TÍNH NHÂN BẢN CỦA VĂN HÓA & VĂN HÓA CAO ĐÀI

Gửi ngày 03/04/2016
TÍNH NHÂN BẢN CỦA VĂN HÓA & VĂN HÓA CAO ĐÀI
TÍNH NHÂN BẢN CỦA VĂN HÓA & VĂN HÓA CAO ĐÀI
 
          Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo từng dạy rằng :
 
          “Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm lặng mà mạnh mẽ. Có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao.
          Bản chất của Văn hóa là đạo đức.
          Hình thức của nó là ngôn từ chương cú, giáo dục. Thế nên, chư hiền đệ muội có trách nhiệm phải ý thức cho sáng suốt....” [1]
          Đức Cao Triều Phát cũng dạy thêm :
             “Văn hóa đạo đức tích cực xây dựng nhân sinh và tâm linh trên nền tảng xã hội ngày mai cho đại đồng nhân loại.
          Những ý chí sâu rộng mới khơi dậy nguồn mạch rộng sâu trên các đỉnh đồi khắp cùng sa mạc”. [2]

          Vậy, trong khi truyền đạt cho chúng ta giáo lý Đại Đạo, các Đấng Thiêng Liêng rất chú trọng đến Văn Hóa.
 
          Văn Hóa ấy phải có ảnh hưởng rất to tát trong xã hội nhân loại, và khơi dậy nguồn mạch rộng sâu trên những mãnh tâm hồn đã cằn cỗi bởi khói lửa thế gian.
          Đó phải chăng là Văn Hóa Nhân Bản.
          Cho nên là những người tín đồ Đại Đạo chính là người xây dựng Văn hóa đạo đức mà yếu tính Nhân Bản của nó cũng là trọng điểm của Giáo lý Đại Đạo.
 
A. CÁC KHÁI NIỆM VỀ VĂN HÓA VÀ NHÂN BẢN
 
Văn Hóa là gì ?
 
Theo Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO :
 “ Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhứt cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động”.
“Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise”
(Người đưa tin Unesco,11-1989,tr.5)
 
Theo TS.Trần Ngọc Thêm, (Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam,1996) :
Văn Hóa có tính hệ thống : “Mọi hiện tượng, sự kiện thuộc một nền Văn hóa đều có liên quan mật thiết với nhau”.
           Văn hóa có tính giá trị: Văn = Vẻ đẹp = giá trị.
           Văn hóa: trở thành đẹp, thành có giá trị.
            “Nó là thước đo mức độ nhân bản của xã hội loài người.”
          Văn hóa có tính nhân sinh “ Văn hóa là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người... nó là cái tự  nhiên đã được biến đổi dưới tác động của con người, là “phần giao” giữa tự nhiên và con người :
VĂN HÓA = TỰ NHIÊN   ~   CON NGƯỜI
 
          Văn hóa có tính lịch sử : “hình thành trong một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ”.
 
          Định nghĩa :“ Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.   (Trần Ngọc Thêm)
 
          Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ  (ít nhiều cảm nghĩ về văn hóa dân tộc) :
          “ Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, xã hội và hoàn cảnh, để con người có thể sống một cuộc đời khác biệt với muôn thú, một cuộc đời thanh cao, đầy đủ nhân cách, nhân vị, và nếu có thể, một đời sống tự do, tự tại, khinh khoát, thần tiên.
          “ Văn hóa nảy sinh do những ước mơ về Chân Thiện Mỹ và là nỗ lực của con người  để vươn lên cho tới Chân Thiện Mỹ, để thực hiện Chân Thiện Mỹ”
 
