HÀNH CHÁNH ĐẠO (TCCĐ/ Trao đổi-Nghiên cứu)

Gửi ngày 20/09/2014


HÀNH CHÁNH ĐẠO ĐẠI CƯƠNG

                                                                                                                       Thanh Căn biên soạn

 

I.ĐỊNH NGHĨA

II.ĐẠO CAO ĐÀI VỚI NỀN HÀNH CHÁNH ĐẠO
A.CƠ CHẾ TỔ CHỨC
1.Tam quyền phân lập
2.Lưỡng phái bình đẳng
3.Dân chủ tập trung
B.HỆ THỐNG TỔ CHỨC
1.CỬU TRÙNG ĐÀI
Hành Chánh Đạo CTĐ Nam
Hành Chánh Đạo CTĐ Nữ
Ban Thường Trực Hội Thánh
Ban Đại Diện Tỉnh, Thành phố
Ban Cai Quản, Ban Trị Sự
2.HIỆP THIÊN ĐÀI

III.KẾT LUẬN


                                                                       *  *  *


Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một tôn giáo do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ sáng lập tại Việt Nam, ngay trong năm đầu khai đạo, Ngài đã ban Pháp Chánh Truyền và dạy lập Tân Luật, đặt nền tảng cho cơ cấu hành chánh đạo của giáo quyền từ Hội Thánh trung ưong đến các Thánh Thất địa phương một cách hoàn thiện. Đây là đặc điểm duy nhứt chỉ có trong Đạo Cao Đài, so với lịch sử các tôn giáo xưa nay, chưa có tôn giáo nào thiết lập hệ thống tổ chức hành chánh trước rồi mới truyền đạo sau. Cho nên Đạo Cao Đài rất đề cao vai trò hành chánh đạo trong cơ phổ độ kỳ ba.

Thánh Ngôn HT q.1: “Thầy nhất định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà phải buộc lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo”[24 Avril 1926].

Chánh thể ở đây có ý nghĩa hình thức luật pháp căn cứ vào hình thể thánh danh của Đức Chí Tôn biểu trưng tại thế qua tam đài của Tòa Thánh và Thánh Thất mà lập ra thể chế hành chánh đạo từ thượng tầng lãnh đạo tới hạ tầng cơ sở.

I. ĐỊNH NGHĨA:

Hành chánh: Hành [行] là làm, thi hành. Chánh [政] là làm cho ngay chính; sửa trị cho đúng qui tắc.

   Hành chánh đạo là sự thực thi đường lối tổ chức tôn giáo theo đúng với quyền pháp đạo được qui định trong Pháp Chánh Truyền, Tân Luật và các Thánh lịnh của Đức Chí Tôn và các qui định, nội luật khác do nhơn sanh kiến nghị và Hội  Thánh  chuẩn y.

   Cơ quan hành chánh đạo của một Hội Thánh do Cửu Trùng Đài chấp chưởng để thực thi quyền pháp đạo tức quyền hạn, nhiệm vụ trong khuôn khổ Pháp chánh truyền và Tân luật để phổ độ nhơn sanh, hướng dẫn nhơn sanh trên đường đạo và đường đời theo tôn chỉ mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Nghiên cứu và học tập hành chánh đạo là nhu cầu thiết yếu của mỗi chức sắc và chức việc để tăng tiến khả năng và hiệu suất điều hành guồng máy tổ chức hành chánh đạo các cấp, đồng thời vận dụng sáng kiến tối ưu để đạt hiệu quả tối đại trong trách nhiệm cai quản cơ sở tín ngưỡng và sứ mạng hoằng giáo độ đời.

II. ĐẠO CAO ĐÀI VỚI NỀN HÀNH CHÁNH ĐẠO
       Hình thể thánh danh của Đức Chí Tôn tại thế thể hiện ở Tam Đài: Bát Quái Đài (siêu rỗi), Cửu Trung Đài (độ rỗi) và Hiệp Thiên Đài (cầu rỗi). Nền hành chánh đạo của Đạo Cao Đài đặt nguyên tắc trên nhị hữu hình Đài, tức Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, được phân thành hai thể thức như sau:


A. CƠ CHẾ TỔ CHỨC

Cơ chế tổ chức được hiều là nguyên lý cấu tạo và hoạt động của Hành chánh đạo, ứng hợp với nguyên tắc “tam quyền phân lập, lưỡng phái bình đẳng và dân chủ tập trung”.

