Nên xem qua
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO 10 CÁC HỘI THÁNH & TỔ CHỨC TRONG ... Gửi ngày 19/05/2017
- YẾU TỐ CAO ĐÀI TRONG CÁC TÔN GIÁO ĐÔNG TÂY Gửi ngày 25/03/2022
- Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao Đài Gửi ngày 25/09/2022
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO LẦN 12 CÁC HỘI THÁNH và CÁC TỔ ... Gửi ngày 24/03/2019
- LỄ VÀ KHIÊM Gửi ngày 10/12/2021
- ĐẠO CAO ĐÀI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG ... Gửi ngày 23/03/2019
- Các hoat động gần đây của Tổ chức LG Gửi ngày 08/09/2014
- CAO ĐÀI VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN RA THẾ GIỚI Gửi ngày 28/12/2021
- Thông tin BTG Chính Phủ Gửi ngày 25/03/2022
- VỀ VIỆC KHAI ĐẠO VỚI CHÍNH QUYỀN (23-8-Bính Dần, 1926) Gửi ngày 29/05/2023
- THU MOI HOI THAO Gửi ngày 04/08/2024
- Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham ... Gửi ngày 11/08/2014
Ý KIẾN VỀ VĂN HÓA DÂN TỘC (TCCĐ/Trao đổi-Nghiên cứu)
Gửi ngày 11/08/2014
Ban Biên tập xin giới thiệu để rộng đường nghiên cứu.
* * *
Muốn hiểu biết xem nhiệm vụ người tín hữu Cao Đài như thế nào đối với nền văn hóa dân tộc, trước hết ta phải xét xem sứ mạng đạo Cao Đài là gì?
Đạo Cao Đài vì đã là một tôn giáo dân tộc, cho nên nó phải trường tồn với nước non. Sứ mạng của đạo Cao Đài thật rõ ràng.
Nếu về phương diện đạo giáo, Cao Đài có sứ mạng thu thập tinh hoa các đạo giáo thiên hạ, để đúc kết cho nên một Đại Đạo phổ độ cho nhân quần, thì về văn hóa, sứ mạng người tín hữu Cao Đài cũng phải là thu thập tinh hoa các nền văn hóa nhân loại để đúc kết nên một nền văn hóa toàn diện, vừa đượm màu sắc dân tộc và màu sắc thế giới.
Thế nào là một nền văn hóa toàn diện toàn bích ?
Thưa: Một nền văn hóa toàn diện toàn bích phải gồm đủ ba phần:
- Thiên Đạo: có mục đích dạy con người trở thành Thần Thánh.
- Nhân Đạo: có mục đích dạy con người tu tâm, luyện tánh, ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người.
- Địa Đạo: có mục đích dạy con người biết cách làm ăn sinh sống, ăn ở cho sung sướng, thoải mái, có tiện nghi.
Nền văn hóa toàn diện có mục đích phát huy mọi giá trị, mọi khả năng trong con người, trên mọi bình diện, tạo cho mọi người những điều kiện tinh thần vật chất thuận tiện, để họ được nâng đỡ, được hướng dẫn ngõ hầu có thể phát triển mọi khả năng của mọi người, kiến tạo một xã hội tương dung, tương trợ, hạnh phúc công chính, và giúp con người có những điều kiện thuận tiện, những môi trường thuận tiện để sống một cuộc đời ung dung sung sướng, thoát được mọi cảnh lầm than, đói khổ, ốm đau, tật nguyền và cuối cùng có thể thần thánh hóa mình.
Đó là một công trình thiên thu, xứng đáng với tầm kích của một đạo giáo. Để xây dựng, để tiến tới một nền văn hóa toàn diện, chúng ta có thể nêu ra ít nhiều nguyên tắc sau đây:
· Nguyên tắc thứ nhất: là nhận thức rằng con người có thiên tính , thiên căn, và vì thế có thể tiến hóa vô cùng tận. Cho nên tất cả các tổ chức đạo giáo cũng như xã hội phải giúp con người phát huy đến cùng cực mọi khả năng của mình.
