát còn dạy:
“Trong phạm vi khác ĐẠI ĐẠO có thể là con đường sứ mạng của dân tộc Việt, vì giáo lý Cao Đài là kết hợp tinh thần văn hiến của dân Việt, đó là điều hãnh diện của dân tộc trong công cuộc xây dựng văn minh thế giới chung.”
 
Đạo Cao Đài vô hình chung không chỉ bảo tồn mà còn phát huy văn hoá dân tộc lên một tầm cao mới để thể hiện được tinh thần và trí tuệ của dân Việt. Như vậy, đối với người tuổi trẻ Cao Đài, lòng yêu nước,  sứ mạng của người công dân đối với đất nước đã gắn kết với sứ mạng tôn giáo Cao Đài  tức là “làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.Chư hiền cần làm sáng tỏ sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây để khế hợp giữa cơ đạo và văn minh toàn nhân loại.”
 
Xã hội hiện tại nảy sinh nhiều vấn nạn nhức nhối: vấn đề thực phẩm nhiễm hoá chất đưa con người “từ bàn ăn đến nghĩa địa”; vấn đề tham nhũng, vấn đề bạo lực học đường, tệ nạn ấu dâm,…xã hội đang dần mất đi sự bình yên. Nguyên bắt nguồn từ văn hoá đạo đức, đạo ứng xử bị mai một. Vì vậy mà vai trò giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc là vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Bởi vì nó thuộc vấn đề tinh thần, là sức mạnh nội lực, là quốc hồn quốc tuý của một dân tộc. . “Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ chương cú, giáo dục...”.
 
Một vài đặc điểm văn hoá dân tộc đã được kế thừa và phát huy trong đạo Cao Đài
 
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, Edward Burnett Tylor, nhà nhân học (anthropologist) người Anh đã nêu lên một định nghĩa về văn hóa được chấp nhận khá rộng rãi:
“Văn hóa là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội.” (E.B. Tylor – Văn Hóa Nguyên Thủy, I,  1871)
 
Trong thánh giáo Cao Đài, Đức Lý Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo có dạy về văn hóa, văn hóa dân tộc và văn hóa đạo đức như sau:
1. “Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ chương cú, giáo dục...” 
2. “Đừng nên hạn hẹp hai tiếng văn hóa trong khuôn khổ văn chương chữ nghĩa hay một số môn học đạo đức mà phải quan niệm cho thật rộng, đúng nghĩa của nó. Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan; sự liên hệ giữa Trời và người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật; sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật....”
3. “Văn hóa dân tộc nói lên được những gì cao quí tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của dân tộc ấy.”
4. “Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, v.v...”
 
Trên đây là những khái niệm mà ta cần thỏa ước trước khi đi sâu khai thác những biểu hiện và giá trị của văn hóa dân tộc. Hiểu được tầm quan trọng của văn hóa đạo đức đối với quốc gia dân tộc. Người tuổi trẻ phải ý thức kế thừa các giá trị bản sắc, chuẩn mực, tiến bộ của cha ông để lại mà phát huy. Văn hóa thì đa dạng, nhưng trên thế giới giá trị văn hóa riêng của dân tộc ta được mọi người công nhận và có mối liên hệ mật thiết với văn hóa Cao Đài mà người đạo đang ra sức bảo tòn phát huy, bài viết đơn cử vài giá trị sau đây.
 
Về y phục, không chỉ riêng ta mà cả thế giới đều công nhận rằng chiếc áo dài là y phục đặc trưng và thể hiện vẻ đẹp duyên dáng của người Việt. Trang phục áo dài được xem là quốc phục và quốc phục của một dân tộc phản ánh đặc trưng văn hóa và lối sống của dân tộc. Trong cuốn “Kể chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn” của Tôn Thất Bình có bài “Những trang đầu của lịch sử áo dài”, viết:
“Chiếc áo dài tha thướt, xinh đẹp hiện nay phải qua một quá trình phát triển. Nó được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: “Bát đại thời hoàn trung nguyên” (tám đời trở về trung nguyên), thấy từ Đoan Quốc Công đến nay vừa đúng tám đời bèn xưng hiệu lấy thể chế áo mũ trong Tam tài đồ hội làm kiểu… Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi…”.
 
