NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Gửi ngày 12/11/2018
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
 
 
 
 
ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
 
Hồng Phúc
         
         
Cách đây hơn 80 năm, một nền tôn giáo mới đã được khai sinh trên đất nước VN với tên gọi Cao Đài hay ĐĐTKPĐ. Từ đó đến nay, khi nói đến đạo Cao Đài thì người ta liên tưởng đến danh xưng ĐĐTKPĐ, hay ngược lại. Tuy nhiên, nếu đạo Cao Đài ra đời chỉ để thêm vào những tôn giáo có sẵn một nền tôn giáo với những quy điều giới luật dạy con người làm lành lánh dữ, thì tại sao phải có thêm danh xưng ĐĐTKPĐ.  Vậy thì:
 
I-THẾ NÀO LÀ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ?
 
  • Đại Đạo: là con đường đi của Đạo:
 
ĐẠO: là năng lực vĩ đại đã tạo hoá ra càn khôn vũ trụ muôn loài.  Đạo cũng chính là năng lực điều phối sự vận hành không ngưng nghỉ của vạn hữu từ phóng phát đến qui nguyên.  Kinh Dịch của Khổng giáo gọi năng lực này là Thái Cực, và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ  gọi là khối Đại Linh Quang theo tính cách vô ngã và Đức Chí Tôn Thượng Đế theo tính cách hữu ngã. Đạo hiện hữu trong vật chất từ vật lớn nhất đến vật nhỏ nhất. Đức Lão Tử đã diễn tả Đạo: “Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu” có nghĩa : “lúc không tên, nó là gốc của Trời Đất; lúc có tên, nó là Mẹ của muôn loài”.
 
Thánh giáo Cao Đài định nghĩa:“Đạo là hư vô chi khí, Đạo rất mầu nhiệm sâu kín cao siêu. Trước khi chưa có trời đất, đã có Đạo. Vậy Đạo đã tạo dựng nên càn khôn vũ trụ, hóa sanh vạn vật muôn loài. Muôn loài vạn vật phải thọ bẩm khí hư vô mà sanh hóa mãi mãi.” [1]
 
Khi nói đến chữ “Đạo” con người thường liên tưởng đến chùa thất, am tự, thánh đường , hoặc nghĩ đến việc tu hành, phế đời hành đạo, áo bả nâu sòng, vào chùa gõ mõ tụng kinh…., nhưng phải hiểu, đó là chữ “đạo” trong tiếng Việt có nghĩa là tôn giáo. Theo Cao Đài: “Đạo là vô vi vô hình, còn tôn giáo là cái cửa. Mỗi người muốn thành Phật Tiên phải chun qua cái cửa ấy mà vô trong mới tới Đạo” [2]
 
Như vậy,“Đạo” vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chỉ duy nhứt có một, không có lớn  nhỏ, phân biệt, nên không thể có chữ “Đại”. Do đó, hiểu “Đại Đạo” theo từ nguyên nghĩa là “con đường lớn”, có thể hình dung Đại Đạo là con đường đi của Đạo, dẫn Đạo đến khắp cùng vạn hữu, và vì vậy tạm dùng chữ “Đại” để diễn tả sự lớn rộng vô cùng đó. Có thể nói,ĐẠO là Thể, ĐẠI ĐẠO là  Dụng của Đạo,  tiêu biểu sự vận hành của Đạo.
                    
          Tuy nhiên, Thể và Dụng cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề: Đạo, bởi vì: “Đạo là vô vi mà hữu tác, Đạo có động mà có tịnh; để dưỡng dục chúng sanh và lưu hành trong càn khôn vũ trụ. Cùng trong một ‘LÝ’, một ‘KHÍ’ mà Đạo tạo thành nghìn giống muôn vẻ. Đạo lại lúc ẩn hồi bày, cứ biến hóa đổi thay, thật là toàn năng và cơ mầu nhiệm.” [3]
 
          Qua Thánh giáo Cao Đài, có thể định nghĩa: Đại Đạo là con đường rộng lớn xuyên suốt từ vô thỉ đến vô chung nối liền Trời với vạn hữu  theo hai chiều : phóng phát và qui nguyên. Chiều phóng phát từ ngôi Thái Cực hay nói theo thuật ngữ Cao Đài là khối Đại Linh Quang phân tán ra tạo thành muôn loài vạn hữu kể từ thời điểm bắt đầu hình thành vũ trụ và tiếp tục cho đến khi kết thúc tại một thời điểm gọi là “châu nhi phục thỉ”. Chiều qui nguyên là chiều vạn hữu quay về điểm xuất phát ban đầu tức ngôi Thái Cực mà nói theo Cao Đài là sự trở về với khối Đại Linh Quang của các Tiểu Linh Quang đã tiến hóa đến giai đoạn làm Người . Có nghĩa là sự qui nguyên chỉ có thể thực hiện tại kiếp làm người, và qui nguyên chính là sự tiến hóa của con người bước lên nấc thang vượt khỏi thế giới hữu hình, tức là làm Thần,Thánh, Tiên , Phật.
          “Đại Đạo là con đường lớn thẳng tắp từ thiên thượng đến thiên hạ, từ bến khởi nguyên cho đến lúc hoàn nguyên, mà những ngõ rẽ là những sự luân động theo luật tắc bảo tồn hay đào thải cho những chu kỳ trên Đại Đạo.” [4]
 
2-Ýnghĩa “Đại Đạo” trong danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.-
         
          Theo quan điểm Cao Đài, các tôn giáo ngày nay mặc dù cũng có nguồn gốc khai sinh từ Thượng Đế, nhưng do bởi trải qua mấy ngàn năm lịch sử, bị con người đem lòng tư dục canh cải cho nên không còn bản chất nguyên sơ với đầy đủ chất lượng, tiêu chuẩn mà các vị Giáo Tổ đã truyền trao lúc đầu để dẫn dắt con người tìm thấy con đường bao la nối liền Trời và vạn hữu hầu đạt Đạo. Trong khi đó, chu kỳ vũ trụ đã sắp giáp mối tuần hoàn, kết thúc một qui trình tiến hóa của vạn hữu, con người sẽ không còn thời gian để thực hiện cuộc tiến hóa theo cách tuần tự tự nhiên như đã nói trên, cho nên Đức Thượng Đế đích thân xuống trần với danh xưng “Cao Đài Tiên Ông” lập nên một đại cuộc cứu rỗi có tên gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để dẫn dắt con người đi theo một con đường tắt : “Tam Giáo Qui Nguyên-Ngũ Chi Phục Nhất” để các Tiểu Linh Quang rút ngắn con đường tiến hóa, kịp quay về hoàn tất sứ mạng như lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư : “Từ cõi thượng thiên, chơn linh được xuống đến cõi hồng trần, trên quảng đường dài bao nhiêu lớp, nhưng cứ tuần tự phản bổn hoàn nguyên trên quảng đường ấy rồi một thời gian cũng sẽ đến. Tuy nhiên, cũng có lối đi tắt trong Tam Kỳ Phổ Độ để cho các hàng hướng đạo, các bậc chân tu sớm giác ngộ trì chí hy sinh can đảm để đi về ngõ tắt ấy, mà ngõ tắt ấy chính là dụng cụ bén nhạy để nhận chân phân tích tính chất của sự hư thiệt chơn giả thiện ác.(…) Hỡi những ai muốn rút ngắn quảng đường tiến hóa để đi về ngõ tắt, phải thực thà trì chí, kiên tâm, hi sinh, đại lượng, phá chấp, đừng dối lòng, để sớm trùng hoan cùng các Đấng trong thú tiêu dao non bồng nước nhược.” [5]
 
