THÁNH TƯỢNG THIÊN NHÃN - BIỂU TƯỢNG TÂM LINH CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

Gửi ngày 07/11/2014
THÁNH TƯỢNG THIÊN NHÃN - BIỂU TƯỢNG TÂM LINH CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
THÁNH TƯỢNG THIÊN NHÃN - BIỂU TƯỢNG TÂM LINH
CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
 
                                                                                      Đinh Quang Tiến*
 
Đạo Cao Đài là tôn giáo ra đời tại Tây Ninh vào năm 1926, do người Việt Nam sáng lập. Sự xuất hiện của Đạo Cao Đài nhanh chóng thu hút được hàng triệu người dân Nam Bộ nhập môn vào đạo và trở thành hiện tượng tôn giáo của thế kỷ XX. Với tôn chỉ, mục đích, giáo lý mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Đạo Cao Đài đã tạo ra niềm tin sâu sắc trong đời sống tinh thần của người tín đồ. Bằng các biểu tượng như đèn Thái cực, cổ pháp, chữ vạn, chữ khí, lá phướn tam thanh, thuyền bát nhã,… Đạo Cao Đài đã hình thành hệ thống biểu tượng tôn giáo giàu tính nhân văn. Trong đó, Thánh tượng Thiên nhãn là một trong những biểu tượng tâm linh mang ý nghĩa tiêu biểu cho triết lý nhân sinh của người đạo Cao Đài.
1. Khái niệm về biểu tượng tâm linh
1.1 Biểu tượng
Hàng ngày, chúng ta sống trong môi trường xã hội với nhiều ký hiệu, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh,… mang ý nghĩa biểu tượng của con người. Một cái gật đầu, một cái bắt tay, một câu hỏi xã giao, một nụ cười,… đều truyền đạt ngôn ngữ của con người. Biểu tượng có nguồn gốc từ trong hiện thực cuộc sống của con người, và có vai trò quan trọng đối với con người. Con người dùng biểu tượng để biểu hiện ngôn ngữ ký hiệu qua những hoạt động của mình trong cuộc sống.
Thuật ngữ biểu tượng(symboltrong tiếng Anh) là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolustrong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp) có nghĩa là ký hiệu, tín hiệu, dấu hiệu,… hoặc có nghĩa là liên kết, suy nghĩ,… Theo tiếng Hán thì biểu tượng có nghĩa là: biểu là “bày ra”, “dấu hiệu”; tượng là “hình tượng”. Biểu tượng là hình tượng được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng và mang ý nghĩa trừu tượng.
Nhà phân tâm học người Thụy Sỹ, C.G. Jung quan niệm về biểu tượng rằng:  “Biểu tượng là một danh từ, một tên gọi hay một đồ vật, ngay cả khi là quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn chứa đựng những mối liên hệ về mặt ý nghĩa, bổ sung vào cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của chúng”[1]. Nhà triết học Trung Quốc đời Tống, Chu Hy viết về biểu tượng rằng: “Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia”[2]. Tác giả Nguyễn Văn Hậu viết: “Biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hóa. Nó được sáng tạo nhờ vào năng lực “tượng trưng hóa” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để bày tỏ ý nghĩa kia nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị trừu tượng nào đó”[3]. Tác giả Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng: “Biểu tượng là bất cứ cái gì mang một ý nghĩa cụ thể được các thành viên của một cộng đồng người nhận biết. Âm thanh, đồ vật, hình ảnh, hành động của con người và cả những ký tự của trang viết này… đều là biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa thay đổi theo thời gian và cũng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong những nền văn hóa khác nhau”[4].
  Từ các khái niệm nêu trên có thể thấy biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng có hai nghĩa chính là biểu hình và biểu ý. Ở giai đoạn ban đầu mới xuất hiện có lẽ ngôn ngữ biểu tượng thường mang tính đơn giản và ước lệ. Về sau, do sự phát triển của xã hội loài người, ngôn ngữ biểu tượng ngày càng được mở rộng đến mọi thành tố văn hoá và mọi mặt đời sống của con người. Như vậy, có thể nói biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ hay các ký hiệu có ý nghĩa tượng trưng cho ngôn ngữ của con người để truyền đạt về trí tuệ, sự sáng tạo, sự liên kết mang những chuẩn mực, giá trị của một nền văn hóa.