 “…Thế là do tinh thần độc lập, muốn dân chúng trong địa phận mình cai trị mang y phục riêng để phân biệt với miền Bắc, Nguyễn Phúc Khoát hiểu dụ: “Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục, nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục cũng nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách (hàm ý người Trung Quốc)thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải, lụa. Duy có quan lại thì mới cho dùng xen the, là, trừu, đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng, nhất thiết không được quen thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy ý. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mớ…”.
 
Nếu nói không sai thì theo tài tài liệu này áo dài Việt Nam đã ra đời từ thế kỷ XVIII, được dung hạp giữa hình thức, màu sắc, chất liệu vải của phương Bắc và Nam, với hình thức ban đầu là đơn giản, thô sơ nhưng kín đáo. Cuốn sách của Giáo sĩ Borri được xuất bản tại Lille, Pháp năm 1631. Giáo sĩ Borri đã tả rất rõ về cách ăn mặc của người Việt đầu thế kỷ XVII: “Người ta mặc năm, sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu… Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông đẹp mắt…”. Nếu được coi là “tiền thân” của áo dài thì kiểu áo trên đây cho thấy áo dài có thể hình thànhh từ thế kỷ XVII, thậm chí trước đó. Vì theo truyền thuyết, khi xông trận đánh đuổi quân nhà Hán, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà, che lọng vàng trang sức lộng lẫy…  Nhưng dẫu ra đời vào thời gian nào, lấy cảm hứng từ đâu thì chiếc áo dài vẫn mang đậm bản sắc, văn hóa của người dân bản địa đồng thời phản ánh xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
 
Và chiếc áo dài – quốc phục ấy đã được Thiêng Liêng điểm chọn là đạo phục đạo với tông màu trắng. Đó là sự khế hợp giữa tôn giáo và dân tộc, giữa bản sắc văn hóa và giá trị tâm linh trong một chiếc áo dài. Hiểu được điều này, thanh thiếu niên Đại Đạo không chỉ tự tin mà còn tự hào khi mặc chiếc áo dài trong khi hành đạo và hành lễ. Đó là vẻ đẹp và hợp văn hóa cũng như góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, không có gì phải ngại ngùng hay sợ quê mùa, lỗi thời.