          Có thể nói Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một thực thể, một mô hình mà Đức Thượng Đế sắp bày để thể hiện trong cõi hữu hình toàn bộ cơ cấu hoạt động của thế giới vô vi đang tác động lên vạn hữu mà cụ thể là thế giới loài người, để trả lời  câu hỏi của nhân loại đã được nêu lên tự ngàn xưa:Con người  là ai? Từ đâu tới? Tới đây để làm gì? Rồi sẽ đi về đâu?. Chính vì vậy mà công cuộc cứu rỗi  của Đức Thượng Đế có tên gọi  là “ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” với hai chữ “Đại Đạo” vẫn hàm chứa ý nghĩa “con đường rộng lớn” nối liền hai thế giới Hữu-Vô từ buổi khai Thiên lập Địa, nhưng được triển khai thêm những ý nghĩa cụ thể, chi tiết mang tính hữu hình mà con người có thể hiểu và thực hành.
 
          Trong tinh thần đó, có thể định nghĩa: “Đại Đạo” trong danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là “con đường rộng lớn” mà Đức Cao Đài Tiên Ông khai mở trong Kỳ Ba theo đúng mô hình “Đại Đạo” có sẵn trong vũ trụ càn khôn để con người theo đó, vận dụng thực hành thoát ra khỏi những bế tắt của đời sống nhân sinh trong giai đoạn mà sự mất quân bình giữa trí năng và đạo đức đã lên đến cực điểm gây nhiều tai họa cho thế giới loài người,  đồng thời cũng là con đường tiến hóa mà linh hồn con người nương theo để tìm về với cội nguồn cho kịp tiến trình qui nguyên, kết thúc chu kỳ tuần hoàn vũ trụ.
 
          Như vậy theo Cao Đài giáo, “Đại Đạo”      trong danh xưng ĐĐTKPĐ cũng là con đường rộng lớn được chính Đức Thượng Đế mở ra trong kỳ phổ độ lần thứ ba nối liền giữa người với người để tạo nên một xã hội đại đồng Thánh đức; con đường đó cũng nối liền các tôn giáo với nhau để cùng quy về điểm chung nhất trên cơ sở “Vạn giáo đồng nhứt lý” để con người không còn sự phân biệt tôn giáo này hay tôn giáo nọ mà nhận đúng bản chất tôn giáo là phương tiện để từ đó tâm linh con người được soi sáng, giúp con người tìm thấy con đường giải thoát theo đúng tiến trình tiến hóa của vũ trụ. Trong ý nghĩa đó, Đại Đạo chính là tinh thần phá chấp mà ĐĐTKPĐ của Đức Cao Đài đã nêu : “Cao Đài không phải Cao Đài , chính thị Cao Đài”
 
Như vậy, giữa “ĐẠI ĐẠO” VÀ “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ”, tuy vẫn là “con đường dẫn về với Đạo, nhưng có sự khác biệt có thể hình dung: nếu “Đại Đạo” là con đường rộng lớn xuyên suốt mọi không gian và thời gian cho vạn hữu tự do ra đi và trở về theo một qui luật tiến hóa, thì “Đại Đạo” trong Tam Kỳ Phổ Độ, là con đường tắt thu ngắn tiến trình tiến hóa của con người trên chặng quay về không qua các giai đoạn cởi bỏ các lớp áo để vượt qua các nấc thang trong Ngũ chi Đại Đạo theo “con đường Đại Đạo truyền thống”, nhưng rồi cũng nối với “Đại Đạo” dẫn về ngôi Thái Cực.“Con đường tắt” đó đặc biệt chỉ dành cho những Tiểu Linh Quang đã tiến hóa đến giai đoạn làm người, và để có thể theo con đường đó trở về, con người cũng phải tuân theo những qui luật đặc biệt mà Đức Thượng Đế đã đặt riêng cho “Tam Kỳ Phổ Độ”. Những qui luật đó không đi ra ngoài chân lý mà con người đã từng chứng nghiệm qua các tôn giáo ra đời trong Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ theo con đường Tam Giáo Đạo dẫn về Đại Đạo. Tuy nhiên, như đã nói, để bỏ qua các tầng lớp tiến hóa của Ngũ chi Đại Đạo, đi thẳng đến Đạo, gọi là “Ngũ Chi Phục Nhứt”, thì phải đi theo một lộ trình đặc biệt,  đó là con đường “Tam Giáo Quy Nguyên”.
 
 Nói rõ hơn, theo Thánh giáo Cao Đài, một cội “Đại Đạo”, sanh ba nhánh in nhau  là “Tam Giáo Đạo” để làm chiếc cầu nối liền “Hậu thiên và Tiên thiên” được hữu hình hóa bằng các hình thể tôn giáo ra đời trong thế giới loài người ở những thời kỳ khác nhau mà điển hình vẫn còn tồn tại là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, cung cấp cho con người phương cách tu hành để linh hồn con người bước qua ngưỡng cửa siêu xuất thế gian, vào cõi thượng thiên vô hình rồi lần theo trở về điểm xuất phát là ngôi Thái Cực theo những trình tự tiến hóa: Nhơn Đạo,Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Nay ở vào thời Tam kỳ Phổ độ, “chiếc cầu Đại Đạo” đó đã được Đức Cao Đài nối dài vào ngay cõi thế gian hình thành một nền tôn giáo có tên “Cao Đài giáo” tổng hợp tinh hoa của ba nền tôn giáo Nho –Thích –Lão, vốn cũng từ Ngài khai sáng gián tiếp qua các vị Giáo Tổ là con người nơi thế gian , để con người áp dụng mà đi thẳng trở về “Đại Đạo”.
 
Thầy đã xác nhận trong đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự:
“ Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ong Đại Bồ Tát Ma Ha    Tát Giáo Đạo Nam Phương.
Nhiên Đăng Cổ Phật thị ngã. (Nhiên Đăng Cổ Phật là Ta)
Thích Ca Mâu Ni thị ngã.  (Thích Ca Mâu Ni là Ta)
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị ngã.  (Thái Thượng Ngươn Thỉ là Ta)
Kim Viết Cao Đài” [6]. (Nay gọi là Cao Đài)
 
Có thể ví, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo….như là những bài giảng dài, rồi trải qua thời gian , con người sử dụng đã không còn giữ được sự chính xác, cho nên bị giảm tính hiệu quả . Nay Đức Cao Đài nhắc lại và muốn cho con người dễ hiểu, dễ hành, Ngài đã tóm tắt những điều chính yếu của bài giảng là những điều cần thiết, đủ để con người làm theo trong một thời gian ngắn nhất đạt được hiệu quả tích cực cao nhất là giải thoát về cả hai mặt nhân sinh và tâm linh.
 
Mặt khác, “theo qui luật “hữu hình hữu hoại”, không có gì tồn tại vĩnh viễn trong thế giới nhị nguyên này, các tôn giáo đã được khai mở trong các thời kỳ lịch sử nhân loại, rồi cũng phải có lúc kết thúc sứ mạng của nó theo qui luật đào thải diễn tiến trong cõi hữu giới. Tam kỳ Phổ độ, theo giáo lý Cao Đài, chính là thời kỳ chuẩn bị một sự chấm hết của toàn thể vũ trụ để tái tạo một chu kỳ mới, và dĩ nhiên vai trò của các tôn giáo cũng sẽ không còn, cho nên “Tam Giáo Qui Nguyên” cũng nằm trong qui luật tự nhiên của vũ trụ.
 
