Đời sống Tôn giáo Việt Nam trong Lịch sử Dân tộc

Gửi ngày 11/11/2014

Đời sống Tôn giáo Việt Nam trong Lịch sử Dân tộc của PGS, TS. Nguyễn Duy Hinh (Viện Nghiên cứu Tôn giáo). Tại Hội thảo Quốc tế: Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á diễn ra từ ngày 6 đến 11 tháng 9 năm 2006 tại Hà Nội - Việt Nam

05/11/2014
Religious Life in the History of the Nation. Ass. Prof. Nguyễn Duy Hinh Former researcher, Institute for Religious Studies. Paper for the international conference on ‘Beginning the Conversation: Religion and Rule of Law in Southeast Asia’, 8-9 September 2006 in Hanoi, Vietnam

Đầu Công nguyên có hai tôn giáo phương Đông du nhập vào Việt Nam là Đạo giáo của Trung Quốc và Phật giáo của Ấn Độ. Đến thế kỉ XVI thì Kitô giáo phương Tây mới du nhập vào Việt Nam.

Trước thời điểm đó người Việt có tôn giáo hay không?

Khoảng thế kỉ VII Tr. CN trên đất nước Việt Nam ngày nay đã hình thành văn hoá Đông Sơn với những đồ đồng tinh xảo đa dạng phong phú, nổi bật nhất là những trống đồng thạp đồng. Về phương diện tâm linh có 3 biểu  tượng. Một, bốn cặp tượng nam nữ giao hợp trên thạp đồng Đào Thịnh. Hai, tượng người đàn ông Văn Điển với sinh thực khí cường điệu. Ba, các tượng cóc trên trống đồng Hữu Chung. Đó không phải là những đồ chơi sex hay là tác phẩm thuần tuý mĩ thuật mà là những tượng thờ. Đó là những vật Thiêng. Ngày nay các nhà khảo cổ học giải thích đó là biểu tượng tín ngưỡng Phồn thực. Đã có tiêu  tượng thờ thì tín ngưỡng phát triển đến gần tôn giáo, tôi gọi đó là hiện tượng cận tôn giáo. Tiêu tượng người giao hợp, người đàn ông cường điệu sinh thực khí biểu hiện cầu con nối dõi giống nòi. Tiêu tượng cóc biểu thị cầu Mưa để được mùa lúa, nguồn sống chính của người Việt. Đó là hai nội dung cụ thể của tín ngưỡng Phồn thực Việt thời điểm trước công nguyên. Tâm linh tôn giáo bắt đầu hình thành và định hình  theo hướng cầu tái sản xuất con Người và tái sản xuất nguồn sống. Tín ngưỡng Phồn thực luôn luôn tồn tại trong lịch sử tâm linh Việt Nam. Người Việt tiếp thu Phật giáo, Đạo giáo trên cơ sở tín ngưỡng Phồn thực đó.