· Nguyên tắc thứ hai: là nhận thức rằng mọi sự tốt đẹp đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và các đạo giáo, các tổ chức xã hội chỉ có bổn phận là tài bồi, là làm cho nảy nở, làm triển dương những mầm mống chân thiện mỹ đã tiềm ẩn sẵn trong lòng ta mà thôi.
Chủ trương này đưa đến những hậu quả thực tế hết sức quan trọng, tức là:
-Tôn trọng phẩm giá con người.
-Đề cao tinh thần tương dung, tương trợ và thông cảm lẫn nhau.
-Giải phóng thực sự con người, vì chủ trương, khi đã giác ngộ, khi đã đạt
Đạo con người sẽ vượt khỏi khuôn khổ đạo giáo. Con người rốt cuộc vẫn là chủ tể, các đạo giáo vẫn là công cụ nhất thời. Con người phải biết dùng đạo giáo như là phương tiện để tiến thân, như là phương thức để Thần Thánh hóa mình, chứ không coi mình như là nô lệ của đạo giáo, hay của hàng giáo phẩm của bất kỳ các đạo giáo nào.
· Nguyên tắc thứ ba: là nhận thức rằng tiền nhân đã dày công mới tìm ra được những đức tính cao siêu của tâm hồn như NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN, như CÔNG CHÍNH, LIÊM KHIẾT, THANH CAO… Những đức tính cao quí ấy của con người cần được bảo vệ, khuyến khích, tài bồi bằng mọi phương cách thanh tao như văn chương, kịch nghệ, âm nhạc… Một nước có nhiều tâm hồn đẹp cũng y như một nhà có nhiều châu báu, một vườn có nhiều hoa thơm. Tâm hồn mọi người mà thanh cao đẹp đẽ cả, thì làm gì còn loạn lạc, làm gì còn đấu tranh, tranh chấp.
· Nguyên tắc thứ tư: là nhận thức rằng con người không thể sống xa lìa bản thân, hoàn cảnh xã hội, cho nên những vấn đề kinh tế , áo cơm, vật chất, chính trị, xã hội, đều là những vấn đề khẩn yếu, cần phải giải quyết cho thỏa đáng.
Tuy nhiên con người cũng không phải là sản phẩm thuần túy của hoàn cảnh xã hội, cũng không phải là công cụ thuần túy của quốc gia dân tộc. Con người vẫn có quyền vượt lên trên những khung cảnh lịch sử quốc gia, xã hội. Suy cho cùng thì xã hội và lịch sử cũng vẫn chỉ là những môi trường, những công cụ cho con người dùng để tiến thân…
· Nguyên tắc thứ năm: là nhận thức rằng bất kỳ chếch mác dở dang nào, bất kỳ tệ đoạn hủ bại gi, nếu mình thật tâm muốn trừ khử, cũng khó có thể trừ khử được. Lịch sử đã chứng minh rằng: nếu con người chịu suy, chịu nghĩ, chịu tìm kiếm, sẽ có thể lướt thắng được đói khổ, bệnh hoạn, cải tạo được đời sống, gia tăng được tiện nghi, giảm bớt được sự lầm than, lam lũ, bằng cách sử dụng kỹ thuật và khoa học, máy móc.
Những tệ đoan xã hội cũng có thể giải trừ được hết, nếu chính quyền có thiện chí, nếu dân chúng ý thức được quyền mình, giá trị và sứ mạng mình, và biết đoàn kết chặt chẽ để cải thiện đời sống mình.
· Nguyên tắc thứ sáu: là nhận thức rằng con người có một khả năng tiến hóa vô hạn định, có thể tiến từ thú đến thần, nên cần được giáo hóa, được hướng dẫn hẳn hoi, cần phải cố gắng tiến tới mãi mãi.
Nếu vậy thì sinh ra ở đời này không phải để cầu an, để hưởng thụ, mà chính là để tranh đấu, để cố gắng, để vươn lên. Muốn sống động, muốn hào hùng chúng ta cần phải có những mộng tưởng lớn lao, cần phải có những lý tưởng cao đại.
Vươn cho cao, hãy ngửng mặt lân cao,
Lý tưởng có cao, nguồn sống mới rạt rào;
Sống tầm thường lấy gì hun chí cả,
Đời an nhàn là đời đang tan rã.