Từ ý nghĩa đó, hình thức tôn giáo Cao Đài được chính Đức Thượng Đế sử dụng trong ĐĐTKPĐ với chủ trương “Đại ân xá” hướng đến sự cứu độ tất cả mọi người trên quả địa cầu này, không những chỉ về khía cạnh tâm linh, tức là sự cứu rỗi linh hồn, mà còn nhằm cứu giúp con người về mặt nhân sinh tức là chỉ ra cho con người phương hướng để ổn định mọi mặt cuộc sống trong phạm vi toàn nhân loại mà suy cho cùng hiện đang bị đắm chìm trong khổ đau từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung cũng không ra ngoài sự tranh chấp quyền lợi từ vật chất cho đến tinh thần giữa cá nhân với cá nhân, giữa quốc gia với quốc gia, giữa tôn giáo với tôn giáo…mà nếu con người vẫn tiếp tục, sẽ đưa nhân loại đến chỗ diệt vong. Và đó chính là cứu cánh mà tôn giáo Cao Đài đã nhắm đến là “ Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo Giải Thóat”.
 
II- ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.-
         
A-VỀ HÌNH THỨC.-
1-Thượng Đế trực tiếp khai minh và làm Giáo Chủ đạo CĐ
 
ĐĐTKPĐ do chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế khai mở trong kỷ
nguyên tận độ  có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi vì Ngài trực tiếp nắm giữ chánh pháp, không phó thác việc lập giáo cho các sứ giả của Ngài như trong Nhứt và Nhị Kỳ phổ độ, thay mặt Ngài cứu rỗi nhân loại trong phạm vi lãnh thổ nào đó, với một giống dân nào đó. Ngày nay, thời mạt kiếp, Ngài giáng trần mở Đạo bằng phương pháp thông công qua trung gian đồng tử, để tránh cho tôn giáo sự lệ thuộc trong hình hài của một dân tộc thuộc khối này hay khối kia để rồi sẽ lại đi vào vết xe tranh chấp, phân chia, kỳ thị như lời dạy của Đức Thượng Đế ngay những buổi đầu đến trần gian lập Đạo:
 
“…trước Thầy lại giao chánh- giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-giáo mà làm ra cuộc phàm-giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân-loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh-giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải tập chánh-thể, có lớn nhỏ đặng để thế cho các con dìu-dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng-Đảo.” [7]
 
Đức Di Lạc Thiên Tôn đã dạy:
“Ngày nay, cuối đường Hạ nguơn mạt kiếp, nhân sinh đã theo thời gian luân chuyển vào luật đào thải và bảo tồn. Hiện tình nhân loại ngày nay đã tiến hóa rất nhiều trên phương diện lý trí, những khối óc tinh xảo, hầu hết đặt ước vọng vào công cuộc tầm thiên quật địa khuynh đảo sơn hà. Vì vậy mà Đức Thượng Đế không giao chánh pháp cho tay phàm nắm giữ. Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế chính mình giáng trần chọn lựa nguyên nhân thánh thiện trao gởi quyền pháp để phổ độ toàn linh xiển dương chánh pháp cho Đại Đạo lập thành, thế giới mới hòa bình, càn khôn mới an tịnh.” [8]
 
Ngài lại dạy:
“Hỡi chư môn đồ! Thời mạt pháp Đức Đại Từ Phụ không giao chánh pháp cho tay phàm. Tất cả những bộ óc lý trí khôn ngoan của loài người có thể làm rung chuyển hoàn cầu thế giới, có thể vượt khỏi không gian và theo dõi thời gian, nhưng chưa có thể nào xứng đáng để nắm được chánh pháp của Đức Chí Tôn hầu cứu rỗi muôn loài. Chính mình Thượng Đế Chí Tôn giá lâm tại cõi hồng trần để giáo Đạo, thử hỏi còn đại phúc nào bằng trong kỳ đại ân xá ở trần gian.”   [9]
 
Khi dạy về Tân Luật áp dụng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn có cho biết là phải “chỉnh đốn điều luật cho oai nghi đặng vạn quốc hưởng nhờ bảy chục muôn năm đó” [10]. Thầy đã khải thị đạo Cao Đài sẽ phổ độ trong thất ức niên (700.000 năm). Vì thế, chánh pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ phải do chính Đức Chí Tôn trực tiếp nắm giữ.
 
          2-Dùng cơ bút làm phương tiện lập giáo và dạy Đạo:
          Đức Chí Tôn lâm phàm mở Đạo trong cơ phổ độ Kỳ Ba,  nhưng Ngài là Đấng Vô Hình, Ngài không thể trực tiếp dạy Đạo như các vị Giáo Tổ thời xưa, nên phải nhờ phương tiện cơ bút, tức qua trung gian đồng tử để ban truyền những lời Thánh giáo với những điều kiện căn bản mà Ngài đã dạy ngay từ khi mới khai Đạo:
v“ Thủ cơ hay là chấp bút phải để cho thần, tâm, tịnh mới xuất Chơn Thần ra khỏi phách, đặng đến hầu Thầy nghe dạy. Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn Thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy … …
Như chấp cơ mà mê, thì Chơn Thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo; Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra ngoài. Nói tên chữ trật, nó nghe đặng không chịu: Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.
Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho Thần con bất định một lát, cho Thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết, ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn Khôn, tinh thông vạn vật đặng.
Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng tắm gội cho tinh khiết; rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chẳng nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ phải để ý thanh bạch không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tấn mà xuất ngoại xác đến hầu dạy việc. Phải có một chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm huyền dịệu; phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn; phải tập tánh chí Thánh, Tiên, Phật mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh.
Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng Soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường … Vậy khi nào chấp cơ phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành.” [11]
Đây là một đặc điểm trong ĐĐTKPĐ được nhận định là ngày nào đạo Cao Đài còn là cơ bút còn. Tuy nhiên, Đức Chí Tôn cũng đã từng khẳng định: 
 “Thầy có tiên tri rằng: Cơ bút là tối nhiệm mầu, Thầy cậy huyền diệu nầy mà trực tiếp dạy dỗ các con để dễ bề phổ thông Chơn Đạo. Than ôi! Thầy biết rằng: Trao cho các con món cơ bút, khác nào trao cho vạn loại một con dao rất bén! Nếu chúng sanh biết là một lợi khí thì sẽ giành giựt nhau cũng chết, còn chúng sanh cho đó là một vật vô dụng cũng sẽ lầm mà đứt tay. Bởi thế bao giờ Thầy cũng nắm chắc phần lưỡi, nào dám trao trọn quyền cho các con …… Thầy có tiên tri rằng: “Sau một thời gian truyền Đạo nơi ấy, Thầy sẽ bế cơ”.  [12]
         
3-Tổ chức Hội Thánh.
 
