TÒA THÁNH CAO ĐÀI NGỌC MINH (BẠC LIÊU) TRUYỀN THỐNG XƯA VÀ NAY

Gửi ngày 07/11/2014
TÒA THÁNH CAO ĐÀI NGỌC MINH (BẠC LIÊU)  TRUYỀN THỐNG XƯA VÀ NAY
TÒA THÁNH CAO ĐÀI NGỌC MINH (BẠC LIÊU)
TRUYỀN THỐNG XƯA VÀ NAY
                                                                          Đinh Quag Tiến *
 
       
Ảnh : Tòa Thánh Ngọc Sắc hiện nay

   Vào những ngày cuối năm 2005, trong chuyến đi công tác tại miền Tây Nam Bộ, chúng tôi đến thăm Toà thánh Ngọc Minh của Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo trước đây (nay là Thánh thất Ngọc Minh) và mặt trận Giồng Bốm - một địa danh lịch sử, ở xã Phong Thạnh huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu. Ấn tượng đầu tiên của tôi là con đường hẹp, kéo dài quanh co hơn 10 km từ trung tâm huyện Giá Rai đến xã Phong Thạnh. Phương tiện lưu thông tốt nhất trên đường là xe máy, dưới sông là ghe thuyền nhỏ. Sau gần 1giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến nơi. Quang cảnh thật vắng vẻ chỉ có những cây tràm, cây bốm, sông nước và con đường đất đắp bùn bao quanh. Thánh thất Ngọc Minh hiện ra trong màu vôi trắng đã ngả màu đen, pha chút rêu phong, ẩn mình dưới tán lá tràm, lá bốm, tuy đơn sơ nhưng uy nghiêm, trầm hùng. Hình thể của ngôi Thánh thất có Bát Quái đài và Cửu Trùng đài, chưa có Hiệp Thiên đài. Bên cạnh đó là đài tưởng niệm liệt sỹ Giồng Bốm, với ngọn tháp thẳng đứng vươn cao lên trời như tượng trưng cho tinh thần bất khuất, kiên trung của những nghĩa quân năm xưa hiên ngang cầm giáo mác đứng lên chống giặc ngoại xâm. Khi tôi đang thả hồn nhớ lại những tháng ngày lịch sử của mảnh đất "thiêng liêng" thì đôi chân đã đưa tôi đến trước cổng Thánh thất Ngọc Minh. Năm, sáu vị chức sắc trong Ban Cai quản Họ đạo Cao Đài Ngọc Minh trong bộ quần áo trắng, đóng khăn xếp đen chỉnh tề ra đón chúng tôi. Sau một hồi thăm hỏi, trò chuyện thân tình, chúng tôi được những người trong Ban Cai quản Họ đạo và đặc biệt là ông Sáu Sáng (Nguyễn Văn Sáng), Trưởng Ban Đại diện Cao Đài Minh Chơn đạo tỉnh Bạc Liêu, Uỷ viên Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo kể lại với giọng xúc động và tự hào…  Câu chuyện về những ngày tháng chiến đấu hào hùng của nghĩa quân "áo trắng" ở mặt trận Giống Bốm được tái hiện lại bằng ngôn ngữ, với giọng kể truyền cảm, sâu lắng, hình ảnh năm xưa dần dần hiện ra…
          Bạc Liêu là vùng đất mới hình thành trên hơn hai trăm năm. Dân cư chủ yếu là dân phiêu bạt, nghèo khổ. Tuy nhiên, họ mang tính cách cởi mở, chân thành, sống đoàn kết, nương tựa vào nhau và thích "làm ăn lớn"[1] . Xưa kia vùng đất này là đồng nước mênh mông, lầy lội, sông rạch chằng chịt, chỉ có muông thú, và rừng cây um tùm, ít người qua lại (năm 1916, Bạc Liêu có 97.050 cư dân). Năm 1930, Chưởng pháp Trần Đạo Quang về Hậu Giang thành lập phái Cao Đài Minh Chơn đạo. Địa bàn hoạt động chủ yếu tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh (Minh Hải cũ). Trần Đạo Quang đặt tên cho phái Cao Đài ở miền Tây là Minh Chơn đạo với ý nghĩa làm sáng tỏ nền đạo chân chính. Ông chủ trương “lấy tu nhơn đạo làm nền tảng, coi cứu khổ nhơn sanh làm công qủa cao nhất của người tu hành” nên ông luôn luôn chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho tín đồ. Đối tượng phục vụ của ông là nông dân nên ông thường lập Thánh thất ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Một trong những Thánh thất được xây dựng đầu tiên là Thánh thất Ngọc Minh.
