CÓ NHÂN HÒA XUÂN MỚI THÀNH XUÂN

Gửi ngày 10/01/2017
CÓ NHÂN HÒA XUÂN MỚI THÀNH XUÂN
CÓ NHÂN HÒA XUÂN MỚI THÀNH XUÂN
Hòa là bài học đầu tiên
Đức Chí Tôn dạy:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một đạo tức cùng Cha,
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa. [1]

Giáo lý đạo Phật có sáu điều để hướng dẫn tăng ni, Phật tử tu hành, gọi là Lục Hòa tăng hay Lục Hòa kính pháp.
1.Thân hòa đồng trụ, còn gọi là Thân từ Hòa kính, nghĩa là cùng sống hòa đồng trong một tập thể.
2.Khẩu hòa vô tranh, còn gọi là Khẩu từ Hòa kính, nghĩa là nói năng hòa nhã, không tranh cãi nhau.
3.Ý hòa đồng duyệt, còn gọi là Ý từ Hòa kính, nghĩa là một lòng một dạ, không trái ý, cởi mở với nhau.
4.Giới hòa đồng tu, còn gọi là Đồng từ Hòa kính, nghĩa là giữ chung một kỷ luật, cùng tu từ giới luật như nhau.
5.Kiến hòa đồng giải, còn gọi là Đồng kiến Hòa kính, nghĩa là hiểu biết thông cảm, chia sẻ với nhau.
6.Lợi hòa đồng quân, còn gọi là Đồng lợi Hòa kính, nghĩa là chia đều lợi ích như nhau.
Thực hiện rốt ráo lục hòa theo giáo lý nhà Phật sẽ đem lại hòa khí chung trong tập thể. Kết quả đó là nền tảng vững chắc cho hành giả trên bước đường tu được vững vàng, là trợ duyên đắc lực giúp cho người tu đắc pháp.
Cụm từ “Dạy lẫn cho nhau”, Thánh ý của Đức Đại Từ Phụ muốn chúng ta trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân tại sao bất hòa, đồng thời tìm cách khắc phục để đạt được chữ hòa đúng nghĩa.
Đức Mẹ dạy:
Chữ hòa là sao hỡi các con?
Nói hòa thì con nào cũng có thể nói được cả. Nhưng thực hành cho được chữ hòa thì đã có được bao nhiêu?
Mỗi lần hội nghị, dầu hội lớn hay hội nhỏ, con nào cũng thường nêu lên chữ Hòa, chẳng những chữ hòa thôi đâu, lại còn kèm theo nhiều chữ huê (hoa) mỹ cao xa và quý giá như: hòa ái, thương yêu, tương thân, tương trợ, chị ngã em nâng, khoan dung tha thứ…[2]
Chữ Hòa trên lý thuyết được lý giải rất rõ ràng sâu sắc, thế nhưng trong thực tế, chữ Hòa chưa được thực hiện đúng theo ý nghĩa thật sự của nó. Mỗi lần có dịp tụ họp ngồi lại với nhau, hoặc bất kỳ trong các hội nghị bất kể lớn nhỏ, đúng như lời Đức Mẹ đã dạy, ai cũng đều nói được chữ Hòa một cách lưu loát, bài bản. Nhưng thực hiện thì chưa được bao nhiêu, chính vì vậy trong tập thể mới có những rạn nứt, dẫn đến nội bộ chia rẽ, nội tình không ổn định. Như thế, thì việc an bang tế thế, hòa hợp nhơn tâm có phải là điều xa vời, không tưởng? Chính từ điều trăn trở này, Thánh giáo Cao Đài, các Đấng lâm đàn dạy đạo thường hay đề cập đến.
Đức Đoàn Văn Bản dạy:
Hòa là lẽ sinh tồn muôn thuở,
Hòa là đường vận số thành công,
Từ nơi sâu thẳm cõi lòng,
Biểu dương ra đến đại đồng vạn linh. [3]
Về mặt tổ chức
Đức Lý Giáo Tông dạy:
Chấp trì guồng máy thiên lương,
Thượng hòa hạ mục là phương lập thành. [4]
Trong tổ chức, việc chấp trì quyền pháp được nghiêm mình, có tôn ti trật tự, biết kính trên nhường dưới, đó là chìa khóa vạn năng mở toang tất cả sự đố kỵ tị hiềm, ganh ghét hơn thua, thị phi phải trái…Đó là phương diệu dụng vận hành guồng máy được hanh thông, dòng đạo mạch luân lưu khắp chốn.