Để được người đời công nhận một nền tôn giáo, việc lập giáo phải được thể chế hóa bởi một đoàn thể đặc biệt được gọi là Hội Thánh hay Giáo hội. Trong cơ cứu thế Kỳ ba, việc hình thành Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng không là ngọai lệ. Tuy nhiên, so với Hội Thánh của tất cả các nền đạo đã từng hiện diện trên thế gian này, thì Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có một điểm rất mới mẻ, đặc trưng cho cơ cứu thế kỳ ba: Thượng Đế, các Đấng Thiêng Liêng, và con người đều cùng là những thành viên ở những thứ bậc khác nhau trong cùng một Hội Thánh; nhân loại và các Đấng Thiêng Liêng vừa là anh em trong cùng một đại gia đình của vũ trụ vạn vật mà Thượng Đế là người Cha duy nhất, lại vừa là đồng đạo trong cùng một đại giáo hội của Trời Đất mà Thượng Đế là vị Giáo Tổ duy nhất.
 
Về tổng thể, nền tổ chức của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Đức Thượng Đế xây dựng theo một cấu trúc – được gọi là Tam Đài – bao gồm ba hệ thống tổ chức: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, và Cửu Trùng Đài, theo qui luật cấu tạo vũ trụ và con người gồm đủ Tinh ( Cửu Trùng Đài), Khí (Hiệp Thiên Đài), Thần(Bát Quái Đài) được các Đấng Thiêng Liêng gọi là “Thánh Thể của Đức Chí Tôn”:
 
“Thánh Thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu  Trùng Đài. Ba đài hiệp thành một Thánh Thể chung. Thánh Thể hữu hình tượng trưng  cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong Càn Khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người thế gian đều chấp nhận cái hình thức Thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của  Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì Càn Khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận, thế giới an khương.”  [13]
 
  • Bát Quái Đài: gồm 3 ngôi:
-Thượng Đế: tâm linh vũ trụ càn khôn, là Chúa Tể Càn Khôn, và là Giáo Chủ Đại Đạo.
-Tòa Tam Giáo: chưởng quyền luật pháp Thiên điều, là hệ thống ngang của Tam Giáo Đạo gồm Tam Giáo Tổ Sư: Đức Lão Tử, Đức Thích Ca, và Đức Khổng Tử được Đức Thượng Đế chọn làm đại diện cho tất cả các bậc Giáo Tổ của vạn giáo khắp Đông Tây kim cổ trong Tam Giáo Đạo.
 
-Các Đấng Thiêng Liêng nơi Ngọc Hư Cung: điều hành Thiên cơ , đứng đầu là Tam Trấn Oai Nghiêm tượng trưng cho sự hiện diện của  Tam Giáo Đạo trong cơ cứu thế kỳ ba gồm :Đức Quan Am Bồ Tát, Đức Lý Thái Bạch Kim Tinh, và Đức Quan Thánh Đế Quân được Đức Thượng Đế chọn làm đại diện cho tất cả các Đấng Thiêng Liêng Tam Giáo Đạo đến thế gian trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Như vậy, Bát Quái Đài là nơi ngự trị của Thượng Đế và các Đấng Thiêng
 Liêng, là cơ quan thiết lập mối liên hệ giữa Thượng Đế và vạn vật, đồng thời là guồng máy vận hành tòan thể vũ trụ, thúc đẩy cơ tiến hóa của vạn vật, trong đó có mối liên hệ giữa Thượng Đế và con người. Đây chính là linh hồn của nền tổ chức Đại Đạo, có sứ mạng vận hành cơ cứu độ kỳ ba, dẫn dắt vạn linh trở về với cội nguồn nguyên thủy Đại Linh Quang. Toàn bộ giáo pháp của Đại Đạo đều là do Bát Quái Đài ban truyền.
 
  • Hiệp Thiên Đài: là cơ quan giữ phần thông công và bảo thủ luật pháp chơn

truyền của Đạo, được xem như là cơ quan tư pháp, có 3 quyền:

          -Pháp: do Hộ Pháp đứng đầu lo về luật Thiên điều và bí pháp
          -Đạo: do Thượng Phẩm đứng đầu lo về Đạo pháp, Tịnh thất
          -Thế: do Thượng Sanh đứng đầu, chịu trách nhiệm chăm sóc về Thế Đạo
         
Hiệp Thiên Đài có nghĩa là cái đàài để hiệp với Trời. Đó không phải là một cái đài hữu hình, nhưng lại là một tổ chức hữu thể, để nhân loại từ thế gian thông công với Thượng Đế, và Thượng Đế đến thế gian để giáo hóa nhân loại. Trong cơ cấu của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Hiệp Thiên Đài là bộ phận nắm giữ quyền pháp để vận hành hai chiều hướng của cơ cứu độ: chiều thứ nhất, đi từ Trời đến Người, và chiều thứ hai, đi từ Người trở về Trời.
 
Dựa trên nguyên tắc Thiên Nhân hiệp nhất, Hiệp Thiên Đài có hai chức năng:
+ Trực tiếp cầm quyền thiêng liêng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đó cũng là nơi Giáo Tông đến thông công với các Đấng Thiêng Liêng đang giáo hóa vạn linh trong các cõi để cầu siêu cho nhân loại. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy:
 
“Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền thiêng liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn.
(…)
Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục thập bát Địa cầu, Thập điện diêm cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại.” [14]
 
+  Chuyên trách về đạo pháp, bảo hộ cả luật đạo lẫn luật đời. Với vai trò làm gạch nối giữa một Bát Quái Đài vô vi và một Cửu Trùng Đài hữu tướng, Hiệp Thiên Đài có nhiệm vụ truyền bá giáo pháp cho Cửu Trùng Đài, và giữ gìn cho giáo pháp ấy khỏi bị canh cải.
 
“Cả giáo pháp, luật lệ của nền Đại Đạo do Bát Quái Đài truyền ra. Nhiệm vụ phàm trần của Hiệp Thiên Đài là truyền bá và gìn giữ chơn truyền cho khỏi bị canh cải ra phàm giáo.” [15]
 
Cả hai chức năng vừa nêu trên cùng có tác dụng thực hiện sứ mạng quyền pháp của Hiệp Thiên Đài. Chính nhờ Hiệp Thiên Đài thực hiện được sứ mạng này mà Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mới hiện hữu được trong thế gian hữu hình này bằng thực tướng, giáo pháp và giáo lý của mình: 
 
“Sở vật thực tại được tạo thành và biến sanh đều do quyền pháp. (…) Đạo Thầy cũng thế. Hiệp Thiên Đài nắm giữ quyền pháp. Nhờ đó là mà có Tòa Thánh, Hội Thánh, Thánh thất, Thánh tịnh, Tân Luật Pháp Chánh, và truyền lưu giáo lý Đại Đạo.” [16]
 
Như vậy, Hiệp Thiên Đài là cơ quan đặc trưng cho mối liên hệ giữa Thượng Đế và con người, là nơi để con người thông công cùng Thượng Đế qua cơ bút, cũng là nơi Thượng Đế giáng điển giáo hóa con người qua cơ bút.
 

·Cửu Trùng Đài

 
Cửu Trùng Đàicó nghĩa là chiếc đài có chín (09) tầng, đối ứng với Cửu Trùng Thiên, tượng trưng cho phần thể xác hay phần hữu hình của Thánh thể Thượng Đế tại thế gian.  Chín tầng trong Cửu Trùng Đài tượng trưng cho chín cấp độ tiến hóa của con người trên con đường phản bổn huờn nguyên trở về với Thượng Đế Đại Linh Quang. Cửu Trùng Đài có hai chức năng chính, là chức năng hành pháp và chức năng phổ truyền chơn đạo; hai chức năng này cùng hướng đến một mục tiêu chung là độ rỗi nhân sanh.
 