          Theo Thánh huấn Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:
          “Đừng nên hạn hẹp hai tiếng văn hóa trong khuôn khổ văn chương chữ nghĩa hay một số môn học đạo đức, mà phải quan niệm cho thật sâu rộng, đúng nghĩa của nó.
          “ Văn Hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật.
          “ Văn hóa dân tộc nói lên được những cái gì cao quí tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn  quốc túy của dân tộc ấy”. [3 ]
          Nhân bản là gì ?
          Qua sự tổng hợp đúc kết của triết gia ANDRÉ NIEL (Những tiếng kêu lớn của Chủ nghĩa nhân bản hiện đại – Mạnh Tường dịch – Cao Dao xuất bản 3/69), có thể rút ra những định nghĩa Nhân Bản của các nhà nhân bản hiện đại như sau :
          Nhân bản là tính chất toàn diện, và hiệu năng phổ quát của con người phóng khai từ bản vị rốt ráo nhất của con người chính danh ráp thành cuộc sống hội nhập với thế giới thực tiễn và thúc đẩy sự tiến hóa không ngừng.
          Nhân bản là tính chất sinh động của nhân tính được con người thể hiện ra trong cuộc sống.
          Nhân bản không phải là sự biết con người (tri nhân) mà là sự thể hiện con người (hành nhân), thực hiện con người tự thân và cả nhân quần.
          Nhân bản là chủ hướng thuần khiết hóa nhân tính không ngừng, tạo điều  kiện khai phóng cho con người thăng tiến không ngừng.
Nhân bản là sự thể hiện cuộc sống con người đích thực trong tương quan hài hòa với cộng đồng nhân loại và gắn bó với cứu cánh là siêu việt thể của vũ trụ.
 
          Trong giáo lý Đại Đạo, Ơn Trên dạy :
 
          “Nhân bản là các căn bản nhân tính; là nhân tính đơn thuần.
            Nhân bản là giá trị của con người chính danh; là yếu tố để tạo thế nhân hòa.
 
          Nhân bản là tình cảm thiêng liêng mà Thượng Đế Chí Tôn dành cho mỗi con người[4]
          Nhân bản là truyền thống gia tộc và xã hội dân tộc.
          Nhân bản là chí hướng đại đồng nhân loại. [5]
 
          Nhân bản là chân dung của con người hoàn thiện.
          Qua các định nghĩa từ triết học đến giáo lý trên, có thể phát triển cơ cấu của Nhân bản gồm :
 
Nhân tính bẩm sinh
Truyền thống nhân sinh
Chí hướng đại đồng
Lý tưởng tiến hóa.
 
 
B. TÍNH NHÂN BẢN TRONG CÁC LOẠI HÌNH VĂN HÓA:
 
          1. Văn hóa cộng đồng :
          Cộng đồng là một quần thể con người qui tụ bởi những yếu tố chung về huyết thống, lịch sử, địa dư, sự sống còn và hoài bão hay lý tưởng.
          Tình cảm sâu sắc giữa cộng đồng, đời sống cộng đồng ngày càng phát triển trên phương diện vật chất lẫn tinh thần, tất cả phát huy thành văn hóa cộng đồng với bản sắc của nó.
 
          Cộng đồng nhỏ như làng xã Việt Nam có những bản sắc Văn hóa mang nhiều tính nhân bản.
          Về nhân tính : người trong làng đều xem nhau như họ hàng ruột thịt, gọi nhau là “bà con cô bác”.
          Về truyền thống : giữ gìn những phong tục tập quán bảo vệ luân lý đạo đức chung.
          Về ý hướng đại đồng : có lối làm ăn tương trợ “Làm vần công” trong sản xuất; “nhiều tay vỗ nên kêu” mỗi khi hữu sự, “bà con xa không bằng láng giềng gần” Những lễ hội như :- Hội vui xuân : - đấu vật – leo cột mở – kéo co, đều có tính đại đồng và văn hóa nhân bản.
 
          Lễ cúng đình : hội hè ăn uống tập thể,  cúng kính thần làng; hát bộ, một hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc . . . là những hình thái sinh hoạt tập thể và thể hiện niềm tin chung; là những hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc  có bản sắc độc đáo.
          Cộng đồng lớn như dân tộc :
          Huyền thoại “con Rồng, cháu Tiên”, đồng bào “một mẹ trăm con” là nét văn hóa đặc thù của dân tộc  Việt Nam. Nó là niềm tin vào nguồn gốc siêu nhiên, cao đẹp và uy hùng của giống nòi và tình cảm ruột thịt của dân tộc.
 