Phật giáo Đại Thừa theo đường biển từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Luy Lâu. Hiện nay còn các cơ sở tôn giáo tại thị trấn Dâu huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Đó là các chùa thờ Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi , Pháp Điện tức Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Sét. Bốn Bà là bốn hiện tượng tự nhiên được nhân cách hoá. Bốn Bà là biểu tượng nữ tính của bốn hiện tượng tự nhiên liên quan đến Mưa. Về sau bốn Bà hội nhập với Phật giáo Đại Thừa hình thành Tứ Pháp gồm Pháp Vân Phật, Pháp Vũ Phật, Pháp Lôi Phật, Pháp Điện Phật. Trong kinh Phật có hằng hà sa số Phật, Bồ tát  cả nam lẫn nữ mà  không hề có bốn Bà Phật này. Bốn Bà không phải của cá nhân nào hay do cá nhân nào sáng tạo ra mà là sản phẩm của một cộng đồng gồm một số làng cổ có quan hệ huyết thống với nhau tại khu vực Dâu đương thời là trung tâm chính trị (quận trị quận Giao Chỉ). Cho nên Truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái đã mô tả bốn Bà và Thạch Quang Phật có liên quan huyết thống với Man Nương. Và vì vậy chùa thờ Man Nương tuy không được xếp vào Tứ Pháp nhưng lại là chùa Tổ. Chính đời sống Phật giáo mang tính cộng đồng này đã là cơ sở của sự hình thành chùa làng, mỗi làng một chùa xưa nay vẫn thế. Mỗi làng một chùa xuất hiện trên cơ sở mỗi làng một đền một thần làng. Bốn Bà ban đầu cũng là bốn thần làng về sau Phật giáo hoá. Còn hiện tượng thần làng vẫn tiếp tục cho đến nay: "Lịnh làng nào, làng ấy đánh; thánh làng nào, làng ấy thờ". Đến thế kỉ XV các làng cổ hợp lại thành xã, cho nên mỗi xã có nhiều thần. Triều Lê bèn chọn một trong những thần làng của xã đó phong thành hoàng với tước đaị vương cai quản chư thần trong xã. Thần làng có chức năng "hộ quốc tí dân" (bảo vệ đất nước, phù hộ nhân dân). Nội dung cơ bản là chống giặc ngoại xâm và "phong điều vũ thuận” (mưa gió đúng thời vụ). Tín ngưỡng thần làng cũng là một dạng của tín ngưỡng Phồn thực. Tín ngưỡng thần làng là một hiện tượng tiền tôn giáo. Có thần tượng, có nghi thức và có cả "kinh văn". Kinh văn là ngọc phả và sớ dâng lên thần khi tế lễ để cầu an, vì "kinh văn" rất đơn giản nên chưa phát triển thành tôn giáo. Thần làng đã Đạo giáo hoá vì được xếp vào hàng ngũ của Ngọc Hoàng đại đế. Hiện nay tế thần làng đang khôi phục rầm rộ khắp nước với nội dung cơ bản cầu mùa và cầu an. Tín ngưỡng thần làng  là một nội dung quan trọng của đời sống tôn giáo cổ kim của cộng đồng người Việt. Tín ngưỡng thần làng Việt Nam khác với tín ngưỡng thành hoàng của Trung Quốc phò hộ quân đội đóng trong một toà thành nhằm bảo vệ ngôi thành chống kẻ địch tấn công, mà kẻ địch thường là nông dân khởi nghĩa hay quân đội các hầu quốc tranh chấp đất đai và ngôi vị. Thần làng Việt Nam thì bảo vệ Tổ quốc và phù hộ một làng.

Phật giáo Đại Thừa khác với Phật giáo nguyên thuỷ ở một điểm cơ bản. Phật giáo Đại Thừa chủ Sinh còn Phật giáo nguyên thuỷ chủ Diệt. Chủ Sinh phù hợp với Phồn thực. Cho đến nay các bà mẹ Việt Nam vẫn vào chùa lạy Phật cầu con. Người Việt mỗi khi gặp hạn hán đều cầu Mưa bằng cách rước tượng các Bà hay cầu đảo trong các chùa.