1. Tam quyền phân lập:

Tam quyền phân lập là ba quyền pháp được chia cho ba bộ phận độc lập với những chức năng khác nhau. Trong Đạo Cao Đài, tam quyền phân lập tương ứng với Tam Đài:

Cửu Trùng Đài: Quyền Hành pháp.
Hiệp Thiên Đài: Quyền Tư Pháp.
Bát Quái Đài: Quyền Lập pháp.

Tuy quyền lập pháp do Đức Chí Tôn chưởng quản Bát Quái Đài, nhưng sau khi lập Pháp Chánh Truyền xong thì Ngài giao quyền lập pháp lại cho Vạn Linh, Vạn Linh là bao gồm các đẳng nhơn sanh, không phân biệt địa vị, phẩm cấp cao thấp, lớn nhỏ, địa phương, và quyền Vạn Linh cũng là quyền Chí Tôn như thánh ngôn dạy: “Thầy là các con, các con là Thầy”, nghĩa là Quyền Vạn Linh bằng với quyền của Chí Linh. Ý muốn của Vạn Linh (chúng sanh) tức là ý muốn của Chí Linh (Thượng Đế). Cho nên lập Quyền Vạn Linh là để Vạn Linh tự lập luật lấy, tự kiềm chế mình trong con đường tu, hầu qui hồi cựu vị, hội hiệp cùng Thầy, và từ đó Quyền Vạn Linh được lập thành bởi ba Hội, hay nói cách khác, ba Hội nầy hiệp lại làm cơ quan của "Quyền Vạn Linh":

Đại Hội NhơnSanh với Quyền Nhơn Sanh
Đại Hội Hội Thánh với Quyền Hội Thánh
Đại Hội Thượng Hội với Quyền Thượng Hội

(1) Đại hội Nhơn Sanh: Gồm các Ðại Biểu trực tiếp do Nhơn sanh bầu cử, thay mặt cho mình, đem lời thỉnh nguyện, kiến nghị của mình ra trình bày giữa hội. Hội Thánh báo cáo kết quả đạo sự của một năm qua và thâu thập những nguyện vọng chánh đáng của nhơn sanh để lập phương án hành đạo, đường lối chủ trương của Hội Thánh cho năm tới.


Thành phần Nghị viên chính thức của Đại Hội Nhơn Sanh gồm có:
 
- Một đại diện của mỗi Ban Cai Quản Thánh Thất,
Thánh tịnh.
- Một đại diện của mỗi Ban Trị Sự.

- Một đại diện của mỗi Đầu Họ Đạo Tỉnh (Ban Đại Diện Tỉnh, Thành phố).

- Một đại diện của mỗi Viện nam nữ của Hội Thánh.

- Một đại diện của mỗi văn phòng các ngành chuyên môn của HT tại Tòa Thánh.

- Cả chức sắc Thập Nhị Thời Quân và Thập Nhị Bảo Quân Hiệp Thiên Đài.

- Ban điều hành Đại Hội do Hội Thánh đề cử những Nghị viên chính thức của Hội Thánh theo Nội luật qui định.

- Có Giáo Tông, Hộ Pháp, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Đầu Sư nam nữ làm chủ tọa chứng sự.

Chương trình Đại Hội Nhơn Sanh tùy theo điều kiện của mỗi Hội Thánh mà có vài chi tiết phụ hay tên gọi không giông nhau.

Về chức năng lập pháp và kiểm soát hành chánh đạo của Nhơn Sanh bao gồm ba quyền:

a. Quyền sáng kiến: Lập pháp của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Đức Chí Tôn cho Nhơn sanh được tự do phát huy sáng kiến phù hợp với tôn chỉ Đại Đạo, thích nghi với đà tiến triển về căn trí của nhơn sanh, đóng góp vào các văn kiện Đạo luật để khép mình vào qui củ do mình tạo ra. Các kiến nghị hoặc dự án Luật đó phải gởi trước một bổn đến vị Nghị trưởng Hội Nhơn Sanh đem vào chương trình nghị sự giữa Ðại Hội Nhơn Sanh.

b. Quyền phủ quyết: Nếu có điều luật nào không còn phù hợp với phong hóa, hoặc gây trở ngại cho bước đường đạo đức của toàn đạo, Nhơn Sanh được quyền xin hủy bỏ.

c. Quyền phúc quyết: Quyền phúc quyết là quyền  thẩm định và đưa ra quyết  định  sau cùng cho một Đạo Luật dã lập thành. Quyền nầy được chia làm hai loại: Phúc thẩm quyết định thăm dò và phúc thẩm quyết định thừa nhận.