          Khi số tín đồ tăng lên, nhiều Thánh thất đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của bà con bổn đạo. Thánh thất Ngọc Minh được Chưởng pháp Trần Đạo Quang chọn làm Toà thánh Trung ương Giáo hội Cao Đài Minh Chơn đạo để hướng dẫn, quản lý các tổ chức cơ sở hành đạo theo đúng tôn chỉ, mục đích nhằm làm "sáng tỏ nền đạo chân chính" mà Giáo hội đã lựa chọn. Năm 1932, Cao Triều Phát - một điền chủ giàu có ở Bạc Liêu gia nhập Cao Đài Minh Chơn đạo và sớm trở thành chức sắc cao cấp. Từ đây, Cao Triều Phát là người đóng vai trò quan trọng đưa hoạt động của phái Minh Chơn đạo theo con đường tiến bộ, yêu nước. Ông đề xuất chủ trương: khai hoang ruộng đất chia cho nông dân nghèo; tổ chức nông điền để nông dân lao động tập thể cùng làm cùng hưởng; tổ chức sản xuất tự túc, tự cấp như trồng rau, nuôi tằm, trồng bông dệt vải, làm tương chao...; lập các hội tương tế giúp đỡ nhau khi có quan hôn tang tế. Ý kiến của Cao Triều Phát được Trần Đạo Quang tán thành và được thực hiện trong toàn phái. Năm 1939, Cao Triều Phát thành lập Thanh niên Đoàn Đạo đức nhằm giáo dục thanh niên Cao Đài đoàn kết, nâng cao trình độ giáo lý, củng cố tinh thần “thương đạo yêu nước”. Tổ chức Thanh niên Đoàn Đạo đức nhanh chóng tập hợp được hàng ngàn thanh niên tín đồ sinh hoạt trong 40 tiểu ban ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dưới sự lãnh đạo của Cao Triều Phát, phái Minh Chơn đạo thực hiện phương châm "phụng đạo yêu nước", ủng hộ cách mạng tham gia kháng chiến chống xâm lược.
          Sau khi nước nhà giành độc lập (1945), thực dân Pháp tiếp tục quay lại quyết tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Nhân dân cả nước lại anh dũng đứng lên ủng hộ cách mạng chống giặc Pháp xâm lược. Ngày 06/01/1946, tỉnh Bạc Liêu tổ chức bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, ông Cao Triều Phát đắc cử đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến cuối tháng 1/1946, thực dân Pháp tiến đánh thị xã Bạc Liêu. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Cao Triều Phát quyết định lập căn cứ kháng chiến tại ấp Giồng Bốm, nơi có hơn bốn ngàn chức sắc, tín đồ sống xung quanh Toà thánh Ngọc Minh. Ông củng cố và xây dựng Toà thánh như một chiến luỹ để làm căn cứ kháng chiến: có xưởng đúc rèn chế tạo binh khí, thao trường luyện quân và hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ông tuyển mộ trong đạo những thanh niên có sức khoẻ và lòng yêu quê hương đất nước để thành lập nghĩa quân "áo trắng". Ngày 29/01/1946, thực dân Pháp chiếm đóng thị xã Bạc Liêu. Chúng tiến hành các cuộc càn quét đánh chiếm các vùng đất còn lại.Căn cứ Giồng Bốm trở thành một trong những mục tiêu của thực dân Pháp.
Để sẵn sàng đối phó với kẻ địch và tăng cường thêm lực lượng, ông Cao Triều Phát kêu gọi, vận động được hơn hai ngàn tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo ở Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên tập trung về Toà thánh Ngọc Minh. Phần đông là thanh niên con nhà đạo cùng một số đồng bào ở các vùng lân cận tản cư cũng vào Giồng Bốm. Cả ấp Giồng Bốm vang tiếng nói, tiếng cười hoà cùng tiếng cuốc, tiếng xẻng đào công sự, tiếng búa rèn, tiếng binh khí của anh em đang tập luyện võ nghệ. Vùng đất vốn thanh bình, yên ả, ít người qua lại là vậy, nay bỗng rộn ràng, người qua kẻ lại tấp nập, hàng nghìn ghe thuyền nối nhau về đậu xung quanh Toà thánh… Trước sự kiện trọng đại, ông Cao Triều Phát quyết định tổ chức "Hội nghị Diên Hồng, trước vận nước đang lâm nguy, bị thực dân Pháp xâm lược"[2]. Thành phần là chức sắc Hội thánh, đại diện Thanh niên Đoàn Đạo đức, đại diện Ban Trị sự, Ban Cai quản các họ đạo trong toàn phái Minh Chơn đạo tham dự gồm hơn 300 đại