Phật giáo đến Việt Nam bằng con đường trao đổi văn hoá một cách hoà bình không gươm giáo súng đạn, không đổ máu. Những nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn đến Dâu truyền giáo. Đương thời đất nước Việt Nam đang bị đặt dưới quyền phong kiến Hán với hệ tư tưởng thống trị là Nho giáo. Phật giáo trước tiên truyền vào dân gian mà tương truyền Man Nương là nữ tín đồ đầu tiên. Man Nương với cây gậy chống hạn được xem là Mẹ của bốn Bà. Chùa Phật được xây dựng trong các làng gọi là chùa làng. Chùa làng là trung tâm tôn giáo của cư dân cả làng dù có sư hay không có sư trụ trì. Toàn bộ dân làng đều mộ Phật, vào chùa lễ Phật, niệm Nam mô A Di Đà Phật. Đến nay vẫn như thế khiến cho có nhà nghiên cứu không biết ai là tín đồ đạo Phật. Điều này thể hiện tâm linh tôn giáo Việt mang tính cộng đồng. Đặc điểm xã hội Việt Nam là tính pháp nhân tập thể gắn bó mỗi người với cộng đồng Nhà - Làng- Nước. Tâm linh tôn giáo cũng như thế. Tất nhiên các nhà sư thông tuệ hơn người dân bình thường. Các nhà sư  Việt Nam trở thành trí thức góp phần dựng nước Đại Việt đưa dân tộc lên một bước phát triển mới. Khi chính quyền độc lập hình thành thì chính những nhà sư đóng vai trò người trí thức ủng hộ vương triều độc lập. Khuông Việt đại sư [933-1011] phò tá hai triều Đinh, Tiền Lê. Sư Vạn Hạnh [?-1018] ủng hộ Lý Công Uẩn lập triều Lý. Triều đình dân tộc độc lập Đại Việt không những không phá hoại chùa làng mà còn xây dựng những quốc tự (chùa nước), định chế độ quản lí tổ chức Phật giáo như đặt chức quan Tăng thống, quy định phân cấp các chùa thành 3 cấp danh lam phái quan lại đến quản lí, tổ chức thi Tam giáo đào tạo trí thức Tam giáo. Chỉ khi dân vào chùa trốn tránh nghĩa vụ quân dịch quá đông ảnh hưởng đến sức mạnh nhà nước thì năm 1396 vua Trần mới hạn chế những người dưới 50 tuổi  đi tu chứ không phải tiêu diệt Phật giáo. Khi có nhà sư Phạm Sư Ôn nổi dậy chống triều đình năm 1389 thì triều đình đem quân trấn áp lập tức dù triều Trần có vua Trần Nhân Tông [1258-1308] sáng lập một tông Phật giáo - tông Trúc Lâm - đến nay vẫn thịnh hành. Dù triều đình đề cao Phật giáo đến mức hiện nay có người coi Phật giáo là quốc giáo thời Trần, dù dân chúng rất mộ đạo nhưng những hiện tượng tổn hại an ninh quốc gia thì chính quyền đều có biện pháp thoả đáng thậm chí quyết liệt để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Những biện pháp như thế không thể coi là đàn áp Phật giáo. Đến triều Lê- Nguyễn, Nho giáo độc tôn, triều đình hạn chế phát triển Phật giáo không cho xây chùa mới nhưng các chùa vẫn tồn tại thậm chí vua mở đàn chay tế tướng sĩ trận vong  tại chùa. Suốt trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập chùa chiền vẫn tồn tại, nhà sư này đi bộ đội thì nhà sư khác giữ chùa như các sư chùa Cổ Lễ tỉnh Nam Định. Trong chùa có một gian bảo tàng các di vật như trang phục huân huy chương của một số nhà sư đã nhập ngũ và hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên cũng có một số chùa bị bom đạn quân xâm lược huỷ hoại hoàn toàn như chùa Pháp Vũ, hay huỷ hoại một phần như chùa Hương. Chính quyền cách mạng cũng như nhân dân không ai đập phá chùa chiền. 

Hiện nay Phật giáo phát triển rầm rộ vừa tham gia chính trị góp phần xây dựng nước mạnh dân giàu, vừa bố thí cứu tế khi có thiên tai, tổ chức cầu siêu cho những ngư dân tử nạn vì cơn bão Chan Chu đầu năm 2006 dù họ không phải tín đồ Phật giáo... Việc cầu siêu đưa vong linh cha mẹ lên chùa lại càng phát triển mạnh hơn trước, không những thường dân mà cán bộ cũng đưa vong hồn cha mẹ lên chùa. Cũng có hiện tượng buôn thần bán thánh trong xã hội và tất nhiên pháp luật trừng trị những kẻ xấu lợi dụng tôn giáo đó.

Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ nhiều nhà sư tham gia hoạt động cứu nước trong hàng ngũ cách mạng, nổi bật nhất là Hoà thượng Thích Trí Độ và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Đó là nét cơ bản của đời sống Phật giáo Việt Nam xuyên suốt cổ kim. Chùa Phật hiện nay đã tiêu biểu cho tâm linh người Việt chứ không chỉ là nơi thờ Phật mà thôi. Trong chùa có Phật, có Ngọc Hoàng, có Mẫu, có tổ tiên, có liệt sĩ cách mạng. Và cả những cô hồn cũng được Phật bảo hộ: chùa Kim Mã ở Hà Nội vốn là một miếu cô hồn rồi trở thành chùa Phật. Lễ Vu Lan Phật giáo biến thành ngày rằm xá tội vong nhân cho cả tổ tiên lẫn cô hồn vô chủ. Hiện nay đến ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm không những nhà chùa mà nhân dân đều làm mâm cỗ cúng cháo cho các vong linh.

