TỪ Ý THỨC HỆ CAO ĐÀI PHẦN II ( TẾP THEO PHẦN I )

Gửi ngày 11/12/2024
TỪ Ý THỨC HỆ CAO ĐÀI  PHẦN II  ( TẾP THEO  PHẦN I )
 
3.2. Nội dung của lý tưởng Đại Đạo
 
Trong một lần giáng cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo; Đức Cao Triều Phát đã tóm lược lý tưởng Đại Đạo qua bốn điểm căn bản:
 
“Đây, Tiên Huynh tóm lược lý tưởng Đại Đạo để các em suy gẫm, nhìn thấy chỗ tối cao, tận thiện, tận mỹ của chánh pháp Kỳ ba:
 
1. Đại Đạo là con đường rộng lớn nhứt để đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, không kỳ thị phân chia, phù hợp xu hướng văn minh tiến bộ, tạo cảnh giới an lạc hòa bình, hạnh phúc trần gian, và siêu xuất thế gian; đó cũng là chiếc Bát nhã thoàn đưa khách năm châu đến cứu cánh tận độ.
 
2. Đại Đạo là cánh cửa Càn Khôn rộng mở cho văn minh khoa học loài người đạt đến điểm cao vút, để nhìn thấy cơ vi mầu nhiệm của Tạo Hóa, mà thành tín trước đức háo sanh mầu nhiệm và đức từ bi sáng tạo vô ngần của Thượng Đế. Như vậy, Đại Đạo là con đường chân lý mà loài người phải vươn tới.
 
3. Đại Đạo đưa con người tiến hóa lên nấc thang đạo đức tận thiện tận mỹ. Chánh pháp Thầy truyền, giáo lý các Đấng Thiêng Liêng dạy, tình dân tộc nghĩa đồng bào của chư môn đệ, cứu cánh tận độ của Đức Chí Tôn đặt để, và môi trường xã hội loài người; cả thảy đều là yếu tố tích cực, rất thuận lợi cho loài người tiến đến đạo đức cao cả, nhất là vào thời kỳ mạt kiếp.
 
4. Trong phạm vi khác, Đại Đạo có thể là con đường sứ mạng của dân tộc Việt, vì giáo lý Cao Đài  là kết hợp tinh thần văn hiến của dân Việt. Đó là điều hãnh diện của dân tộc trong công cuộc xây dựng văn minh thế giới chung.” [1]
 
Chúng ta thấy lý tưởng  của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không có gì khác hơn là:
 
  • Nhắc nhở cho nhân sanh nhận chân được giá trị con người là một tiểu vũ trụ có đủ quyền năng tiến hóa và hiệp nhất với đại vũ trụ.
 
  • Xây dựng con người sứ mạng là con người Đại Đạo bằng chính Nhân bản, bằng chính Bản thể linh quang, bằng chính Chơn thần thụ bẩm trong con người.
 
  • Nhưng với một đặc ân hy hữu của cơ cứu độ hạ nguơn là chính Đức Thượng Đế lâm trần ban trao quyền pháp để lập thành một mạng lưới đại thừa giác ngộ chúng sanh biết tự độ và độ tha.
 
4. Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Đ
 
Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là sứ mạng cứu độ toàn diện cá thể con người và toàn thể nhân loại.
 
4.1. Những trọng điểm trong sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
 
4.1.1. Sứ mạng phục hồi Nhân bản

Một điển hình giáo dục có nhân bản là chủ trương giáo dục vì hòa bình của giáo sư Johan Galtung, một giáo sư người Na Uy đã sáng lập Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình tại Oslo (Prio) năm 1959.

Vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 ông đã đưa chương trình giáo dục vì Hòa bình vào các trường đại học và cao đẳng, cho đến nay lên đến 500 trường ở khắp thế giới.
Ông cho biết “Giáo dục vì hòa bình là dạy cho người ta biết xử lý một cách sáng tạo hơn và ít hung bạo hơn những tình huống xung đột và cung cấp cho họ những phương tiện để làm việc đó” (Có thể nói là dạy phương pháp tạo thế Nhân hòa)

Trong giáo lý Đại Đạo, công tác giáo dục đào tạo được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhấn mạnh mục tiêu đào tạo nhân sự “phẩm” và nhân sự “hợp nhất”. Ngài dạy :

Giá trị phẩm của từng cá thể phải được rèn đúc và xây dựng thường xuyên. Giá trị đức tin, giá trị nhơn ái, giá trị tri thức, và giá trị dũng mãnh của tinh thần, tất cả phải được nung nấu và cải thiện luôn luôn.... Ngoài ra, trí năng và thể năng là hai năng lực bổ sung nhau, giúp đở sự thực thi trọn vẹn đức tin và lòng nhân ái của chính mình” 

Chúng ta thấy, Cao Đài đã vạch ra một đường lối giáo dục hết sức nhân bản.
 
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có sứ mạng phục hồi Nhân bản, tạo thế nhân hòa để đi đến đại đồng nhân loại.
 
Về mặt nhân sinh, đại đồng nhân loại là một lý tưởng của thế giới, một ước vọng của  loài người mà cũng là mục tiêu của sứ mạng Đại Đạo. Gọi là lý tưởng hẳn nhiên không thể đạt đến một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Ơn Trên đã nói:
 
“Không phải Thượng Đế cấy lúa trên tảng đá hay trao quyển binh thư cho người mù chữ. Ngoài ân ban, Đức Thượng Đế còn nhận thấy dân tộc nầy có thể thực hành sứ mạng:
 
Hảo Nam Bang, Hảo Nam Bang,
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn.”[2]
 
Thượng Đế biết rằng con cái Ngài đã thừa hưởng được cái vốn liếng quí giá của Ngài từ lúc ra đi. Chỉ còn vấn đề là biết vận dụng, khai thác nó ra sao để mọi người đều có thể góp phần vào sự nghiệp chung của toàn cõi nhân sinh.
 
Vốn liếng ấy chính là Nhân bản.
 
Sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ chọn khâu đột phá để thực hiện "thế đạo đại đồng" là phục hồi Nhân bản bởi vì con người đã vô tình hay hữu ý đánh mất cái bản vị cao quí ấy, do say sưa men đời, đắm chìm trong dục hải, hoặc ngây ngất trên ngôi hư danh ngã mạn.
 