Về chức năng hành pháp, Cửu Trùng Đài là cơ quan Hành pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thi hành các luật pháp để độ rỗi quần sanh.
 
Về chức năng phổ truyền chơn đạo, Cửu Trùng Đài là những nấc thang để tín đồ nương theo đó, lập công bồi đức mà trở về với Đức Thượng Đế Chí Tôn, tạo dựng phẩm vị thiêng liêng cho mình. Giáo pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng nhờ Cửu Trùng Đài mà truyền bá ra khắp hoàn cầu để cứu độ toàn nhân loại. Do chức năng thứ hai này, mà Cửu Trùng Đài hoạt động như một guồng máy khai hóa và dẫn dắt chúng sanh. Mỗi cấp chức sắc, chức việc trong Cửu Trùng Đài đều có những trách nhiệm đặc trưng của mình.
 
 “Trong tổ chức đạo Cao Đài, từ Hội Thánh đến Ban Cai Quản cùng Ban Trị Sự, mỗi chức vụ trong mỗi tổ chức, đó là việc phân công theo trật tự, tùy khả năng mỗi người để lập công bồi đức, chớ đó không  phải đó là giai cấp quyền hành.  Toàn thể trong đạo đều là  anh em, chị em, dưới sự chỉ dạy đạo đức của Chí Tôn và Phật Tiên Thánh Thần. Mỗi mỗi chúng sanh đều có căn cơ đạo đức, tiến mau tiến chậm tùy công quả và duyên nghiệp của mỗi người.” [17]
 
Phẩm vị thấp nhất trong Cửu Trùng Đài là tín đồ. Tín đồ là người đã nhập môn vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhìn nhận Thượng Đế là Cha chung của nhân loại, nhìn nhận nhân loại là anh em, và tuân theo luật pháp của Đại Đạo để trau dồi thân tâm, lần dò lên đường tiến hóa một cách có ý thức. Phẩm vị tín đồ cũng tượng trưng cho toàn nhân loại.
 
Phẩm vị cao nhất trong Cửu Trùng Đài là Giáo Tông. Cửu Trùng Đài được đặt dưới quyền chưởng quản của một vị Giáo Tông duy nhất, đại diện cho toàn nhân loại và tượng trưng cho phẩm vị Phật mà con người có thể chứng đắc khi còn sống và còn tu ở thế gian.
 
+Tóm lại, Cửu Trùng Đài là cơ quan đặc trưng cho mối liên hệ giữa con người và con người vì nơi đây con người cùng nhau dìu dắt, trợ giúp nhau trên đường tu hành để tiến hóa.. Mặt khác, trong sự tiến hóa của mình qua Cửu Trùng Thiên, con người có khả năng tác động đến sự tiến hóa của vạn vật. Vậy, một cách gián tiếp, Cửu Trùng Đài cũng chứa đựng mối liên hệ giữa con người và vạn vật.
 
4- Tân Pháp Cao Đài.
 
Đức Thượng Đế khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong buổi Hạ nguơn mạt pháp, là thời kỳ cuối của một chu trình vũ trụ là nhằm mục đích cứu độ con người, dẫn đưa con người trở về điểm xuất phát cội nguồn. Mà điểm xuất phát đó chính ở nơi cõi thượng thiên hằng sống, vô sanh vô diệt, hay nói theo giáo lý Đại Đạo là khối Đại Linh Quang Thái Cực, là khởi thủy của vũ trụ vạn vật.
 
Từ hình hài hữu thể, đầy trọng trược, để vượt lên thượng tầng thiên điển để trở về ngôi vị toàn chân toàn thiện toàn mỹ, không phải là một việc làm đơn giản đối với con người vốn chất chứa đầy dẫy vô minh nặng nề có thể tự làm được. Chính vì vậy, từ khai thiên lập địa đến nay, chỉ có hàng Giáo Tổ đếm được trên đầu ngón tay tự mình tầm ra chơn lý mà đắc quả. Nhất là trong thời buổi mạt kiếp hiện nay, ai cũng bị đắm mình trong vòng nghiệp quả chất chồng triền miên từ vô lượng kiếp.
 
Chính vì vậy mà Đức Thượng Đế phải đến mở Đạo. Ngài đến thế gian dưới mắt thế nhân cũng chỉ là khai mở một nền tôn giáo mới như những tôn giáo đã từng được khai mở trước đây, nhưng nếu chúng ta có may duyên diễm phúc sẽ nhận ra rằng nền tôn giáo mới này có những điểm đặc trưng cho nhu cầu cấp bách của con người trong nguơn tận diệt. Vì Đức Thượng Đế mở cơ Đại ân xá để cứu rỗi toàn nhân loại, nên ai cũng có thể trở về dù cho tội lỗi nặng nề, luân hồi đọa lạc từ ngàn muôn kiếp, miễn là con người biết vâng lời, tuân hành những điều chỉ dạy của Ngài.
 
Nói rõ hơn, tôn giáo của Đức Thượng Đế khai mở không chỉ để lập lại những giáo điều dạy con người làm lành lánh dữ mà Ngài còn dứt khoát khẳng định một đường lối tu hành để: một là tìm thấy nẻo sinh tồn trở về ngôi vị thiêng liêng; hai là phải chịu lâm vòng tận diệt, vì con người không còn cơ hội chọn lựa nữa. Chính vì vậy, mà Đức Chí Tôn xác nhận tôn giáo Cao Đài là một tác nhân tạo thành thực thể Đạo cứu thế, tức phải có một phương cách hữu hiệu khả dĩ giúp người tín đồ đạt được sự cứu rỗi cả hai mặt không chỉ tâm linh mà còn cả nhân sinh.  Ngài đã ban trao bửu pháp cho con người :
“Tân Pháp Cao Đài là Pháp Môn Đại Ân Xá, là nấc thang cuối cùng trong kỳ mạt  pháp để cứu nhân sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng thiện chưởng duyên lành vào đời thánh đức khỏi đọa tam đồ hay tán khôi trần  sau Hội Long Hoa.” [18]
 
          Tân pháp Cao Đài mà Đức Đông Phương gọi là “Pháp Môn Đại Ân Xá”chính là  pháp môn Tam công gồm ba công: Công quả, Công trình và Công phu.
 
-Công quả là những việc làm đem đến lợi ích cho tha nhân, cho xã hội, cho cộng động mà không tính điều lợi cho mình.
 
-Công phu được hiểu nôm na là hoạt động thường nhựt của người tu hành, nhằm mục đích quay trở về với chính mình, quán xét thân tâm, trau giồi cho tâm thanh tịnh từ thấp như cúng kính, đọc kinh, cao hơn là tham thiền, tịnh định.
 
-Công trình, là thuật ngữ có ý nghĩa riêng của Cao Đài. Hai chữ “công trình” thường được hiểu như là kết quả của một việc làm bao gồm nhiều công sức. Công trình của Cao Đài cũng có ý nghĩa đó, vì là tập hợp những cố gắng sửa đổi tu học, hoàn thiện bản thân của một người. Pháp môn Công trình còn được gọi là pháp môn Luyện kỷ, cũng đã có từ lâu với đạo Lão
 
Pháp môn Tam công, nói một cách đơn giản, là lối tu vừa sửa đổi bản thân, tánh tình theo Tiên Thánh, vừa giúp đời, làm ích lợi cho đời, cho người khác, và cũng vừa thiền định để thân xác mạnh khỏe theo phép dưỡng sinh đồng thời tâm hồn thanh tịnh hòa hợp được với Trời Đất, để giải thoát khỏi những ràng buộc của cõi đời danh lợi vật chất.
 
