Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA BÀN ĐÀO HỘI YẾN TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Gửi ngày 12/10/2014
Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA BÀN ĐÀO HỘI YẾN TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA BÀN ĐÀO HỘI YẾN
TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

 
Qua truyệnTây Du ký, chúng ta biết về giai thoại Tề Thiên Đại Thánh với ý tưởng đi tìm sự trường sinh bất lão, đã lén vào vườn đào Tây Vương Mẫu trộm đào tiên!
1. Nhắc lại Yến Bàn Đào lịch sử vào mùa thu Ất Sửu.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cứ mỗi độ thu về, Lễ Hội Yến Bàn Đào lại được thiết lễ trang trọng để nhắc lại sự kiện lịch sử: vào rằm tháng 8 Ất Sửu (1925), lần đầu tiên qua Đại Ngọc cơ ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang (về sau trở thành 3 chức sắc đứng đầu Hiệp Thiên Đài) được phép tổ chức và dự yến tiệc đãi Đức Cửu Thiên Nương Nương - Đấng Chưởng Quản Diêu Trì Cung và Cửu Vị Tiên Nương theo lời dạy của Đức AĂÂ.

2. Dùng hình thức Yến Bàn Đào để gây ý thức về cội nguồn nơi Kim bồn.
Đức AĂÂ - Chí Tôn và Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn mượn hình thức để gây ý thức về tâm linh huyền nhiệm cho tín hữu Cao Đài:
Hội Yến Bàn Đào quả tốt xinh,
Thương con Mẹ bố phép huyền linh,
Cho con thọ hưởng khuây lòng tục,
Nhớ đến căn xưa chốn Ngọc Đình. (1)
Trong Kinh Kim Bàn Phật Mẫu, Đức Diêu Trì Kim Mẫu có nói: Thuở xưa, Đức Phật Mẫu có cho 96 ức nguyên căn vào trần tu tiến. Qua 2 kỳ phổ độ, đã có 4 ức trở về được, còn kẹt lại 92 ức.
Vì thế trong bài kinh Phật giáo tâm kinh có câu “Cửu thập nhị tào chi mê muội ”.
Trong lúc Khai Minh Đại Đạo, Đức Như Ý có dạy:
Đạo bất vị tế hưởng, vi hiếu giả. (…) Ngã vấn hà tất dĩ vi công quả hồ?
(Đạo chẳng phải để cúng tế, mà là hiếu vậy... Ta hỏi vì sao phải làm công quả?)
“Cửu thập nhị ức nguyên nhân kiêm triêu đọa lạc tại thế, bất thoát mê đồ, bất tri chơn đạo. Đẳng chúng bất độ, hà thế thành Đạo hồ?” (Chín mươi hai ức nguyên nhân ngày nay đoạ lạc tại thế gian, không thoát khỏi đường mê, chẳng hiểu biết Chơn Đạo. Không độ hết những kẻ đó thì làm sao thành Đạo tại thế?) (2)
3. Yến Bàn Đào ban thưởng quần Tiên đạt kết quả Đạo Pháp.
Qua Thánh giáo Cơ Quan và các bài viết thuyết đạo, lâu nay chúng ta thường được nghe phổ thông lý đạo về ý nghĩa “Yến Bàn Đào Mẹ trao bí pháp”.
Khi nói về bí pháp, đương nhiên mọi nhân viên Cơ Quan đều hiểu theo chiều hướng Đạo Pháp tu luyện hay Tâm Pháp.
