Nên xem qua
- VỀ VIỆC KHAI ĐẠO VỚI CHÍNH QUYỀN (23-8-Bính Dần, 1926) Gửi ngày 29/05/2023
- LỄ VÀ KHIÊM Gửi ngày 10/12/2021
- YẾU TỐ CAO ĐÀI TRONG CÁC TÔN GIÁO ĐÔNG TÂY Gửi ngày 25/03/2022
- THU MOI HOI THAO Gửi ngày 04/08/2024
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO LẦN 12 CÁC HỘI THÁNH và CÁC TỔ ... Gửi ngày 24/03/2019
- CAO ĐÀI VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN RA THẾ GIỚI Gửi ngày 28/12/2021
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO 10 CÁC HỘI THÁNH & TỔ CHỨC TRONG ... Gửi ngày 19/05/2017
- Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham ... Gửi ngày 11/08/2014
- Các hoat động gần đây của Tổ chức LG Gửi ngày 08/09/2014
- Chớ để bản năng nổi dậy (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu) Gửi ngày 11/08/2014
- Thông tin BTG Chính Phủ Gửi ngày 25/03/2022
- Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao Đài Gửi ngày 25/09/2022
NHÂN SINH QUAN ỨNG DỤNG
Gửi ngày 20/02/2017
Thiện Chí
I. KHÁI NIỆM CĂN BẢN
Vũ trụ quan Cao Đài đã cho một khái niệm bao hàm nguồn gốc và cùng đích con người. Con người là tiểu vũ trụ có cùng một bản thể với đại vũ trụ và được sinh thành bởi cùng một nguyên nhân đầu tiên của toàn vũ trụ. Cuộc sống của con người là công cuộc hoàn thành những nấc thang tiến hóa cao nhất của vạn vật. Nhưng trong chiều kích của vũ trụ, chính con người còn phải nhằm mục tiêu tiến hóa tối hậu là sự hòa hợp của Tiểu Linh Quang (TLQ) vào Ðại Linh Quang (ĐLQ).
Nêu lên quan điểm về nhân sinh ở giữa nguồn gốc (ĐLQ> TLQ > Nhân sinh) và cùng đích con người (Nhân sinh > Tiến hóa về ĐLQ) như thế là Nhân sinh quan Cao Ðài gồm có:
- Quan niệm về công dụng cõi đời.
- Quan niệm về nghĩa vụ làm người.
- Quan niệm về lý tưởng cuộc sống loài người.
1. Quan niệm về công dụng cõi đời.
Ðức Chí Tôn dạy: “Con người đã sẵn có cái Thiên tánh đặc biệt của Trời ban phú cho từ lúc mới đi đầu thai, rồi xuống thế gian này lại cần phải mượn lấy xác phàm mà kinh nghiệm mọi lẽ của cõi trần để cho lần lần trở nên uyên bác, hầu tấn hóa mãi trên con đường đạo đức vậy. Vẫn biết thế gian là bể khổ sông mê, nhưng chính thế gian là một chốn học đường của muôn loài vạn vật. Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang tiến hóa, sáng suốt tinh thần để tấn bộ trên nấc thang cao thượng.” [1]
“Một trường thử Thần Thánh Tiên Phật, vì vậy mà phải nơi thế gian này... Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đặng đến cực lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi.” [2]
2. Quan niệm về nghĩa vụ làm người.
Ðức Chí Tôn dạy:
“Làm người cần phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt, minh mẫn, mới biết lẽ dữ điều lành, mới tường đường quấy sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình. Chớ nếu không học hỏi thì điểm TLQ phải trở nên mê muội mà người cam dốt nát ngu hèn.” [3]
- Làm người phải xả thân giúp đời như Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo có viết:
Người xả thân mưu cầu lợi chúng,
Làm ích chung quốc chúng an hòa,
Giống nòi ta thể một Cha,
Thú cầm nhơn loại cũng bà con chung.
Người tâm chí vẫy vùng cơ hội,
Ðem đạo mầu dẫn lối chúng sanh,
Dạy đời dữ hóa nên lành,
Mở mang trí óc lập thành quốc gia.
Gieo tư tưởng cộng hòa đoàn thể,
Chỉ phương tu đoạt hóa Thánh Tiên,
Mỗi người có một tánh hiền,
Ấy là nước trị, nhà yên thái bình.