Nên Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
 
“Cái bản vị cao quý nhất của con người đối với vạn vật vạn linh cũng là cái rất quan trọng với chính nó trong cuộc sống toàn diện, là sống theo đúng bản vị của con người  trong ý nghĩa bất tử bất biến. (...) Nhưng chính nó đã biến thái rất nhiều trong màn đêm lục thức mà cứ ngỡ rằng vẫn còn rực rỡ huy hoàng đẹp đẽ như cánh bướm, như hoa tươi, trong muôn ngàn tiếng ngợi tiếng khen vô nghĩa hão huyền.”[3]
 
Giáo lý Đại Đạo cảnh tỉnh con người trở về Nhân bản, trước hết, bằng cách nhắc nhở đẳng cấp tiến hóa của con người đứng trên vạn vật, vạn vật hiện sinh bằng bản năng và bằng thú tánh, nhưng con người có thêm trí năng và thiên lương (lương năng):
 
“Người xứng người đứng trong hoàn vũ,
Người nên người là chủ lấy thân;
Người là muôn mặt cân phân,
Lý tình gồm đủ, hình thần câu diêu.”[4]
 
Hơn nữa, con người là một chủ thể đã tiến hóa qua con đường gian khổ diệu vợi bằng vô lượng kiếp mới đạt đến địa vị gần với Trời, nhưng vẫn phải học hỏi, trau giồi, phụng sự để tiếp tục tiến hóa đến tận cuối đường là cõi thiêng liêng bất diệt. Thế gian chưa phải là giai đoạn cuối cùng của con đường tiến hóa. Nhưng cuộc sống thế gian là điều kiện để tiếp tục tiến hóa. Nếu tự mãn hay bất mãn ở cõi này đều bị trở ngại hoặc thoái hóa:
 
“Xét tình trạng nhân sanh xã hội,
Biết tùy thời thay đổi tiến tu;
Cùng nhau vẹt sạch áng mù,
Dắt dìu ra khỏi trần tù bất công.”[5]
 
Đức Quan Âm Bồ Tát có dạy:
 
“Đời là cõi tạm, thật vậy. Đạo là sanh hóa, cũng thật vậy. Cũng trong luật tắc tài thành của đức hiếu sanh, đã ban phát cho nhân loại đầy đủ bộ máy tối linh để người giác ngộ biết đem tự thể sở sanh với vũ trụ tuần hoàn mà tìm hiểu đời sống, tức là đạo lý. (...). Tự tánh thiên nhiên không làm cho cuộc đời là giả tạm, mà chính chỗ dục vọng của con người mới biến đời là tạm bợ mà thôi.”[6]
 
Người đời đang sống, đang hoạt động trong những lĩnh vực, hoàn cảnh khác nhau, nhưng sống và hoạt động mỗi mỗi đều với ý thức nghĩa vụ của một nhân sanh, là đang ở trên nhân bản.
 
Nhưng điểm đặc biệt quan trọng nhứt trong sứ mạng phục hồi Nhân bản của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là khai thông mối liên hệ giữa Người và Trời. Bởi vì  Nhân bản không chỉ là trọng tâm của nhân tính mà tối yếu là hàm ẩn Thượng Đế Tính trong con người. Cho nên Nhân bản là điểm nối kết của Tâm linh với Nhân sinh. Sứ mạng Đại Đạo dạy cho con người tìm ra chiếc chìa khóa khai thông ấy ở nội tâm, tâm trung thanh tịnh thuần khiết.
 
“Sống lại lòng mình hỡi thế nhân,
Trở về Thượng Đế tính đơn thuần,
Không gây tham vọng không oan trái,
Nước mạnh dân an bởi hợp quần.”[7]
 
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã từng nhấn mạnh bí quyết tiến hóa của con người như sau:
 
“Con người, khi hiểu thông đạo lý, tìm được mấu chốt là chìa khóa liên hệ giữa người và Trời, thì con người sẽ tự tu, tự tạo, tự lập, tự tiến cho mình trở nên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật dễ dàng.”[8]
 
4.1.2. Sứ mạng Đại thừa
 
Sứ mạng Đại thừa là bước tiến vượt của sứ mạng vi nhân để thực hành cơ cứu độ bằng Thiên đạo:
 
“Thử sứ mạng đương sanh hoằng giáo,
Thị Đại thừa Thiên đạo tiến tu
Kỳ Khai nhứt bổn vạn thù,
Vạn thù quy nhứt, công phu siêu phàm”[9]
 
Từ buổi ban sơ khai đạo, mục đích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã nêu lên: "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát". Do đó trọng điểm kế tiếp của sứ mạng Đại Đạo – không thể thiếu được để lập thành cơ cứu độ toàn diện, từ xây đời Thánh đức đến giải thoát tâm linh – đó là sứ mạng phổ truyền Chánh pháp Đại Đạo.
 
Kể từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm Tân Dậu (08-02-1921), khi Đức Cao Đài Tiên Ông gõ cơ ban lệnh cho người đệ tử đầu tiên:
 
"Chiêu, tam niên trường trai"
 
để được thọ truyền đạo pháp, thì chánh pháp Đại Đạo đã được mở đầu cho Tam Kỳ Phổ Độ rồi vậy.
 
Đến đầu năm 1926 (25-02-1926) khi Đức Chí Tôn giải thích ý nghĩa Thánh tượng Thiên nhãn cho chư Tiền khai Đại Đạo, có dạy về Chánh pháp Đại Đạo như sau:
 
“Lập "Tam Kỳ Phổ Độ" này, duy Thầy cho "Thần" hiệp cùng "Tinh Khí" đặng hiệp đủ "Tam bửu" là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh ....[...]... Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đặng đắc Đạo. Con hiểu "Thần cư tại Nhãn"”[10]
 
Đến ngày 07-04-1926 tại Vĩnh Nguyên Tự Thầy dạy Ngài Đầu Sư Lê Văn Lịch như sau:
 
...Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm thế nào ? - Thầy hỏi - Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm này về theo Trung đặng đi truyền Đạo. Nghe và tuân theo.”[11]( TNHT, 1973, tr.15)
 
Đến cuối năm 1936 (01.10 Bính Tý), khi ban Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, là quyển kinh đầu tiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ về Đạo pháp, Đức Chí Tôn đã nêu Thánh Ý như sau:
 
"Ngày nay Đạo đã trải qua "thời kỳ phổ thông" mà bước đến"thời kỳ giáo hóa" nên chi Thầy mới giáng một pho " Đại Thừa Tâm pháp" để cho các con tầm lối băng về,noi theo giáo lý của Thầy đây, chắc là thoát khỏi bến mê bể khổ "(ĐTCG, Trước tiết tàng thơ, chương 24, tr.116)
 
Thầy lại dạy tiếp:
 
Vì con người đã quá trầm luân thống khổ, nên chính mình Thầy là Ngọc Hoàng Thượng Đế đã động mối từ tâm, cũng vì tánh đức háo sanh mà chẳng nở để cho con người tiêu diệt, mới rọi lằn điển quang giáng cõi trần, cốt lập Tiên Thiên Đại Đạo, quy nguyên Tam giáo và dụng tâm pháp truyền chơn mà độ rỗi các con " (ĐTCG, ch.26,tr.124)
 
Như thế song song với cơ phổ độ công truyền thì cơ tâm truyền chánh pháp cũng được hoằng hóa để cứu độ nguyên nhân. Trong thời kỳ này Thầy giao chánh pháp cho tay phàm, tức Thầy là Chơn sư tối cao, duy nhứt, nhưng Thầy cũng ban quyền pháp cho hàng thiên ân học tu thiên đạo để thọ nhận sứ mạng đại thừa.
 