- Phúc quyết thăm dò: Hội Thánh có thể đưa ra một dự án luật cho Nhơn sanh bàn cãi trước khi lập thành điều luật thiệt thọ.

- Phúc quyết thừa nhận: Có những điều luật do Hội Thánh ban hành trong vòng một năm từ ngày Ðại Hội năm trước, tới kỳ nầy đem ra cho Nhơn sanh xem xét coi điều luật đó trong khi thi hành đã làm lợi cho Nhơn sanh hay là làm hại. Nếu đã làm lợi và còn thích hợp thì Nhơn sanh thừa nhận, để còn đủ hiệu lực. Bằng không, xin hủy bỏ hay sửa đổi. Trường hợp nầy, quyền phúc quyết thành ra quyền phủ quyết.

(2) Đại hội Hội Thánh:  Nội dung về nhiệm vụ của Đại hội Hội Thánh là:

- Thảo luận lại các vấn đề của Hội Nhơn Sanh dâng lên hoặc của Thượng Hội đưa xuống, đặng lập phương ban hành.
- Kiểm điểm lịch trình hành đạo trong một năm qua của Hội Thánh, các Ban Đại Diện Tỉnh, Thành Đạo và các Ban Cai Quản thánh thất, thánh tịnh, và đề ra phương châm hành đạo cho năm tới.

- Đề nghị hủy bỏ, thêm bớt hoặc sửa đổi những luật lệ nào không phù hợp với sự tiến bộ về dân trí của Nhơn sanh. Dung hòa, kềm chế những ý nguyện không chánh đáng của Nhơn sanh, do Hội Nhơn Sanh dâng lên. Hội Thánh có quyền tán thành hay phản đối lời thỉnh cầu của Nhơn sanh chiếu theo Luật Pháp của Ðạo.

Thành phần nghị viên tham dự:

- Tất cả chức sắc nam nữ từ Giáo Hữu đổ lên.

- Chức sắc nội chánh gồm Cửu Viện, Lục Viện.

- Tất cả chức sắc Hiệp Thiên Đài từ Thập Nhị Thời Quân đổ xuống.
 
- Ban điều hành Đại Hội do Hội Thánh đề cử những Nghị viên chính thức của Hội Thánh theo Nội luật qui định.

- Có Giáo Tông, Hộ Pháp, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Đầu Sư nam nữ chứng sự.


(3) Đại hội Thượng Hội: Nội dung về nhiệm vụ của Đại hội Thượng Hội là:

- Duyệt xét và phê chuẩn chủ trương đường lối của Hội Thánh; xem xét đề nghị của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh rồi có quyền chấp thuận hay là không.
- Thảo luận và định đoạt các việc cần gấp hoặc yếu trọng phải ban hành trong Ðạo.

Thành phần Nghị viên chính thức gồm có:
Giáo Tông, Hộ Pháp, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, Đầu Sư nam nữ, Chánh Phối Sư nam nữ và Thập Nhị Thời Quân.

Thượng Hội do Giáo Tông làm chủ tọa (Nghị Trưởng), Hộ Pháp Phó Nghị Trưởng, Ngọc Chánh Phối sư làm Từ Hàn.

Thời gian tổ chức ba Đại hội trong năm tùy theo mỗi Hội Thánh qui định. Nơi tổ chức ba Hội nghị tại Chánh điện Tòa Thánh.

Ngoài ba Hội, còn có một Đại hội có tính cách bất thường là Đại Hội Vạn Linh cử hành tại chánh điện Tòa Thánh, và Hội Nhóm thường lệ tam cá ngoạt hoặc tứ cá ngoạt hằng năm của mỗi Hội Thánh diễn ra tại hội trường (Thiên Phong Đường) Tòa Thánh.

Đại Hội Vạn Linh:

Nói về Quyền Vạn Linh được thể hiện qua ba Hội vừa nêu trên, nhưng khi có việc tối trọng liên quan tới việc thành bại của nền Đạo, thì Đại Hội Vạn Lịnh được triệu tập bất thường để vạn linh sanh chúng quyết định vận mệnh tương lai của nền Đạo.

Đại Hội có quyền giải tán và thành lập Hội Thánh; có quyền bãi chức và tôn chức Giáo Tông và Hộ Pháp; có quyền quyết định mọi việc tối quan trọng của Đạo.

Thành phần Nghị viên chính thức của Đại Hội Vạn Linh gồm có:
- Tất cả Nghị viên đại biếu năm trăm tín đồ, và tất cả nhơn sanh có mặt tại Đại hội.