          Tính nhân bản ở đây là văn hóa cộng đồng dân tộc mặc nhiên công nhận con người Việt Nam bẩm sinh có bản chất phi thường, được chứng minh qua lịch sử. Từ đó tính nhân bản của cộng đồng phát huy thành lòng quả cảm, bao dung và đức nhân nghĩa.
 
          Bản sắc văn hóa thứ hai của cộng đồng dân tộc là tiếng nói. Ngôn ngữ dân tộc trải qua chiều dài lịch sử đã khẳng định bản sắc riêng nhưng ngày càng phong phú, sâu sắc, hoa mỹ. Người Việt Nam phải dùng tiếng Việt mới diễn tả hết được tình cảm, tư tưởng của bản thân, của dân tộc. Và chỉ có người Việt Nam, với  tâm hồn người Việt Nam mới rung cảm đúng mức với lời Việt.
 
          Như thế tiếng Việt thuần túy, tiếng Việt của bản sắc Việt, tiếng Việt của tình cảm Việt, của tư tưởng Việt là nhân bản của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
 
          Những truyền thống đấu tranh để sinh tồn, những  trang sử quật cường để tự chủ, những sự nghiệp xây dựng tổ quốc lập thành nền văn hóa dân tộc. Nền tảng luân lý của ông cha; nếp nghĩ, nếp sống theo đạo lý bao đời tạo nên văn hóa đạo đức. Gọi là văn hóa vì đó là những đức tính cao đẹp của con người trong đời sống nhân sinh xã hội và đời sống tâm linh.
 
          Hướng về nhân bản của cộng đồng dân tộc là giữ lấy và noi theo khuôn mẫu mà cộng đồng đã un đúc qua lịch sử để nhân lên những đức tính ấy. Như tâm sự này của một tiền bối yêu nước :
 
            “Một dãy giang sơn dệt gấm hoa,
            Ngàn năm văn hiến tổ tiên ta;
            Nền xưa vun đắp nhờ con cháu,
            Cho rạng năm châu, rạng đạo nhà” [6]
 
2. Văn hóa, văn học, giáo dục, nghệ thuật.
 
Văn họclà phương tiện phong phú để phát huy văn hóa. Nhưng   muốn nó là thứ Văn hóa có thể “đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy đến chỗ thanh cao”, phải có tính nhân bản.
Văn học phải lấy con người làm trung tâm.
Phải nêu lên được giá trị con người.
            Đề cao tình người, mối liên hệ tốt đẹp bình đẳng có tình thương giữa người và người.
 
          Văn chương bình dân như ca dao, hát ru, hò vè, hát quan họ, hát bài chòi... Thi văn đơn giản như Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, châm biếm như Ngụ ngôn của La Fontaine, do tính nhân bản đã trở thành bất hủ.
          Những tác phẩm đồ sộ của các văn hào, thi hào ca tụng những anh hùng, vĩ nhân hay nói lên ước vọng làm người đúng nghĩa của kẻ nô lệ, của người cùng khổ... đều có tính nhân bản.
          Ở nước ta từ đầu thế  kỷ 15 (1442) Vua Lý Thánh Tông đã cho lập Văn miếu. Nơi đây đã dựng bia 80 vị tiến sĩ. Đây là một di tích đánh dấu truyền thống quí trọng văn học văn hóa của dân tộc Việt Nam.
 
          Giáo dục: Giáo dục là công tác đào tạo con người, tức là truyền đạt kiến thức và xây dựng nhân cách.
          Tính nhân bản của giáo dục đòi hỏi phải giúp cho đối tượng có óc sáng tạo trong lãnh vực tri thức và một nhân cách tự do linh hoạt.
          Đó là những điều kiện để mỗi cá nhân có thể tự phát huy tiềm năng và nhân tính.
 