B-  VỀ NỘI DUNG:-
 
1- Là nơi hội tụ của những Con Người Muôn Thuở Muôn Phương
Đức Chí Tôn khai mở ĐĐTKPĐ, không chỉ một mình Ngài lâm trần mà tất cả chư Phật Tiên Thánh Thần đều cùng theo Ngài đồng hành sứ mạng độ rỗi chúng sanh. Đây là một sự kiện hi hữu chưa từng có trong lịch sử loài người nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng. Như vậy có thể nói, kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ là thời điểm gặp gỡ hội tụ của những  Con Người Muôn Thuở Muôn Phương để cùng thực hiện sứ mạng dẫn dắt con người bước sang đời Thượng ngươn Thánh đức sau khi bước qua một cuộc sàng sảy vĩ đại gọi là Đại Hội Long Hoa.
 
          Theo giáo lý Cao Đài, Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, là con người vượt khỏi giới hạn thời gian và không gian, linh hồn trở nên bất tử. Tuy nhiên, chữ” bất tử’ có nghĩa tích cực, không giống với quan niệm của người đời. Bất tử là còn sống, còn hiện hữu, còn vận động, chứ không có nghĩa bất tử đơn thuần chỉ là “ không chết”
         
          Con Người Muôn Thuở Muôn Phương là một khái niệm đặc biệt trong ĐĐTKPĐ. Mặc dù Thánh ngôn Thánh giáo Cao Đài không đề cập đến khái niệm này một cách trực tiếp, nhưng có thể nói, qua hình thức lập giáo, qua phương cách dạy Đạo của các Đấng Thiêng Liêng từ cõi vô hình, qua  con đường tu hành học Đạo mà Đức Cao Đài đã vạch ra, và  nhất là qua tôn chỉ và mục đích của ĐĐTKPĐ, ý nghĩa của phạm trù “Con Người Muôn Thuở Muôn Phương” được biết đến không chỉ nhằm minh định sự hằng hữu của các vì Giáo tổ đã từng chứng quả vô sanh độ đời từ mấy ngàn năm trước, mà còn xác quyết  sự bất tử linh hồn của những bậc “siêu xuất thế gian” mà tuổi tên đã từng lưu truyền hậu thế như là những bậc vĩ nhân trên đường thế đạo.
 
          Con Người Muôn Thuở Muôn Phương là những con người mà linh hồn đã được bước vào cõi siêu xuất thế gian, huyền đồng cùng Trời Đất,  không còn bị lệ thuộc bởi không gian  và thời gian, có đủ quyền năng  hành đạo giúp đời, độ dẫn chúng sanh. Nói một cách dễ hiểu, đó là những con người đã đắc các quả vị  Thần Thánh Tiên Phật và đã theo Đức Đại Từ Phụ giáng trần  giúp Thầy tận độ quần linh, như đã từng cầm đuốc soi đường trong lịch sử nhân loại.
 
Điều hy hữu nhất trong lịch sử nhân lọai là các Đấng Phật Tiên Thánh Thần khi giáng dạy đều xưng hô với người thế gian là “ hiền đệ, hiền muội”, tức là con người đã được các Đấng đối đãi bằng tình huynh đệ cùng chung một Đấng Cha Trời.
 
          Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã xác nhận mối liên hệ thiêng liêng đó vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian:
 
Hỡi chư hiền! Nhìn bao la vũ trụ, biết bao nẻo đường,nhưng chư hiền có nhận định được nơi đâu là nẻo chông gai, đường cạm bẫy; nơi đâu là lối quang minh chánh đại! Chắc chư hiền cũng như bao nhiêu sanh chúng đều hiểu rõ thời gian mấy triệu năm qua mà luôn luôn lúc nào nơi cõi hồng trần trọng khổ này, Đức Thượng Đế vẫn mở lối đi, tạo một chiếc thuyền từ vô biên, vô tận. Phật, Tiên cầm ngọn đuốc huệ, Thần Thánh giữ mái chèo linh, để cho nhơn sanh thấy nẻo quang minh chánh đại, tránh nơi cạm bẫy chông gai, hầu đồng nhau bước xuống thuyền từ để vượt sóng trùng dương qua bến giác, được trở về quê xưa vị cũ, là nơi bất diệt, bất sanh, nơi thiên đàng cực lạc. [19]
 
          2-Sự hiện diện của các Đấng Thiêng Liêng nữ tiêu biểu cho nền Khôn Đạo
Từ cung Bạch Ngọc chín tầng cao vọi, Đức Thượng Đế đã bước xuống trần gian để trở thành một Tiên Ong thật gần gũi trong tâm thức con người với danh xưng Cao Đài, và Cao Đài Tiên Ong cũng đã hữu hình hóa cả một guồng máy vận hành Lý Đạo từ vô thỉ đến vô chung mà Ngài đặt tên  là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để qua đó, con người thấy được hết cơ vi mầu nhiệm của Trời Đất mà phản bổn hoàn nguyên. Chính vì vậy mà tôn giáo Cao Đài không chỉ đơn thuần có sự giáo hoá, dạy dỗ của một Đấng Giáo chủ mà còn được sự dẫn dắt của tất cả chư Phật Tiên Thánh Thần và đặc biệt là sự hiện diện của các Đấng Thiêng Liêng nữ, đứng đầu là ngôi Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu, Đấng chưởng quản cõi hữu hình, tượng trưng nền Khôn Đạo với quyền năng tạo hóa, trưởng dưỡng, cai quản, chăm sóc chúng sanh và toàn cõi hữu hình đã chính thức giáng trần từ đêm 14 rạng rằm tháng 8 năm At Sửu 1925 khi Đức Thượng Đế khai mở ĐĐTKPĐ, để khẳng định sự hiện hữu của Ngài, nhưng đồng thời cũng xác định vị trí của ngôi Khôn mà Dịch Kinh đã đề cập đến từ mấy ngàn năm trước “Chí tai Khôn Nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa Thiên” có nghĩa là “lớn thay Đức Nguyên của đạo Khôn là đầu mối sinh thành phần hữu chất của vạn vật và thuận theo Đạo Trời” sau khi Đạo Kiền đã gây được mầm mống khởi đầu: “Đại tai Kiền Nguyên, vạn vật tư thỉ, nãi thống Thiên” có nghĩa là “lớn thay Đức Nguyên của đạo Kiền, khởi sanh muôn vật, thống chưởng ngôi Trời”.
 