Ðó là những nghĩa vụ nhằm:
- Ích nước lợi dân.
- Hoàn thiện con người.
- Gieo tư tưởng thương yêu hòa hợp đại đồng trong cuộc sống thế giới hiện tại.
- Dẫn đường tu giải thoát cho tâm linh tiến hóa.
3. Quan niệm về lý tưởng của cuộc sống con người.
Cao Ðài giáo nêu một xã hội loài người lý tưởng là xã hội “Thánh đức” bao gồm đời sống an lạc, xây dựng trên tinh thần nhân bản và có hiệu năng tiến bộ.
Ðức Chí Tôn có dạy: “Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời thì Ðạo chưa thành vậy.”[4]
Như thế bằng chứng thực tiễn và trước tiên về thành quả của Ðạo chính là sự an lạc của cõi đời. Cao Ðài phải là một tôn giáo vị nhân sinh. Ðức Chí Tôn dạy:
“Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng đạo, mà hễ trọng đạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh.” [5]
Và Ðức Lý Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ cũng dạy:
“...Tôn giáo và chúng sanh là Một. Chúng sanh được hoàn thiện thì tôn giáo mới phát khởi nguồn Ðạo, nhược bằng chúng sanh sai lạc thì tôn giáo chịu suy đồi.” [6]
Tính chất thực tiễn của Nhân sinh quan Cao Ðài còn thấy rõ qua Thánh giáo sau đây của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát, Nhị Trấn Oai Nghiêm Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ,
“Giáo lý Cao Ðài không đi xa thực tế với đời sống con người thực tại. Sự mở Ðạo của Thượng Ðế là muốn cho tất cả nhơn sanh, dầu trong thời kỳ trả quả cũ, không gây nghiệp mới, mọi chỗ đều hướng thiện, ăn ở đối xử nhau cho phải tình phải nghĩa, phải đức phải nhân để trong cõi đời này có một xã hội đại đồng đạo đức.”
“Ðó là mục đích Thượng Ðế muốn cho loài người hiểu tận ý và hành tận sự, chớ giáo lý Cao Ðài không nhất thiết chỉ bảo người đời đi tìm hạnh phúc trong cõi hư vô vĩnh cửu, chốn niết bàn cực lạc trong khi thân sanh còn nghèo đói bệnh tật, dốt nát,kỳ thị, rẽ chia, người bóc lột người trong cảnh mạnh được yếu thua, bất công xã hội. Nếu phần thân sanh hiện hữu như thế, chắc gì phần tâm linh được mẫn tuệ siêu thoát đâu.” [7]
Tóm lại, Cao Ðài quan niệm Ðạo lập ra là để cứu rỗi nhơn sinh, nghĩa là Thượng Ðế mở ra con đường cho nhân loại trở về với Thượng Ðế.[8] Nhưng con đường ấy được mở đầu ở ngay tự thân con người và kết quả sẽ nhận được ngay trong cõi đời. Bởi vì, “Người sanh ra bởi Ðạo, thì Ðạo tức là người, thì người phải làm sáng cái Ðạo, tức là người phải ra NGƯỜI để tự cứu cánh và ảnh hưởng đến vạn vật.” [9]
Như thế, Nhân sinh quan Cao Ðài nhất trí với Vũ trụ quan Cao Ðài ở điểm nhân bản. Nhân bản là bản chất chơn ngã của con người. [10] Nhân bản là tình cảm thiêng liêng mà Thượng Ðế Chí Tôn đã dành cho mỗi con người [11] thể hiện ra bằng nhân tính hay là tình thương.
“Hiểu biết, hành động, phục vụ, phụng sự, mà không nằm trong Nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất cho xã hội. Nhân bản có sáng chói con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào, đời sống tâm linh cũng phải tựa vào Nhân Bản. Có như vậy, đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chỗ mông lung huyễn ngã.” [12]
II. NHÂN SINH QUAN CAO DÀI ỨNG DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG NGÀY NAY
Đề tài đặt vấn đề mối quan hệ giữa Nhân sinh quan Cao Đài và bối cảnh xã hội nhân loại ngày nay hay sự ứng phó của Nhân sinh quan này với các vấn nạn của đời sống mới.