biểu để bàn việc đánh giặc. Tại hội nghị, ông thuyết giảng về lòng yêu nước, căm thù giặc, và kêu gọi mọi người "kháng chiến cứu quốc là nhiệm vụ hành đạo hàng đầu, là công quả cao nhất của mọi người cũng như của toàn Hội thánh chúng ta"[3]. Toàn hội nghị đều đồng tâm thống nhất lấy "Toà thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh, sẵn sàng quyết tử với địch góp phần cứu nước, cứu đạo, bảo vệ đồng bào"[4], đồng thời suy tôn ông làm Chỉ huy trưởng, gọi thân mật là anh Cả, Giáo hữu Trần Hữu Nam được bầu làm Trưởng Ban Quân sự, Phối sư Nguyễn Hiền Ngô và ông Huỳnh Văn Hai làm Phó Ban Quân sự, Giáo sư Ngô Văn Phú làm Trưởng Ban Tham mưu, Giáo sư Dương Văn Luân làm Trưởng Ban Tiếp tế, Hậu cần... Tuy không được đào tạo nhưng ông Cao Triều Phát có khả năng chỉ huy cầm quân đánh trận, biết phát huy địa thế hiểm trở của Giồng Bốm làm lợi thế để xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức bố phòng các nơi xung yếu, làm hệ thống hầm hào liên thông với các công sự chiến đấu. Ông tuyển chọn những người ưu tú nhất làm lực lượng trực tiếp chiến đấu, tổ chức thành 18 trung đội, tương đương 2 tiểu đoàn. Mỗi trung đội được giao nhiệm vụ cụ thể, phân công địa bàn chiến đấu nhất định có trang bị súng đạn. Lực lượng còn lại làm hậu cần, phục vụ chiến đấu, ông chia thành từng nhóm: tuần tra canh gác, tập luyện võ nghệ, sản xuất lương thảo, còn phụ nữ học cứu thương. Ông chú trọng việc rèn đúc vũ khí như giáo, mác, súng tự tạo... Hàng ngày, những nghĩa quân "áo trắng" vừa chuyên cần luyện tập vừa duy trì sinh hoạt tôn giáo, làm lễ, cúng tứ thời, ăn chay... Tiếng chuông, tiếng mõ vẫn dõng dạc từng hồi theo mỗi khoá lễ, đôi chỗ anh em nghĩa quân vừa làm vừa thầm đọc theo những câu kinh vọng đến: "Lòng gốc bởi lòng thành tín hiệp, mùi nương nhang khói tiếp truyền ra. Mùi hương lư ngọc bay xa, kính thành cầu nguyện tiên gia chứng lòng…" [5]. Trong thời gian này, Chưởng pháp Trần Đạo Quang già yếu về Linh Quang Tự, Gò Vấp dưỡng sức và đã qui Thiên ngày 17/2/Bính Tuất (1946). Toàn đạo đau buồn mất đi người anh lớn là bậc chơn tu, suốt đời hi sinh vì nền đạo, phụng vụ nhơn sanh, xứng đáng là môn đệ của Đức Chí Tôn. Vì hoàn cảnh, chức sắc, tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo không về Sài Gòn dự đám tang được nên tổ chức lễ tang giản dị và trang nghiêm ngay tại Toà thánh. Mỗi người đều thầm hứa, sẽ sống xứng đáng là người tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo theo con đường chân chính mà ngài đã dạy bảo.
Nhằm chuẩn bị tấn công nhổ "cái gai trong mắt", sáng ngày 6/4/1946, thực dân Pháp đưa một Trung đội đến thám thính Giồng Bốm. Nghĩa quân "áo trắng" do chuẩn bị chu đáo, được canh phòng cẩn mật nên đã kịp thời phát hiện và chặn đánh từ xa. Chờ cho chúng vào vị trí phục kích, nghĩa quân nổ súng hạ gục ngay hai lính Pháp đi đầu. Quá bất ngờ, chúng chống trả yếu ớt và nhanh chóng tháo chạy, một tên bị sa xuống sình lầy bị trúng đạn ngã gục. Toàn đạo vui mừng trước chiến thắng đầu tiên, càng tăng quyết tâm chiến đấu.
 Tức giận vì thua trận, giặc Pháp liền đưa máy bay đến bắn phá. Ngày 12/4/1946, chúng cho 3 máy bay oanh tạc mặt trận Giồng Bốm, khu vực chỉ huy của nghĩa quân bị trúng bom, 11 người hi sinh, hàng chục người bị thương. Tuy nghĩa quân bị tổn thất nhưng Ban chỉ huy vẫn an toàn, anh em nghĩa quân làm lễ truy điệu. Hàng ngàn người đứng lặng cùng nghẹn ngào trong tiếng kinh: "Có câu sống gởi thác về, nhớ về Tiên cảnh là quê thanh nhàn. Rày mừng sanh thuận tử an, hồn ra khỏi xác nhẹ nhàng phi thăng..."[6] tiễn đưa linh hồn họ về Bạch Ngọc Kinh[7]. Ngậm ngùi sau khi đưa tiễn đồng đạo, nghĩa quân "áo trắng" thêm hun đúc lòng căm thù quyết diệt quân Pháp xâm lược.