Thiên đạo đại thừa là pháp môn tự độ độ tha. Trong Thiên đạo giải thoát có sứ mạng đại thừa. Trong Sứ mạng đại thừa phải thực hành Thiên đạo.
 
“Thiên đạo trường lưu khắp vạn loài,
Chuyển cơ tiến hóa nhiệm mầu thay;
Đại thừa sứ mạng hành thiên đạo,
Nào quản Hè  Đông nẻo dặm dài”[12]
 
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy rằng:
 
“(...) Người tu học vào hàng Thiên Đạo Đại Thừa là đã lập tâm giải thoát, mà chỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên Đạo để chấp nhận sứ mạng Đại Thừa" ( CQ, Rằm.6. Bính Thìn, 1976)
 
Tuy nhiên, trên mục tiêu tận độ, Tân pháp Cao Đài được phổ truyền bằng tam công để người tu mọi căn cơ đều có thể tu tiến toàn diện, Đức Vô Cực Từ Tôn từng ưu ái dặn dò đàn con giác ngộ rằng :
 
Nay Tam Kỳ Phổ Độ, Trời hé máy thiên cơ vạch đường chỉ lối cho tu, ráng tập luyện công trình, công quả, công phu, thì chắc chắn một kiếp sẽ được thành công đắc quả.”[13]
 
4.1.3. Sứ mạng quy nguyên
 
Quy nguyên (Quy=trở về; Nguyên = nguồn gốc) Theo vũ trũ quan Đông phương, “quy nguyên” là trở về nơi khởi đầu cuộc sanh hóa vũ trụ vạn vật, kết thúc một chu kỳ tiến hóa để bắt đầu chu kỳ kế tiếp. Nguyên là “Nhất” ( Một) sinh ra “Vạn” (Đa) rồi theo quy luật tiến hóa của vũ trụ, Vạn trở về Nhất (Một)
_ Đối với một dân tộc, quy nguyên hay “về nguồn” là hướng về tổ tông, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc.
_ Đối với một con người, quy nguyên là “quy tâm”; hành thiền để hội nhập vào thực tại vũ trụ.
_ Đối với tôn giáo, quy nguyên là trở về nguồn gốc phát sinh các tôn giáo tức là Đại Đạo
 
_ Ki-Tô giáo dùng khái niệm “ Alpha và Omega” ám chỉ “Alpha’ là Nguồn gốc là Chúa Cha, “Omega” là Chúa Con ra đi từ nguồn gốc Alpha, cuối cùng sẽ trở về hiệp một với Chúa Cha.
 
 
Sứ mạng quy nguyên bao trùm mọi sứ mạng trong Tam kỳ phổ độ. Quy nguyên là phục sinh, là tiến hóa, là đạt đến cứu cánh.
 
Quá khứ, hiện tại, vị lai dòng sông muôn ngỏ rồi cũng quy về biển cả. Sứ mạng Thiên ân của con người Đại Đạo là biển cả là bản thể vô biên. Ai chưa ở  vào chủ vị đó là chưa đạt đến sứ mạng cứu độ kỳ ba trong quyền pháp đạo.[14]
 
Quy nguyên tôn giáo là đưa tôn giáo lên tầm vóc Đại Đạo, xây dựng thực thể Đạo cứu thế.
 
Các tôn giáo phát sinh từ Đại Đạo, trải qua lịch sử nhân loại trong mục đích cứu độ con người, đã chịu nhiều biến đổi làm xa cách chơn truyền của các bậc giáo tổ. Một khi đã phân hóa cùng cực, tôn giáo không thể thực hiện sứ mạng cứu rỗi nhân sanh nữa.
 
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nhận định:
 
“Các Tôn Giáo hiện có chỉ là các cấu tử chớ chưa phải là Đạo, là tôn giáo cứu thế (...) Trong sở vật thực tại của tôn giáo trên thế giới, tất cả các tôn giáo từ xưa nay đang biến dưỡng tranh chấp để tiến hóa. Sự tiến hóa không là hỗn tạp mà từ sự mâu thuẫn. (...) Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp nầy thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo Cứu Thế trong Tam Kỳ Phổ Độ,”[15]
 
Tôn giáo muốn giữ được bản chất nguyên thủy, đeo đuổi mục đích cứu độ thực tiễn và toàn diện, phải tùng theo quy luật quy nguyên phục nhứt, tức là phục hồi tinh thần Đại Đạo, nêu cao một giáo lý thuần nhứt dẫn dắt nhân sanh tiến hóa tại thế gian và giải thoát xuất thế gian, trở về nguồn gốc tâm linh là Đại Linh Quang.
 
Do đó, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế nêu lên tôn chỉ :
 
 “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhứt.”
 
Trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Thượng Đế dạy :
 
“Ngày nay, Thầy đến đây đem ba nền tôn giáo hiệp nhất lại, tạo thành một nền tôn giáo lớn lao, để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.”[16]
 
Hiệp nhứt ba nền tôn giáo nói trên không có nghĩa là thống nhứt Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo thành một giáo hội là Cao Đài Giáo. Nhưng đó là sự tổng hợp Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo.
 
"Tam giáo quy nguyên" là sự biểu hiện một công cuộc hồi sinh Chánh pháp của Đức Chí Tôn. Quy nguyên được Tam giáo thì Chánh pháp sáng tỏ, bởi vì Chánh pháp thị hiện ra ở chỗ Đắc nhứt của Tam giáo. Từ đó vạn giáo sẽ đều thấy sáng tỏ Chánh pháp trong mỗi tôn giáo của mình để góp phần xây dựng con đường phản bổn hoàn nguyên cho nhân sanh.
 
Thế nên, Thầy phán: “Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt[17] 
 
"Chính mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo Vàng;
Tưới nước vun phân Nho Thích Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng"
 
Đường lối quy nguyên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đặt một sứ mạng quyền pháp mở đầu cơ cứu độ kỳ ba: Sứ mạng Cao Đài.
 
"Trước xây đắp Cao Đài thánh đức,
Dụng Nam Bang làm mức phóng khai,
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu, bốn bể hòa hài từ đây."
 
Chính hai chữ "phóng khai" cho ta khái niệm đầu tiên về quyền pháp. Quyền pháp là động năng phóng phát, chuyển hóa, vận hành Đạo vào tất cả các sở vật thực tại để thúc đẩy cơ tiến hóa tài thành từ vũ trụ vô biên đến vật loại tế vi.
 