Hướng giải quyết vấn đề:
1. Khẳng định những điểm căn bản của Nhân sinh quan Cao Đài.
Muốn ứng đối với các vấn nạn của thời đại, cần phải nêu bật những luận điểm phổ quát vừa có giá trị bất biến với không- thời gian vừa đối trị trực tiếp với các khủng hoảng của nhân loại thế giới.
- Nhiều người đã nêu lên luận điểm Nhân Bản và Nhân Hòa. Ai cũng nhìn nhận rằng đó là những điểm căn bản phổ quát. Nhưng vấn đề là nó sẽ đối trị với căn bệnh nào của thời đại và đối trị bằng cách nào. Người thời đại đang mất những giá trị nào thuộc về nhân bản và làm sao họ cảm nhận được nhân bản trong cuộc sống hằng ngày.
Nhân hòa là điều kiện của cuộc sống cộng đồng. Nhưng làm thế nào để thực hiện nhân hòa, trong khi có biết bao nguy cơ từ nội tâm đến ngoại cảnh luôn đe dọa phá vỡ nó. Có người nói phải có suy nghĩ ôn hòa. Đúng vậy, mọi hành động đều phát xuất từ tâm. Nhưng suy nghĩ trên cơ sở nào? Phải trên sự phân tích đối tượng và hiện tượng, nghĩa là phải nắm được nguyên nhân thực sự của mọi hiện tượng thì mới có thái độ ôn hòa được. Đó chỉ mới là một phương cách nhỏ. Thế nhân hòa còn tùy thuộc vào sự giác ngộ chơn lý của mỗi người, tức là tùy triết lý sống tức Nhân sinh quan của chủ thể và đối tượng. Nó không đơn giản là lối sống “dĩ hòa vi quý” mà là một Nhân sinh quan ứng dụng Vũ trụ quan, là một sự xác định giá trị con người giữa cuộc tiến hóa miên tục của vũ trụ.
- Có đạo hữu đề xuất triển khai Nhân sinh quan Cao Đài bằng phương môn “Nho tông chuyển thế”, nghĩa là thực hành đạo nhập thế của Nho tông bằng quá trình phát triển tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Vậy là lấy cá thể mỗi con người làm trung tâm hoàn thiện và lấy cộng đồng thi hành nghĩa vụ làm người, làm lý tưởng cho con người xã hội.
Thế là chiều kích của con người trong đời sống thực tiễn được mở rộng thành cuộc nhân sinh mà đức Nhân làm gốc, đức Trí làm sự tiến bộ; Nghĩa, Lễ, Tín làm sự quân bình.
2. Xác minh quan điểm sống đạo
- Cần xác minh ngay quan điểm sống đạo tức là sống đời một cách tích cực. Đó là quan điểm nhập thế của Nhân sinh quan Cao Đài. Tức là chấp nhận cuộc đời và sống một đời sống có ý nghĩa và hơn nữa, sống lạc quan.
- Chúng ta cũng đồng tình với một chương trình sống đạo có định hướng. Tức là cố gắng sắp xếp đường đi và mức đến của đời mình. Sống có định hướng là sống có ý thức hoàn toàn về cách sống có mục tiêu, có tự chủ, có quyết tâm phấn đấu để vươn lên, không để cuộc đời xô dạt về nơi vô định.
- Và khẳng định cái “Đạo” trong cuộc sống là phát huy được giá trị tinh thần, tức là sự tiến hóa tâm linh. Bởi vì nó là giá trị vĩnh cửu lồng trong những giá trị tương đối. Tuy nhiên lẽ đạo hay lẽ sống không bao giờ triển chuyển theo hướng cực đoan mà luôn luôn quân bình không chấp trước ta người hay tâm vật.
- Nhưng tiến hóa tâm linh không phải là duy tâm bảo thủ. Ngược lại sống đạo phải rất tiến bộ và đại đồng hợp nhất.
Vậy nên, bên cạnh chiều sâu của giá trị tâm linh, sự sống đạo đòi hỏi chiều rộng của trí năng để đủ sức phụng sự, hiến dâng cho nhân sanh, cho lý tưởng cứu độ. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo có dạy: “Giá trị trí năng phải luôn tiến kịp với thời đại thì mới dẫn dắt và lèo lái thời đại được [13] Tóm lại Sống đạo là sống đời với một ý thức sứ mạng vi nhân rốt ráo.