Nhứt là khi nghe đoạn Thánh thi sau:
Đào Tiên kết tụ khí Tiên Thiên,
Trải chín ngàn năm mới đủ duyên,
Hương vị thấm vào thân bất lão,
Nhẹ nhàng thanh thoát Hội Quần Tiên.”(3)
Và khi chúng ta đọc đoạn Thánh giáo:
Hội Yến để nhớ con còn sứ mạng,
Là Thiên ângánh Đạo bước vào đời;
Thức tỉnh người trong biển khổ chơi vơi,
Sống cõi tạm cuộc đời sớm tối.(4)
Khi kết hợp ý trong 2 đoạn thơ trên dễ gây cho chúng ta có cảm tưởng rằng: chỉ có những bậc trong hàng “Thiên ân gánh Đạo” thức tỉnh đời và tu luyện “kết tụ khí Tiên Thiên” mới có thể “hội quần Tiên”.
Nhưng khi được đọc đoạn Thánh giáo sau, chúng ta sẽ thấy điều kiện tiêu chuẩn để được dự Hội Yến Bàn Đào mở rộng cho vạn linh sanh chúng:
Mẹ Hội Yến ban trao bí pháp,
Gọi Bàn Đào thu nạp vạn sanh,
Lòng con nếu thật chí thành,
Thương đời cứu khổquên mình con nghe.(5)
Qua những lời dạy của Đức Mẹ chúng ta thấy bóng hình của Tân pháp Cao Đài.
Để có kết quả “đào tiên chín” tức là kết quả của công phu, trước tiên chúng ta phải đắp xây nền công quả qua việc “Thức tỉnh người” cùng “cứu khổ quên mình” và xây đắp công trình “thương đời” với lòng hết sức chân thành.
4. Đức Mẹ lại nói: “Bàn Đào đãi giữa trường thi”.(6)
Đặc ân trong Tam Kỳ Phổ Độ này là các thí sinh ngaytrong lúc đang dự trường thi công quả lại được ban cho dự tiệc Bàn Đào! Khi còn sống tu học hành đạo thì dự Hội Yến hữu hình mỗi độ thu về. Khi nhớ lại hình ảnh đông nghịt tín hữu Cao Đài, mỗi năm cứ vào dịp Rằm tháng 8, nô nức rủ nhau kéo về dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì ở các Hội Thánh Cao Đài nhứt là ở Tòa Thánh Tây Ninh, có gợi gì cho chúng ta suy nghĩ? Bên cạnh ý nghĩa huyền nhiệm về tâm pháp như:
Trung Thu này, Đức Vô Cực Từ Tôn sẽ ân ban chư hiền (đệ) muội dự Yến Bàn Đào, giữ lấy hột giống Tiên gieo vào mảnh tâm điền cho sanh sôi nẩy nở giống bất tử trường sanh.
thì khi thoát xác tín hữu Cao Đài lại sẽ được dự Bàn Đào Hội Yến nơi Thiên cảnh khi nhận được phán quyết sau cùng kết quả cuộc thi bồi công lập đức của mình mà lời Kinh cúng Tuần Cửu đã chỉ rõ.
5. Cần phải có đủ đầy Tam Công dù ở vị trí thấp nhất là hàng tín đồ cũng có thể được hưởng Tân pháp Cửu Cửu hầu được dự Yến Bàn Đào cõi Thiên.
Vậy Hội Yến này còn có ý nghĩa phổ quát nào, chung cho các tín hữu Cao Đài mà phần đông chưa được hữu duyên trên đường tâm pháp trong Tam Kỳ Phổ Độ?
Chợt nhớ lại lời kinh:
Tây Vương Mẫu vườn đào ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban;
Tiệc hồng đã dọn sẵnsàng,
Chơn thần khá đến hội hàng chơn linh.
… Xa chừng thế giới địa hoàn,
Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.
Lời kinh mời gọi chơn thần của các tín hữu Cao Đài vừa thoát xác được hưởng nghi thức Cửu Cửu hãy:
Xa chừng thế giới địa hoàn,
Cao thăng nhẹ hướng, tiệc hồng cõi Thiên;
Vườn đào ướm chín Tây Vương,
Chén trường sanh đã dọn cùng lịnh ban.
Rồi lại tiếp nữa những lời kinh:
Hội Bàn Đào, Diêu Trì Cung,
Phục sinh đào hạnhrượu hồng thưởng ban.
