Hội Thánh Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu

Gửi ngày 01/01/1970
Hội Thánh Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu
Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu

Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng. Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành đạo.

Sáu vị chức sắc có công khai đạo Minh lý gồm: ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh; ông Nguyễn Văn Xưng, pháp danh Minh Giáo; ông Nguyễn Văn Đề, pháp danh Minh Đạo; ông Lê Văn Ngọc, pháp danh Minh Truyền; ông Nguyễn Văn Miết, pháp danh Minh Thiện; ông Võ Văn Thạnh, pháp danh Minh Trực… Quá trình khai đạo, các vị chức sắc đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức Minh Lý đạo, có chức sắc, tín đồ, có giáo lý, giáo luật, kinh sách phục vụ cho tín đồ, môn sanh tu hành. Thời gian từ tháng 9/1925 đến tháng 2/1927, Minh Lý đạo tạm mượn chùa Linh Sơn ở đường Cô Giang làm nơi tụng kinh Sám hối vào các ngày 14 vào 30 âm lịch. Để có nơi thờ các đấng thiêng liêng, các vị chức sắc Minh Lý đạo tiến hành xây dựng chùa. Ngày 3/1/1926, Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chữ hiệu của chùa là "Tam Tông miếu". Ông Trần Kim Ký đã hiến đất cất chùa và được bà Ba Ngỡi, bà Huỳnh Thị Ngôn cùng một số vị khác ủng hộ về tài chính. Ngày 9/9/1926, toàn đạo tổ chức lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên. Đến ngày 2/2/1927, Tam Tông miếu hoàn thành. Chùa đã qua hai đợt sửa chữa, trùng tu vào các năm 1941 và năm 1957. Hiện nay, Tam Tông Miếu ở số 82 đường Cao Thắng, phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau ba năm khai đạo, số người nhập đạo ngày càng đông nên các vị chức sắc đứng đầu Minh Lý đạo đã xin phép chính phủ lúc đó công nhận tổ chức. Thời gian này, Minh Lý đạo tập hợp kinh sách để ấn tống đặng phát cho tín đồ, môn sanh cùng mọi người có chí làm lành, đặng độ người đời biết việc tu hành. Đồng thời quí vị chức sắc được thiêng liêng chỉ dạy hoàn chỉnh về lễ nghi, các kiểu bài vị, phép sắp Bàn đàn, phép Khai kinh, phép đọc kinh.