- Sau cùng, cần xác định thêm rằng, đối với quan điểm giáo lý Đại Đạo, sống Đạo không chỉ nhằm giải quyết cuộc sống thế gian mà là tiền đề của cái sống xuất thế gian. Nên có thể nói sống đạo là phép giải của bài toán: Con người tự thân + Con người xã hội + con người lý tưởng. Con người lý tưởng trong Đại Đạo là con người có chiều kích vũ trụ, con người “Thiên nhân hiệp nhứt”, con người muôn thuở muôn phương cùng Trời là Một.
3. Để chuẩn bị cho nếp sống đạo như một ứng dụng của Nhân sinh quan Cao Đài như trên, đường lối giáo dục trí năng và giáo dục đạo đức phải đặt trên căn bản TỰ CHỦ SÁNG TẠO và NHÂN BẢN.
a. Nền giáo dục tự do khai phóng sẽ giúp cho con người phát huy được tiềm năng tự hữu, mới tiến hóa thật sự và đưa nhân loại lên nấc thang tiến hóa. Ngược lại là gò ép con người như nhai đi nhai lại những sản phẩm cũ kỹ của thế hệ trước một cách vô ý thức như chiếc máy ghi âm hay thu hình.
b. Nền giáo dục Nhân bản là nền giáo dục đào tạo con người, dạy làm người chứ không phải chỉ đào tạo một công cụ sản xuất. Thiếu giá trị nhân bản, con người không tìm thấy hạnh phúc giữa bao phương tiện vật chất hiện đại. Giáo dục chỉ đào tạo trí năng mà không đào tạo đức năng, không xây dựng được con người toàn diện thì không có Nhân sinh quan Cao Đài đúng nghĩa.
c. Thế là trên chiều kích thế gian thực tiễn, đời sống con người là một thành phần của tổng thể sinh hoạt cộng đồng. Nhưng giá trị Nhân bản của mối tương quan tâm huyết giữa con người với gia tộc và dân tộc là sự hội tụ của truyền thống lâu đời, đã trở nên một mảng quan trọng trong cấu trúc đời sống con người bao gồm văn hóa- luân lý- tình cảm và nghĩa vụ, đóng góp vào sự nghiệp nhân loại những bản sắc muôn màu muôn vẻ, là tinh hoa nhiều đời của trăm ngàn thế hệ.
Vậy có thể nói Nhân sinh quan Cao Đài vừa có chiều sâu tâm linh, chiều rộng thế gian, vừa có đỉnh cao tiến hóa, vừa có chiều dài lịch sử.
Để kết luận, có thể nhận định rằng:
Đứng trước hiện trạng phá sản những giá trị con người. Trước những phân hóa cùng cực của cộng đồng xã hội, cộng đồng nhân loại. Trước sự mai một niềm tin nơi cứu cánh cao đẹp đánh mất đức tin nơi Thượng Đế.
Nhân sinh quan Cao Đài vẫn có những giá trị phổ quát để bảo vệ nhân vị, trọn tin nơi nhân năng và triển khai một cuộc sống nhân bản tiến bộ và tiến hóa không ngừng.
Nhân sinh quan Cao Đài luôn đánh thức sự hiện hữu của mỗi cá thể con người, để sống là sống đạo, sống cho sứ mạng vi nhân mà cũng chính là cho sự thăng tiến của chính mình.
Nhân sinh quan Cao Đài quy chiếu vào con người tự thân- con người cộng đồng và con người lý tưởng.
Nhân sinh quan Cao Đài đòi hỏi giá trị vong ngã, giá trị hiệp nhứt, giá trị tâm linh. Tất cả sẽ xuất phát từ chiều sâu Nhân bản và triển khai bằng Thế Nhân Hòa mà vẫn luôn luôn tiến bộ ứng phó kịp thời với mọi vấn nạn của thời đại.