          Nhưng sáng tạo và tự do lại phải được đặt trên bệ phóng nhân bản của cộng đồng là văn hóa dân tộc và văn hóa đạo đức nhân loại.
 
          Một điển hình giáo dục có nhân bản là chủ trương giáo dục vì hòa bình của giáo sư Johan Galtung, một giáo sư người Na Uy đã sáng lập Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình tại Oslo (Prio) năm 1959.
          Vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 ông đã đưa chương trình giáo dục vì Hòa bình vào các trường đại học và cao đẳng, cho đến nay lên đến 500 trường ở khắp thế giới.
          Ông cho biết “Giáo dục vì hòa bình là dạy cho người ta biết xử lý một cách sáng tạo hơn và  ít hung bạo hơn những tình huống xung đột và cung cấp cho họ những phương tiện để làm việc đó” (Có thể nói là dạy phương pháp tạo thế Nhân hòa)
 
          Trong giáo lý Đại Đạo, công tác giáo dục đào tạo được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhấn mạnh mục tiêu đào tạo nhân sự “phẩm” và nhân sự “hợp nhất”. Ngài dạy :
          “Giá trị phẩm của từng cá thể phải được rèn đúc và xây dựng thường xuyên. Giá trị đức tin, giá trị nhơn ái, giá trị tri thức, và giá trị dũng mãnh của tinh thần, tất cả phải được nung nấu và cải thiện luôn luôn.... Ngoài ra, trí năng và thể năng là hai năng lực bổ sung nhau, giúp đở sự thực thi trọn vẹn đức tin và lòng nhân ái của chính mình” [7]
 
          Chúng ta thấy, Ơn Trên đã vạch  ra một đường lối giáo dục hết sức nhân bản.
 
          Nghệ thuật là loại hình văn hóa đa dạng đem lại nhiều rung động và mỹ cảm cho xã hội. Nhưng nếu nghệ thuật không dựa trên nhân bản sẽ dễ đưa con người đến chỗ đồi trụy hay thác loạn, không có giá trị hoặc lai tạp vô nghĩa.
          Tập san UNESCO có một sáng kiến rất hay là mở ra trang “gặp gỡ” để đăng ảnh của những sáng tác nghệ thuật với lời mời gọi như sau :
          “Bạn đọc hãy gửi cho chúng tôi những bức ảnh chụp một tác phẩm hội họa, điêu khắc hay kiến trúc thể hiện một sự pha trộn, giao hòa giữa nhiều nền văn hóa. Bạn đọc cũng có thể gửi ảnh chụp hai tác phẩm có xuất xứ văn hóa khác nhau mà bạn đọc nhận thấy có một mối tương liên hoặc một nét tương đồng”.
          Chúng ta hãy để ý những yêu cầu độc đáo trên.  Chỉ có tính nhân bản của nghệ thuật mới đạt được điều kiện cao trổi nầy.
 
          3.Văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo:
 
          Nếu chúng ta đã nhìn nhận :
 
          Văn Hóa là phần “giao” giữa con người và tự nhiên, thì cũng công nhận là phần “giao”       giữa con người và con người, giữa con người và Trời....
 
          4.Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia...
          Văn hóa nảy sinh do những ước mơ về Chân Thiện Mỹ và nỗ lực của con người để vươn lên cho đến Chân Thiện Mỹ.
 
          Thì mặc nhiên tín ngưỡng và tôn giáo đã được nhìn nhận là một loại hình văn hóa.
          Dĩ nhiên, “phần giao” nói trên phải là sự mở rộng chiều kích giá trị vi nhân đến tầm vũ trụ, chứ không phải là tương quan của một hạt bụi tách từ một thiên thể.
 
          Thứ đến, sự cố gắng và nỗ lực để cải thiện, để vươn lên chính là cái ý thức tiến hóa không ngừng mà  tín ngưỡng và tôn giáo có trách nhiệm mang đến cho con người. Thiếu nó,  tôn giáo hoặc trở nên những sinh hoạt lễ hội tầm thường hoặc trở nên một hệ thống cai trị khắc nghiệt.
 