4.2. Điều kiện để thực hiện sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
 
4.2.1. Quyền pháp
 
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo định nghĩa một cách rốt ráo phổ quát:
 
“Quyền pháp là cơ, là lý, là phương định đưa tuyệt đối vào sở vật tương đối, chuyển vô thường giả tạm vào siêu nhiên bất diệt”[18]
 
Cái , cái có công năng thần diệu như thế không phải do cơ mưu hay lý trí, mà do quyền năng của tạo hóa đặt vào. Nên, Cao Đài là động năng của cơ quy nguyên để cứu thế, là ân điển của Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Độ, như Đức Giáo Tông đã xác định:
 
“Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể "Đạo cứu thế" trong Tam Kỳ Phổ Độ.”[19]
 
Cao Đài phải là động năng “quyền pháp” xây dựng “thực thể Đạo cứu thế Kỳ ba”.
 
4.2.2. Thực tiễn cứu cánh vạn khổ chúng sanh
 
Sứ mạng kỳ ba phải “thực tiễn cứu cánh vạn khổ chúng sanh”
 
Thế nên sứ mạng đại thừa là thực tiễn cứu cánh vạn khổ chúng sanh hòa mình trong xã hội nhân loại. Thể dụng ứng biến hình danh công cụ tâm vật bình hành. Tất cả đều hoàn hảo trong một cuộc sống ung dung tự do tự toại.”[20]
 
4.2.3. Thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại
 
Sứ mạng kỳ ba phải thúc đẩy được sức tiến hóa của nhân loại. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Cơ đạo có sức chuyển hóa gọi là “tái tạo dinh hoàn”[21], không chỉ đơn thuần quy nguyên Tam giáo mà là một cuộc vận hành mạnh mẽ hầu chuyển hóa nhân tâm, thúc đẩy nhân loại tiến hóa toàn diện. Đó chính là chung quyết, là mệnh lệnh cấp thiết đặt trước sứ mạng kỳ ba và cho những ai nhận lãnh quyền pháp đạo.
 
“Nếu không làm được Đông thành Xuân, phàm tục thành Tiên Thánh, loạn nên trị, chiến đấu ra an bình, vị kỷ ra đại đồng, chính là chưa đạt được quyền pháp đó. (...)
 
Thử đứng trên nhịp cầu nhìn dòng nước chảy, giờ nầy và giờ sau, cũng thành cầu đó, cũng dòng sông đó, cũng cảnh vật đó, chư hiền đệ hiền muội! nó đã đổi khác rộng lớn vơi đầy. Những cái qua tất phải trôi qua, những cái xưa cũ đều là xưa cũ. Tiến hóa không là tổ hợp mà là khai sanh. (...)
 
Muốn được vậy, chư hiền đệ muội phải làm sao, phải làm thế nào để phát huy quyền pháp được đặt để. Từ xưa các tôn giáo được tạo lên để giải quyết tâm linh, nhưng Tam Kỳ Phổ Độ Thầy phải trao cho chư hiền, cho dân tộc nầy một quyền pháp đạo để lập thành quyền pháp đạo thực thể thuần chánh để cứu thế.”[22]                  
 
4.3. Ai là người thực hiện sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ?
 
Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là sứ mạng cứu độ toàn diện cá thể con người và toàn thể nhân loại. Nhưng ai là người thực hiện Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ?
 
Đức Thượng Đế chăng? Phải, nhưng cũng không phải. Vì Đức Thượng Đế là Đấng ban trao sứ mạng, vận chuyển thiên cơ và đặt định tôn chỉ mục đích của Đại Đạo cho cơ cứu độ Kỳ Ba.
 
Đạo Cao Đài chăng? Đương nhiên Cao Đài có sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhưng không phải duy nhất Cao Đài có sứ mạng nầy, vì trước tiên Cao Đài là động năng quyền pháp thúc đẩy tất cả những ai, những gì hữu ích cho công cuộc lập lại đời mới (đời thánh đức ) tham gia vào sứ mạng.
 
Các bậc Thiên ân hướng đạo chăng? Phải, nhưng không phải chỉ có các bậc hướng đạo, mà tất cả những người “biết Thầy hiểu Đạo”.
 
Chư Tiền Khai Đại Đạo, qua cơ bút, đã dạy rằng mỗi cá nhân trong Đại Đạo, dù là chức sắc hay tín đồ, ngay từ trong tận cùng nội tâm, đều phải ý thức được sứ mạng của mình:
 
“Mỗi cá nhân chức sắc, tín đồ, sẽ thể hiện thật sự chân lý của Đại Đạo. Thế nên, phải ý thức cho tận cùng nội tâm sứ mạng của mình và mục tiêu mà mình phải giữ lấy để đạt đến.”[23]
 
Riêng đối với hàng Thiên ân hướng đạo, Đức Lý Bạch Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, dạy thêm như sau:
 
“Cương vị một nhân sanh rất quan trọng đối với vạn vật trên thế gian này. Bước sang cương vị lãnh đạo một quốc gia, một tôn giáo có tính cách quần chúng, cương vị này càng quan trọng hơn nhiều. Bần Đạo muốn nói đến hàng Nguyên Nhân của ý thức hệ.
 
Người lãnh đạo của quốc gia là sứ mạng của nhơn sanh, phải nhắm và đạt đến mục đích an dân trị quốc. Nếu không phải, là không nắm được cái mấu của Thiên mạng để trở thành vị minh quân.
 
Người lãnh đạo tôn giáo là sứ mạng của tâm linh, phải nhắm và đạt đến mục đích cứu cánh nhơn loại. Nếu không, là không nắm được cái mấu của Thánh ý để công thành quả tựu.
 
Nói tóm lại, Đạo và Đời phải tương hợp; tâm linh và nhân sinh không thể tách rời nhau được. Thiên mạng, sứ mạng; chọn ai? Và trao cho ai? Không chọn mà chọn, không trao mà trao. Chọn và trao cho những ai biết mình là người được trao, được chọn.
 
Đại Đạo sâu rộng như rừng như biển. Lý đạo huyền nhiệm bao quát cả không gian và thời gian. Người tu hành học đạo là người giác ngộ tâm linh trong nhơn sinh. Hàng lãnh đạo hướng đạo là người phải biết hòa mình cùng vạn thể.”[24]
 
Chúng ta cần nhớ rằng, Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Sứ mạng Thiên Nhân Hiệp Nhứt rất đặc biệt trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nó không phải là sứ mạng của một tôn giáo tại một địa phương để gieo truyền một đức tin làm thế tựa tâm linh đơn thuần.
 