1.2 Tâm linh
Trong cuộc sống ngày nay, khái niệm tâm linh đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Tâm linh là những vấn đề mang tính siêu thực của con người, vượt trên khả năng của con người trong cuộc sống đời thường.
Theo Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt (NXB Tôn giáo 2005) thì tâm linh (psychic) là khả năng của con người có thể “thần giao cách cảm, khả năng thấu suốt, nhận biết trước và tâm lý động học”[5], hoặc nhà tâm linh là: “Một người có khả năng phi thường để thu thập thông tin thông qua nhận thức ngoài cảm giác hoặc ảnh hưởng đến đồ vật bằng tâm lý động học theo yêu cầu”[6]. Trước các vấn đề có tính siêu nhiên trong thế giới con người, Hội nghiên cứu tâm linh (Society for Psychical Research) được thành lập năm 1882 tại Anh để phát triển điều kiện nghiên cứu khoa học có hệ thống về một số hiện tượng có thật nhưng không thể giải thích được như thôi miên, đa nhân cách, nhận thức ngoài cảm giác và khả năng đồng cốt.
Tác giả Đào Duy Anh trong cuốn Hán Việt từ điển (NXB Văn hoá Thông tin 2010) có viết tâm linh là: “Cái trí tuệ tự có trong lòng người (intelligence)”.Giáo sư Nguyễn Lân trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt (NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội 2002) viết tâm linh (linh: thiêng liêng) là: “Trí sáng suốt như thấy trước được việc sẽ xảy ra (cũ)”. Tâm linh là khả năng tự biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra, theo quan niệm duy tâm hoặc có nghĩa là tâm hồn, tinh thần (thường có tính chất thiêng liêng). Có thể hiểu từ ngữ nghĩa của từ tâm linh là cái tâm linh thiêng hay cái linh thiêng ở trong lòng (tâm) con người.
Tác giả Trương Hải Cường cho rằng: “Cái tâm linh của tôn giáo làm cho tôn giáo trở thành tôn giáo tâm linh, tôn giáo tâm linh gắn với việc thừa nhận sự tồn tại thực của lực lượng siêu nhiên thần thánh và quan hệ của con người với lực lượng này. Dưới góc nhìn tôn giáo tâm linh thì tôn giáo ra đời gắn với sự mặc khải, sự linh nghiệm, sự truyền dạy,… của đấng siêu nhiên, thần thánh”[7].
Như vậy, tâm linh có thể hiểu là những vấn đề liên quan đến tinh thần của con người mang tính thiêng liêng, siêu nhiên được biểu hiện bằng khả năng nhận biết trước, thần giao cách cảm, khả năng siêu việt của con người trong cuộc sống mà khoa học không giải thích được. Còn đối với vấn đề tâm linh trong tôn giáo là việc con người thừa nhận sự tồn tại và có mối quan hệ với lực lượng siêu nhiên thần thánh.
Có thể nói, biểu tượng tâm linh làcác ký hiệu có ý nghĩa tượng trưng cho ngôn ngữ của con người để truyền đạt về tư tưởng, trí tuệ, các giá trị của con người trong mối quan hệ với các đấng siêu nhiên thần thánh.
2. Thánh tượng Thiên nhãn của Đạo Cao Đài
Với ý nghĩa là biểu tượng tâm linh của Đạo Cao Đài, Thánh tượng Thiên nhãn có nguồn gốc ra đời mang yếu tố linh thiêng và có 5 đặc trưng tiêu biểu là tính dân tộc, tính khoan dung, tính khoa học, tính đại đồng, tính triết học.