Đạo giáo thì như thế nào?

Đạo giáo Trung Quốc chỉ hình thành vào năm 141 CN với Trương Đạo Lăng làm giáo chủ. Nhưng Đạo giáo phát triển trên cơ sở Lão học và Tiên đạo của Lão Tử [thế kỉ VI Tr. CN] và Trang Tử [thế kỉ IV/III Tr. CN]. Thế kỉ II Tr. CN,  khi nhà Hán áp đặt chính quyền đô hộ ở Việt Nam thì Đạo giáo Trung Quốc chưa hình thành, cho nên đầu tiên  truyền vào Việt Nam là Lão học và Tiên Đạo, mãi về sau Đạo giáo mới truyền nhập. Đạo giáo Trung Quốc cơ bản là công cụ tư tưởng của khởi nghĩa nông dân chống nhà nước phong kiến. Về sau tuy có một bộ phận Đạo giáo sĩ tộc phục vụ chính quyền phong kiến, nhưng cơ bản Đạo giáo Trung Quốc trong dân gian vẫn là phong trào chống triều đình cho nên luôn luôn bị các triều đình phong kiến Trung Quốc đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị trấn áp.

Còn Tiên đạo và Đạo giáo Việt Nam thì lại luôn luôn đi với chính quyền dân tộc, được xem là một trong ba cột trụ tư tưởng của thời Đại Việt. Trong triều đình Đại Việt có Ty tăng lục coi cả Phật giáo lẫn Đạo giáo. Triều đình xây dựng nhiều đạo quán nguy nga, đúc tượng Tam Thanh bằng vàng. Trần Nhật Duật [1253-1330] dùng đạo sĩ Hứa Tông Đạo vào việc chống quân xâm lược Mông Cổ.

Cũng từng có đạo sĩ chống lại triều đình. Năm 1140 thầy bói Thân Lợi có pháp thuật đem đồ đảng cướp châu Thái Nguyên,  châu Thương Nguyên, châu Hạ Nông, v.v..., xưng vương, lập triều đình, kéo quân về cướp kinh sư. Năm 1141 triều đình nhà Lý xuất quân trấn áp, cuối cùng bắt được Thân Lợi xử trảm. Nước Đại Việt lại bình yên.

Hoạt động Đạo giáo Việt Nam mang sắc thái Đạo giáo dân gian đậm hơn hoạt động đạo sĩ trong đạo quán. Cho đến nay hiện tượng thờ Mẫu và lên đồng vẫn là nội dung chủ yếu của  Đạo giáo dân gian. Người ta thờ cúng Mẫu và lên đồng là để cầu Phúc Lộc Thọ, giải toả nỗi căng thẳng tâm linh trong lời ca réo rắt điệu múa uyển chuyển thoát tục. Hiện nay lên đồng hầu bóng vẫn tiến hành công khai rầm rộ ở Phủ Dầy và phủ Tây Hồ cùng các địa phương khác và đang là một đề tài nghiên cứu văn hoá dân gian hấp dẫn. Lễ cấp sắc cũng được tổ chức trong các dân tộc Tày, Dao.... miền Bắc và có nhiều luận văn  cao học, tiến sĩ, sách  nghiên cứu, sưu tập tranh thờ Đạo giáo đã được xuất bản.

Hầu như người Việt Nam nào cũng muốn sung sướng, xinh đẹp như  Tiên và yêu chuộng Tiên đạo, sùng tín Mẫu. Tham dự các cuộc hầu bóng là đông đảo quần chúng không phân biệt giàu nghèo già trẻ như tham dự một hoạt động văn nghệ hơn là hoạt động tâm linh. Các giá đồng mang tính chất vũ đạo tôn giáo hơn nghi lễ tôn giáo tuy rằng một không khí huyền bí vẫn bao trùm buổi công diễn.

Hiện nay tuy Đạo giáo vẫn còn nhiều đạo quán nổi tiếng như Trấn Vũ Quán, Linh Tiên Quán... với những bộ tượng tương đối cổ và tương đối đẹp. Dân chúng vẫn đến lễ mặc dù không còn giáo hội Đạo giáo và đạo sĩ nữa. Tuy nhiên đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng đồng bóng trục lợi có hại cho đời sống con người và tất nhiên những tên phù thuỷ giả danh đó bị pháp luật trừng trị.