Có câu:“Nhân chi sơ tánh bổn thiện”: vốn dĩ bản tánh thiện lương đều có sẵn trong mỗi con người, nhưng nó bị vùi lấp dưới lớp vô minh dày đặc, do nghiệp quả nhiều đời nhiều kiếp chồng chất. Bởi thế, cần có một động lực thúc đẩy, một động năng khơi nguồn, tự nó sẽ trỗi dậy và bừng sáng.
Tương tự như thế, lòng hiếu hòa định cư sẵn trong tâm hồn của nhân thế, nhưng bằng phương cách nào để châm ngòi cho ngọn lửa nhân hòa rực cháy và tỏa sáng, đồng thời kết hợp thành một vùng ánh sáng lan rộng khắp mọi nơi ?
Đạo pháp trường lưu, đời người hữu hạn, sứ mạng trọng đại mà Đức Chí Tôn Thượng Phụ Cao Đài đã ban trao cho con cái Ngài là tận độ quần sanh.  Một con chim én không thể đem lại mùa xuân cho nhân thế, một con người không thể thực hiện được việc làm to tát đó, mà phải có sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất tâm, chung sức chung lòng trong tình thương yêu hòa hiệp thật sự giữa con người với nhau nói chung, giữa tín đồ Cao Đài nói riêng, để hoằng dương chánh pháp Đại Đạo.
 Hòa để làm tròn sứ mạng
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban lời huấn dụ vào buổi đầu khai mở Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, là tiền thân của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày nay:
Trong khi các con thi hành sứ mạng, trên phải đức độ khoan dung, dưới phải khiêm cung hòa ái, giữ đạo hạnh, rèn luyện đạo tâm, thương yêu, kiên nhẫn, trì thủ, hy sinh, hầu cứu rỗi linh hồn của con khỏi sa đọa và cứu rỗi cho mọi người. Đó là con đã hoàn thành sứ mạng. [5]
Trên đường thực thi sứ mạng trọng đại với nhiều gian khổ, hành trang mà người môn đệ của Đức Cao Đài luôn mang theo bên mình phải là: đức độ khoan dung, khiêm cung hòa ái, giữ đạo hạnh, rèn luyện đạo tâm, thương yêu, kiên nhẫn, trì thủ, hy sinh. Đó là những bửu bối vô giá giúp hàng Thiên sứ giữ tròn Thiên mạng, hành đúng Thánh ý cho Thánh sự tiến triển nhịp nhàng đúng theo Thiên cơ dĩ định, cũng là cơ hội tất yếu cho tất cả con cái Đức Thượng Đế trở về cội nguồn thiêng liêng hằng sống, bất sinh bất diệt, trường tồn vĩnh cửu.
Đức Lê Đại Tiên khẳng định:
Chư hiền đệ hiền muội! Lão chẳng nói chi dài dòng, chỉ nói một câu thôi. Một câu mà chư đệ muội rất cần thiết là: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đã mang một sứmạng cao cả từ Thiêng Liêng giao phó, là sứ mạng“Nhân hòa”. Sự việc đã bắt đầu. Chư hiền đệ muội cần sáng suốt giữ vững lập trường căn bản của người tu.(…)
Sự thành công không phải do chỗ tài ba xuất chúng, lấp biển dời non, mà do ở nhơn tâm hòa ái đó thôi, tóm lại là nhân hòa. [6]
Đức Lê Đại Tiên đã vạch lối chỉ đàng một cách rõ ràng, minh định cụ thể về đường lối và phương châm thực thi sứ mạng của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là vô tư hành đạo trên tinh thần thuần chơn vô ngã. Muốn thực hiện trọng trách to tát đã được phó thác, các Đấng Thiêng Liêng đã trao cho chúng ta chiếc cẩm nang trong đó chứa đựng hai chữ “Nhân hòa”. Chỉvỏn vẹn và đơn giản như thế, nhưng là tiền đề, là tác nhân thúc đẩy cho sự thống hiệp giáo lý, vạn giáo đồng quy ; là bí quyết hóa giải mọi xung đột, mọi chia rẽ của thế giới nhân loại ngày nay, là kim chỉ nam định hướng giúp chúng ta hoàn tất trách vụ đã được đặt để, và là chiếc chìa khóa vô hình mở cửa Bạch Ngọc Kinh, trở về hội hiệp cùng Thầy.