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cơ cứu cánh buổi Hạ Nguơn. Chư hiền hữu nên lưu ý đến hiện trạng của thế đạo tình đời để tự mình định hướng cho mình thoát vòng trần lụy. Tiên Huynh nói để chư hiền hữu rõ: Tuồng đời muôn mặt, diễn đạt đủ trò, vương bá, công khanh, tướng hề lẫn lộn, điêu ngoa xảo trá, nay Sở mai Tần. Kẻ thức thời, người ưu thế phải vững vàng an định trước mọi hoàn cảnh biến chuyển để sáng suốt nhận định. Đạo chẳng xa người, người trong cái Đạo. Đừng quên rằng những ai đem đạo cứu đời mà không lịch sử, cũng đừng quên rằng những ai đem đạo mị đời mà không chịu trừng phạt trước luật đào thải Hóa công.”[25]
Sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ là sứ mạng chung của cả nhân loại trong thời hạ nguơn mạt kiếp. Đức Quan Am Bồ Tát dạy:
 
“Mỗi người, mỗi sứ mạng, từ xã hội cho đến đạo giáo, đều [là] sứ mạng Thiêng Liêng đặt để. Không phải cần đến sắc phục hình tướng của người tu hành mới làm được sứ mạng cứu độ quần sanh nếu chưa cải tạo được hoàn cảnh, cũng không cần vào chùa nhập thất mới cứu độ được quần sanh nếu thiếu điều kiện hoặc phương tiện. Muốn cứu độ quần sanh, muốn tạo đời thái bình an lạc, muốn tạo tiên tác phật, làm quân tử trượng phu đều do nơi tâm linh và hành động của con người trong vị trí.”[26]
 
Kể từ khi Thiên Nhãn thị hiện, rồi danh hiệu Ngọc Hoàng Thượng Đế Kim Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát được xưng ra tại thế gian lần đầu tiên và người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài đắc đạo tại tiền, cái trục “Thiên nhơn hiệp nhứt” đã nối liền trung tâm vũ trụ với trung tâm con người để thi hành sứ mạng phổ độ kỳ ba.
 
Tất cả những nguồn năng lực cứu độ và những đối tượng được cứu độ sẽ quy về trục thần quang này. Đó là trục Vạn linh hiệp với Chí linh, chuyển nhân loại vào thế pháp tái tạo trần gian trong đó mỗi con người đã phục hồi Nhân bản thể hiện đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trở thành một gút lưới của toàn mạng lưới rung động không ngừng, “sửa loạn thành trị, đổi cùng thành thông, chuyển bỉ thành thới (thái)”.
 
Do đó Tam Kỳ Phổ Độ không có giáo chủ hữu hình nhưng mỗi người con tin của Thượng Đế nếu chưa là một Thích Ca, một Khổng Tử, một Jésus thì cũng phải là một Ca Diếp, một Nhan Hồi, một Pierre,... Có như thế, tôn chỉ, mục đích và các trọng điểm sứ mạng kỳ ba mới có thể hoàn thành được.
 
Cho nên Đức Thượng Đế Khai Minh Đại Đạo đồng thời khai minh chân giá trị con người thực hiện sứ mạng vi nhân, nhận lãnh sứ mạng đại thừa, tham dự vào Thiên cơ, nhờ đó đại cuộc Tam Kỳ Phổ Độ có cái sức mạnh phi thường bao quát Thiên thượng và thiên hạ, cải hóa con người, tái lập cuộc đời, thúc đẩy tiến hóa tâm linh trở về cứu cánh.
 
“Một ánh Linh Quang tỏa khắp cùng,
Khai minh Đại Đạo gội nhuần chung;
Soi đường chánh giáo kỳ nguơn hạ,
Mở lối Tiên thiên buổi cuối cùng.
 
Đem mảnh can trường làm đuốc tuệ,
Một dòng chơn lý định thời trung;
Dầu cho sứ mạng sau hay trước,
Hãy nhớ thiên ân thuở chín trùng.” [27]
 
 
5. Bảng tóm tắt về ý thức hệ Cao Đài
 
Nếu lập bảng đối chiếu nền tảng tư tưởng Cao Đài, bao gồm các quan điểm chính yếu  và đường lối hành đạo – sống đạo tương ứng, ta có thể xác lập Ý thức hệ Cao Đài:
 
 
 
 
 
Ý THỨC HỆ CAO ĐÀI
 
NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG ĐƯỜNG LỐI HÀNH ĐẠO - SỐNG ĐẠO
Quy nguyên Thiên Nhân Hiệp Nhất
Quy tâm Tâm vật bình hành
Quy Nhân
(Xây dựng con người chính danh)
Phục hồi Nhân Bản
Đại Đồng Thuần chơn vô ngã
QUY NHẤT
(UNIFICATION)
VI NHÂN
(  BEING PERFECT HUMAN)
 
 
Qua đó ta thấy hiệu quả của đường lối hành đạo trong Ý thức hệ Cao Đài:
 
  • Thiên Nhân Hiệp Nhất: phát huy tài nhân trong tổng thể Tam tài.
 
  • Tâm Vật Bình Hành: dung hợp tâm linh và nhân sinh, hoàn hảo hóa toàn diện con người.
 
  • Phục hồi nhân bản: giữ vững bản vị con người, phục hồi giá trị con người chính danh.
 
  • Thuần chơn vô ngã: trở nên con người muôn thuở muôn phương
 
Nếu xét đến yếu tính rốt ráo của từng nội dung của bốn đường lối hành đạo - sống đạo trên đây, ta thấy tất cả đều có chung một đặc điểm là nhắm vào con người chơn nhơn, con người toàn diện và sứ mạng làm người. Có thể chọn một từ ngữ phổ quát cho đặc điểm đó là: "VI NHÂN" (Being perfect human).
 
“Thượng Đế nào có cần chi, những thế sự chỉ để phục vụ cho nhơn sanh tất cả.”[28]
 
Còn đối với bốn phạm trù: Quy Nguyên, Quy Tâm, Quy Nhân, Đại đồng, có thể chọn một khái niệm phổ quát nhất là Quy nhất (Unification)
 
Tóm lại có thể thu gọn ý thức hệ Cao Đài bằng hai từ ngữ: QUY NHẤT - VI NHÂN
 
 

 
chương 2.
nền tảng tư tưởng cao đài: quy nhất
 
1. Quy Nguyên
 
Quy nguyên là nguyên lý và là cứu cánh cao tột của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
 
1.1. Quy luật tuần hoàn “Chu nhi phục thỉ” của vũ trụ
 
Theo vũ trụ luận Cao Đài, sự tồn tại và phát triển của vũ trụ tuân theo quy luật tuần hoàn, nghĩa là vũ trụ vạn vật là những thực thể đang biến chuyển không ngừng có sinh có diệt, có hoại có thành, nhưng cũng tiến hoá không ngừng theo một vòng tròn, tức là theo chu trình của những chu kỳ bất tận.
 