Đời sống Đạo giáo Việt Nam  mang tính cộng đồng thoả mãn nhu cầu tâm linh ước vọng cuộc sống tốt đẹp như cảnh Bồng Lai đã thể thiện thành thành ngữ "đẹp như tiên", "sướng như tiên". Thị dân vào phủ cầu xin buôn bán nhất bản vạn lợi an khang thịnh vượng. Nhưng không ai muốn lên tiên, chỉ khi chết mới "kị hạc quy tiên", "tiên cảnh nhàn du". Những bức trướng đó thêu trên nền vải đỏ thắm với những chiếc tua vàng lung linh được treo bán khắp phố phường dù rằng những người cộng sản Việt Nam không tin, nhưng không hề cấm đoán. Ai cũng có thể mua. Đám tang vẫn rước những bức trướng đó trên đường đưa đám để rồi đem về treo bên cạnh bàn thờ người quá cố.

Tương truyền ngày xưa có một người tên là Từ Thức may mắn lên tiên rồi cũng nhớ trần gian mà trở lại trần gian dù tiên cảnh bốn mùa như xuân, sơn hào hải vị, lầu các huy hoàng, mĩ nữ múa hát...

Người Việt Nam chỉ muốn sướng như tiên giữa cộng đồng trần gian khổ đau và hạnh phuc đan xen hơn an nhàn vô công rồi nghề trên tiên cảnh Bồng Lai phiêu diêu bốn bể!

Đạo giáo là một tôn giáo đã hoàn toàn tan rã về tổ chức mà vẫn sống trong tâm linh người Việt Nam.  

Nho giáo thì như thế nào?

Dù rằng, theo tôi, Nho giáo không phải tôn giáo nhưng việc thờ cúng Khổng Tử với hệ thống Văn Miếu từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã (ở huyện, xã gọi là Văn Chỉ) với hội tư văn và những nghi thức tế lễ thì cũng mang tính tôn giáo. Đồng thời việc đề cao thờ cúng tổ tiên cũng mang tính tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên trong thời Lý- Trần xuất hiện khái niệm Tam giáo Nho-Đạo-Thích là điều dễ hiểu. Khái niệm Tam giáo vốn của người Trung Quốc nhưng nội hàm không hoàn toàn giống với khái niệm Tam giáo Đại Việt. Khái niệm Tam giáo Trung Quốc chỉ sự tồn tại độc lập tương khắc tương thành nhưng tương khắc là chủ lưu, chỉ sự tồn tại và đấu tranh giữa ba học thuyết khác nhau đó. Khái niệm Tam giáo Đại Việt chỉ sự song song tồn tại của ba hệ thống tư tưởng mà tương thành là chủ lưu. Tam giáo thời Đại Việt không phải chỉ ba tôn giáo mà chỉ ba hệ thống tư tưởng.

Khổng giáo là một học thuyết chính trị có thể tóm tắt trong mệnh đề "tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ" ý nói mỗi người phải  tự rèn luyện đạo đức và tài năng cá nhân mình rồi nhờ đó mà có thể giải quyết việc gia đình tốt; giải quyết tốt việc gia đình thì có thể cai trị tốt quốc (tức đất được phân phong, tức hầu quốc); cai trị tốt hầu quốc thì có thể cai trị được thiên hạ (tức toàn bộ vương quốc của nhà Chu). Đó là một đường lối giáo dục chính trị hữu hiệu đào tạo quan lại tức người quản lí quốc gia. Đường lối này xuất hiện trong bối cảnh lịch sử Trung Quốc khi thiên tử nhà Chu phân phong cho con cháu mỗi người một khu vực để họ cai trị, đó gọi là hầu quốc hay gọi là quốc. Nói theo ngôn ngữ cận hiện đại thì "quốc" tương đương một khu tự trị của một quốc gia. Đó là nội dung cơ bản học thuyết Khổng Tử. Nhưng Nho giáo đề cao chữ "hiếu" biểu hiện tập trung trong tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trọng nam khinh nữ là chế độ phụ hệ nhưng về mặt tín ngưỡng thì quan hệ chặt chẽ với thờ cúng tổ tiên. Con gái lấy chồng thờ cúng tổ tiên nhà chồng thuộc dòng họ khác. Chỉ có con trai mới thờ cúng tổ tiên dòng họ mình và lại phải sinh con trai để nối dõi tông đường khiến cho tổ tiên dòng họ được thờ cúng vĩnh viễn và dòng họ cũng con đàn cháu đống. Đây cũng là thể hiện tư tưởng Phồn thực tái sản xuất con người nhưng hướng về phụ hệ. Dù thiên vị nam giới như thế song tư tưởng "hiếu" đó phù hợp với tín ngưỡng Phồn thực của người Việt nên ảnh hưởng rất sâu đậm. Chữ "hiếu" gắn bó với thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên không phải sáng kiến của Nho giáo, trước Khổng Tử người Ân đã thờ cúng tổ tiên. Nhưng vì Nho giáo đặc biệt đề cao chữ hiếu nên thờ cúng tổ tiên được xem là một bộ phận không thể thiếu của Nho giáo. Và vì thờ cúng tổ tiên mà Nho giáo mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo. Chính tư tưởng thờ cúng tổ tiên sau này sẽ trở thành cái đối kháng với Kitô giáo.