…đời là thái độ một trẻ thơ,
Hãy ra công vì đồng loại mong chờ;
Hãy cố gắng vì giang sơn cần tuấn kiệt,
Non sông đang chờ ta đem gấm hoa thêu dệt.
Đời vinh quang ta tạo lấy cho ta,
Sống làm sao cho rạng vẻ quốc gia;
Muôn gian lao không làm sờn chí cả…
“ Dẫu đất chuyển, trời long, biển vơi, núi lở,
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn…”
( Hai câu cuối của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Mã Thượng số 11)
· Nguyên tắc thứ bảy: là nhận thức rằng thực tại bao giờ cũng không được hoàn mỹ, nó mới chỉ là nấc thang cho ta tiến tới lý tưởng. Ôm ấp thực tại, tán dương thực tại, tán dương lề lối sống hiện tại là một lỗi lầm. Nhiệm vụ con người là phải luôn phê phán, kiểm điểm lại quan điểm của mình, đường lối của mình luôn luôn phải cố gắng cải tiến không ngừng. “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”.
· Nguyên tắc thứ tám: là nhận định rằng con người không phải nguyên có tinh thần mà cũng không phải nguyên có vật chất, nên không thể nhất thiết khinh bên nào, trọng bên nào.Lúc còn thiếu thốn đói khổ, thì phải lo miếng cơm, manh áo. Khi đã no đủ thì phải đặt các vấn đề lý trí, tâm thần lên hàng đầu.
· Nguyên tắc thứ chín: là phải có một tinh thần luôn luôn cởi mở, thức thời luôn luôn cầu tiến, biết tìm ra những ưu điểm của người, nhược điểm của mình ngõ hầu có thể thích ứng với mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, tiến tới không ngừng.
· Nguyên tắc thứ muời: là nhận định rằng con người luôn luôn khao khát tự do, khao khát chân lý, khao khát lý tưởng, khao khát tiến bộ. Một nền văn hóa toàn bích phải đáp ứng được với những niềm khát vọng ấy. Nó phải là một nền văn hóa mở rộng, chớ không phải là một nền văn hóa khép kín. Nó phải dành những lối thoát cho những người tiên tiến, có thiện chí, có nhiệt huyết, muốn vươn lên cho tới cao đại, muốn sống vượt tầm, vượt mức thường nhân. Văn hóa phải là phương tiện cho con người tiến tới, chứ không phải là công cụ kìm hãm, ngăn chặn con người.
· Nguyên tắc thứ mười một: là nhận định rằng tư tưởng cốt để hướng dẫn hành động, lý tưởng đề ra cốt để cải tạo thực tại, làm cho thực tại trở thành lý tưởng. Nếu tư tưởng mà không được đem ra thi hành, nếu lý tưởng mà không được lồng vào cuộc sống, thì tư tưởng trở thành không tưởng, lý tưởng trở thành huyễn tưởng, vọng tưởng.
· Nguyên tắc thứ mười hai: là trên phương diện lý thuyết cũng như thực hành, tất cả nỗ lực con người sẽ được tận dụng để:
-Biến cải vật chất, hoàn cảnh vật chất.
-Cải thiện xã hội.
-Phát triển lý trí, tài năng con người.
-Cải thiện tâm hồn con người.
-Giúp cho tâm linh con người triển dương tới mức siêu phàm nhập Thánh.
Thực thi áp dụng vào cuộc sống, chúng ta sẽ đi tới những nhận định, những đường lối sau:
Hiện nay lịch sử và khoa học đã cho ta thấy rằng nhân loại có đầy đủ khả năng để giải quyết và thoả mãn được các nhu cầu vật chất con người và giúp con người chiến thắng được thiên nhiên và hoàn cảnh. Như vậy ta không còn lý do gì mà không tận dụng mọi phát minh của khoa học, mọi khả năng của kỹ thuật để:
-Triệt để khai thác tài nguyên của đất nước.
-Kỹ nghệ hóa quốc gia.
-Điện lực hóa nông thôn.
-Cơ giới hóa ngành canh tác.