Kinh Đại Thừa Chơn Giáo viết:
 
Khí Am Dương bắt đầu sinh ra muôn loài vạn vật. Muôn loài vạn vật hóa sinh mãi mãi, đời nọ sang đời kia không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Nhưng vạn vật cũngphải quay đầu về Một, là vì “Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn[29]
 
Vậy trong một chu kỳ sanh hóa và tiến hóa của vũ trụ, nguyên lý là vạn vật phát sinh từ một gốc (Bổn nguyên) là chiều đi ra, chiều biến sanh, chiều tán. Rồi vạn vật lại tiến hóa trở về nguồn gốc (quy Nguyên), là chiều hướng nội, chiều tụ. Đó là thiên luân, là Đạo, tức quy luật vĩnh cửu. Bổn nguyên là cứu cánh của vạn vật, là đích điểm vinh quang trên đường tiến hóa, nhưng chỉ dành cho những chủ thể hoàn thiện, đã vượt qua vô vàn thử thách, trui rèn, không bị đào thải qua vô lượng kiếp.
 
Nguyên là gốc khởi thỉ cũng là Bản thể kết chung, chính là Thái cực Đại Linh Quang vậy.
 
“Đạo mầu luân chuyển hoát khai,
Vận hành nhựt nguyệt, trở day ngũ hành.
Đạo Huỳnh tế độ chúng sanh,
Đạo là thiên lý lưu hành ngày đêm.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đạo trung cơ bí nhiệm mầu,
Đạo “không không” ấy, quay đầu về nguyên. “[30]
 
1.2. Quy nguyên là đặc điểm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ứng với quy luật tuần hoàn của vũ trụ
 
Theo giáo lý Đại Đạo, lịch sử nhân loại diễn tiến qua ba thời kỳ gọi là Tam nguơn: Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn. Cuối Hạ nguơn, thế gian lại chuyển trở lại Thượng nguơn.
 
Tuân theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, từ Thượng nguơn đến Hạ nguơn là diễn trình phân hóa; Hạ nguơn trở lại Thượng nguơn là con đường quy nhất. Vậy thời kỳ kết thúc Hạ nguơn, Đức Thượng Đế khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức là mở ra cơ quy nguyên hiệp nhất cho nhân loại, phù hợp với thiên cơ-thiên lý.
 
Thế nên tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi hiệp nhứt” của Đạo là quyền pháp được vận dụng để thực hiện “Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát”; đó chính là thực hiện cơ quy nguyên từ thế gian đến siêu xuất thế gian vậy.
 
Do đó, Tam kỳ phổ độ là cơ hội nghìn năm một thuở cho những ai có duyên gặp Đạo, được Chí Tôn cứu độ, phản bổn hoàn nguyên, tức trở về hiệp nhất với Đại Linh Quang là Bản thể tâm linh bất diệt.
 
Trong ý thức hệ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Lý Giáo Tông đã dạy hàng thiên ân sứ mạng:
 
“Chư hiền muốn thiết lập thành quả để tạo cơ trình tiến tới sự hiệp nhất cho Đại Đạo, thì nên hiểu: bất cứ sự phân hóa nào cũng không thể vượt qua  khỏi vòng Trời Đất hay huyền linh của Thượng Đế Chí Tôn.
 
Chư hiền hãy gom các chiếc mai vàng vào cành mai tuơi tốt để khoe sắc với Chúa Xuân. Nếu kết hợp chỉ là kết hợp, phân hóa chỉ là phân hóa, đó cũng là cơ tận diệt của cuộc đời. Thượng Đế vẫn hiếu sinh, phân hóa phi phân hóa, kết hợp phi kết hợp; đó là ý nghĩa của cuộc hiếu sinh xây chuyển.”[31]
 
Tóm lại, Quy nguyên là quay về Đại Đạo, là chấm dứt phân hóa để đi đến hiệp nhứt. Quy nguyên là cứu cánh của con đường tiến hóa của chúng sanh.
 
Bởi vì quy nguyên là một xu thế tất yếu của vũ trụ vạn vật ở thời mạt kiếp Hạ nguơn, nên chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã để lời khuyến nhủ:
 
“Thế vận đã xây; dù muốn dù không; thì việc gì đến nó cũng sẽ đến. Một xã hội thượng nguơn sẽ được xây dựng trên nền tảng của Đại Đạo: công bình, chính trực, bác ái, từ bi, đại đồng.
 
Hỡi ai đang tha thiết với tiền đồ Đại Đạo, hãy dụng thế ngũ hành sơn chống vững lâu đài nhân thế. Trước sau gì cơ tiến hóa của con người cũng đi đến đó. Hỡi ai đã biết mục tiêu, hãy nhắm hướng đi để đạt đến, đừng hờ hững; e lại sụp vào hố sâu phán xét, rừng thẳm đọa đầy. Vòng pháp luân sẽ nghiền nát những khối dục vọng làm ngăn đường lấp lối hay ngược lại với số định vận hành.
 
Chánh pháp luôn luôn là tự giác, là hướng đạo, là ánh sáng đưa đường, là le lói của vừng sao Bắc Đẩu. Ai muốn theo hay không muốn theo, ai muốn gìn giữ hay không muốn gìn giữ, ai muốn hòa mình hiến dâng hay không muốn hòa mình hiến dâng, kho tàng quý giá không mời mọc một ai, cũng không vẽ đề chỉ dẫn. Những giá trị hùng hồn vẫn chứa đựng sự thu hút sau cùng to lớn. Khi đã phát giác, tìm ra tòa phán xét đang mờ mờ trong hơi sương và đang mở rộng cửa; có cần chi? có cần gì? Một là bước xuống bè qua bờ biển khổ, hai là dừng bước ngẩn  ngơ  theo gió lộng bụi trần. Ai tỉnh thì ra khỏi căn nhà đang ngút cháy, ai say sưa thì ngập chìm trong khói lửa kỳ ba. Tiếng còi mục đồng đã nổi lên, bóng hoàng hôn đang chập choạng, những con chiên ngoan hãy về chuồng, đừng muộn màng mà làm mồi cho sói lang ác thú. Lấy cán cân công chính mà đo lường sự việc, không thương riêng, không ghét riêng, xem tất cả là một, một là tất cả, thẳng đường tiến bước đến  đạo, không ngả nghiêng, không chênh lệch. Chân lý tự nó sẽ chiếu sáng.”[32]
 
2. Quy Tâm
 
Trong ý thức hệ Cao Đài, quy Tâm sở dĩ  là một nền tảng tư tưởng, vì đó là một quy luật của công cuộc đại đồng và và sự giải thoát.
 