Âm nhạc lễ nghi, một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, cũng được tôn giáo Cao Đài chú ý kế thừa và phát triển. Bởi âm nhạc, lễ nghi phần nào nói lên trình độ tiến bộ, văn minh của một dân tộc. Dân tộc ta có nền âm nhạc cổ truyền theo hệ Ngũ cung. Khi bị thực dân Pháp đô hộ, văn hóa phương Tây du nhập đã làm cho nền âm nhạc Ngũ cung mất dần sự hấp dẫn nên có nguy cơ bị lu mờ, và dẫn đến ít còn phổ biến. Bảo tồn giá trị âm nhạc cổ truyền đã và đang được nhà nước và thế giới quan tâm. Ngay từ lúc mở đạo, Ơn Trên đã chọn âm nhạc cổ truyền Ngũ cung mà cụ thể là nhạc lễ Nam Bộ làm Thánh nhạc của tôn giáo Cao Đài.
Ví dụ về nhạc Tấu Quân Thiên:
Khi Lễ xướng câu này thì mỗi người trong đàn cúng phải đứng cho thật nghiêm trang, ban nhạc khởi đánh trống Tiếp Giá (Nghinh Thiên) để đón rước Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng đàn. Mọi người trong đàn cúng phải tịnh tâm tưởng niệm, chẳng nên xao động. Dứt trống Tiếp Giá thì xây trống mà đờn 7 bài, hoặc 5 bài hay 3 bài tùy theo lễ vía…
Võ nhạc Tiếp Giá gồm có trống, kèn mộc chủ đạo và đệm theo là dàn đồ ngang (mõ, tum, bạc,…) đánh Ba hồi chín chập (Lớp đỗ, lớp chài và lớp dứt tứ) có nguồn gốc từ bài Tam luân cửu chuyển nhã nhạc cung đình. Bài trống Tiếp Giá này nhằm thể hiện sự luân chuyển của Đạo trong trời đất mà tạo nên sự sống cho muôn loài vạn vật không lúc nào ngơi nghỉ, trường lưu...
Văn nhạc Nghinh Thiên gồm có đàn bộ dây, tiêu sáo bộ hơi mà đàn Cò giữ vai trò chủ đạo đàn 7 bài, 5 bài và 3 bài trong Nhạc Tấu Quân Thiên, cúng Đại đàn và Tiểu đàn, đây là những bài bản nhạc lễ Nam bộ mà cũng có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình.
Đại đàn cúng Đức Chí Tôn và rằm Tam Nguơn: 7 bài
Xàng Xê:nghĩa là đưa qua trộn lại không ở một chỗ, ấy là Hỗn độn sơ khai (khi nổ ra một tiếng).
Ngũ Đối Thượng: nghĩa là 5 từng trên, đó là Ngũ Khí, ấy là khí thanh nổi lên làm Trời.
Ngũ Đối Hạ: nghĩa là 5 từng dưới, đó là Ngũ Hành, ấy là trược khí hạ xuống làm Đất.
Long Đăng: nghĩa là rồng lên, ấy là Dương là mặt nhựt chiếu sáng, sức nóng làm cho nước bốc lên thành mây.
Long Ngâm: nghĩa là rồng xuống, ấy là Âm là lúc mây gặp khí lạnh nên tụ lại thành mưa, từ trên trời rơi xuống.
Vạn Giá: là muôn vật đã định rồi, ấy là lúc nước hợp với đất biến sanh, khiến sản-sanh ra vạn-vật, gọi chung là chúng-sanh.  
Tiểu khúc: nghĩa là sự nhỏ ngắn, ấy là nhỏ ngắn đều có định luật và có tên.
Đờn 7 bài vì Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu là cơ sanh hóa. Đức Hộ-Pháp có hỏi Thầy: Vì sao phải đờn bảy bài ?
            Đức Chí-Tôn dạy:
            “Thầy thích nghe những bản ấy, vì nó có ý nghĩa của sự Tạo thiên lập địa, là buổi mới có  Trời đất. Còn  Đảo ngũ cung có ý-nghĩa là qui trở lại, tức là qui cổ: đó là Vạn thù qui nhất bổn
            Đức Hộ-Pháp bạch tiếp: Nếu lấy những bài đó hiến lễ thì Thầy tư vị dân tộc
 Việt Nam sao ?                                              
            Đức Chí-Tôn phán dạy rằng:
“Trên thế-gian này chưa có nền Âm-nhạc cổ nào để rước Thầy mà đủ ý-nghĩa như âm-nhạc cổ của Việt-Nam; nên Thầy chọn nó làm tiêu-biểu cho toàn cầu, cho nhân loại noi theo (18-5-Bính-Dần)     
 
Đạo Cao Đài cũng đã hệ thống hóa một cách bài bản những thể thức đi lễ cúng đình - học trò lễ dâng lễ phẩm – thành những cách đi lễ khác nhau mang giá trị tư tưởng trong các buổi dâng lễ. Do đó, không chỉ bảo tồn, cách thức đi lễ của Cao Đài còn là sự phát huy vốn văn hóa dân tộc. Kế đến, cách thức cầm nhịp đọc kinh của người giáo nhi trong Cao Đài giáo có nét rất gần với nghệ nhân ca Huế. Trong nghi lễ cầu siêu chèo thuyền Bát nhã của đạo Cao Đài là sự kế thừa và phát huy loại hình hò đưa linh miền Trung và chèo hầu miền Bắc trong một nghi lễ tôn giáo...
 
Điều này không chỉ giúp cho dân tộc bảo tồn văn hóa truyền thống và còn phần nào phát huy nền âm nhạc cổ truyền ấy thông qua hệ thống nhạc lễ Cao Đài. Con em nhà đạo, ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc, một phần trong đã được được đào tạo để kế thừa việc trình tấu các nhạc cụ cũng như thực hành các thể thức lễ cổ truyền Việt Nam. Điều này, cho thấy sự chung tay của đạo Cao Đài trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như giáo dục tuổi trẻ trong đạo ý thức về giá trị này từ rất sớm.
 