Ngày 13/4/1946, quân Pháp cho 100 lính bộ binh từ Đầu Sấu tấn công Giồng Bốm. Nghĩa quân có phòng bị từ trước, chủ động nổ súng tấn công. Một lần nữa, giặc Pháp lại bị động, hoảng hốt rối loạn đội hình, nghĩa quân thừa thế truy kích khiến chúng tháo chạy để lại trận địa 20 xác giặc và nhiều vết máu trên đường. Nghĩa quân thu được một số đồ dùng quân sự (giầy, nón sắt). Toàn thắng, mọi người an toàn, không ai thương vong. Khắp Toà thánh Ngọc Minh rộn vang tiếng nói, tiếng cười ròn rã, khuôn mặt ai cũng tươi tắn, nụ cười trìu mến, và trong mỗi con người giản dị đó đều cảm nhận được tình cảm gắn bó, thân thương như anh em một nhà "Chẳng quản đồng tông mới một nhà, cùng nhau một đạo tức một Cha"[8]. Xác định rõ quân giặc không từ bỏ âm mưu đánh chiếm Toà thánh, Ban Chỉ huy mặt trận không chủ quan, khinh địch, bố trí lực lượng canh phòng, cảnh giác, củng cố các tuyến công sự, bảo dưỡng vũ khí, đạn dược quyết giữ vững trận địa.
Cay cú vì hai thất bại liên tiếp, sáng ngày 15/4/1946 (ngày 14/3/Bính Tuất), giặc Pháp cho máy bay ném bom, bắn pháo binh vào căn cứ để dọn đường đưa hai Tiểu đoàn quân viễn chinh chia thành 3 mũi tấn công vào Giồng Bốm. Mũi thứ nhất từ Đầu Sấu đánh thẳng vào Toà thánh Ngọc Minh. Chờ cho quân địch đi vào tầm đạn, nghĩa quân đồng loạt nổ súng vào đội hình địch, chúng ngả rạp từng đợt, nhiều tên thương vong. Nghĩa quân bám công sự, bắn tỉa từng viên chính xác gây cho địch một số thiệt hại buộc chúng phải chững lại, tạm dừng tấn công. Mũi thứ hai, từ Bồn Bồn đánh ngang hông mặt trận Giồng Bốm. Mũi thứ ba, từ kinh Hà Văn Cai tấn công trận địa Ngũ Hành toà (cách Toà thánh khoảng một nghìn thước là nơi ở của chức sắc Hiệp Thiên đài). Cả hai mũi này đều bị nghĩa quân chặn đánh quyết liệt, thế trận giằng co kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, địch thiệt hại nhiều và không thể tấn công như kế hoạch, nghĩa quân cũng tổn thất không ít. Toà thánh Ngọc Minh chìm trong khói đạn, nhiều nghĩa quân quả cảm bắn súng đến bể nòng vẫn quyết không dời vị trí. Một số pháo thủ như Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Văn Truyền, Đặng Văn Kế… với khẩu đại bác tự tạo, nòng là ống nước bằng gang, đạn là thuốc súng nhồi mảnh vụn kim loại, thuỷ tinh, hoặc bằng chì đã tiêu diệt hàng chục tên giặc. Cuộc chiến ác liệt, tương quan lực lượng ngày càng phân định rõ rệt, nghĩa quân toàn vũ khí thô sơ lại chưa từng trải qua chinh chiến, đôi bàn tay hàng ngày cầm cuốc, cầm bừa mà nay cầm vũ khí chống chọi với quân Pháp thiện chiến được trang bị vũ khí hiện đại. Đến quá trưa, nhiều nghĩa quân đã hi sinh, (trong đó có pháo thủ Hà Văn Trọng) vũ khí cạn kiệt, súng lớn bể nòng, súng nhỏ hết đạn. Quân Pháp tràn vào trận địa Giồng Bốm, một trận đánh giáp lá cà diễn ra khốc liệt, nghĩa quân dùng xà beng, gươm, kiếm, giáo mác, dao găm, gậy gộc… mạng đổi mạng với quân thù, cầm vũ khí thô sơ lao tới đâm chém, đánh tới tấp vào kẻ địch. Với tinh thần "ăn đứng, nằm thua" không một người nào đầu hàng giặc và chúng cũng không bắt được một nghĩa quân nào ở mặt trận Giồng Bốm. Để bảo tồn lực lượng, Chỉ huy trưởng Cao Triều Phát ra lệnh lui quân. Nghĩa quân mở đường máu rút về Cái Nước. Ra khỏi mặt trận, toàn nghĩa quân cùng hướng về Toà thánh vừa xót thương đồng đạo vừa ngậm ngùi vì không bảo vệ được hình thể của Đức Chí Tôn mà nước mắt lưng tròng. Giặc Pháp thừa thắng điên cuồng đốt phá, chỉ trong phút chốc cả ngôi Toà thánh rộng hơn mẫu và Ngũ Hành toà mà hàng vạn nhơn sanh dày công xây dựng bỗng chốc thành đống đổ nát. Khói lửa mịt mùng, máu chảy đỏ sông, thây người la liệt… ấp Giồng Bốm vốn thanh bình, yên ả, nay điêu tàn, hoang phế…
Giọng ông Sáu Sáng trầm xuống, đôi ba người trong Ban Cai quản Họ đạo mắt ngấn lệ, nghẹn ngào. Chúng tôi cũng lặng đi như đang được sống trong những ngày tháng oanh liệt ấy. Ngồi cạnh tôi, anh Nghĩa, cán bộ tôn giáo tỉnh Bạc Liêu với vẻ mặt dầu dầu xúc động, ghé tai tôi nói nhỏ: "Mình sinh ra ở Phước Long, Bạc Liêu về làm công tác tôn giáo được một thời gian, nhưng đây là lần đầu tiên đến Giồng Bốm. Hôm nay, mới cảm nhận được tinh thần hành đạo và truyền thống yêu nước của bà con bổn đạo Cao Đài Minh Chơn đạo".