- Cả Chức sắc, Chức việc lưỡng đài, lưỡng phái có mặt trong Đại hội mỗi người chỉ kể là một sanh linh của Đạo mà thôi.

Đại Hội Vạn Linh do phẩm Đầu Sư có hành chánh thật sự triệu tập.

Chủ Tọa và Thư Ký Đoàn do vạn linh chọn trong đại hội mà bầu lên. Chủ Tọa Đoàn có nhiệm vụ chấp hành nghị quyết của đại hội.

    2. Lưỡng phái bình đẳng:

Có thể nói Đạo Cao Đài là một tôn giáo duy nhứt đề cao vấn đề “nam nữ bình đẳng” thể hiện qua cơ cấu và hệ thống tổ chức, tức quan điểm về nam nữ bình quyền đã trở thành một phần trong Đạo Luật Cao Đài.

Thánh Ngôn HT q.1:“Phần các con truyền Đạo kỳ Phổ Độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam lẫn nữ, …Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ Phái”[Samedi 17 Juillet 1926 (8.6 BD]

Tuy nhiên, lý do tại sao Chức sắc cao nhứt của nữ phái chỉ tới phẩm Đầu Sư, trong Pháp Chánh Truyền phần chú giải đã giải đáp về điều nầy:

“Hộ Pháp lại kêu nài nữa rằng: Thầy truất quyền Giáo Tông Nữ Phái thì đã đành, song quyền Chưởng Pháp thì tưởng dầu ban cho cũng chẳng hại.

“Thầy dạy: “Chưởng Pháp cũng là Giáo Tông, mà còn trọng hệ hơn, là vì người thay mặt cho Hộ Pháp nơi Cửu Trùng Đài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị Giáo Tông, thì lẽ nào cho ngồi địa vị Hộ Pháp con?  Bởi chịu phận rủi sanh nên cam phận thiệt thòi, lẽ Thiên cơ đã định, Thầy chỉ cậy con để dạ thương yêu bênh vực thay Thầy kẻo tội nghiệp!”.

3.  Dân chủ tập trung:

Nguyên tắc dân chủ tập trung áp dụng trong Đạo Cao Đài được hiểu là:
a. Tất cả nguyện vọng và ý kiến chánh đáng của nhơn sanh dù có khác nhau vì điều kiện phong thổ và nhu cầu thích ứng của từng địa phương, khi tập trung về Hội Thánh sẽ biến thành những nhân tố bồi dưỡng cho cội đạo được xum xuê cành lá. Và tinh thần của nguyên tắc dân chủ tập trung đó được thể hiện rõ nét qua ba Hội như trên vừa nêu.

b.Từ những ý kiến sáng suốt, những nguyện vọng chánh đáng qua nhiều Hội ngánh Nhơn Sanh đến ba Hội, xác lập được quyền Vạn Linh, xây dựng thành những văn kiện Đạo Luật dài hạn hay ngắn hạn, đồng thời, khi những Đạo Luật nầy ban hành phải được toàn thể Nhơn Sanh tín đồ và chức sắc thuộc cấp nghiêm chỉnh thi hành.

Đức Lý Giáo Tông dạy: “Đức Từ Bi hằng nói Đạo lập thành là do nơi tâm trí của các Đạo Hữu, nhứt là các Chức sắc Thiên phong. Phàm một việc chi muốn thuận lòng trong đạo, cần phải hiệp các Thánh luận bàn, đoạn sẽ thi hành thì bước đạo tự nhiên vững vàng”[Đàn cơ 20 Avril1926].

B. HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Tổ chức là cơ cấu tồn tại và liên kết giữa những cá nhân, tập thể và những sự vật có cùng một nội dung. Tổ chức hành chánh đạo của một Hội Thánh Cao Đài căn cứ theo Pháp Chánh Truyền, được xem như là Hiến pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và Nội luật của từng Hội Thánh, hệ thống tổ chức gồm có hai Đài hữu hình là Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.

1. CỬU TRÙNG ĐÀI

  a. Hành Chánh Ðạo CTÐ Nam:

Cửu Trùng Ðài là phần Hữu hình, thuộc về Ðời, là xác thể của Ðạo, được phân thành chín bậc (cửu phẩm) từ  hàng  Tín  đồ  đến  Giáo  Tông. Cửu Trùng Ðài như là tòa ngự của chư chức sắc Thiên phong, thế Thiên hành đạo, phổ độ nhơn sanh đem vào cửa Ðạo, giáo dân vi thiện, hướng dẫn nhơn sanh tinh tấn tu hành,  tùy công hạnh mà qui nhập nơi thiêng liêng vị thuộc Cửu phầm Thần Tiên, đứng trong hàng Cửu Thiên Khai Hóa. Quyền hành chánh đạo hành chính trị đạo của Chức sắc Cửu Trùng Đài được ghi rõ trong Pháp Chánh Truyền với hai phần:  phần nguyên văn “P.C.T” của Thánh ngôn và phần “C.G”của chư vị tiền khai Đại Đạo.