Từ xưa đến nay, nhiều tôn giáo đã được khai sinh , các vị Giáo Chủ đã lần lượt đến trần gian mở Đạo dẫn dắt con người tìm lại bổn nguyên chơn tánh. Từ Khổng giáo, Kitô giáo, Lão giáo rồi Phật giáo, chưa kể đến Hồi giáo, Bà La Môn giáo…chưa một lần nào mà ngôi Âm được  xiển dương dù rằng nằm trong lý Đạo nhiệm mầu. Các vị Giáo chủ có trách nhiệm dạy Đạo đều là nam phái từ Đức Khổng Tử, Đức Jésus, Đức Mohamed, Đức Lão Tử, rồi Đức Thích Ca và tín đồ được tu hành cũng toàn là phái nam. Nàng Thị Kính phải cải dạng nam trang mới xin được vào chùa tu hành và Đức Quan Thế Am Bồ Tát suốt cả một thời gian dài cũng chỉ làm công việc cứu khổ cứu nạn chúng sanh  chứ cũng không thấy ghi lại những lời thuyết giảng thành kinh sách.
 
Như vậy, đến Tam Kỳ Phổ Độ, đại cuộc cứu độ của Đức Cao Đài đã làm nên một cuộc cách mạng với sự giáng trần của Đức Diêu Trì Kim Mẫu cùng Cửu Vị Nữ Phật trong đêm Trung Thu khởi đầu sự phục hồi giá trị nữ phái để phái nữ  không chỉ được bình đẳng, ngang hàng cũng nam giới trên đường tiến hoá tâm linh, mà còn được tham gia vào đại cuộc cứu độ mà Đức Thượng Đế gọi là “Sứ Mạng Kỳ Ba” với sự đồng hành thực hiện của cả hai cõi sắc không , trong đó, từ vô vi đến hữu hình đều có bóng dáng của nữ phái để xác định trở lại khả năng tiến hóa của nữ phái, bởi lẽ, người phụ nữ dù bản chất âm nhu, tùng thuận nhưng cũng vẫn còn hàm chứa tính chất của Khôn Đạo phát xuất từ  nguyên lý toàn năng tự khởi như lời Đức Vân Hương đã xác định trong Tam kỳ Phổ độ:
 
 “Người nữ phái là hiện thể đặt riêng của nguyên lý Vô Cực toàn năng tự khởi. Lý ấy là Lý đầu tiên hóa sinh ra muôn nghìn thế thái có bản chất nhu thuận hòa đồng.(…) mặc dù lẽ Vô Cực hóa sanh ra Thái Cực, lẽ âm tịnh mới phát khởi dương động, sự kiện có trước có sau trong diễn trình tạo đoan là thế,nhưng cùng lý tận tánh nóvẫn là ngang nhau. Sự trước sau không phải chỉ điều bé điều to hay điều quan trọng với điều thứ yếu.” [20]
 
          Đây là một đặc điểm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, khởi phát từ truyền thống của dân tộc VN có tự ngàn xưa như lời dạy của Đức Vân Hương  Thánh Mẫu:
 
“Như  các em đã biết, từ ngày nhân loại được tiếp nhận một nguồn sống mới cho xã hội mới, thì giá trị nữ phái mới được công nhận hoàn toàn. Nhưng xét lại, sự công nhận vào khoảng thời gian đó không phải là điều mới lạ. Thật sự thì tự ngàn xưa, bên cõi Trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng đã có một nền tảng giá trị quan trọng đối với người mảnh mai bồ liễu.
 
Thế thì hiện hữu các em đang trên đà tiến triển về sự­ hiệp nhất tinh thần, đoàn ngũ hóa nữ phái, ấy chỉ là sự hoàn phục lại cái căn bản sơ nguyên…” [21]
 
Phải chăng chính truyền thống dân tộc bắt nguồn từ nền văn hóa trọng nông, tôn thờ các nữ thần cũng là một trong những yếu tố để mảnh đất này được Đức Thượng đế chọn làm nơi cho Đức Diêu Trì cùng chư Phật Nữ Tiên Nương dừng chân xây dựng tòa nhà tận độ trong buổi hoàng hôn của trái đất, để nhân loại được cơ hội ngàn năm một thuở tiếp xúc với các Đấng Phật Nữ, Tiên Nương, Thánh Nữ, Thần Nữ  ngay trong cõi hữu hình mà tưởng chừng như chỉ xảy ra trong truyện cổ tích . Đặc biệt hơn nữa, các đấng Phật Nữ Tiên Nương không hiện thân của thần quyền để ban phúc lộc hay trừng phạt  con người phàm tục mà thể hiện trọn vẹn chân dung của tình thương Khôn đạo qua hình ảnh dịu dàng của người mẹ, người chị, người thầy…. tận tụy dìu dẫn đàn em.
 
Nổi bật nhất trong cơ cứu độ kỳ ba, trong vị trí quyền pháp  Nhị Trấn Oai Nghiêm, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cũng là sự thể hiện rõ nét một chân dung nữ phái. Ngài đã từng lập 12 đại nguyện đi khắp cõi ta bà độ dẫn chúng sanh thoát vòng nghiệp quả. Ngoài ra, như đã nói, còn rất nhiều các Tiên Nương Thánh Nữ… đã có mặt trong Đoàn Sứ mạng Kỳ ba, trong đó không ít các vị Tiền bối đã từng mang hình hài nữ giới đã về lại được quê xưa vị cũ .
 
          3-Là một sự hợp tác -

a- Giữa Trời và người:

Từ xưa, con người đã nhìn nhận giữa Trời và người có một dây liên lạc mật thiết trong việc điều hòa trật tự của thế giới nhân  loài. Điều đó được thể hiện qua  ý niệm  “ lòng dân là ý Trời” hay quan niệm “ Thiên tử ”, một người lên làm vua cai trị muôn dân, người đó là con của Trời, được Trời phái xuống, có quyền thay Trời hành xử mọi việc nơi chốn hữu hình. Như vậy, con người mặc nhiên nhìn nhận Trời là Đấng tạo ra muôn loài và nắm quyền tối hậu trong việc điều hòa ổn định cuộc sống con người nơi cõi thế gian. Tuy nhiên, vì Trời vô hình, không thể trực tiếp cai quản xã hội loài người nên Trời đã giao cho các bậc nguyên nhân xuống trần thay Trời  hành xử mọi việc.
 
Việc khai sáng các tôn giáo cũng nằm trong ý niệm này, các vị Giáo tổ trong lớp áo con người cũng phải trải qua quá trình rèn luyện tâm linh để thông công cùng Thượng Đế, đón nhận sự mạc khải từ Thượng Đế, mở đạo nơi chốn thế gian để hướng dẫn con người tìm về chân lý. Đó cũng chính là nguyên  lý Thiên nhân hiệp nhất trong guồng máy vũ trụ.
 