Các tôn giáo chân chính từ ngàn xưa đều lấy tâm làm gốc, và các pháp môn được gọi là “chánh pháp” chủ yếu đều “hướng nội” hay hướng tâm, tu tâm.
Ấn giáo gọi “nội tâm” đó là “Atman”
Phật giáo gọi là Chân tâm hay Phật tính,
Kinh Thánh viết : "Anh em biết rằng anh em là đền thờ Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em" (1Cr 3:16) (Do you not know that you are God’s temple and that God’s Spirit dwells in you?
Khổng giáo gọi là “Thiên Tâm”. Thế nên Ý thức hệ Cao Đài không thể không bao gồm đường lối “Quy tâm”
Thật vậy, Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
 
“Thái bình nhờ ở luật quy tâm,
Đức sáng tung ra khắp cõi trần;
Dinh dưỡng muôn loài cùng vạn vật,
Nhờ ân không biết đó là ân.”[33]
 
Ngài giải thích:
 
“Chư hiền hãy nhìn xem! Kìa ánh sáng ngọn đèn được đúng mức giúp soi sáng một miền trọn vẹn vì nó có sự thống nhứt  nội tại. Nếu bóng đèn kia không có sự nhứt quán hay thống  nhứt thì tia sáng sẽ chi phối thành muôn ngàn mảnh từ dưới lên trên, từ ngang qua dọc.
 
Những nhà tu khổ hạnh đạt được thần thông, đi trên cao mà không rớt, nhờ họ có lẽ nhất quán nơi mình. Vì thiếu thống nhứt tư tưởng, con người sẽ bị thiên lệch ngửa nghiêng.
 
(…) Như thế chư hiền đệ hiền muội đã có sứ mạng làm người dẫn đạo tinh thần cho nhơn sanh, hãy thường xuyên thực hành sự thống nhứt tâm linh để rồi cảm hóa trong xã hội nhơn loài.
 
Vì rằng bao giờ  tự thân mỗi người chưa được quy nhứt thì xã hội nhân loài cũng vẫn rời rạc chia ly trong mọi chiều hướng, mọi hình thể đối kháng va chạm nhau.”[34]
 
 
2.1. Tâm
 
Kinh Đại Thừa Chơn Giáo viết:
 
“(…) Vị đế vương là trung tâm cho xã hội. Còn với nhơn loại, cái “tấm lòng” lại là trung tâm vủa con người, nó làm chủ cho nhơn thân mà điều khiển ngũ quan, vận hành khí huyết.
 
Cái trung tâm Đạo ấy rất mầu nhiệm thông linh, làm cho con người được an vui trên đường tấn hóa. Vậy người phải lấy cái tâm làm chủ tể, đừng để cho tâm bị vật dục bế tắc làm cho hư hỏng đi.[35]
 
Thượng Đế là gốc của đại vũ trụ Càn Khôn. Tâm là gốc của tiểu vũ trụ con người. Chơn Tâm là nơi hiệp nhứt giữa Trời và người.
 
“Tâm con là chỗ chí linh
Là nơi hiệp nhứt nhân sinh cùng Thầy”[36]
 
2.2. Quy tâm là hướng nội, quay vào trong tâm linh
 
Đức Chí Tôn đã dạy:
 
Người quân tử bao giờ cũng giữ cái tâm cho thanh bạch tịnh an, không cho phóng túng, chạy bậy ra ngoài. Biết cách gìn giữ cho định cái tâm rồi thì trăm mạch lưu thông khí huyết; nhơn dục tịnh tận, thiên lý lưu hành, tâm tánh không không, chẳng một vật chi dính vào. Ay là “ vạn pháp quy tông, ngũ hành hiệp nhứt[37]
 
Quy tâm tức là hướng nội, là quay vào trong tâm linh chủ sử hồn xác con người.
 
“Thân tuy sanh giữa trần lao,
Riêng Tâm, Tâm vẫn ra vào thiên không.
Tâm cùng Trời Đất huyền đồng,
Thân hoà vạn hữu thoát vòng biển mê.
Là con tu đạo bồ đề,
Đất Trời, nhơn vật, quay về một tâm.”[38]
 
 
2.3. Quy tâm là tìm về gốc Đạo
 
Quy Tâm là tìm về gốc Đạo, tìm về nguồn cội Đại Đạo. Việc tìm về nguồn cội Đại Đạo này là nguyên lý của ý thức hệ Cao Đài. Chư Tiền Khai Đại Đạo luận giải vấn đề này như sau.
 
“Kìa nhân thế trong vòng nước lửa,
Mảnh thân phàm biết tựa vào đâu ;
Tựa đời, đời lắm biển dâu,
 
Quay về tìm đạo, Đạo đâu mà tìm?
Từ vạn thế, cổ kim ghi lại,
Khắp Đông Tây, mặt trái, luận suy ;
Đạo là vô thượng vô vi,
Bao hàm vạn tượng, quang huy nhiệm mầu.
 
Muốn tìm đạo, Đạo đâu cũng có,
Lớn vô cùng mà nhỏ vô phương ;
Thấy ra: Tạo Hóa hằng thường,
Nhìn vào: sự sống, tình thương, trên đời.
 
Sự sống của con người là Đạo,
Tình thương là phép báu vô song ;
Thấy ra: huynh đệ đại đồng,
Nhìn vào: chính thiệt chủ ông tài thành.
 
Người thiếu đạo đời đành ly loạn,
Đạo thiếu chi mà  chẳng định an ;
Phải chăng thiếu tấm lòng vàng,
Của người hướng đạo trải trang vì đời.
 
Nếu nhân tâm phục hồi tâm đạo,
Thì trần gian cải tạo Thiên đàng ;
Không còn dục vọng tham tàn,
Nhà nhà, nước nước, nhộn nhàng âu ca.
 
Ý thức hệ chính là lẽ đó,
Mục tiêu nhìn nào có xa đâu ;
Do nơi tâm ý sở cầu,
 
 
Nên đời, nên đạo, hát câu hòa bình.”[39]
 
2.4. Quy tâm là thực hành tâm pháp để giải thoát
 
“Phương tựu chánh hằng toan nghiền ngẫm,
Phép tồn tâm cũng lắm công phu;
Biết tâm là chỗ khởi tu,
Tâm thường dong ruổi lo thu trở về.”
 
“Thiền là tâm huyền công luyện kỷ,
Tâm là Thần nhứt lý dung thân;
Ở trần chẳng nhiễm bụi hồng,
Ở trong sanh diệt, thoát vòng diệt sanh.”[40]
 
3. Quy Nhân
 
Ngày nay, khi nói đến con người, người ta đã cảm thấy nói đến một đối tượng, một đề tài hết sức phức tạp. Nào là sinh học, y học, tâm lý học, xã hội học, nhân văn học, thần học, phân tâm học, triết học....Bao nhiêu khoa học, nhiều ngành nghiên cứu về con người mà vẫn tồn tại biết bao điều kỳ bí về con người chưa khám phá hết được.