Ông Sáu với đôi mắt hoe đỏ, đôi tay run run đưa cho tôi bản danh sách các liệt sỹ ở mặt trận Giồng Bốm năm xưa được viết tay với nét chữ khá đẹp, có đóng dấu của Ban Chấp hành Trung ương Cao Đài Cứu quốc 12 phái hiệp nhứt do Chủ tịch Cao Triều Phát ký. Tôi đọc nhanh những trang giấy đã phai mờ vì thời gian, đoạn đầu viết: "Danh sách các chiến sỹ tử trận ngày 24/4/1946 tại mặt trận Giồng Bốm (Bạc Liêu). Các chiến sỹ nầy đáng tuyên dương trong toàn thể quân đội Quốc gia, Dân quân và Tự vệ và tên được ghi vào sổ vàng. Chánh phủ ta nên châu cấp gia quyến của họ hoặc bằng ruộng đất hoặc một số tiền hàng tháng. Con của các chiến sỹ ấy đáng chọn làm con của Quốc gia (pupilles de la Nation)", và phía dưới là những dòng chữ ghi tóm tắt về từng người đã hi sinh tại trận Giồng Bốm gồm 106 người, đa số có độ tuổi từ 20 đến 30, người trẻ tuổi nhất là 18, cao tuổi nhất là 74.
1. Ông Tô Văn Bường, 19 tuổi, quê làng Phú Mỹ, Bạc Liêu (không có vợ, có cha tên Hinh, mẹ Thị Chính)
2. Ông Trần Văn Thình, 20 tuổi, quê quán làng Tân Hưng Tây, Bạc Liêu (không vợ, có cha tên Sóc, mẹ tên Thị Lãnh)
3. Ông Lại Văn Thuông, 23 tuổi, quê quán làng Viên An, Bạc Liêu (không vợ, cha tên Chậm, mẹ Tô Thị Ua)
4. Ông Phạm Văn Cung, 25 tuổi, quê quán Long Điền, Bạc Liêu (có vợ Lê Thị Hoà, với 1 đứa con trai, 1 đứa con gái, cha tên Hão, mẹ Thị Lấm)
5. Ông Sử Hữu Thành, 22 tuổi, quê quán làng Phước Long, quận Hồng Vân, Rạch Giá[9].

Giọng ông Sáu nhẹ nhàng kể tiếp. Trận Giồng Bốm là một trong những trận đánh lớn nhứt ở miền Tây thời kỳ đầu Nam bộ kháng chiến chống Pháp. Với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, quần chúng tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo đã nổi dậy chống quân Pháp xâm lược. Đội quân áo trắng đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch đồng thời viết nên một trang sử vẻ vang về đạo Cao Đài. Ý chí quật cường, hy sinh anh dũng của nghĩa quân "áo trắng" gây tiếng vang lớn khắp miền. Nó trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần "phụng đạo, yêu nước" trong quần chúng tín đồ Cao Đài và quần chúng nhân dân miền Tây. Uy tín và ảnh hưởng của Cao Triều Phát lan rộng khắp Nam bộ. Từ đây, Cao Đài Minh Chơn đạo đã trở thành một lực lượng quần chúng yêu nước có đóng góp đáng kể vào phong trào kháng chiến cứu quốc và có ảnh hưởng tích cực tới tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ.