Văn Miếu được xây dựng từ thời Lý trải qua nhiều lần trùng tu đều thờ Khổng Tử. Đến thời Lê thì trong Văn Miếu dựng các bia tiến sĩ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử hàng bia đá đầy chữ đè nặng lưng những con rùa vẫn còn đó dù đã mất mát một số. Từ sau năm 1945 không ai đốt Văn Miếu đập bia đá. Hiện nay lại được tu bổ đàng hoàng hơn lộng lẫy hơn đón tiếp bao khách tham quan trong ngoài nước. Việc thờ cúng Khổng Tử cũng như việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam vẫn không bao giờ dứt dù có lúc nhạt lúc đậm.

Kitô giáo thì như thế nào?

Thế kỉ XVI Kitô giáo mới truyền vào Việt Nam. Đương thời Việt Nam đang ở trong cục diện Nam Bắc phân tranh. Các giáo sĩ phương Tây đặt quan hệ với chúa Nguyễn Đàng Trong và chúa Trịnh Đàng Ngoài, cải đạo một vài nhân vật quý tộc của hai thế lực chính trị đối địch này. Kitô giáo được tự do truyền bá. Năm 1840  Đàng Ngoài đã có 340.000 giáo dân; Đàng Trong đã có  80.000 giáo dân; cả nước 420.000 giáo dân. Đàng Trong có 27 linh mục bản xứ; Đàng Ngoài có 117 linh mục bản xứ; cả nước có 144 linh mục bản xứ. Về lịch sử truyền giáo của Kitô giáo đã có rất nhiều tư liệu và sách của người phương Tây viết. Năm 2001 giáo sư Nguyễn Văn Kiệm đã ấn hành cuốn Sự du nhập của Kitô giáo vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX  tổng hợp các nguồn tư liệu khá đầy đủ, cơ bản tôi dẫn tư liệu theo cuốn sách này. Đầu tiên năm 1533 giáo sĩ I-ni-khu đến giảng đạo tại làng Ninh Cường, làng Quỳnh Anh, làng Trà Lũ tỉnh Nam Định. Nhưng chỉ đến 1615 thì việc truyền giáo Kitô giáo mới thực sự bắt đầu. Từ năm 1533 đến năm 1840 việc truyền giáo có một số vấn đề tranh chấp giữa các nhà truyền giáo của các dòng khác nhau các quốc gia phương Tây khác nhau và vấn đề khi cấm đạo khi cho phép truyền giáo của chính quyền Đàng Trong, Đàng Ngoài. Nhưng trở ngại cơ bản là sự mâu thuẫn về hệ tư tưởng tôn giáo. Nhân dân Việt Nam kể cả tầng lớp thống trị đều thấm nhuần tư tưởng Tam giáo. Trong đời sống tôn giáo của người Việt Nam thì thờ cúng tổ tiên được đặt lên hàng đầu. Những nhà truyền giáo phương Tây lúc này lại phê phán thờ cúng tổ tiên, buộc tín đồ Việt Nam cải đạo phải từ bỏ thờ cúng tổ tiên. Có trường hợp buộc giáo dân vứt bỏ bàn thờ tổ tiên ra đường, vứt bỏ tượng Phật xuống ao.

