HÒA HỢP – YÊU THƯƠNG

Gửi ngày 21/09/2014
HÒA HỢP – YÊU THƯƠNG
Tham luận “HÒA HỢP – YÊU THƯƠNG” (*)

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

          1. Đức Ngô Minh Chiêu, người môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài có dạy:
▪ “Người tín đồ Cao Đài luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới, đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi, để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhất là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại dưới ngưỡng cửa Đài Cao.” 
- Ngài Huệ Lương Tổng, Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo sau khi đắc vị Quảng Đức Chơn Tiên có dạy:
“Cao Đài là cái đài cao,
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che.”
2. Tôn giáo Cao Đài với danh xưng chánh thức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có mục đích: “Thế Đạo Đại đồng và Thiên Đạo giải thoát.”
- Mục tiêu xã hội qua 2 tiếng “Đại đồng” nói lên tinh thần bình đẳng, yêu thương giữa con người và con người, giữa các tôn giáo với nhau và giữa các ý thức hệ.
Về Đại Đồng tôn giáo: Đức Thượng Đế - Cao Đài Giáo Chủ truyền dạy: Yếu tố Đại Đạo, điểm đến chung của các tôn giáo, mang ý nghĩa:
. Các Đấng Giáo Chủ của các tôn giáo như (Thích Ca, Jésus, Mahomad, Baha’u’llah, v.v…) đều là sứ giả của Thượng Đế. Mỗi vị mở một con đường nhưng đều đi đến điểm chung, là Đạo hay Đại Đạo. Ky Tô giáo có câu:
“Tất cả mọi nẻo đường đều hướng về La Mã.”
Giáo lý Cao Đài nêu bật một bài học căn bản cho tín đồ Cao Đài nói riêng và cho mọi người có tín ngưỡng nói chung là: Đạo và tôn giáo có mối liên hệ giữa nội dung và hình thức. Đạo là bản thể còn tôn giáo là tướng.
Đạo là biển cả, tôn giáo là những dòng suối, dòng sông dẫn nước về biển cả. Khi tìm được Đạo, hòa vào đại dương thì không còn tính chất riêng của sông, suối nào nữa.
“Trường giang vạn phái xuôi dòng về Nguyên.”
. Mỗi người trong chúng ta, tùy theo duyên số của cá nhân hay gia đình, dân tộc, v.v… mà tiếp cận với một tôn giáo nào đó rồi đặt lòng tin của mình theo đó. Tuy nhiên, trong thời đại văn minh ngày nay, việc giao tiếp và trao đỗi tư tưởng đã dễ dàng nhanh chóng, thuận lợi có thể giúp cho những người có tín ngưỡng nhận thức được rằng
- Tính thống nhất của các tôn giáo là “bản thể” khởi nguyên. Cho dầu là tôn giáo nào đi nữa, một khi đã là “Chánh Đạo” thì không bao giờ lệch ra khỏi tôn chỉ: Công bình – Bác ái – Từ bi.
Vì thế giáo lý Cao Đài dạy:
“Tôn giáo ấy cửa vào tìm Đạo,
Đạo là đường hoài bảo nhơn sanh.”
“Hoài bảo nhơn sanh” yêu thương sanh chúng và “yêu cả kẻ nghịch với mình” là lý tưởng cao đẹp của các tôn giáo.
Đức Vạn Hạnh Thiền sư có dạy:
▪ “Tôn giáo là phương hướng giáo thuyết để dạy đời nhìn thấy những gì Thiêng Liêng cao cả. Chẳng những chỉ ở phần tâm linh tối thượng, mà tôn giáo còn dạy người đời xem nhau như ruột thịt huynh đệ đại đồng.” 
Đạo và tôn giáo là hai mặt âm dương của một thể thống nhất. Tâm và vật cũng thế. Vì thế giáo lý Cao Đài nêu lên quan điểm “Tâm vật bình hành” để dung hòa 2 ý thức hệ duy tâm và duy vật:
        “Duy tâm, duy vật cũng con Trời,
Hai lẻ song song để dựng đời;
Duy vật đấp xây nền hữu tướng,
Duy tâm thánh thiện giúp con người.” 
Con người trong nhân loại dù có tín ngưỡng hay không, dù theo tôn giáo nào đi nữa vẫn có thể hợp tác cùng nhau để xây dựng cuộc sống thế gian này được tốt đẹp hơn.
▪ “Người biết lấy Đạo Lý làm căn bản cho sự sống và cho mọi hoạt động thì dầu với hoàn cảnh nào, trong Tôn Giáo Phái Chi nào cũng không hề hấn gì cả. Vì Tôn Giáo, Phái, Chi mọi hình thức khác nhau đó cũng là phương tiện để truyền Đạo giáo Đạo, chỉnh đốn Đạo Lý đang hồi suy sụp vậy thôi.” 
3. Để hy vọng về tương lai hòa hợp, chúng ta những người hoạt động tôn giáo cần ý thức hơn nữa như lời nhắc nhở của Đức Vạn Hạnh Thiền sư:
▪ “Những tiếng nói khác biệt đã làm cho con người ngăn cách. Những giáo dục tín ngưỡng lại càng đẩy xa con người ra khỏi tập thể. Thực sự thì quan niệm tư tưởng và trí thức đã càng làm cho con người xa nhau hơn nữa.
Muốn thực sự gần nhau, muốn thực sự hiểu nhau, con người lặng yên trong màn đêm huệ thức, sẽ thấy mọi niềm cảm xúc của chính mình, đem hòa lẫn tha nhân. Có như thế, tập thể nhân sinh nầy mới mong tồn sinh trong tiến hóa.” 
Đức Gia Tô Giáo Chủ, trong tôn giáo Cao Đài, khi giáng cơ dạy Đạo về Kinh Dịch qua quẻ Đồng Nhân đã nói:
▪ “Đến hào Thượng Cửu, thì “Đồng Nhơn vu giao”.
Vu là đi. Giao nghĩa là giao du, giao du ở gần nhà mình, nước mình thì cũng hẹp chật. Chỉ có lời Soán Từ là “Đồng Nhơn vu dã”. Đồng Nhơn mà vu dã (ra đồng trống) thiệt rộng lớn mênh mông, không bờ bến.
Đâu phải ra khỏi cửa hay ở trong tông phái mình mà thôi, còn kết thân tình huynh đệ đại đồng khắp chỗ, đồng hoang hẻo lánh, đâu còn lựa chọn so cân.
Vậy hôm nay, Ta cần đặt lại vấn đề, để rồi ngày tới đây đặt mối tương quan, để thành một mối đồng tâm, mà chia lo việc đạo, gánh vác việc đời, hầu đem lại một khối bình đẳng duy nhứt, không còn ranh giới rẽ riêng.” 
Như thế, một lần nữa nhắc lại: sự uyên bác về học thuyết tôn giáo là cần thiết nhưng chính điều này, nếu quá nghiêng về tri thức – hình tướng, lại làm cho nhân sinh dễ xa nhau!
Chỉ có sự lặng yên của việc tĩnh tâm hay thiền định… để đạt đến tâm linh huệ thức, giác ngộ được cái Đạo hay bản thể khởi nguyên của vũ trụ và chúng sanh mới giúp cho chúng ta dầu có tín ngưỡng hay không, dù theo một chủ thuyết nào đi nữa nhưng một khi có lòng thành xây dựng đời sống văn minh đạo đức, dung hòa những ưu điểm của nhau để hầu phục vụ cho sự tiến bộ an lạc của nhân sinh trong tinh thần huynh đệ đại đồng thì chúng ta đã và đang tiến bước đến con đường mà “Đấng vinh quang trên mọi sự vinh quang”   của Baha’I đã vạch ra.
TẠM KẾT
▪ Như vậy mục đích hướng đến của các tôn giáo chỉ có một. Đó là ánh sáng của đạo lý hay chân lý.
Vì thế các Đấng Giáo Tổ luôn lấy ánh sáng làm danh hiệu mình như: A Di Đà – Vô Lượng Thọ Quang; Baha’u’llah – Vinh quang của Thượng Đế; Cao Đài - Đại Linh quang; v.v...
Trong thời đại ngày nay khi “năm châu chung chợ, bốn bể chung nhà” việc tìm hiểu giáo lý của nhau qua những buổi sinh hoạt chung như thế này góp phần làm cho khu vườn văn hóa đạo đức ngày càng thêm phong phú.
Nếu như văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, thì những hợp tác giữa các tôn giáo với nhau trong mỗi quốc gia hay từng khu vực hoặc tầm vóc hoàn cầu chắc chắn sẽ góp phần làm cho cuộc sống tinh thần ngày càng thêm đẹp đẻ. Mà tinh thần càng khai phóng lại sẽ góp phần thúc đẩy đời sống thể chất ngày càng văn minh hơn nữa. Vì thế:
“Một bàn tay vói chẳng xa,
Nhiều tay kết lại dang ra đại đồng.”
Việc đối thoại và hợp tác giữa chánh quyền các cấp cùng tôn giáo giúp cho sinh hoạt của những đồng bào có tín ngưỡng được phát triển sẽ giúp cho khối đại đoàn kết toàn dân hay nhân loại ngày càng chặt chẽ thêm hơn. Điều này chắc chắn cũng góp được một phần ánh sáng với cường độ đáng kể để xua tan những tham dục là nguyên nhân gây ra những đám mây đen tội lỗi của hối lộ, tham nhũng, lạm quyền, v.v… hay bóng tối kinh khiếp cùng âm vang rực lửa của chiến tranh và khủng bố mà toàn thế giới hiện nay đang từng ngày giờ nhức đầu đối mặt.
Ở góc độ riêng trong lãnh vực tôn giáo, Đức Thượng Đế Cao Đài giáo chủ khẳng định:
“Tôn Giáo là con thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Các con thuyền cuối cùng cũng xuôi về bến đỗ.” 
Mỗi con thuyền tôn giáo rồi cũng sẽ về đến bến đỗ “Vinh quang của Thượng Đế”. Ấy là sự minh triết, trí huệ của những người giác ngộ được và đạt đến điểm chung nhứt của nhau:“Thế Đạo đại đồng và Thiên Đạo giải thoát”.®
                                                                                                                           Đạt Tường

(*)Bài nói chuyện nhân ngày NGÀY HÒA HỢP TÔN GIÁO tại
Văn phòng đại diện BAHA'I VIỆT NAM