Chính lấy âm nhạc cổ truyền dân tộc làm nhạc lễ tôn giáo nên nhạc lễ Cao Đài đã gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc Việt, nâng âm nhạc cổ truyền Việt Nam lên tầm Vũ trụ quan. Đây là một khía cạnh mà Cao Đài giáo góp phần làm cho bản sắc dân tộc khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại. Nói cách khác, đạo Cao Đài còn thì văn hóa dân tộc Việt Nam còn và di sản văn hóa nhân loại được giữ gìn và làm giàu thêm.
 
Hai giá trị văn hóa đơn cử bên trên là một trong những bản sắc đặc trưng của văn hóa dân tộc mà đi bất kỳ nơi đâu trên thế giới, khi mặc và trình diễn thì người ta đều nhìn nhận là những nét đẹp mang giá trị Việt Nam.
 
Về kiến trúc nội thất, tôn giáo Cao Đài đã kế thừa kiến trúc mái nhà cong của truyền thống đình chùa Việt Nam thời xưa kết hợp với nét phương Tây cao vút của tháp chuông nhà thờ một cách rất hài hòa. Nhưng quan trọng hơn, đó là hệ thống hoành phi, câu đối được đặt nơi Tòa thánh và thánh thất. Từ cổng tam quan cho đến các cột nơi thờ tự bửu điện và nhà Thiên phong, ta sẽ thấy từng cặp liễn câu đối. Những nơi đặt trưng sẽ có thêm bức hoành phi. Tùy theo địa phương mà hệ thống này có thể được viết bằng chữ Hán, chữ Việt hay kết hợp cả hai. Đó là sự kế thừa văn hóa trang trí nội thất cổ truyền. Việc trang trí này thể hiện văn hóa đề cao giá trị tri thức, chữ nghĩa quốc học của dân tộc. Do dó, để giữ gìn và phát huy giá trị này, buộc người thanh thiếu niên phải ý thức học Hán ngữ để có thể đọc và hiểu thông điệp của Thiêng liêng cũng như của tiền nhân. Trong giai đoạn hiện nay, việc đọc hiểu được chữ Hán là một cần thiết cho việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.
 
 
Đơn cử về văn hoá đạo đức của dân tộc là tinh thần hiếu hoà. Dân tộc ta đã hình thành lối sống theo cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ gia đình đến cộng động lớn hơn là làng xóm, rồi quê hương, …Muốn sống được với nhau như vậy, từ trong tâm lý của người việt thể hiện sự hoà đồng giữa cá nhân và tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Trong gia đình, tình yêu thương là sợ dây gắn kết:
“Con một mẹ, hoa một chùm,
Thương nhau nên phải bọc đùm lẫn nhau.”
Câu ca dao ấy, luôn luôn nhắc nhủ con cháu sau này, có lớn lên, có giàu, có nghèo, có đau, có phúc, có hoạ cũng lấy nghĩa của tình thương mà đối xử với nhau. Ai cũng lớn lên trên cùng một đất mẹ, uống chung một bầu sữa, nói một tiếng mẹ và sống trong một tình mẹ chở che. Việc yêu thương nhau từ gốc một mẹ ấy mà sống thuận hoà với nhau.
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài.
Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau”
Hay tình huynh đệ là tình cảm gia đình thiêng liêng đã tồn tại trong văn hoá đạo đức của dân tộc.
“Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”.
Trong nền văn minh lúa nước, người Việt đã sớm hình thành lối sống theo cộng đồng, đoàn kết tương thân tương ái “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, “hay tối lửa tắt đèn có nhau”. Nói chung Nước Việt ở trong vùng văn hoá nông nghiệp, nền văn hoá ấy được xây dựng trên nền tảng “Làng”, lấy văn hoá làng làm cơ sở kiến quốc. Từ ngữ làng gắn liền với nước là như thế, thế nên khi đau khổ người ta cũng gọi “làng nước ơi!”. Trong những dịp như một gia đình có lễ giỗ, lễ cưới, lễ tang…thì những gia đình khác ở chung quanh mà dân gian gọi là “chòm xóm” đều đến giúp đỡ việc nhà cửa, nấu nướng, cùng chia buồn sớt vui, tình làng nghĩa xóm đầm thắm trong những lúc như vậy. Trong nền văn hoá nông nghiệp, tập tục dần công (đổi công trong những ngày mùa, nhà người này có việc thì người khác giúp công, đến khi nhà người khác có việc thì giúp lại) là nét đẹp văn hoá của dân tộc ta làm cho tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó mà việc tình nghĩa là quan trọng chứ không phải chú trọng vào việc so đo vật
chất, việc nhiều việc ít.   
                            