2.1 Nguồn gốc ra đời
Mỗi tôn giáo ra đời đều có biểu tượng để thờ. Các biểu tượng thiêng liêng của tôn giáo có hình tượng con người, hình tượng biểu trưng, hình tượng thần thánh hóa,… Đạo Cao Đài chọn Thánh tượng Thiên nhãn làm biểu tượng để thờ. Nguồn gốc ra đời của Thánh tượng Thiên nhãn mang yếu tố linh thiêng khi người đệ tử đầu tiên của Đạo Cao Đài là ông Ngô Văn Chiêu (1878-1932) biết được phương pháp thông linh học với thiêng liêng qua những lần dự đàn cầu Tiên xin thuốc chữa bệnh cho mẹ (1902-1917). Năm 1921, ông Chiêu làm Quận trưởng Phú Quốc ở Hà Tiên được Đức Chí Tôn giáng cơ truyền dạy phải tìm một dấu hiệu riêng biệt để thờ. Ông Chiêu bèn chọn chữ Thập nhưng Đức Chí Tôn không đồng ý vì đó là dấu hiệu của tôn giáo đã có rồi. Ngày 20-4-1921, ông Chiêu đang ngồi ở sau dinh Quận, thấy xuất hiện một con mắt lớn, tỏa hào quang. Con mắt đó nhìn thẳng vào ông, làm ông sợ hãi, lấy 2 bàn tay che mặt lại không dám nhìn, một lúc sau, ông mở mắt ra vẫn thấy con mắt toả hào quang rực rỡ hơn nữa. Ông Chiêu bèn chắp tay vái rằng: “Bạch Tiên Ông! Đệ tử biết rõ huyền diệu của Tiên Ông rồi, đệ tử xin Tiên Ông đừng làm vậy đệ tử sợ lắm! Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên nhãn thì xin cho biến mất tức thì”[8]. Vừa khấn xong thì con mắt từ từ mờ dần rồi biến mất. Tuy vậy, ông Chiêu vẫn chưa tin nên chưa vẽ Thiên nhãn để thờ. Vài ngày sau, ông Chiêu lại thấy Thiên nhãn xuất hiện như lần trước, ông lại vái lạy Tiên Ông và xin vẽ Thiên nhãn để thờ thì con mắt tự nhiên biến mất.
Lúc này, Đức Cao Đài xưng danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và dạy ông Chiêu phải gọi là Tiên Ông bằng Thầy. Ông Chiêu hiểu ý của Đức Cao Đài đoán rằng đó là thiên ý của Thượng Đế, chúa tể của càn khôn vũ trụ truyền dạy. Việc Đức Cao Đài xưng danh là Tiên Ông hiểu theo cách gọi trong dân gian rất gần gũi với truyền thống văn hóa tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho Đạo Cao Đài được nhiều người tin theo.
Như vậy, sự ra đời của Thánh tượng Thiên nhãn mang yếu tố tâm linh của con người. Ông Ngô Văn Chiêu có khả năng “thần giao cách cảm”, quan hệ trực tiếp với Thượng Đế, được nhận thiên ý lập Thánh tượng Thiên nhãn làm biểu tượng thiêng liêng của Đạo Cao Đài.
2.2 Ý nghĩa biểu tượng của Thánh tượng Thiên nhãn
2.2.1 Tính dân tộc
Trong dân gian thường nói: “Trời cao có mắt”, để chỉ Ông Trời, tức là Đấng Thượng Đế, nhìn thấy rõ tất cả những hành vi thiện ác của chúng sinh, dù bộc lộ ra ngoài hay giấu giếm bên trong, mắt Trời đều thấy rõ. Thiên nhãn có nghĩa là mắt trời biểu hiện bằng con mắt trái của con người. Thánh tượng Thiên nhãn là biểu tượng của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, của Đức Chí Tôn được người tín đồ Đạo Cao Đài suy tôn, thờ kính. Con mắt trái là hình thể thuộc về vật chất mang sự màu nhiệm, huyền bí của quyền lực vô hình trong càn khôn vũ trụ, mà thường được gọi tên là Trời.
Thiên nhãn tượng trưng cho hình ảnh của Đức Cao Đài đã được Việt hóa với tên gọi quen thuộc, gần gũi với phong tục của người Việt Nam là Ông Trời, tá danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Người tín đồ Cao Đài thường nói, họ theo đạo Ông Trời, đạo Thờ Trời. Với cách hiểu dân dã, bình dị thì Thánh tượng Thiên nhãn là biểu tượng cho Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng, Thượng Đế được gọi là Ông Trời đem đến cho đất nước Việt Nam một nền tôn giáo mới. Tôn giáo này có đầy đủ đặc điểm, tính chất, triết lý nhân sinh của người Việt Nam, từ việc cầu Tiên giáng bút, tư duy biểu tượng đến hình thức thờ phụng, trang phục, lễ nghi, lễ nhạc, kinh sách, giáo lý đều được xây dựng trên truyền thống văn hóa dân tộc, mang đậm tính dân tộc của một tôn giáo bản địa.