Không giấu được cảm xúc, ông Sáu lấy vạt áo lau nước mắt, từ từ đi vào nhà trong lấy bó hương trầm, rồi đi ra ngoài. Mọi người không ai bảo ai lặng lẽ đứng dậy đi theo. Khoảng chừng 30 m, từ nhà Thiên phong đường là tới ngôi tháp thờ những nghĩa quân hi sinh tại Giồng Bốm. Ngôi tháp xây hình bát giác, cao hơn 10 mét, diện tích khoảng 6 mét vuông, ở giữa có xây bia tưởng niệm cũng hình bát giác bên trong đựng hài cốt của các nghĩa quân, xung quanh được ốp đá đen có khắc họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán của các liệt sỹ. Một vài chỗ trong tháp đã bị lún, tường rạn nứt. Hai bên cửa chính có ghi hai câu đối "Tổ quốc ghi công người vì nước. Đạo Đời tưởng nhớ bậc hữu công". Ông Sáu cùng Giáo sư Nguyễn Văn Hiền dâng hương lên bàn thờ "TRUNG LIỆT THÁNH". Bên bàn thờ là hai cây giáo dài khoảng mét sáu của những nghĩa quân năm xưa còn lại đã bị thời gian làm hoen rỉ. Chúng tôi kính cẩn thành tâm trước linh hồn các nghĩa quân anh dũng. Ông Sáu cho biết, sau trận chiến, Hội thánh, Họ đạo Ngọc Minh cùng bà con địa phương tổ chức an táng, thu gom hài cốt để xây đài liệt sỹ. Nhưng do thời gian và chiến tranh kéo dài nên không gom được đủ, chỉ còn khoảng hơn 40 hài cốt. Năm 1977, bà con bổn đạo tiến hành xây dựng lại Thánh thất Ngọc Minh và làm tượng đài liệt sỹ. Vào năm 1986, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Minh Hải cho xây dựng bia lưu niệm để tưởng nhớ các liệt sỹ Giồng Bốm. Đến nay, bổn đạo đã thu thập và thống kê được 129 người hi sinh tại mặt trận Giồng Bốm trong đó có 11 nữ. Một điều mà toàn đạo còn trăn trở là mới có 3/4 số nghĩa quân được công nhận liệt sỹ. Hướng tới kỷ niệm 60 năm mặt trận Giồng Bốm, toàn đạo có nguyện vọng được xây dựng lại đài tưởng niệm. Theo nguyện vọng của bà con bổn đạo, Hội thánh chọn vị trí ngay cạnh ngọn tháp cũ và xây dựng rộng hơn (Đài tưởng niệm mới đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm Mặt trận Giồng Bốm 15/4/1946-15/4/2006).
Ông Giáo sư Hiền có khuôn mặt sạm đen, hiền hậu rất đặc trưng của người dân Nam bộ. Từ lúc nghe ông Sáu kể chuyện đến giờ mới lên tiếng: "Mấy ảnh theo tôi!". Ông đưa chúng tôi ra phía trước ngôi tháp khoảng 5 mét, lấy tay gạt lớp cỏ lau, chỉ cho chúng tôi thấy một đoạn móng cũ của Tòa thánh Ngọc Minh được xây bằng gạch đỏ. Theo lời ông Hiền thì Toà thánh năm xưa rộng hơn 300 thước, cao hơn 10 thước, có đủ Tam đài (Bát Quái đài, Cửu Trùng đài, Hiệp Thiên đài) do hàng vạn nhơn sanh ở vùng Giồng Bốm và các tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ góp công xây dựng trong hơn 3 năm ròng (1932-1935). Bên phải Bát Quái đài là nhà Đông Thiên Phong dành cho nam phái, bên trái là nhà Tây Thiên Phong cho nữ phái, sau Bát Quái đài là nhà Chánh Thiên Phong là nơi làm việc, sinh hoạt của chức sắc Hội thánh. Bốn phía Toà thánh có đào mương, rộng khoảng 4 mét để ghe thuyền của nhơn sanh về đậu trong những ngày lễ lớn. Nếu đi từ xa chừng gần 1km cũng có thể trông thấy hai lầu chuông trống nơi Hiệp Thiên đài nổi bật giữa nền xanh của thiên nhiên. Vết tích còn lại của Toà thánh Ngọc Minh năm xưa là một đoạn móng còn sót lại và một chiếc bình hồ lô cao khoảng 30 cm, rộng 15 cm bằng đá màu vàng, hiện được đặt trên bia tưởng niệm ở trong tháp. Sau trận Giồng Bốm, giặc Pháp tiếp tục đốt phá, cướp của, sát hại hơn một ngàn dân thường ở xung quanh Toà thánh gây xúc động mạnh mẽ và càng làm tăng tinh thần căm thù giặc, quyết tâm kháng chiến cứu nước của đồng bào Cao Đài Minh Chơn đạo. Cũng tại Toà thánh Ngọc Minh, anh cả Cao Triều Phát thành lập Đoàn Thanh Niên Đạo Đức Hậu Giang để tập hợp thanh niên giúp nhau học tập tiến bộ hành đạo yêu nước. Sau khi, anh cả Cao Triều Phát về Cái Nước, Cà Mau lấy Thánh thất Ngọc Sắc làm Toà thánh Trung ương thay thế Toà thánh Ngọc Minh, đến năm 1977, Thánh thất Ngọc Minh được xây dựng lại trên diện tích của Toà thánh xưa nhưng do điều kiện khó khăn nên Thánh thất mới dựng được Cửu Trùng đài và Bát Quái đài, chưa có Hiệp Thiên đài. Năm 2010, Thánh thất Ngọc Minh đã được bổn đạo Cao Đài Minh Chơn đạo góp công xây dựng mới Hiệp Thiên đài, tu sửa Cửu Trùng đài và tôn tạo Bát Quát đài để có đủ Tam đài thờ Thánh thể của Đức Chí Tôn. Đến ngày 16/4/2011, Họ đạo Ngọc Minh làm lễ lạc thành Thánh thất, kỷ niệm 65 năm Mặt trận Giồng Bốm và đón di cốt của Tổng Chỉ huy Mặt trận Giồng Bốm Cao Triều Phát về Đền Trung Liệt Thánh trong niềm hân hoan của bổn đạo Cao Đài Minh Chơn đạo.