Đặc biệt, đến Tam Kỳ Phổ Độ, nguyên lý này  rõ nét hơn, cho thấy vai trò con người còn quan trọng hơn nữa qua việc khai mở ĐĐTKPĐ  với việc Thượng Đế ban trao sứ mạng tận độ cho con người. Điều đáng nói là chính Ngài đã lâm phàm trực tiếp dạy Đạo và công đồng chư Phật Tiên Thánh Thần cùng đồng chung sứ mạng với con người như lời dạy của Đức Cao Triều Tiền bối:
 
“Một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không, các em đã hiểu rồi, đã biết rồi, hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ. Có hữu không vô ví như có hình vật mà không co cơ năng linh hoạt, có vô không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo, bởi vì rễ có sâu thì gốc mới vững, cây có tàng lớn thì hoa trái mới sum suê” [22]
 
Đây chính là điểm khác với Nhất và Nhị kỳ Phổ độ. Trời và người hợp tác để giải quyết những vấn đề to lớn của Đạo trên tinh thần Thiên Nhân hiệp nhứt. Trời thì chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc; còn người thì thực hành cơ phổ độ theo đường lối Thiêng Liêng đã vạch sẵn. Điều này đã làm nổi bật thêm vị thế của con người trong vũ trụ với ân phước Đức Chí Tôn ban cho, con người được thêm vai trò, nhiệm vụ cùng  Trời song hành sứ mạng thiêng liêng là cứu độ chúng sanh thoát vòng tận diệt của thời mạt pháp.
 

b-Giữa người và người:

ĐĐTKPĐ không chỉ hướng về sự cứu rỗi tâm linh con người mà còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng một xã hội đại đồng hạnh phúc, an lạc; và chắc chắn rằng xã hội đại đồng chỉ đạt được khi có sự cộng tác tích cực giữa người với người mà con người đóng vai chủ động; đó là “một xã hội không kỳ thị phân chia, phù hợp xu hướng văn minh tiến bộ, là một cảnh giới an lạc hòa bình, hạnh phúc trần gian và siêu xuất thế gian.” [23]

 
Vấn đề xung đột, chia rẽ, tranh chấp, hận thù trong cộng đồng loài người chỉ được giải quyết khi nào con người chịu nhìn nhận nhân loại trên quả đất này đều cùng một nguồn gốc Thượng Đế, tức là anh em cùng một Đấng Cha Trời, để có một cái nhìn chung, dù người văn minh hay người chậm tiến đều cùng có một giá trị  nhân bản ngang nhau, đều có thể tiến hóa như nhau. Tất cả đều có sứ mạng góp phần vào việc xây dựng một xã hội đại đồng trong tinh thần hoà hiệp, tương thân, tương ái, chia sẻ cho nhau những thành quả chung của nhân loại.
 
Với ý nghĩa đó, ĐĐTKPĐ chủ trương con đường tu hành nhập thế, góp phần vào trong xã hội nhân sinh để làm tròn vai trò của một con dân trong đất nước: “người vào đạo tu thân không có nghĩa là trốn lánh việc đời, mà phải hòa mình trong việc đời để trước hoàn thiện hóa bản thân mình, rồi hoàn thiện hóa những người khác (…) đừng bao giờ có ý nghĩ này: vào đạo để độc thiện kỳ thân, đóng cửa tự luyện phép mầu để chấp cánh bay bổng cung Tiên, hoặc vào hang sâu rừng thẳm tịnh luyện nội ngoại công phu để làm tướng Trời dẹp loạn. Nếu trong khi đó, quốc gia mất chủ quyền, non nước suy vi, cửa nhà tan nát, xóm làng tan hoang, dân tộc nô lệ, thì sự tu ấy không có nghĩa gì hết.” [24]
 
Bởi vì con người có mặt ở trần gian là để thực hiện sứ mạng vi nhân, và qua cuộc sống nơi chốn hữu hình, con người sẽ được trui rèn để cởi bỏ lớp áo phàm trần, để lộ ra ánh sáng chí thiện chí mỹ làm điều kiện tiến bước qua ngưỡng cửa siêu xuất thế gian. Đó là sứ mạng dành cho tất cả những ai được may mắn làm người.
 
Cao Đài khai phóng con người, dùng thế Thiên Nhân hiệp nhất vận dụng con người cho công cuộc kiến tạo đời thánh đức. Thượng Đế trao cho con người giác ngộ sứ mạng phụng sự kỷ nguyên đại đồng thánh đức, góp phần vào đại cuộc cứu độ quần sinh, tức là con người đã được Đức Thượng Đế ban trao trách nhiệm để bước vào hàng Thiên ân Sứ mạng, thấy chính mình là Đạo, Đạo là mình; người ấy biết ý thức hiệp nhân lực với thiên cơ để vận hành công cuộc tiến hoá không ngơi nghỉ. Đối với vũ trụ, đó là người huyền đồng cùng tạo vật. Đối với thế gian, đó là người có thể làm cho thù thành bạn, ghét trở nên thương, là người xem mình là mọi người, mọi người là mình, để cùng nhau kiến tạo một xã hội đại đồng Thánh đức.
 
c- Giữa các tôn giáo:
Tôn giáo có mặt cùng với con người nhằm để dạy cho con người những bài học đạo lý để con người chuẩn hóa bản thân, trở nên sáng suốt chí thiện chí mỹ, đưa tâm linh thăng hoa đến chỗ cao thượng hòa nhịp cùng thiên lý, góp phần xây dựng cho loài người một cuộc sống an lạc hạnh phúc trong đức háo sanh của tạo hóa.Nhưng lịch sử nhân loại cũng đã cho thấy tôn giáo lại trở thành sự mâu thuẫn, xung đột trầm trọng trong xã hội loài người, là một trong những nguyên nhân đưa đến tranh chấp, kỳ thị, do sự khác biệt về mặt tín ngưỡng. Con người đã quên rằng  “Tôn giáo chỉ là con thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Tất cả con thuyền đều xuôi về bến đỗ [25]hay “ Tôn giáo là chiếc hỏa xa mà người hành Đạo phải biết rằng mình là hành khách” 

ĐỌC TIẾP phần 2
________________


[1]Đại Thừa Chơn Giáo,tr.84
[2]  NHTĐ- Vĩnh Nguyên Tự
[31]Đại Thừa Chơn Giáo, tr.88
[4]Đức Đông Phương Chưởng Quản- CQPTGL
[5]Đức Vạn Hạnh Thiền Sư- TGST 1970-1971
[6]Vĩnh Nguyên Tự ngày 7/4/1926:
 
 
[7]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 24 Avril 1926; Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1.
[8]Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời, 02-01 Canh Tuất (07-02-1970)
[9]Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Tý thời, 18-07 Canh Tuất (18-08-1970)
[10]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Tân Định, 05-11 Bính Dần, (09-12-1926)
[11]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1 bảng in 1964 trang 06, 03 Janvier 1926
[12]Đức Chí Tôn, Thánh Truyền Trung Hưng 1 trang 188, 25.12 Mậu Dần (1939)
[13]Đức Đông Phương Chưởng Quản; Trúc Lâm Thiền Điện, Tý thời, 17 rạng 18-07 Canh Tuất (18-08-1970)
[14]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 12-01 Đinh Mão (13-02-1927); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.98.
[15]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 12-01 Đinh Mão (13-02-1927); Giáo Lý, tr.37. (Ghi chú: đoạn này không thấy in trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (ấn bản 1969, là bản được dùng để trích dẫn trong quyển sách này), nhưng có in trong quyển Giáo Lý do Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng biên soạn và đã được Tòa Thánh Tây Ninh phê chuẩn.)
[16]Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Nam Thành Thánh Thất, Ngọ thời, 01-01 Kỷ Dậu (17-02-1969)
[17]Đức Hiển ThếĐạo Nhơn; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 09-05 Đinh Mùi (16-06-1967)
[18]Đức Đông Phương Chưởng Quản; Cơ  Quan PhổThông  Giáo Lý, Tuất thời, Rằm tháng 9 Giáp Dần (29.10.1974)
[19] Đức Giáo Tông Vô Vi Đạ Đạo
[[20] ĐứcVân Hương Thánh Mẫu
[21] ĐứcVân Hương Thánh Mẫu
[22]Đức Cao Triều Phát
[23](ức Cao TriềuPha1t
[24]Đức Quan Thánh Đế Quân- NTTT 15-2 Kỹ Dậu