Sự tích “Âu Cơ” vọng về một quá khứ của cộng đồng Bách Việt chạy dài từ ven biển bán đảo Sơn Đông, qua ven biển vùng hồ Động Đình vốn xưa đã là trung tâm của họ Viêm đế Thần nông, gốc họ Hồng Bàng, qua vịnh Bắc Bộ, đến cửa Hội Thống, chỗ rẽ vào Ngàn Hống, nơi Kinh Dương Vương xây dựng Kinh thành. Hình tượng bọc Âu Cơ là hình tượng quả bầu Bách Việt, để truyền lại cho con cháu lời răn bảo:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng.                                                         
Tuy rằng khác giống mà chung một giàn”
Nước Việt ta có hơn năm mươi dân tộc cùng sống chung dưới một lá cờ tổ quốc, cùng xây dựng và bảo vệ đất nước, sự đoàn kết gắn bó, hoà đồng giữa các dân tộc là nét đẹp mà ông cha ta đã răn dạy từ lâu đời.
Hay trong công cuộc giữ nước, dân tộc ta luôn lấy hai chữ nhân nghĩa làm tôn chỉ, nó đã được thể hiện rất rõ nét trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi:
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.”
Đối với kẻ bại trận, lấy chữ hiếu sinh mà đối đãi, điều này phù hợp với hạnh từ bi của Phật Đạo:
“Thần vũ chẳng giết hại,
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Cấp cho phương tiện trở về:               
Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền...
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa...”
Dùng nhân nghĩa để đối xử với kẻ bại trận, xoa dịu hận thù để không gây hậu họa về sau cũng chính là đại nghĩa với nhân dân vậy. Bởi lẽ, như bài cáo đã khẳng định "Họ đã ham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng / Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức". Có thể nói tư tưởng nhân nghĩa, vị tha đối với kẻ thù là điểm sáng người trong tinh thần hiếu hoà của dân tộc.
Trong tinh thần hiếu hoà của dân tộc, ta thấy được tình thương là một sợi chỉ xuyên suốt làm nên chữ hoà giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân và gia đình, với đất nước và cả nhân loại. Điều này phù hợp với tinh thần nhân bản của Cao Đài Giáo.
Đức Mẹ có dạy:
“Tình thương là phương thức tạo nhân hoà,
Có nhân hoà thiên hạ âu ca”
Hay “Sự thương yêu là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh” (Thầy, TNHT).
Rất tiếc trong xã hội ngày nay, nhiều giá trị của lòng hiếu hoà, tình thương – giá trị nhân bản - đang dần bị mai một. Cuộc sống đẩy nhiều người tới chỗ hơn thua, đối xử với nhau bằng dao, bằng vũ khí, lời nói độc địa. Đến với nhau bằng những thù hằn, ghen ghét, yêu thương giả tạo, mua bán tình người… Nên sứ mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trước đối tượng con người là phục hồi nhân bản nhằm xây dựng xã hội đại đồng thánh đức trước đối tượng là nhân loại.
Ngoài ra, dân tộc Việt Nam được chọn để khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là vì dân tộc Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều giá trị đạo đức như truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng hiếu đạo, lòng hiếu hoà, tình yêu quê hương đất nước, lòng tin tưởng và hướng đến cái chân thiện mỹ của các đấng trọn lành, tinh thần bao dung tôn giáo…Có thể nói văn hoá đạo đức của dân tộc Việt Nam vốn dĩ chứa đựng  “những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan; sự liên hệ giữa Trời và người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật; sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật....”.
Tinh thần của dân tộc hay văn hoá dân tộc chính là kiến trúc thượng tầng tạo nên sự bền vững của một xã hội, cần phải được chú trọng bảo tồn và phát huy trong ý thức hệ của dân tộc.
 
