HỘI THẢO VỀ ĐỨC TIN VÀ MÔ HÌNH ĐÀO TẠO TUỔI TRẺ CAO ĐÀI

Gửi ngày 07/09/2014
 
Nghĩ về mô hình giáo dục đào tạo Thanh Thiếu Niên nhà đạo

 
Tổ chức Liên giao các Hội Thánh  và các Tổ chức trong ĐĐTKPĐ (viết tắt Tổ chức Liên giao Cao Đài) vừa kết thúc cuộc hội thảo (03/8/2014) trong chương trình “Kỷ niệm 90 năm đạo Cao Đài” với 2 chủ đề:
  • Tuổi trẻ và đức tin
  • Mô hình giáo dục đào tạo Thanh thiếu niên (TTN) nhà đạo
Các đơn vị đăng ký tham luận hội thảo đã lần lượt trình bày tham luận về 2 chủ đề nêu trên. Có 5 tham luận và 15 ý kiến phát biểu thảo luận, nhưng xét ra phần lớn đều nhấn mạnh đến các mô hình đào tạo.
  1. Mô hình của HT.Truyền giáo (HTTG) được trình bày theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Mô hình này nhằm hàng ngũ hóa TTN bằng các hình thức sinh hoạt tập thể để huấn luyện các kỹ năng cá nhân và nâng cao tinh thần phụng sự đạo và nhân sanh. Có thể tóm tắt đây là mô hình “hướng đạo”, cộng thêm lý tưởng Cao Đài.
  2. Mô hình của HT.Ban Chỉnh Đạo dựa vào truyền thống bảo tồn phát huy Lễ nhạc Cao Đài, lập ra “lễ nhạc đường”, đưa tín hữu trẻ vào khuôn phép của Lễ và nâng cao tư chất thanh cao hướng thượng bằng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Từ nền tảng “Lễ nhạc đường”, các tu sinh đã thuần thục kỹ năng nghi lễ và tác phong đạo đức, sẽ bước vào “Nhà tu trung thừa”, thực hành thêm bước đầu công phu luyện kỷ. Nơi đây sẽ đào tạo chức sắc, chức việc cho HT tùy theo tâm nguyện của mỗi người. Khi tam công đầy đủ, các vị này có thể cầu tu “Thượng thừa”, vào hàng chức sắc cao cấp của HT.
  3. Cơ Quan PTGL trong 40 năm đầu đã xây dựng một hệ thông đào tạo chủ yếu về giáo lý và ý thức thống nhất tinh thần trong toàn Đạo. Hệ thống này bao gồm từ cấp măng non, đến thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên. Thiếu niên được học chương trình tu sĩ, Tốt nghiệp chương trình tu sĩ, tiến lên chương trình giáo sĩ dành cho độ tuổi thanh niên. Song song với hệ thống này có một bộ phận đặc trách giáo dục TTN, hướng dẫn sinh hoạt tập thể với công tác xã hội từ thiện, nhạc đạo, bước đầu nghiên cứu giáo lý; đối ngoại giao lưu với TTN các thánh thất và tôn giáo bạn.
Các phương thức đào tạo nêu trên đã đào luyện hàng ngũ tiếp nối trở nên nhân viên chính thức của guồng máy Cơ Quan, đối nội, đối ngoại, văn hóa, thuyết trình viên, giảng viên, hành chánh, nữ chung hòa, thông tin báo chí, nghi lễ, nhạc đạo, kinh tế tự túc.

Trong khoảng năm năm gần đây, CQ chuyển hướng đào tạo các khóa tu sĩ hiến dâng trọn đời. Đặc biệt, tu sinh giai đoạn này vừa tu học giáo lý, vừa chú trọng công phu hành pháp, hướng đến các dòng tu “giáo dân vi thiện” ở tương lai.
 
Tham luận của cac HT. Minh Chơn Đạo và HT.Bạch Y tiêu biểu cho các HT chưa lập mô hình đặc thù nhưng vẫn lấy tinh thần “tiền tấn hậu kế” nuôi dưỡng truyền thống đạo nhà, xây dựng gia đình đạo đức, tùy hoàn cảnh hay cơ duyên, khuyến khích con em TTN tùy khả năng tham gia việc đạo, phụng sự lễ lạc tại các họ đạo.
 
Qua nội dung hội thảo vừa qua, có thể tổng quát hóa thực tế hiện nay của các đơn vị tham gia hội thảo liên quan đến 2 chủ đề trên là:

Có 3 mô hình rõ nét, chủ yêu xây dựng hàng ngũ kế thừa và nuôi dưỡng đức tin cho giới trẻ, nhắm đến tiền đồ cơ Đạo. Trong đó:
  • Mô hình “Thanh niên Hưng Đạo” giáo dục thể năng và trí năng, phát huy ý chí phụng sự và lý tưởng hướng thượng.
  • Mô hình “Lễ nhạc đường” đào tạo chức sắc chức việc tương lai kết hợp phương tu  Tam thừa duy trì truyền thống hành đạo đặc thù của Hội Thánh.
  • Mô hình “nhân sự hợp nhất” và “nhân sự trí năng”, trang bị giáo lý thống nhất tinh thần toàn Đạo, nâng cao công năng tu tịnh, xây dựng hàng ngũ hiến dâng “giáo dân vi thiện” cho tương lai cơ Đạo.
Nhìn chung, hình thức, sắc thái, cơ cấu có khác nhau, nhưng 3 mô hình tiêu biểu có các điểm đồng nhất:

DUY TRÌ TRUYỀN THỐNG ĐẠI ĐẠO + TRANG BỊ TRÍ NĂNG & ĐỨC TIN NHIỆT THÀNH + Ý CHÍ PHỤNG SỰ THIÊN CƠ

Do vậy, không nhất thiết phải xây dựng một mô hình duy nhất chung cho toàn Đạo mà mỗi Hội thánh, mỗi Tổ chức tùy hoàn cảnh lịch sử hình thành và truyền thống hành đạo có thể xây dựng mô hình giáo dục đào tạo đáp ứng tinh thần và mục tiêu chung trên đây, không phân biệt hình thức hay bản sắc “chi phái”.
 
BAN BIÊN TẬP