… Nơi Kim Bồn vàn vàn nguyên chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân;
Cung Trí Giác trụ tinh thần,
Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.
- Đọc kinh cầu lý. Lời của các bài kinh đệ nhị cửu và đệ cửu cửu nhắc cho các tín hữu Cao Đài thấy Đức Mẹ đang chờ mong, đón đợi các bậc nguyên nhân đã ra đi từ vạn cổ, bồi công lập đức đủ đầy để có thể trở lại quê xưa “chốn Ngọc Đình”.
Hai câu cuối của bài Cửu thứ 9, cho thấy tính đại ân xá trong Tam Kỳ. Người tín hữu Cao Đài, là những nguyên căn đã vào trần thế tu tiến từ buổi hồng hoang nhưng chưa kịp trở về qua 2 kỳ phổ độ trước kia, ngày nay dầu ăn chay chỉ 10 ngày mỗi tháng nhưng làm tròn phận sự tín đồ cùng sự gia công lập đức, khi thoát xác với công đức đủ đầy là có thể được hội vào hàng “chơn linh” chờ được dự: “Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng, Chơn thần khá đến hội hàng chơn linh.
- Lời kinh cũng giúp chúng ta xác tín ý nghĩa huyền nhiệm: “Cung Trí Giác trụ tinh thần, Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.”
Cung Trí Giác”, nơi tựu hợp các chơn linh giác ngộ tuy chưa đạt đến mức được vào “Trí Huệ cung” nhưng đã đủ công đức được hưởng ân hồng “Chơn giác đồng đăng Thiên Hoa đài vị” vào mỗi mùa Trung Nguơn siêu độ nên nay lại được thêm nữa, hưởng hồng ân dự Yến Bàn Đào của Đức Mẹ.
Phải chăng điều này cũng giúp chúng ta gợi nhớ đến nhiệm vụ độ sanh và độ tử vào mỗi mùa Vu Lan nói riêng và cứ mãi luôn luôn như thế? Hãy luôn cố gắng hết sức mình “Thương đời cứu khổ” trên cả 2 mặt nhân sinh và tâm linh vào dịp xá tội vong nhân nói riêng hay luôn cố gắng thực hành sứ mạng độ đời nói chung trong cả 2 cõi sắc không “Thức tỉnh người trong biển khổ chơi vơi,”. Đây là điều kiện căn bản để mỗi người có đủ điểm tham dự “tiệc hồng thưởng ban”.
- Một điều căn bản khác là tấm lòng hòa hiệp chung nhau trên đường phụng sự. Ngày Rằm tháng 8 năm Canh Tuất (1970), Đức Mẹ có dạy:
“… mặc dầu đó là việc làm của hàng thánh thiện thánh tâm, song chưa đạt đến chứng vị là vì bởi chấp ngã! Chỉ có sự chấp ngã mới không chung hòa nhau được trên dị biệt dị đồng, hình thức này hình thức nọ. Mẹ khuyên các con cần cố gắng rèn tâm luyện tánh, làm sao cho được thanh cao hòa ái hơn nữa.”  (7)

Một điển hình cụ thể của việc này là việc dâng hiến lễ phẩm mỗi độ thu về, nếu chưa đạt đến hình thức chung hòa trong việc hiến dâng làm sao hưởng được giá trị huyền nhiệm của Hội yến vườn đào?

- Còn với người tín hữu đúng chuẩn, ít nhất giữ được trai kỳ thập trai lại còn lần bước sang phần bí pháp với tâm thanh tịnh, khá làm chủ được thập tam ma, ít còn bị dục vọng sai khiến để sau này sẽ chánh thức tiến lên con đường tu luyện, “hột giống Tiên gieo vào mảnh tâm điền cho sanh sôi nẩy nở giống bất tử trường sanh.” thì công đức lại còn sáng ngời hơn nữa.