Đức Chí Tôn dạy:
Hòa là một món báu linh,
Là chìa khóa mở Ngọc Kinh bước vào. [7]
Có nhân hòa xuân mới thành xuân
Thiên thời - địa lợi - nhân hòa là tam tài, được định vị theo thế chân vạc trong vũ trụ, thiếu một trong ba thì hoàn cầu không ổn định, nhân loại khó mà đạt đến thành công viên mãn.
Mỗi năm một lần, khi tết đến xuân về, chúng ta thấy các chợ hoa trưng bày rất nhiều hoa và cây kiểng rất đẹp. Có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, thu hút được nhiều người đến dự xem và mua, đòi hỏi phải có giống tốt, kết hợp với sanh khí của trời, phù sa mầu mỡ của đất, phân nước đầy đủ, nhưng điều quan trọng là phải có bàn tay khối óc, sự siêng năng cần mẫn, phải đầu tư nhiều công sức vào trong đó của những nghệ nhân, mới đem lại thành tựu như thế. [8]
Thiên thời - địa lợi, trời che đất chở đó là tình Tạo Hóa, đức háo sanh trưởng dưỡng của Thiên Địa. Muôn loài vạn vật nhờ đó mà sanh sôi nẩy nở theo định luật của Đấng Hóa Công. Nhưng muốn duy trì và phát triển trường tồn, con người phải biết tôn ti trật tự, trên thuận dưới hòa, sống theo guồng máy thiên lương, là tính thiện, là tánh lành trong mỗi con người đã được Thượng Đế phú bẩm khi cất tiếng chào đời.
Đức Lý Giáo Tông dạy:
Xuân là cảnh thiên thời địa lợi,
Có nhân hòa xuân mới thành xuân,
Năm qua tháng lại vô ngần,
Biết xuân thưởng được ngày xuân huy hoàng. [9]
Mùa xuân ứng với đức Nguyên của đạo Kiền, là thời của quẻ Địa Thiên Thái.
- Về tượng quẻ Thái, có 3 hào dương ở nội quái và 3 hào âm ở ngoại quái. Như thế là âm dương cân bằng, chính sự quân bình của hai yếu tố chủ lực, hai nguyên lý chủ chốt quyết định cho sự sanh hóa bảo tồn của vạn loại, đã đem lại sự ấm áp cho toàn thế giới vũ trụ.
- Về đức quẻ Thái, hội đủ cương kiện của Kiền, và nhu thuận của Khôn. Chính những yếu tố đó đã đem lại sức sống giao hòa cho muôn loài muôn vật.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo dạy:
Khí Thái hòa tràn trề tươi thắm,
Hội Thái hòa đầm ấm vầy vui.
(…)
Âm dương giao mở đầu hội Thái,
Ban quyền năng đặt lại thanh bình,
Khí thiêng vạn hữu hồi sinh,
Trông ra đâu cũng hàm ninh vĩnh tồn. [10]
Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy:
Nhân tiết tam dương khai thái, xuân mãn trần trung, Bần Đạo nhắc nhở chư Thiên ân sứ mạng gặp lúc khí vận đủ đầy thái hòa sung mãn, hãy nắm lấy cơ vi mà nhiếp hóa nội tâm, linh thông triển chuyển, phát huy ngoại thể cho Đại Đạo hoằng dương, Tam tông rộng mở, kịp thời hòa hợp cơ năng vũ trụ giúp cho vạn vật trở về nguồn.
(…)
Xuân có sanh thì hạ trưởng thành,
Xuân thiên, nguồn phát lợi, trinh, hanh,
Xuân tâm hòa nhịp cùng xuân cảnh,
Tạo một trời xuân bủa đức lành. [11]
- Khi xuân về tất cả được thọ bẩm khí sanh quang của đất trời, hoa lá cỏ cây tươi tốt, tươi màu, người vật được tươi nhuận vui vẻ, đúng theo lời dạy: “Xuân là cảnh thiên thời địa lợi”.