Quyền Hành Giáo Tông:

Giáo Tông là người thay mặt cho Đức Chí Tôn để dìu dẫn con cái của Ngài là toàn thể nhơn sanh trên đường Đạo và đường Đời.

Đức Chí Tôn dạy thêm trong phần chú giải PCT: “Kẻ nào đã nắm trọn phần hữu hình và phần thiêng liêng, thì là độc chiếm phần chánh trị và luật lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ thì nhơn sanh chẳng phương nào thoát khỏi vòng áp chế.

“Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Đạo với Đời) thì HIỆP THIÊN ĐÀI lập ra chẳng là vô ích lắm sao con? CỬU TRÙNG ĐÀI là Đời, HIỆP THIÊN ĐÀI là Đạo, Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền: sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn thánh giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo”.

   Quyền Hành Chưởng Pháp:

Quyền hành của Chưởng Pháp có thể khái quát qua đoạn chú giải của PCT: “Bất câu luật lệ hay là kinh điển nào, dầu đã đặng hai vị Chưởng Pháp phê chuẩn rồi mà thiếu một, thì cũng không đặng phép ban hành, nghĩa là: trên Giáo Tông không đặng phép thị nhận; dưới Đầu Sư không đặng phép thi hành.
“Cửu Trùng Đài vẫn là chánh trị, mà Chưởng Pháp lại thuộc về luật lệ, vậy Chưởng Pháp là người thay mặt Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài. Ấy là cơ Đạo cổ kim hi hữu”.

Quyền Hành Đầu Sư:

           Ðầu Sư có nửa quyền Tư Pháp và nửa quyền Hành Chánh; đứng trung gian giữa Giáo Tông và Chánh Phối Sư, nghĩa là giữa người cầm quyền cai trị tối cao và người đại diện của Nhơn sanh. Tuy nhiệm vụ quan trọng nhưng không có quyền trực tiếp thân cận với Nhơn sanh, việc chi cũng phải đi ngang qua tay Chánh Phối Sư mới được.

Quyền hành của Đầu Sư, có thể khái quát qua đoạn chú giải của PCT: “Quyền Thống Nhứt. -Khi minh thệ rồi, Đầu Sư đặng cầm quyền luôn cả Chánh trị cùng Luật lệ.

“Nhờ quyền lớn lao nầy, Đầu Sư sẽ có đủ thế lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn thì Đầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông hay Hộ Pháp cũng phải vậy…”.

  Quyền Hành Chánh Phối Sư:

           Phối Sư là người cầm đầu giềng mối chánh trị của Ðạo, có 36 vị, chia ra làm 3 Phái, mỗi Phái 12 vị, trong 12 vị phải có một vị Chánh, tức: Thái Chánh Phối Sư, Thượng Chánh Phối Sư và Ngọc Chánh Phối Sư. Ba vị CPS chịu trách nhiệm tổng lý Cửu Viện,  mỗi vị tổng lý ba viện. Ba vị Tổng Lý đều có quyền hạn ngang nhau tuy “Ba là Một, Một là Ba”. Cả ba đều không được xâm phạm nhiệm vụ và quyền hạn của nhau. Mọi việc của Đạo, cả ba đều phải bàn bàn đến nhứt trí trước khi thi hành.

          Ba vị Chánh Phốí Sư có nhiệm vụ thay mặt Hội Thánh trước Nhơn Sanh và thay mặt Nhơn Sanh trước Hội Thánh. Cho nên, đối với mọi việc thành bại của Hội Thánh, của Cửu Viện và mọi việc hư nên của Nhơn Sanh, thì cả ba đều liên đới chịu trách nhiệm.
         
          Tất cả những Đạo Lịnh của Giáo Tông hay của Đầu Sư truyền xuống, đều phải có ba Chánh Phối Sư ký tên và đóng dấu mới được ban hành.

          Cả ba vị Chánh Phối Sư đồng có quyền làm chủ tọa đoàn trong các cuộc đại hội của Đạo và những cuộc hội nhóm thường lệ của Hội Thánh.