-Phát triển các trục lộ giao thông, các phương tiện chuyển vận.
-Chỉnh trang thành thị.
Song song với vấn đề vật chất ấy, các vấn đề xã hội cũng cần được kiểm điểm lại, chấn chỉnh lại để cho mọi người đều được sống trong tình thương yêu, trong công bằng và danh dự, và cũng cần đặt nặng vấn đề đào luyện nhân tài, giáo dục quần chúng, đào luyện chính nhân quân tử…
Về phương diện siêu nhiên, đạo giáo không nên đặt nặng vấn đề lễ nghi, hình thức bên ngoài, mà cần phải đặt nặng vấn đề nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận, học hỏi, đặt nặng vấn đề thanh lịch hóa, siêu thăng hóa con người.
Như vậy một nền văn hóa toàn bích bao gồm hết mọi nỗ lực con người để tiến tới một đời sống lý tưởng, và tất cả những thành quả do nỗ lực sáng tạo ấy tạo nên.
-Lý tưởng vì thiên nhiên hoàn toàn phục vụ con người, hết còn là chướng ngại, và thù địch.
-Lý tưởng, vì xác thân tráng kiện, đủ ăn, đủ mặc, không còn phải lam lũ vất vả khổ sở để kiếm ăn, vì đã có những phương pháp khoa học, những máy móc đỡ đần trong mọi công việc.
-Lý tưởng, vì đời sống xã hội được tổ chức một cách công bằng, hợp lý, nhân cách con người được bảo đảm.
-Lý tưởng , vì đời sống nội tâm và siêu nhiên con người được hướng dẫn, và được phát huy tới mức tối đa cho mỗi một con người. Như vậy làm văn hóa tức là cố gắng chiến đấu chống lại với mọi khuyết điểm, mọi chếch mác dở dang để cho mình và cho người có một cuộc sống đẹp đẽ hơn, sáng sủa hơn, thanh lịch hơn, hoàn hảo hơn mãi mãi…
Viễn tượng tương lai ấy, ta lấy ở đâu ra? Thưa từ tâm linh chúng ta.
Phương pháp thực thi tương lai ta lấy ở đâu? Thưa lấy từ tâm tư, trí não, từ ở chân tay ta, và sự đồng lao cộng tác của chúng ta.
Viễn tượng tương lai ấy có thể thực hiện được nếu mọi người đều cố gắng hoạt động cho có phương pháp, có tổ chức, có hướng dẫn.
Nếu mọi người chúng ta đều có ý thức được sứ mạng mình, nỗ lực cải tiến không ngừng thì ta sẽ lèo lái chẳng những con thuyền quốc gia, mà cả con thuyền nhân loại về hướng thần tiên sang cả như viễn tượng của Victor Hugo:
“Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?
Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên;
Tiến về mai hậu siêu nhiên,
Tiến về đức hạnh nguyên tuyền tinh hoa.
Ánh khoa học trời xa lấp lánh,
Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên;
Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,
Tiến về thượng giới, về miền muôn sao.”
(Òu va-t-il ce navire? il va, de jour vêtu,
À l’avenir divin et pur, à la vertu,
À la science qu’on voit luire,
Il va, ce glorieux navire,
Au juste, au grand, au loin, au beau, vous voyez bien,
Qu’en effet, il monte aux etoiles)
(Victor Hugo – Plein Ciel)
Một khi đã biết rõ sứ mạng mình, đã thấy rõ công trình mình, nhiệm vụ mình, đã có những nguyên tắc hướng dẫn hành động, người giáo hữu Cao Đài sẽ phóng tâm đóng góp hằng ngày vào công trình xây dựng văn hóa dân tộc, bởi vì làm bất cứ cái gì hay, cái gì đẹp, cái gì lợi, cái gì ích cho mình, cho người, cho nhà, cho nước đều là làm văn hóa dân tộc, bởi vì làm bất cứ cái gì mà hướng về chân, thiện, mỹ, đều là làm văn hóa dân tộc cả…
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ ( Mời đọc Tiểu sử và các công trình nghiên cứu biên soạn tại Trang Web http://nhantu.net )