2.2.2 Tính khoan dung
Dân tộc ta có nền văn hóa khoan dung, hòa đồng làm cơ sở để thích nghi các hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người. Nhân dân ta luôn tôn trọng các tín ngưỡng, tôn giáo. Trước tiên là các tôn giáo từ ngoại sinh vào Việt Nam như Lão giáo, Nho giáo, Phật giáo đều được đón nhận và biến đổi cho phù hợp với tín ngưỡng bản địa và làm nên hệ giá trị đạo đức, tinh thần đặc sắc của văn hóa Việt Nam truyền thống. Sau này, có thêm các tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Hồi giáo,… cũng được một bộ phận nhân dân tiếp nhận, tin theo. Đạo Cao Đài do người Việt Nam sáng lập đã dung hòa các tôn giáo đã có để trở thành một tôn giáo nội sinh. Đó là kết quả của sự tiếp biến văn hóa “hỗn dung các tôn giáo ngoại sinh và bản địa hết sức đặc biệt”[9].
Đạo Cao Đài thờ Thánh tượng Thiên nhãn là thờ Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, chúa tể của càn khôn vũ trụ cùng các Đấng Thiêng liêng đã lập các tôn giáo như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Công giáo. Thánh tượng Thiên nhãn thể hiện tinh thần kết hợp của các tôn giáo lớn ở Việt Nam lúc bấy giờ và biểu hiện niềm tin vào một Đấng Tối cao cai quản thế giới trần thế. Tuy nhiên, các tôn giáo ngoại sinh khi được thờ phụng trong Đạo Cao Đài đã được Việt hóa. Đó là sự khoan dung, hòa đồng, linh hoạt với mọi ảnh hưởng từ bên ngoài, đề cao chữ hòa trong giao lưu tiếp biến văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái bên ngoài để tạo nên các giá trị về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa tôn giáo và có sức mạnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
2.2.3 Tính khoa học                                                                                                                          
Từ xa xưa, trong thần thoại Hy Lạp có người khổng lồ Cyclops có một mắt ở giữa trán làm ra sấm, chớp, tia sáng; trong thần thoại Trung Quốc có Nhị Lang Thần có con mắt ở thứ ba (tuệ nhãn) ở giữa trán là cánh cửa trí tuệ, phân biệt rõ vạn vật, nhìn thấu tâm can; một số vị thần trong các ngôi chùa của Ấn Độ giáo, Phật giáo được điêu khắc trên trán con mắt thứ ba. Những vị thần và con người có con mắt thứ ba đều có thể nhìn thấu mọi điều và có khả năng siêu phàm.
Theo Đạo giáo Trung Quốc, con mắt thứ ba là điểm tập trung giữa lông mày với mắt nhắm lại trong các tư thế khí công để các thiền sinh có khả năng điều chỉnh vào đúng tần số rung động của vũ trụ và đạt được nền tảng ở cấp độ thiền định cao hơn. Thông Thiên học cho con mắt thứ ba là mắt của tâm trí (mind’s eye) ở ngay giữa hai mắt là trung tâm năng lượng chính của cơ thể nằm tại luân xa thứ 6. Năm 1996, các nhà khoa học đã cho biết là trong não người có “một tuyến rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu xanh nhưng có nhiệm vụ rất kỳ diệu, chỉ tiết ra loại nhân tố đặc biệt với một lượng rất nhỏ trong trường hợp con người đang thành tâm cầu nguyện hoặc con người ở tình trạng nguy biến, thập tử nhất sinh”[10]. Đó là tuyến tùng quả (Pineal Gland). Các nhà sinh vật học còn khám phá ra rằng tuyến tùng còn có liên quan tới bộ phận mà người Tây Tạng gọi là “con mắt thứ ba”. Tuyến tùng quả đã được thừa nhận như một mối liên hệ của cơ thể người với thế giới tư tưởng thâm sâu – một cửa sổ nhìn vào các chiều không gian khác.