Thái Chánh Phối Sư quản lý về mặt kinh tế, tài chánh, giữ gìn tài sản của đạo; phụ trách Tổng Lý ba Viện: Hộ Viện, Công Viện và Nông Viện (HT Tây Ninh: Lương Viện thay vì Nông Viện).

          Thượng Chánh Phối Sư quản lý về mặt ngoại giao, giáo dục, phổ thông giáo lý; từ thiện xã hội; phụ trách ba Viện: Ngoại Viện, Học Viện và Phước (Y) Viện (HT Tây Ninh: Nông Viện thay vì Ngoại Viện).

          Ngọc Chánh Phối Sư quản lý về mặt tổ chức nhân sự, hồ sơ chức sắc; nắm quyền tạp tụng; chủ trì nghi lễ và phụ trách ba Viện: Nội Viện, Lễ Viện và Hòa Viện (HT Tây Ninh: Lại Viện thay vì Nội Viện).

Quyền Hành Giáo Sư:

Giáo Sư cầm quyền cai trị của Ðạo trong một Tỉnh Thành Đạo (Ban Đại Diện Hội Thánh tại Tỉnh, Thành phố). Toàn thể Ðạo có 72 vị Giáo Sư chia làm 3 Phái: Thái, Thượng, Ngọc, mỗi Phái 24 vị, chẳng đặng tăng thêm hay giảm bớt. Giáo Sư được rộng quyền dạy dỗ Nhơn sanh trọn vẹn đường Ðạo và đường Ðời. Có quyền xin chế giảm luật lệ cho hạp với trình độ trí thức, hay sanh hoạt của Nhơn sanh.

Phần chú giải PCT có đoạn: “Giáo Sư là người thay quyền cho Đầu Sư và Phối Sư mà cai quản Thánh Thất và cúng tế Thầy, ắt buộc phải tùng quyền Phối Sư, chẳng đặng trái mạng lịnh người”.

Quyền Hành Giáo Hữu:

Giáo Hữu cầm quyền cai trị của Ðạo trong một Họ Đạo hay rộng hơn, được quyền thân cận với Nhơn sanh đặng phổ thông Chơn Ðạo của Thầy, thay mặt Giáo Sư khai đàn cho chư Ðạo hữu. Cả thảy có 3.000 Giáo Hữu, không tăng thêm hay giảm bớt, chia ra mỗi Phái là 1.000 người. Giáo Hữu cũng có quyền xin chế giảm luật lệ như Giáo Sư, nhưng phải đi theo đẳng cấp.

Quyền Hành Lễ Sanh:

Thánh Giáo của Ðức CHÍ TÔN nói rằng: Lễ Sanh là đứa có hạnh trong con cái của Thầy lựa chọn, để hiến lễ trọng cho Thầy.
Theo Tân Luật, điều thứ bảy: Lễ Sanh có quyền đi khai đàn cho mỗi tín đồ.

PCT chú giải: “Lễ Sanh phải đi thăm viếng các nhà Đạo Hữu, thượng tương khai đàn; dạy cho biết lễ nghi cúng tế Thầy, thay quyền Giáo Hữu”.

Số Lễ Sanh không có giới định, bao nhiêu cũng được. Phải vào hàng Lễ Sanh mới mong nhập vào Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN được.

Quyền Hành Chánh Trị Sự:

Chánh Trị Sự là phẩm Chức việc do Ðức Lý Giáo Tông lập ra để làm đầu một Hương đạo (Xã Đạo), gọi là Ðầu Hương đạo, có phận sự coi về hành chánh và luật pháp trong một Hương đạo.

Chánh Trị Sự còn có nhiệm vụ chăm nom, giúp đỡ bổn đạo có hoàn cảnh khó khăn; khuyên bảo, răn đe những tín đồ làm sai luật Đạo và hòa giải những vụ bất bình nhỏ nhặt xảy ra trong địa phận của mình phụ trách, nên trong Pháp Chánh Truyền gọi là Ðầu Sư Em.

Quyền Hành Phó Trị Sự:

Phó Trị Sự là phẩm Chức việc do Ðức Lý Giáo Tông lập ra để giúp việc cho Chánh Trị Sự và làm đầu một Ấp đạo về phương diện hành chánh, nên trong Pháp Chánh Truyền gọi là Giáo Tông Em.

Quyền Hành Thông Sự:

Thông sự là phẩm Chức việc do Ðức Phạm Hộ Pháp lập ra để coi về Luật pháp trong một Ấp đạo, nên trong Pháp Chánh Truyền gọi là Hộ Pháp Em

b. Hành Chánh Ðạo CTÐ Nữ phái:

Tổ chức Hành Chánh Ðạo CTÐ Nữ phái cũng giống như Hành Chánh Ðạo Nam phái, từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương, nhưng chỉ hoạt động về bên Nữ phái mà thôi.