Tiếp nối truyền thống anh dũng của các bậc tiền bối đã hy sinh nơi Tòa thánh năm xưa, mỗi chức sắc, tín đồ ở Thánh thất Ngọc Minh một lòng tu hành theo gương của anh lớn Trần Đạo Quang, anh cả Cao Triều Phát. Thánh thất Ngọc Minh có 15 chức sắc từ phẩm Lễ sanh đến Phối sư, với hơn 300 tín đồ, tập trung ở xung quanh Giồng Bốm. Phát huy truyền thống anh hùng, Họ đạo Ngọc Minh hiện nay, tiếp tục duy trì làm tốt công việc đạo, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, quỹ "Vì người nghèo"; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ trong đạo; thường xuyên quan tâm, chăm sóc những gia đình có người hi sinh tại mặt trận Giồng Bốm và trong kháng chiến cứu quốc; tổ chức các ngày lễ cầu siêu, cầu lành bệnh, cầu bình an cho bá tánh nhơn sanh… Các ngày lễ lớn được tổ chức trọng thể đặc biệt là ngày kỷ niệm mặt trận Giồng Bốm hàng năm thu hút hàng nghìn chức sắc, tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo về Thánh thất Ngọc Minh dự lễ. Cùng với sự phát triển của toàn xã Phong Thạnh, tín đồ trong đạo vừa làm nông nghiệp kết hợp với nuôi tôm nước lợ để cải thiện kinh tế. Nhiều gia đình đạo đã xây dựng được nhà mái bằng cao 2, 3 tầng, có xe máy, tivi,… Mỗi gia đình trong Họ đạo Ngọc Minh đã vươn lên không còn hộ đói nghèo. Anh dũng trong thời chiến, giỏi giang trong thời bình, Họ đạo Ngọc Minh nói riêng và ấp Giồng Bốm nói chung đã phát triển đi lên, cuộc sống người dân, người đạo ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong khi Giáo sư Hiền dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh Thánh thất thì một số bà con bổn đạo kéo về cúng thời Dậu (Đạo Cao Đài cúng tứ thời trong ngày: Tý - Ngọ - Mão - Dậu). Vài chiếc ghe thuyền đậu dưới chân cầu bắc vào Thánh thất, hơn ba chục người vui vẻ chào hỏi chúng tôi, rồi vội vã vào bửu điện hành lễ. Mặt trời lấp ló sau rặng dừa, ánh nắng vàng nhạt dịu dàng tô điểm cho những cánh hoa mẫu đơn thêm khoe sắc thắm. Tôi nhìn đồng hồ đã 5 giờ chiều nên nhẹ chân bước tới nơi Cửu Trùng đài chứng kiến bổn đạo Ngọc Minh hành lễ. Tiếng chuông vang xa, tiếng mõ nhịp nhàng, tiếng đọc kinh với giọng nam ai:
"...Phép Tiên Đạo: tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh" [10].
Tôi nghe như tiếng của nghĩa quân năm xưa vọng về. Được đến mảnh đất anh hùng, nơi yên nghỉ của những nghĩa quân "áo trắng", tôi mới cảm nhận được tinh thần yêu nước và đức tin tu hành của người đạo Cao Đài. Trong đàn lễ, họ thật giản dị, chất phác, đôi mắt chứa chan niềm tin và sự thanh thản của tâm hồn. Mỗi tín đồ Cao Đài khi đã nhập môn vào đạo đều được Đức Chí Tôn ban cho chiếc "áo giáp" được dệt bằng "đạo đức" để không bị quỷ Satăng cám dỗ. Chiếc áo đó phải chăng đã được chức sắc, tín đồ họ đạo Ngọc Minh gìn giữ hàng ngày dệt bằng tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đạo, nghĩa xóm làng để tạc thành hình tượng đội quân "áo trắng" đánh giặc năm nào.
Tôi được đến thăm nhiều Thánh thất Cao Đài mỗi nơi đều có đặc điểm riêng nhưng khi tới Thánh thất Ngọc Minh đã để lại trong tôi một ấn tượng thật sâu sắc. Thánh thất nằm giữa bốn bề sông nước, bao quanh là rừng dừa nước, cây tràm, cây bốm như hoà vào thiên nhiên, và đặc biệt con người hiền hoà, dễ mến, thân thiện. Trời chiều chạng vạng, chúng tôi tạm chia xa Giồng Bốm về thị xã Bạc Liêu. Mọi người trong Họ đạo, ông Sáu Sáng, Giáo sư Hiền đưa tiễn chúng tôi ra đến tận ngoài đường lớn. Tiếng gió xào xạc trên cành lá, từng cánh chim nhỏ lượn ngang qua đỉnh tháp, tôi ngắm nhìn khung cảnh Giồng Bốm một lần nữa mà thấy gần gũi, lưu luyến. Tạm biệt Giồng Bốm, chia tay Họ đạo Ngọc Minh trở về, tôi mong rằng:
         "Ai qua Giồng Bốm hôm nay,
Nhớ ngày khởi nghĩa chống Tây hôm nào..."