Có thể, Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn hòng mong muốn người tín đồ tu luyện thành công tam bửu (Tinh - Khí - Thần) hiệp nhất để thần lực của con người mở ra con mắt thứ ba gọi là huệ nhãn, sẽ thấy được màu sắc, ánh sáng trong thế giới của cõi vô hình. Đó là các cấp tu của người Đạo Cao Đài, khi sinh ra có nhục nhãn, nhờ tu luyện giác ngộ đạo sẽ có huệ nhãn, rồi tiến tới có “Thiên nhãn” được thấy thông suốt vũ trụ.
2.2.4 Tính đại đồng
Thờ Thiên nhãn mang ý nghĩa đại đồng để thống nhất văn hóa các tôn giáo trên thế giới thờ chung một Đấng Thiêng liêng là Ông Trời. Vẽ hình con mắt để không phân biệt chủng tộc, quốc gia, dân tộc cùng chung một Đấng tối cao là Ông Trời, cha chung của muôn loài, vạn vật trên địa cầu. Các tôn giáo ra đời trước đây  đều chọn biểu tượng tôn thờ mang tính chất của dân tộc, quốc gia, con người nên ít có một tôn giáo nào mang tính toàn cầu. Khi thờ biểu tượng Thiên nhãn thì Đạo Cao Đài đã không còn phân biệt tôn giáo, coi nhau đều là con chung của Đấng Thượng Đế mà dân tộc Việt Nam được lãnh sứ mạng phổ độ nền chân lý đạo đến toàn thế giới.
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nội tâm con người biểu lộ ra bên ngoài chủ yếu qua con mắt. Đôi mắt của con người để nhìn nhận vạn vật, còn sự hiểu biết để trí não quyết định. Cái nhìn thấy của hai con mắt mới là chính, thấy được mới hiểu biết sáng suốt. Đôi khi nhìn mà không thấy được, do vậy sự suy ngẫm, phán đoán, nhận thức bởi trí tuệ của con người mà thành. Trong Thánh ngôn có dạy: “Thần cư tại nhãn”, nghĩa là Thần trú nơi mắt. Mắt là cửa ngõ của tâm, mắt là nơi ra vào của Thần. Thần ở đây hiểu là thần thái, thần khí của con người mà khỏe mạnh thì trí tuệ anh minh, thần khí mà yếu đuối thì trí tuệ bạc nhược. Thần thái, thần khí còn thì người sống. Như vậy, mắt và Thần tuy hai mà là một. Với biểu tượng Thiên nhãn, Đạo Cao Đài đã phổ thông được nền chân đạo đến với thế giới, từ người đến muôn vật đều có sự tương đồng, không có sự khác biệt về hình dạng, kích thước, màu sắc.
Vì vậy, tính đại đồng nhất thể được biểu hiện qua biểu tượng Thiên nhãn là Đấng Thượng Đế, thực hiện mục đích “Thế đạo đại đồng”, hướng tới một thế giới nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt tôn giáo, dân tộc lấy nhân bản làm nền tảng, nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy để xây dựng một thế giới văn minh, đạo đức, hòa bình. Tính đại đồng còn là tình bác ái, thương yêu đối với muôn loài, vạn vật từ những sinh vật nhỏ nhất đến các loài cầm thú, đến con người và cả chúng sinh.