Còn vũ trụ thì bao la không bờ bến, các ngành thiên văn, vũ trụ học ngày nay đã tiến bộ vượt bậc nhưng nhân loại chỉ mới mô tả được thái dương hệ, khảo sát các ngân hà và đặt chân lên vệ tinh mặt trăng của địa cầu như một cái vẫy đuôi của một con cá trong biển cả mà thôi.
Nhưng điều kỳ lạ là cái sinh vật nhỏ bé này từ ngàn xưa đến ngàn sau không bao giờ ngớt cảm nhận có một sự gần gũi mật thiết giữa bản thân với vũ trụ, không ngớt tìm hiểu mối tương quan với vũ trụ, không ngớt đối chiếu con người với vũ trụ để tìm ra một nguyên lý chung, những qui luật chung của sự sinh thành, hiện hữu và tiến hóa của vũ trụ và con người.

Thế nên, cách đây trên 2.500 năm Đức Lão Tử đã nói "Trời lớn, đất lớn, người cũng lớn" (ĐĐK. Ch.25)
 
Bởi thế, nếu Ý thức hệ không nói đến con người và cuộc quay về con người lớn ấy thì  không có  ý nghĩa “Ýthức hệ Cao Đài”
 
Quy nhân là trở lại cương vị con người chính danh, con người đúng nghĩa, con người là một chủ thể tiến hóa vượt lên trên vạn vật vạn linh.
 
3.1. Con người chính danh chính vị
 
Cơ đạo vận hành là để cứu độ con người, nhưng bí quyết của cuộc cứu độ lại là chính con người phải đảm đương cơ đạo. Đó không phải là nghịch lý, nhưng Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng đều chỉ rõ nguyên nhân tội lỗi và đau khổ cùng bao nhiêu thảm trạng của thời mạt kiếp Hạ nguơn là do con người đánh mất chính mình.
 
Vậy một trong những điểm trọng yếu của cơ đạo Kỳ ba là xây dựng lại con người chính danh, chính vị.
 
Con người chính danh chính vịlà một tiểu thiên địa, hội đủ các phẩm chất tiến hóa về cơ thể lẫn tinh thần, xứng đáng đứng trên muôn thú thật xa, và tương quan tương ứng với Trời thật gần.
 
Đó là con người có bổn tánh là ánh sáng Bản Thể Trời, có bản thân là cấu thể âm dương ngũ hành điều hòa quân bình linh hoạt, có năng lực thực hiện sứ mạng vi nhân. Sách Trung Dung gọi đó là người chí thành.
 
Sách Trung Dung, Chương XXII viết :
 
“Duy thiên hạ chí thành……năng tận vật chi tánh, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục,khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục tắc khả dĩ dữ Thiên Địa tham hỉ”. [41]
 
Con người chí thành là người cố gắng giữ đúng danh nghĩa, cương vị của mình mới phát huy hết cái tánh của mọi vật, tức có thể giúp cho sự hóa dục của Trời Đất, tức có thể cùng với Trời Đất đồng hàng vậy.
 
Hiền triết Ấn Rabindranath Tagore, viết :
 
“Khi muốn đến thánh đường dâng hoa cho Thượng Đế, trước hãy xông đầy hương thơm  tình thương trong nhà bạn. Khi muốn đến thánh đường để thắp nến nơi Thiên bàn, trước hãy xóa đi bóng tối tội lỗi ở lòng mình. Khi muốn đến thánh đường để đê đầu cầu nguyện, trước hãy cúi chào thân hữu bằng lòng khiêm tốn. Khi muốn đến thánh đường để quỳ lạy nguyện cầu, trước hãy cúi mình nâng người tội nghiệp lên. Khi muốn đến thánh đường để xin tha tội, trước hãy thật lòng dung thứ cho kẻ có lỗi xúc phạm mình.”[Go not to the temple to put flowers upon the feet of God, first fill your own house with the fragrance of love. Go not to the temple to light candles before the altar of God, first remove the darkness of sin from your heart. Go not to the temple to bow down your head in prayer, first learn to bow in humility before your fellow men. Go not to the temple to pray on bended knees, first bend down to lift someone who is down trodden. Go not to the temple to ask for forgiveness for your sins, first forgive from your heart those who have sinned against you.][42]
 
3.2. Xây dựng con người chính danh
 
Muốn hoàn hảo hóa xã hội, phải hoàn thiện con người. Thánh xưa có câu : “Nhứt nhựt khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân.”[43]
 
Các Đấng lại nói:
 
“Chí thành là chỉ bản thể của con người, còn gọi chí thánh là chỉ công dụng của con người”.[44]
 
Vậy xây dựng con người chính danh cũng là xây dựng con người sứ mạng.
 
“Trời, Đất, Người, cùng chung nguyên lý,
Gồm âm dương tú khí ngũ hành
Bản lai chơn tánh trọn lành,
Đóng vai phụ tướng tài thành hóa công.”[45]
 
Chỗ chính vị của con người, đạo học gọi là ngôi Trung Hòa giữa Thiên địa vạn vật, mà thế pháp Di Lạc hạ ngươn sửa loạn thành trị, đổi cùng thành thông, chuyển bỉ thành thới đòi hỏi con người phải đứng ở ngôi Trung Hòa hay ngôi Hoàng Cực mới thực hiện được thế pháp ấy. Nói cách khác, chính mỗi con người phải tìm thấy một Di Lạc Chủ Nhơn Hoàng Cực nơi Chơn Tâm mới được nhận lãnh sứ mạng cơ đạo Kỳ Ba.
 
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
 
“Từ bi, bác ái, công bình, chính trực, đại đồng; năm căn bản này sẽ thể hiện Di Lạc Thiên Tôn. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; đó là ngôi Hoàng Cực. (…) Chư  đạo hữu được hạnh ngộ Tam kỳ ân xá, trong thời Di Lạc cứu thế Hạ Nguơn, đã giác ngộ phải hoàn toàn giác ngộ, đã tu hành phải thực sự tu hành, đừng tìm ở không gian một bóng mờ viễn tượng. Phải nhìn vào chính bản thân của chư đạo hữu, không thiên tả, không thiên hữu, diệt trừ tam độc, thực hành năm căn bản đã nói trên, được vậy sẽ đứng vững trong thế pháp Di Lạc, cùng dự Hội Long Hoa.”[46]
 
Năm căn bản: từ bi, bác ái, công bình, chính trực, và đại đồng, được chư vị Tiền Khai Đại Đạo gọi là “thế ngũ hành sơn” để con người Đại Đạo có thể “chống vững lâu đài nhân thế”:
 
“Một xã hội thượng nguơn sẽ được xây dựng trên nền tảng của Đại Đạo: công bình, chính trực, b

( XEM TIEP PHẦN CUỐI )