Nữ Ðầu Sư là cấp cao duy nhất của Hành Chánh Ðạo Nữ phái  và 1 Nữ Chánh Phối Sư cai quản các Viện Nữ phái (có nơi Lục Viện, có nơi Cửu Viện).

Nữ Chánh Phối Sư tùng quyền Nữ Ðầu Sư và Nữ Ðầu Sư thì tùng quyền ba vị Chưởng Pháp và Ðức Giáo Tông.

c. Ban Thường Trực Hội Thánh:
Ban Thường Trực do Đại hội Hội Thánh bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, gồm 3 vị Chánh Phối Sư nam và 1 Chánh Phối Sư nữ; 3 chức sắc Hiệp Thiên Đài đại diện ba Chi (Đạo-Pháp-Thế) là Thường vụ, và một số Ủy viên không thường trực.
Ban Thường Trực có nhiệm vụ quản lý hành chánh đạo từ Cửu Viện Nam, Lục Viện nữ tại Tòa Thánh; các Ban Cai Quản Họ Đạo Thánh Thất, Thánh Tịnh; đề ra kế hoạch hành đạo dài  hạn 5 năm, ngắn hạn 1 năm và 3 tháng.

Bổ nhiệm chức sắc nam, nữ làm Đại diện cho Hội Thánh tại các tỉnh, thành phố; bổ nhiệm chức sắc lảm Hội Trưởng cai quản các Họ Đạo.

Tổ chức lễ Công Cử chức sắc chức việc khi hội đủ hồ sơ và được Thượng Hội chấp thuận.

d. Ban Đại Diện Tỉnh, Thành Phố:

Mỗi Tỉnh, Thành phố có nhiều Thánh thất, Thánh tịnh thì được thành lập một Ban Đại Diện Hội Thánh.

Thành phần Ban Đại Diện gồm:
- 1 Trưởng Ban (do Ban Thường Trực HT bổ nhiệm)
- Phó Ban và các Ủy viên do các Họ Đạo bầu lên.
- 1 Chức sắc Hiệp Thiên Đài được cử làm Giám luật.

Nhiệm vụ của Ban Đại Diện là đại diện cho ban Thường Trực HT; làm trung gian quan hệ giữa Hội Thánh với các Họ Đạo, giải quyết các đạo sự tại tỉnh, thành mà mình đang phụ trách.

- Truyền đạt chủ trương của Hội Thánh đến các Họ Đạo và hướng dẫn thực hiện cụ thể đạt kết quả tốt. Nắm tình hình hoạt động của các Họ Đạo báo cáo chính xác về Hội Thánh; phản ảnh những nguyện vọng chánh đáng của nhơn sanh bằng văn bản về Hội Thánh.

- Đại diện Hội Thánh giải quyết ổn định các sinh hoạt hành đạo ở các Họ Đạo. Những việc có tính cách quan trọng phải xin ý kiến Hội Thánh.

- Quan hệ chánh quyền, Mặt Trận Tổ Quốc, các đoàn thể, tôn giáo bạn trong phạm vi địa bàn hoạt động.

e. Ban Cai Quản, Ban Trị Sự:

Mỗi Thánh thất, Thánh tịnh đều có một Ban Cai Quản và các Ban Trị Sự (nếu có nhiều Xã Đạo hay Hương Đạo).

Thành phần Ban Cai Quản gồm:
- 1 Chánh Hội Trưởng (Chánh Cai Quản)
- 1 hay nhiều Phó Hội Trưởng,
- 1 Phó Hội Trưởng Nữ phái.
- 1 Từ Hàn, 1 Thủ Bổn
- Tứ Phòng: Phòng Thơ, Phòng Lễ, Phòng Công và Phòng Lương.


Thành phần Ban Trị Sự nam và  Ban Trị Sự nữ gồm:
- 1 Chánh Trị Sự
- 1 Phó Trị Sự (hoặc nhiều hơn nếu có nhiều Ấp Đạo)
- 1 Thông Sự (hoặc nhiều hơn nếu có nhiều Ấp Đạo)

Nhiệm vụ của Ban Cai Quản và Ban Trị Sự căn cứ theo  chương III Tân Luật và quyền hạn của Giáo Hữu, Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự được qui định trong Pháp Chánh Truyền cũng như Nội Luật Nội Chánh của mỗi Hội Thánh.