2.2.5 Tính triết học
Quan niệm về Thượng Đế và vũ trụ Cao Đài có nguồn gốc từ Đạo Lão và Dịch lý của Đạo Nho. Theo Lão Tử thì trước khi trời đất xuất hiện đã có Đạo. Đó là Đạo vĩnh cửu, không có hình dáng, không có tên gọi, nên gọi là Đạo. Quan niệm về vũ trụ có một bản thể tối sơ gọi là hư vô chi khí, trong bản thể ấy chứa đựng hai nguồn năng lượng nguyên thủy của Dương và Âm là Lý và Khí. Thái cực là nguyên lý hay nguyên động lực thúc đẩy hai nguồn năng lượng Âm Dương trong vũ trụ để sanh hóa vạn vật. Vẽ một con mắt để thờ, mà không vẽ 2 con mắt (một cặp) là bởi vì 1 là số khởi thủy của càn khôn vũ trụ và vạn vật (theo Dịch học): 1 sanh 2, 2 sanh 3, 3 sanh vạn vật. Tức là “nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn”. Cho nên, số 1 là gốc, lại là số Dương, mà Đức Chí Tôn làm chủ Dương quang. Số 1 cũng chỉ ngôi Thái cực, là ngôi độc nhất trong càn khôn vũ trụ. Vẽ con mắt bên trái để thờ, chứ không phải vẽ con mắt bên phải, bởi vì bên trái thuộc về Dương, bên phải thuộc về Âm, nên khi vào Thánh thất quì cúng Đức Chí Tôn, phái Nam quì bên trái của Đức Chí Tôn; phái Nữ quì bên phải của Đức Chí Tôn (Nam tả, Nữ hữu). Do đó, con mắt trái tượng trưng Đức Chí Tôn và Đức Chí Tôn chưởng quản khí Dương quang.
Thờ Thiên nhãn là thờ ngôi số một, ngoài phần Dương biểu thị cho Thượng Đế còn mang tính chân lý độc nhất, mọi sự vật, hiện tượng đều từ ngôi số một mà ra. Thiên nhãn biểu thị tính chất tổng hợp nhất thể của Đạo Cao Đài. Theo tôn chỉ của Đạo Cao Đài thì Thiên nhãn là biểu tượng của ý nghĩa “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi hiệp nhất” hay tư tưởng “vạn giáo nhất lý”. Thiên nhãn tượng trưng cho chơn thần của Trời. Hàng ngày, người tín đồ Cao Đài cúng tứ thời để gom thần lực của bản thân nhìn Thiên nhãn nhằm tạo điều kiện Thiên Nhơn hiệp nhất. Con mắt tượng trưng cho tâm, ánh sáng của mắt tượng trưng cho thần là chủ của tâm. Thờ Thiên nhãn là thờ Thượng Đế của vũ trụ, mà cũng là Thượng Đế của chính bản thân nội tại trong mỗi người. Đức Chí Tôn có dạy rằng: “Thầy đến đặng hoàn nguyên Chơn Thần cho các con đắc đạo”[11].
Bên cạnh việc chỉ dạy thờ Thiên nhãn, Đức Chí Tôn còn dạy đặt một ngọn đèn Thiên đăng hay còn gọi là đèn Thái cực để chiếu rọi vào Thiên nhãn. Điều này Đức Chí Tôn muốn nói đến nguồn cội của sự sáng suốt là ánh Thái cực có từ buổi khai Thiên. Ngôi của Thượng Đế là Thái cực, rồi Thượng Đế vận chuyển Thái cực phân ra Lưỡng nghi là Âm Dương, rồi âm tăng trưởng cực đại là Thái âm, sinh thêm Thiếu dương. Dương tăng trưởng cực đại là Thái dương sinh thêm Thiếu dương hiện tượng này gọi là Tứ tượng. Từ Tứ tượng sinh ra Bát quái, từ Bát quái biến hóa vô cùng mà tạo ra càn khôn thế giới và vạn vật chúng sinh.
Thiên nhãn mang tính triết học biểu hiện tư duy logic biện chứng sự phát triển của vũ trụ. Đức Chí Tôn là Đấng Tạo hóa, sáng tạo ra muôn loài, tạo ra sự sống của trái đất được thể hiện qua biểu tượng Thiên nhãn.
3. Kết luận
Biểu tượng Thiên nhãn tượng trưng cho Đấng Thượng Đế, thực ra không mới lạ, vì từ thời Thượng cổ, người Ai Cập, người Do Thái ở Châu Phi, người Pérou ở nam Châu Mỹ đã biết vẽ hình Thiên nhãn ở trên Kim Tự Tháp để thờ Đấng Thượng Đế. Trong văn hoá cổ điển Trung Quốc có hình tượng Thiên thủ Thiên nhãn Quan Âm có ngàn tay, ngàn mắt: “Ngàn tay biểu thị cứu vớt khắp chúng sinh, ngàn mắt biểu thị quan sát khắp thế gian”[12]. Hiện nay, trên đồng tiền một đôla (one dollar) của nước Mỹ ở mặt saucũng có biểu tượng con mắt ở trên kim tự tháp có 13 bậc, tượng trưng cho 13 bang đầu tiên của nước Mỹ.