          Thế nên, tín ngưỡng và tôn giáo phải có đủ những điều kiện nói trên [8] là có tính nhân bản, mới xây dựng được nền văn hóa tâm linh đúng nghĩa.
 
          Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy :
          “......Tôn giáo là những khuôn vàng thước ngọc để khép con người từ chỗ sa đọa trở nên hiền Thánh Tiên Phật, ung đúc con người từ chỗ trọng trược lòng trần được thanh thoát cao siêu. Tôn giáo là mối dây liên quan, là cửa thông đồng cho vạn dân chủng tộc........”
          “Hỡi những ai là người thức tri thời vụ, ai là người đang đi trên đường đạo học, ai muốn tìm chỗ uyên thâm của đạo lý, ai muốn thoát khỏi cảnh ràng buộc trí não tâm linh giữa cõi đời hỗn loạn này, hãy tự tin, tự giác, để tìm hiểu nguyên nhân nào đưa con người vào hoàn  cảnh tối tăm loạn lạc nầy. Có tìm thấy mới biết quay về với nhân bản, với bản tính chất thuần lương mà từ thuở sơ sinh đã có hằng hữu Thượng Đế giáng trung”. [9]
 
C. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VĂN HÓA CAO ĐÀI CHO SỨ MẠNG PHỤC HỒI NHÂN BẢN.
 
          1. Đóng góp bằng Văn hóa dân tộc:
          Về nguồn gốc giống nòi, Cao Đài ghi nhớ công ơn Quốc Mẫu Au Cơ và Quốc Tổ Hùng Vương.
          Nền đạo Cao Đài được chơn linh các Đấng anh hùng dân tộc, các bậc chân tu tiền bối đắc đạo âm phò mặc trợ và dìu dắt, như :
 
            Hai Bà Trưng
            Đức Thánh Trần
            Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
            Đức Vân Hương Thánh Mẫu
            Đức Lê Đại Tiên
            Đức Phan Thanh Giản . . .
             
          Và chơn linh các nhà yêu nước như :
          Đức Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Cao Triều Phát.
          Kinh điển, thánh giáo Cao Đài là một kho tàng văn thơ tiếng Việt tuyệt tác về văn chương và siêu mầu về đạo lý. Văn thơ Cao Đài bão tồn và phong phú hóa tiếng Việt thuần túy một cách tài tình nhuần nhuyễn.
          Văn hóa đời sống cộng đồng Cao Đài mang bản sắc Việt Nam hết sức đậm đà.
 
          Đạo phục Cao Đài chính là quốc phục Việt Nam.
 
            Lễ hội Cao Đài
            Nếp sống bình đẵng – huynh đệ
            Lòng hiếu khách....
 
          Kiến trúc Cao Đài :
          Các thánh thất với cấu trúc tam đài có tính chất đặc thù Cao Đài thể hiện nền tảng giáo lý và tổ chức Hội thánh Cao Đài.
          Trang trí nội thất và ngoại vi của thánh thất chủ yếu theo mô thức tứ linh long-lân-qui-phụng mang bản sắc trang trí đền, điện Á Đông.
 
          Lễ nhạc Cao Đài :
          Dàn nhạc với các nhạc cụ dân tộc hợp tấu các bản nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam trong các buổi hành lễ tại thánh thất...
          Nghi lễ Cao Đài tổng hợp nghi thức tế lễ Tam giáo có từ lâu đời tại Việt Nam.
 
          2. Đóng góp bằng văn hóa đạo đức:
          Phát huy truyền thống Tam giáo đồng nguyên lâu đời của dân tộc bằng tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt”
          Nêu cao tinh thần vạn giáo nhứt lý.
          Mục đích “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát” giải quyết cải tạo xã hội nhân  sinh, xây đời Thánh đức song song với thực hành đạo pháp để tiến hóa tâm linh.
          Yếu tố nhân bản độc đáo nhứt, xuyên suốt nhứt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là nguyên lý "“Thiên Nhơn hiệp nhứt”.
 