Tóm lại,
Đức Quan Thế Âm khi dạy việc chuẩn bị cho Hội Bàn Đào, Ngài có nhắc lại:
Hội Bàn Đào mấy ngàn năm lẻ,
Góc trời Nam mở hé cơ mầu,
Trao tay sứ mạng (Kỳ Ba),
Lòng từ gieo rải năm châu hưởng nhờ.(8)
Đức Chí Tôn dạy thiết Lễ Hội Yến Bàn Đào, để gợi ý cho chúng ta nhớ về cội nguồn xưa “Nhớ đến căn xưa chốn Ngọc Đình” đã từ Kim Bàn của Phật Mẫu ra đi vào trần thế để tu tiến hóa.
Nay, thời Tam Kỳ phổ độ, mọi người khi đã hiểu được nguồn cội của chính mình hãy cố gắng bồi công lập đức trên đường phổ độ nhân sanh trong cả 2 mặt “độ sanh độ tử cầm cân song bằng”, thể hiện tình thương như tình Tạo Hóa, biết chia sớt giúp đỡ cho người khốn khó khắp mọi nơi cũng như độ dẫn người quay đầu hướng thiện và tu tiến tâm linh.
Tu với “lòng thành, tín, hiệp” thực hành Tam Công và “chung hòa” cùng nhau trong khi thực hành các đạo sự. Có làm được như thế, người tín hữu Cao Đài tuy chỉ ăn chay mới được 10 ngày mỗi tháng nhưng cũng có thể đủ điều kiện để được hưởng Tân kinh theo Tân pháp Cửu cửu để được hội phần vào hàng chơn linh được dự Yến tiệc đào tiên cùng rượu hồng ban thưởng của Đức Mẹ để “Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên”.
Còn với những vị đã thâm sâu trên đường đạo pháp – bí pháp, chắc hẳn sẽ được “Bàn Đào đãi giữa trường thi,” để rồi “Bồ Đào Tiên tửu Mẹ ban” và kết quả“Nhẹ nhàng thanh thoát Hội Quần Tiên”.
***
Hội Yến Bàn Đào vào mùa thu (liễm) là một trong những sự kiện nổi bật về văn hóa tâm linh của Cao Đài giáo: từ hình thức lễ nhạc thể hiện văn hóa dân tộc; cho đến thời gian tổ chức vào tháng 8 âm lịch, mùa thu phân thể hiện tinh thần Kinh Dịch – văn hóa Nho giáo; qua đến nguồn cội tâm linh từ Kim Bồn Phật Mẫu – văn hóa Phật đến kết quả thọ hưởng đào Tiên – văn hóa Tiên.
Người tín hữu Cao Đài ăn chay 10 ngày, giữ tròn phận sự là có thể được hưởng phần dự Yến Bàn Đào. Thế giới văn minh ngày nay, khoa học cũng khuyến khích mọi người nên ăn chay như thế để tự bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Dụng hình thức để gây ý thức”. Như thế, Lễ Bàn Đào Hội Yến của Cao Đài đã hòa quyện tinh thần văn hóa dân tộc và văn hóa Tam giáo, “khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại… khế hợp giữa cơ đạo và văn minh toàn nhân loại.”

Mùa thu Giáp Ngọ 2014
ĐẠT TƯỜNG


[1] Đức Mẹ, Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Canh Tuất (14-9-1970).
[2] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, Jeudi 6 Janvier 1927 (03-12 Bính Dần).
[3] Đức Mẹ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Tân Dậu.
[4] Đức Mẹ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13-8 Kỷ Mùi.
[5] Đức Mẹ, Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), 14-8 Quý Sửu (10-9-1973).
[6] Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Canh Tuất (14-9-1970).
[7] Đức Mẹ, Thánh Thất Bình Hòa, 15-8 Canh Tuất (14-9-1970).
[8] Đức Quan Âm Bồ Tát, Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 28-7 Giáp Dần (14-9-1974).