Trong Đạo Cao Đài có nhiều hình thức Thiên nhãn: nơi quả Càn khôn, nơi cung đạo, trên Phi Tưởng đài trước Đền Thánh, bên trong Thông Thiên đài, tại Thánh thất, tại tư gia của tín đồ. Các hình thức Thiên nhãn này cơ bản giống nhau về ý nghĩa, chỉ khác nhau về vị trí và hình thức biểu hiện. Việc lựa chọn Thánh tượng Thiên nhãn làm biểu tượng tôn giáo đem đến cho Đạo Cao Đài một màu sắc mới, mang ý nghĩa nhân sinh cao cả. Màu sắc mới đó mang hình ảnh vừa lạ lại vừa quen. Lạ vì con mắt đó là biểu tượng của tôn giáo tượng trưng cho Ông Trời, quen vì con mắt đó của con người, ai cũng biết, ai cũng có để nhìn thấy mọi sự vật hiện tượng của thế giới loài người. Triết lý thờ phụng Thiên nhãn đem tới nhận thức nhân văn của con người, hướng con người đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ thông qua việc tu luyện hàng ngày để hiệp nhất tam bửu hoà cùng bản thể của vũ trụ. Đồng thời vừa có cơ sở của tính khoa học, vừa mang tính tâm linh của con người. Nói như vậy, không phải là sự gán ghép giữa khoa học và tâm linh mà ngày nay y học đã chứng minh được con người cũng có thể đạt tới sự minh triết khi mở được tuyến tùng quả ở não bộ và liên quan đến con mắt “tâm linh” - con mắt thứ ba của con người.
 Người tín đồ Cao Đài tâm niệm Thiên nhãn là biểu tượng thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất. Hàng ngày, người tín đồ Cao Đài cúng tứ thời đều nhìn Thiên nhãn để hiệp thông với Đấng Thượng Đế nhằm gọt rửa tâm hồn cho trong sạch, tu tiến như “đang nhìn vào chính cõi tâm linh của mình”[13]. Đồng thời cũng được Đấng Thượng Đế ban hồng ân cho mỗi người đạo được tinh tấn trên con đường tu hành để mở được huệ nhãn trở thành người minh triết và tiến tới mở được “Thiên nhãn” của bản thân để thông suốt với vũ trụ. Tìm hiểu Thánh tượng Thiên nhãn của Đạo Cao Đài giúp chúng ta thấy được ý nghĩa biểu tượng tâm linh và hiểu được đức tin sâu sắc của người Đạo Cao Đài hướng đến./.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
 


[*]Ban Tôn giáo Chính phủ
[1] Jean Chevalier, Alain Gheerbran, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng  - Trường viết văn Nguyễn Du 1997, tr 24.
[2] Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Viện Văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1997, tr 58.
[3] Nguyễn Văn Hậu, Về biểu tượng trong lễ hội dân gian truyền thống (qua khảo sát lễ hội dân gian truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ nước ta, Luận án Tiến sỹ 2003, tr 13.
[4] Trần Thanh Tuấn, Văn hóa bản địa Việt Nam - khuynh hướng phát triển hiện đại, NXB Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa 2012, tr 42.
[5] Rosemary Ellenguiley, Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, NXB Tôn giáo 2005, tr 399.
[6] Rosemary Ellenguiley, Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, NXB Tôn giáo 2005, tr 688.
[7]Trương Hải Cường, Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật 2012, tr 103.
[8] Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu, NXB Tôn giáo 2007, tr 30.
[9] Nguyễn Thị Thường, Giáo trình Văn hóa học, NXB Đại học Sư phạm 2008, tr.170.
[10] Tùng Thiên, Từ Bạch Hạc, Tìm hiểu nhục nhãn, huệ nhãn & Thiên nhãn, www.daocaodai.info
[11] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 77.
[12] Nguyễn Tôn Nhan, Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc, NXB Văn hoá Thông tin 2002, tr.562.
[13] Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục 1999, tr.308.