Đầu năm 2014, tôi có dịp trở lại thăm Thánh thất Ngọc Minh và Mặt trận Giồng Bốm. Thánh thất Ngọc Minh đã đổi thay nhiều, từ xa đã thấy ngôi Thánh thất với đủ Tam đài, bên cạnh là Đền Trung Liệt Thánh uy nghiêm. Bổn đạo nơi đây đón tiếp chúng tôi trong không khí vui mừng, phấn khởi. Đầu sư Sáu Sáng vẫn giữ được hình dáng như chục năm về trước, nhưng gương mặt đã già đi nhiều. Giáo sư Hiền giờ đây đã lên phẩm Phối sư, làm Trưởng Ban Di tích Mặt trận Giồng Bốm nhưng thời gian khiến ông chậm chạp hơn. Ông Sáu Sáng cho biết, năm 2010, Thánh thất Ngọc Minh đã được bổn đạo Cao Đài Minh Chơn đạo góp công xây dựng mới Hiệp Thiên đài, tu sửa Cửu Trùng đài và tôn tạo Bát Quát đài để có đủ Tam đài thờ Thánh thể của Đức Chí Tôn. Đến ngày 16/4/2011, Họ đạo Ngọc Minh làm lễ lạc thành Thánh thất, kỷ niệm 65 năm Mặt trận Giồng Bốm đón di cốt của Tổng Chỉ huy Mặt trận Giồng Bốm Cao Triều Phát về Đền Trung Liệt Thánh trong niềm hân hoan của bổn đạo Cao Đài Minh Chơn đạo. Đặc biệt trong buổi lễ kỷ niệm 65 Mặt trận Giồng Bốm (15/4/1946-15/4/2011), chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã trao Quyết định công nhận Mặt trận Giồng Bốm là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đang hoàn tất việc mở rộng đường bộ đi qua Thánh thất Ngọc Minh để người đạo và nhân dân đến thăm di tích lịch sử không còn băn khoăn việc đi ghe thuyền hoặc xe máy. Nhân dịp tiếp xúc với chúng tôi, đại diện Ban Cai quản Họ đạo Ngọc Minh, Ban Quản lý Di tích Mặt trận Giồng Bốm, đại diện gia đình cụ Cao Triều Phát, bà Cao Bạch Liên có nguyện vọng với chính quyền các cấp được nâng cấp Di tích lịch sử Mặt trận Giồng Bốm là Di tích lịch sử cấp quốc gia và tiếp tục xem xét công nhận liệt sỹ cho các tín hữu đạo Cao Đài hy sinh tại Mặt trận Giồng Bốm năm 1946. Chúng tôi ghi nhận những nguyện vọng chính đáng của họ và chúc cho toàn thể chức sắc, tín đồ Họ đạo Ngọc Minh ngày càng tiến bộ, xứng đáng là Họ đạo tiêu biểu trong Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo.
Tin tưởng rằng, các thế hệ mai sau ở Giồng Bốm nói riêng và đồng bào Cao Đài Minh Chơn đạo nói chung phát huy truyền thống tốt đẹp, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những hi sinh của cha ông vì nền độc lập tự do của đất nước. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta hãy biết trân trọng quá khứ, trân trọng giá trị đạo đức cao đẹp để mỗi người dân nối tiếp truyền thống anh hùng góp sức mình xây dựng quê hương Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
                                                                       
                                                                            


[*] Ban Tôn giáo Chính phủ
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, Tập 1, tr. 18.
[2] Tài liệu Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo
[3] Phan Văn Hoàng (2001), Cao Triều Phát nghĩa khí Nam bộ,NXB Trẻ TP. HCM, tr 103.
[4] Nguyên Hùng (1997),Đạo đời hai vai, NXB Văn học, tr.40.
[5] Kinh cúng tứ thời, Niệm hương. 
[6] Kinh cúng tứ thời,Đưa linh hồn
[7]Bạch Ngọc Kinh là toà lâu đài to lớn được làm toàn bằng ngọc trắng, là nơi thường ngự của Đức Ngọc Hoàng Thượng đế. Tất cả các chơn hồn khi đã đắc đạo đều phải đến Bạch Ngọc Kinh bái lễ Đức Chí Tôn [Đức Nguyên,  Cao Đài từ điển].
[8] Thánh ngôn Hiệp tuyển.
[9] Danh sách tử sỹ mặt trận Giồng Bốm (ngày 8/6/1948).
[10] Kinh cúng tứ thời, Khai kinh