2. HIỆP THIÊN ĐÀI

Về mặt Ðạo, quyền Tư Pháp do Hiệp Thiên Ðài đảm nhiệm, có phận sự bảo thủ Chơn truyền của Ðức CHÍ TÔN, gìn giữ các cơ quan Chánh Trị Ðạo đi trong khuôn viên Ðạo pháp, cơ cấu tổ chức nầy có thể gọi là hành chánh tư pháp.

Chức sắc Hiệp Thiên Ðài chia làm ba Chi thuộc quyền Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh chưởng quản.
HỘ PHÁP Chưởng Quản Chi Pháp
THƯỢNG PHẨM Chưởng Quản Chi Ðạo
THƯỢNG SANH Chưởng Quản Chi Thế

          Ba Chi đều có phận sự về Tư Pháp, nhưng phân ra như sau:
Chi Pháp: Phận sự xét xử, định án
Chi Ðạo :  Phận sự cải án, bênh vực
Chi Thế  : Phận sự buộc tội.

Dưới có Thập nhị Thời Quân điều hành Tòa Đạo Hiệp Thiên Đài, mỗi Chi có 4 vị Thời Quân, sắp theo thứ tự từ trên xuống là: Bảo, Hiến, Khai, Tiếp.
HỘ PHÁP
   THƯỢNG PHẨM                         THƯỢNG SANH
         Chi Đạo               Chi Pháp                Chi Thế
      BẢO ĐẠO           BẢO PHÁP           BẢO THẾ
      HIẾN ĐẠO          HIẾN PHÁP          HIẾN THẾ
      KHAI ĐẠO          KHAI PHÁP         KHAI THẾ
      TIẾP ĐẠO           TIẾP PHÁP               TIẾP THẾ

Quyền hạn và nhiệm vụ của Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, Thập Nhị Thời Quân được qui định trong Pháp Chánh Truyền.

Cấp dưới còn có Thập Nhị Bảo Quân đổ xuống, tùy theo Nội Luật của mỗi Hội Thánh qui định nhân sự trong tòa Đạo.


III. KẾT LUẬN:
  Hành Chánh Đạo của Đạo Cao Đài mà Đức Chí Tôn dạy lập ra từ ngày khai Đạo đã làm nổi bật lên tinh thần “hòa bình dân chủ mục”.
Trên hòa, dưới mục có nghĩa là mạng lịnh cấp trên truyền xuống, cấp dưới hoan hỉ tuân theo, và đây cũng là ý nghĩa của điều 1-Tứ Đại Điều Qui: “Phải tuân theo lời dạy của bề trên, chẳng hỗ chịu cho bực thấp hơn điều độ”. Sự nhịp nhàng đồng điệu sẽ tạo nên môi trường ổn định và thật sự dân chủ trong quản lý, điều hành guồng máy hành chánh đạo.

Để điều hành tốt guồng máy hành chánh đạo, người hướng đạo cần có tri thức tương đối rộng, tư tưởng ổn định, tầm nhìn xa và quan điểm rõ ràng về hệ thống tổ chức bằng những điều kiện cần có:
- Trách nhiệm cống hiến.
- Hiệu năng lãnh đạo và hành đạo.  
    - Qui hoạch và chấp hành đạo luật theo trình tự qui định.
   - Vận dụng tư duy khoa học và kỹ thuật trong hành chánh đạo.

   Đó là điều kiện cơ bản của Hành chánh đạo tổng quát./-
 


Câu hỏi thảo luận:
1. Giải thích ý nghĩa hành chánh đạo ?
2. Hành chánh đạo Cao Đài ứng hợp với nguyên tắc nào?
3. Tam quyền phân lập được thể hiện ở chỗ nào trong sinh họat hành đạo của một Hội Thánh?
4. Ngoài 3 Hội ra, còn có những Hội nào khác?
5. Hệ thống tổ chức Đạo Cao Đài căn cứ vào đâu?
6. Quyền hạn nhiệm vụ trong hành chánh đạo Cao Đài gồm có bao nhiêu phẩm?
7. Hành chánh đạo Cửu Trùng Đài Nữ phái được qui định từ phẩm nào và có khác với CTĐ Nam phái không?
8. Hệ thống tổ chức hành chánh đạo của một Hội Thánh có mấy cấp?
9. Hành chánh tư pháp của Hiệp Thiên Đài theo Pháp Chánh Truyền gồm bao nhiêu phẩm?
10. Cần có điều kiện gì để guồng máy hành chánh đạo của một Hội Thánh hoạt động thông suốt?