III. NHO TÔNG VÀ NHÂN SINH QUAN
NHO TÔNG | CƯƠNG LĨNH | DUỄN GIẢI RA XÃ HỘI | |
I |
Minh minh đức Chí thiện |
Phục hồi nhân bản (xây dựng con người chính danh). |
Phát triển văn hóa- Phát huy giá trị nhân văn trong mọi lĩnh vực- Đào tạo, giáo dục toàn diện. |
II |
Tân dân Trung thứ [14] |
Tạo thế nhân hòa (nhân bản- an lạc-tiến bộ) Xã hội đại đồng. |
- Xây dựng xã hội đạo đức văn minh. - Hợp tác, tương trợ giữa các cộng đồng và các dân tộc. |
III | Trung dung (Trung đạo} |
Tâm vật bình hành (Cải thiện nhân sinh- Tiến hóa tâm linh). |
Quân bình đời sống vật chất- đời sống tinh thần & sinh hoạt tâm linh. |
[1]Ðại Thừa Chơn Giáo, 1950, tr.154.
[2]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, tr.34.
[3]Ðại Thừa Chơn Giáo, 1950, tr.154.
[4]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, tr.105.
[5]Sđd, tr.94.
[6]Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển 1, 1963, tr.116.
[7]Vĩnh Nguyên Tự, 03-01 Giáp Dần (25-01-1974).
[8]“Thượng Ðế Chí Tôn đã mở con đường cho nhân loại trở về với Thượng Ðế: Con người cho thiệt con người.” (Ðức Lê Ðại Tiên, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý-Quý Sửu 1972-1973, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.34).
[9]Ðức Lê Ðại Tiên, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý-Quý Sửu 1972-1973, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.34.
[9]Ðức Lê Ðại Tiên, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý-Quý Sửu 1972-1973, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.34.
[10]Ðức Lê Ðại Tiên, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất-Tân Hợi 1970-1971, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr.36
[11]Sđd, tr.33.
[11]Sđd, tr.33.
[12]Sđd, tr.32.
[13]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-02 Ất Mão (26-3-1975).
[14]Trung thứ vi Đạo bất viễn. Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân” (TD. 13): “Trung thứ” chẳng cách xa Đạo (Đạo Trung Dung); “Trung thứ” chính là suy lòng ta ra lòng người, “Điều gì thực hiện cho bản thân mình mà mình không muốn, chớ đem việc ấy làm cho người.”
Trung thứ:
- Trung 忠: lòng không thiên lệch (中: “bất thiên chi vị trung”, không thiên lệch đó là “trung”. Thêm chữ “tâm” 心thành chữ “trung” 忠là tâm không thiên lệch).
- Thứ 恕: gồm chữ “như”如và chữ “tâm” 心: là tâm giữ mức bình đẳng, hai bên đều như nhau, TA cũng như NGƯỜI, suy lòng ta ra (giống như) lòng người, suy lòng người ra (giống như) lòng ta; việc gì ta không muốn, chớ gia vào người, việc gì ta muốn cho mình thì cũng nghĩ cho người như thế để làm cho người. Trong sách Luận Ngữ, cư sĩ Đoàn Trung Còn giải thích “Thứ nghĩa là mình thương tưởng người như thương tưởng mình.” Như vậy hai chữ Trung 忠Thứ 恕có nghĩa là hết lòng vì người như vì mình, “không thiên lệch”. Đây cũng chính là tâm không phân biệt. (Tình yêu trong Khổng giáo: http://www.trovebenxua.com/page53#note_3_4).
Trung thứ:
- Trung 忠: lòng không thiên lệch (中: “bất thiên chi vị trung”, không thiên lệch đó là “trung”. Thêm chữ “tâm” 心thành chữ “trung” 忠là tâm không thiên lệch).
- Thứ 恕: gồm chữ “như”如và chữ “tâm” 心: là tâm giữ mức bình đẳng, hai bên đều như nhau, TA cũng như NGƯỜI, suy lòng ta ra (giống như) lòng người, suy lòng người ra (giống như) lòng ta; việc gì ta không muốn, chớ gia vào người, việc gì ta muốn cho mình thì cũng nghĩ cho người như thế để làm cho người. Trong sách Luận Ngữ, cư sĩ Đoàn Trung Còn giải thích “Thứ nghĩa là mình thương tưởng người như thương tưởng mình.” Như vậy hai chữ Trung 忠Thứ 恕có nghĩa là hết lòng vì người như vì mình, “không thiên lệch”. Đây cũng chính là tâm không phân biệt. (Tình yêu trong Khổng giáo: http://www.trovebenxua.com/page53#note_3_4).