Thực hiện lòng yêu nước của người tuổi trẻ Cao Đài
 
Trong thời đại hội nhập sâu và rộng hiện nay, để tránh bị những văn hoá ngoại lai đồng hoá “hoà nhưng bất đồng”, thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, làm sống dậy thuần tuý tính chất của dân tộc phù hợp với nhân bản chung của toàn nhân loại là một yếu tố sống còn đối với một dân tộc. Nước nhà mạnh hay yếu, nguy cơ mất hay còn là từ trong tinh thần dân tộc chứ không phải đợi đến giặc ngoại xâm xâm lược.Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.
 
Người tuổi trẻ Cao Đài vừa mang trách nhiệm và nghĩa  vụ của một công dân đối với tổ quốc, vừa mang trên người sứ mạng hoằng khai Đại Đạo. Trước khi nói đến những việc phát triển văn hoá dân tộc thì người tuổi trẻ Cao Đài cần phải tu sửa cho trở thành một tín đồ gương mẫu: tuân thủ theo giới luật qui điều, lẽ tất nhiên một tín đồ gương mẫu đã bao hàm một người công dân gương mẫu. “Hãy làm những việc tầm thường để trở nên phi thường”. Hãy tập thói quen tích cực từ trong tư tưởng, lời nói, hành động dù là nhỏ nhặt nhất. Tuổi trẻ là những người đang nắm vận mệnh của đất nước, của cơ Đạo.Là những người đang được rèn luyện hoặc đang lao động tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội cho nên mỗi hành động, suy nghĩ, lời nói đều ảnh hưởng đến toàn xã hội. Nếu làm việc gì cũng nghĩ đến quan hệ nhân quả, làm việc gì cũng xuất phát từ nhân bản thì sẽ không bao giờ gây ra những chuyện tiêu cực gây phương hại đến cộng đồng, đến xã hội.
 
Được sinh hoạt trong môi trường tôn giáo chính là môi trường văn hoá bền vững cho người tuổi trẻ Đại Đạo miễn dịch trước mọi cám dỗ của lối sống phi đạo đức. Vì giáo lý Cao Đài là kết hợp tinh thần văn hiến của dân tộc Việt , nói cách khác Cao Đài còn thì văn hoá dân tộc Việt còn được bảo tồn và phát huy. Việc hoằng khai Đại Đạo vừa là sứ mạng tôn giáo đối với nhân loại vừa là sứ mạng của của dân tộc được chọn. Đối với người thanh thiếu niên Đại Đạo, tự hoàn thiện bản thân và thực hiện sứ mạng giáo dân vi thiện, hoằng khai Đại Đạo chính là thể hiện lòng yêu nước chân chính.
 
Tóm lại, những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được xây dựng và gìn giữ của biết bao thế hệ cha ông. Nó là kết tinh những gì là tinh túy nhất của dân tộc để rồi chính những giá trị đó lại lung linh tỏa sáng hơn nữa trong đạo Cao Đài,
-. vừa là một tôn giáo dân tộc kết hợp tinh thần văn hiến của dân Việt làm nên sứ mạng của một dân tộc được chọn, soi sáng cho cả dân tộc
-. vừa là một tôn giáo nhân loại đưa thế giới đại đồng thánh đức.
Người thanh thiếu niên Đại Đạo cần ý thức về sứ mạng của mình đối với dân tộc và đối với nhân loại để không ngừng hoàn thiện bản thân bằng những giá trị văn hóa đạo đức dân tộc khế hợp cùng văn minh nhân loại./.
 
* CQPTGL