Sự xung đột hệ tư tưởng tôn giáo này mang tính chất xung đột văn hoá Đông/Tây. Xung đột ở Trung Quốc gay gắt hơn ở Việt Nam trong buổi đầu truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây. Xung đột chỉ chấm dứt khi Kitô giáo nhận thấy sai lầm này, từ bỏ chủ trương đả phá thờ cúng tổ tiên.

Cho nên, theo tôi, trong thời kì đầu Kitô giáo về cơ bản được tự do truyền bá, nếu có xảy ra xung đột là lỗi của các nhà truyền giáo phương Tây chưa biết "nhập gia tuỳ tục", chứ không phải của chính quyền Đàng Trong, Đàng Ngoài  cấm đạo mù quáng.

Năm 1858 lấy lí do bảo vệ giáo sĩ phương Tây chiến hạm Pháp nã đại bác vào Đà Nẵng. Chiến tranh xâm lược bắt đầu dưới chiêu bài đòi tự do truyền giáo Kitô giáo và một số nhà truyền giáo phương Tây đã tham dự vào hoạt động xâm lược này. Chiến tranh chống xâm lược tất nhiên phải nổ ra và cũng tất nhiên truyền giáo Kitô giáo trở thành vấn đề quốc sự. Đó là nguyên nhân "bình Tây sát tả". Phải có thái độ khoa học khi đánh giá sự kiện này, không thể mơ hồ chạy theo một thứ "chủ nghĩa nhân văn" chung chung nào đó thoát li thực tế lịch sử. Không thể chỉ đổ lỗi cho những người "bình Tây sát tả", mục tiêu của họ là "bình Tây" tức chống xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc chứ không phải "sát tả". "Sát tả" vì "tả" gắn bó với "Tây".

Lịch sử truyền giáo phương Tây đã chuyển sang một giai đoạn khác. Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa sự xâm lược của nước Pháp và sự chống xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam. Đẫm máu là tất nhiên vì bây giờ là tiếng gầm của đại bác chứ không phải chỉ là tiếng rao giảng Kinh Thánh nữa.

Đến tháng 8 năm 1945, nhân dân Việt Nam giành được độc lập dân tộc. Quân Pháp trở lại  Việt Nam với tàu bay xe tăng... Nhân dân Việt Nam tiến hành hai cuộc chiến tranh chống thực dân  cũ mới Pháp và Mỹ. Năm 1975 mới giành được độc lập hoàn toàn. Trong thời gian này nhiều giáo dân Kitô giáo tham gia chiến đấu. Nhiều linh mục cũng đứng trong hàng ngũ dân tộc chống ngoại xâm. Nổi tiếng nhất là linh mục Phạm Bá Trực và Hồ Thành Biên. Nhà thờ Phát Diệm nguy nga vẫn còn đứng sừng sững giữa trời đất cho đến ngày 18 - 01 - 1988 được chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

Đời sống tôn giáo của giáo dân Việt Nam hoàn toàn được tự do. Không những con chiên tự do hành lễ tại các nhà thờ khác mà ngay tại nhà thờ Phát Diệm kèn đồng vẫn thổi, thánh ca vẫn du dương, cờ xí vẫn rợp trời, linh mục vẫn áo mũ chỉnh tề, con chiên vẫn sắp hàng diễu hành như nước cuồn cuộn chảy trong các ngày lễ lớn. Tôi đã dự một lễ lớn như vậy tại nhà thờ Phát Diệm, đặc biệt thán phục người nông dân già chỉ huy dàn nhạc kèn đồng. Tại nhà thờ lớn ở Hà Nội đêm Noel năm nào người cũng đông đúc chen chân không lọt như hội. Nam thanh nữ tú trang phục sang trọng không phải tín đồ đông hơn con chiên của Chúa, dạo kín các con đường xung quanh nhà thờ, đứng chật sân nhà thờ vốn khá rộng, vây quanh máng cỏ hài đồng.

Về đạo Tin Lành tình hình cơ bản cũng giống Kitô giáo, tôi không trình bày chi tiết nữa. [ . . .]

( Trích đăng -Nguồn: Tap Chí Nghiên Cứu Tôn Giáo)