            Đức Thượng Đế vận dụng yếu tố Nhân Bản ở phần “ Nhân” để xây dựng cơ cứu độ Kỳ ba. Đánh thức nhân bản nơi con người, Ơn Trên mới ban trao sứ mạng để vừa tự độ, độ tha, vừa chuyển đưa các tôn giáo vào thực thể Đạo cứu thế.
          Trong suốt cơ Đạo, mối tương liên Nhân Bản Đại Ngã (Thiên) và Nhân Bản Tiểu Ngã (Nhơn) lập thành thế “Thiên Nhơn hiệp nhứt” mới đủ quyền năng xây dựng con người Đại Đạo và biến chuyển thế giới đến Nhân loại Đại đồng, đó là thành quả của cơ đạo Kỳ Ba mà cũng là tiền đề của con đường phản bổn hoàn nguyên.
 
          Từ đó suy ra, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có sứ mạng phục hồi Nhân bản từ chiều kích “Vi Nhân” đến chiều kích “Vũ trụ”.
 
D. KẾT LUẬN
 
          Sau khi nhận thức ý nghĩa của Văn hóa Nhân bản, sau khi nhận định đòi hỏi bức thiết của yếu tố nhân bản trong các loại hình văn hóa, giờ đây chúng ta hãy nhìn lại thực trạng xã hội nhơn loại.
          Nhân loại đang bị mất thế quân bình giữa văn minh và văn hóa.
            Nhân loại chưa nối được nhịp cầu thông suốt giữa Nhân sinh và Tâm linh.
          Vai trò của nền văn hóa đạo đức chính là xây dựng một con người sống toàn diện nhân sinh lẫn tâm linh ở tầm kích vi nhân.
          Vai trò của tôn giáo nhân bản phải xây dựng được con người ở tầm kích vũ trụ nhờ rèn luyện đạo pháp, nhờ ở đức tin thúc đẩy con người tiến hóa tâm linh.
          Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Đức Chí Tôn khai minh chính là để phục hồi Nhân bản từ nơi mỗi con người, trong xã hội, đến nhân loại và trên suốt con đường phản bổn hoàn nguyên của Chơn ngã Tiểu linh quang trở về Đại linh quang.
 
          Cái giá trị nhân bản ấy không phải chỉ tìm thấy ở tôn giáo hay trong tôn giáo Cao Đài mà tìm thấy ở bất cứ lãnh vực văn hóa dân tộc nào, văn hóa đạo đức nào của tất cả các dân tộc trên thế giới.
 
 
          Bởi vậy từ tôn chỉ qui nguyên phục nhứt của Đạo pháp đến Đại đồng giải thoát của mục tiêu, từ nguyên lý “Thầy là các con, các con là Thầy” đến Nguyên lý “Thiên Nhân hiệp nhứt”, Đại Đạo đã trao cho loài người chiếc chìa khóa Nhân Bản là phương cách duy nhứt để giải quyết tất cả những vấn nạn của thiên hạ và chuyển đưa Thiên hạ hiệp nhứt cùng Thiên thượng.



 

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


 [1] CQPTGL, Rằm 7 At Mão
[2] CQPTGL, rằm 7 Tân Dậu
[3] Rằm 11 Tân Hợi, 10-12-71
[4]Đức Lê Đại Tiên, TGST CQPTGL 70-71,tr.24-25
[5] Đức Đông Phương Chưởng Quản, TGST CQPTGL 1970-1971, tr.263-264
 
[6] Phan Thanh Giản 3.10.72 ,TGST 72-73,tr.61
[7] CQPTGL , 14-2 At Mão
[8]  Phát huy giá trị và năng lực con người trong cuộc sống
-          Hòa nhịp với cộng đồng và hài hòa với vũ trụ.
-          Hướng về cứu cánh tối cao là Chân Thiện Mỹ hay là Thượng Đế.
[9] TGST/CQPTGL,1970-71,tr.192