- Thiên địa vần xoay, vũ trụ vận hành, xuân hạ thu đông, bốn mùa tám tiết, thuận theo thiên cơ, hòa cùng thiên lý. Phần còn lại của con người là làm sao sống hòa nhịp cùng Đất Trời để hưởng trọn mùa xuân an lạc thái hòa như lời gởi gắm của Ơn Trên: “Có nhân hòa xuân mới thành xuân”.
- Biết được vậy nhưng làm sao được vậy, đó là điều chúng ta mong ước. Thiết nghĩ, chỉ có tính bao dung, lòng quảng đại, sự tha thứ lỗi lầm cho nhau, mới thật sự đem lại thanh bình thạnh trị, hạnh phúc an lành cho thế giới nhân loại ngày nay.
Đức Đông Phương Chưởng Quản trong một lần lâm đàn giải nghĩa rộng về bài “Ngũ Nguyện”, đã để lời dạy:
Câu thứ ba là đối với tất cả mọi người chung quanh mình, từ trên tới dưới, từ lớn tới nhỏ, đều sẵn sàng khoan dung tha thứ, dù ai gây lỗi với mình cũng vậy. Một khi biết cầu khẩn Đấng Chí Tôn tha thứ lỗi lầm của mình, thì mình hãy thể theo lòng từ ái của Ngài để tha thứ anh em chị em của mình tại thế gian, vì thế gian không phải là một cõi hoàn toàn thánh thiện, nên lắm điều còn ô trược, tránh sao khỏi những vấp phải lỗi lầm hoặc nhiều hay ít cũng vậy.
Sự tha thứ, lòng từ bi bác ái không giới hạn ở đâu, nghĩa là vô biên, chớ chẳng phải chỉ tha thứ, chỉ bao dung rộng lượng đối với hạng dưới tay thân thuộc của mình, mà không tha thứ bao dung đối với kẻ thù nghịch, vì là con chung của Đấng Cha Lành. Với người bất nhơn thất đức, có được hạnh như vậy thì mới tiến được giai đoạn nữa là câu thứ tư “Thiên hạ thái bình”. [13]
Lời nhắn nhủ ân cần của bậc Tiền Khai Đại Đạo khi xuân về, gởi đến các thế hệ kế thừa sứ mạng Kỳ Ba, chỉ vỏn vẹn cốt yếu trọng tâm là hiệp hòa và kiên nhẫn. Bởi có hòa rồi tát bể cũng vơi, chính hòa là động năng thúc đẩy cho tình huynh đệ, tình đồng đạo được khắng khít, gần gũi, thông cảm, chia ngọt sẻ bùi trên đường thế Thiên hành hóa.
Đức Lê Đại Tiên dạy:
Hướng đạo hòa mình cùng đại chúng. [14]
Trong cửa Đạo, hãy đối xử nhau như con một Cha, trò một Thầy. Có như vậy, mới tạo được mối thiện cảm, giao hảo giữa hàng hướng đạo và chư tín đồ. Từ đó, tạo được thế nhân hòa, phát huy đúng mức trí tuệ tập thể, là lực đẩy vạn năng thúc tiến trình tiến hóa tâm linh của toàn thể huynh đệ chúng ta. Hòa là thế Ngũ hành sơn, là thế chân vạc, là bức tường thành vững chắc đưa chúng ta vượt biển đăng sơn, thực thi sứ mạng: “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”.
Đức Lê Đại Tiên dạy:
Làm sao kết hợp nhiệt tâm nhơn hòa. [15]
Mỗi đạo hữu đều có bầu nhiệt huyết đang cháy bỏng trong lòng khi đã ý thức được sứ mạng tự độ độ tha. Lòng thương Đức Cao Đài đã lìa cung Bạch Ngọc, lập đoan thệ với Tòa Tam Giáo, xuống trần lập Đạo, nếu chúng sanh không giác ngộ tu hành, không cải tà quy chánh, thì Đức Cao Đài không trở về ngôi vị cũ. Cảm động thay! Lời đại nguyện của Đại Từ Phụ khiến chúng ta không khỏi ai hoài rơi lệ trước tình thương vô tận, vô biên của Đấng Cha chung vạn loại.
Đáp lại tình thiêng liêng đó, tất cả con cái của Đức Chí Tôn Thượng Phụ Cao Đài hãy nhiệt tâm nhiệt thành, không chỉ hô hào vận động, mà phải thực hành xiển dương nhơn hòa, để mọi người cùng hưởng một mùa xuân đúng nghĩa, thuận tùng Thiên lý.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Thiên lý đã vận hành cơ phản bổn, thì nhơn tâm cũng phải minh định quay về sống trong thánh đức, thực hành vương đạo an dân thì lo gì nhân loại không hưởng thái bình an lạc. [17]

KẾT LUẬN

Nhân hòa nghĩa là sự hòa hợp giữa con người với nhau trong cộng đồng thế giới nhân loại. Chính tố chất quan trọng này sẽ thúc đẩy con người tiến lại gần nhau, từ nghịch lẫn trở nên thân tình, từ thù thành bạn, từ chiến tranh thành hòa bình.
- “Hòa” là bài học đầu tiên thuở sơ khai nền Đạo, là Thánh ý Đức Đại Từ Phụ mong muốn tất cả môn đệ Cao Đài phải thường xuyên trao đổi, nhắc nhở cho nhau và lấy chữ hòa làm phương châm trên bước đường tu học hành đạo.
-“Hòa” là lễ phẩm trân trọng nhất dâng lên cho Thầy Mẹ cùng các Đấng Thiêng Liêng.
- Vận dụng được “Hòa” trên mọi lĩnh vực, trong đạo ngoài đời, từ gia đình đến quốc gia và toàn thể xã hội nhân loại khắp hành tinh.
- Ứng dụng được “Hòa” thì trong ấm ngoài êm, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, tiến bộ văn minh, láng giềng lân bang thân tình chứa chan. Nước nước nhà nhà, trên thuận dưới hòa… Đó là niết bàn tại thế, Thượng nguơn Thánh đức gần kề, không phải nhọc công tìm kiếm non Đoài hay Khứu lãnh.
- Khi xuân về, nắng xuân ấm áp, gió xuân mát mẻ, thì lòng người phải hòa hợp cùng thiên nhiên, phải khoan dung rộng mở, thương yêu giúp đỡ, người vật tương đồng, không phân biệt, không kỳ thị… Được như thế, mới thực hiện đúng theo lời dạy:“Có nhân hòa xuân mới thành xuân”, mới hưởng được một mùa xuân miên viễn trong tình Tạo Hóa, trong đức háo sanh vô biên của Thiên Địa.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
An bài nhơn loại do hòa hiệp,
Hòa hiệp không còn ba, bảy, hai.
(…)
Con hãy giữ dĩ hòa vi quý,
Hòa mới tường đạo lý cao siêu,
Mới không phạm luật Thiên điều,
Mới mong anh dắt, em dìu sớm hôm. [18]
 
Trong ngày Thánh Đán Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, lễ phẩm trân trọng nhất dâng lên Đấng Cha Lành chính là sự hòa hợp của hàng môn đệ Cao Đài như lời mong mỏi của Thầy:
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng.” [19]
 
                               Mừng Xuân Đinh Dậu 2017
                                                           CHÍ THẬT
                                              

[1]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 20-02-1926.
[2]Thánh thất Bình Hòa, 14-8 Nhâm Tý (21-9-1972).
[3]Nam Thành Thánh thất, 22-8 Tân Hợi (10-10-1971).
[4]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-12 Mậu Ngọ (27-01-1979).
[5]Nam Thành Thánh thất, 14-02 Bính Ngọ (05-3-1966
[6]Ngọc Minh Đài,22-5 Kỷ Dậu (06-7-1969).
[7]Đại Thừa Chơn Giáo, bài “Hòa hiệp”, đàn ngày 03-8 Bính Tý (1936)
.[8]Có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.”
[9]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-12 Mậu Ngọ (27-01-1979).
[10]Dịch Kinh Huyền Nghĩa quẻ Kiền.
[11] Minh Lý Thánh Hội, 02-01 Giáp Dần (24-01-1974).
[12]Trúc Lâm Thiền Điện, 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
[13]Thiên Lý Đàn, 30-12 giáp Thìn (01-02-1965).
[14]Ngọc Minh Đài, 01-01 Giáp Dần (23-01-1974).
[15]Ngọc Minh Đài, 10-5 Ất Tỵ (09-6-1965).
[16]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Giáp Dần (02-8-1974).
[17]Cao Thượng Bửu Tòa, 18-8 Bính Ngọ (02-02-1966).
[18]Minh Đức Đàn, 10-7 Ất Tỵ (06-8-1965).
[19]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 20-02-1926.