ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC

Gửi ngày 07/11/2014
ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC
ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC,
DÂN TRÍ VÀ NẾP SỐNG VĂN HÓA CỦACƯ DÂN NAM BỘ
 
Đinh Quang Tiến
 
            Đầu thế kỷ 20 tại Nam Bộ, thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị hà khắc với nhiều loại sưu cao thuế nặng, đất nông nghiệp lại tập trung chủ yếu vào tay các nhà địa chủ, tư sản khiến người dân phải đi làm thuê, cuốc mướn. Cuộc sống khó khăn, bế tắc, cư dân Nam Bộ mong muốn có sự giải thoát về tinh thần. Khi xuất hiện một tôn giáo mới là đạo Cao Đài như một sự cứu cánh về tinh thần cho một bộ phận quần chúng nhân dân. Họ tin theo đạo Cao Đài như để quên đi những trở ngại của cuộc sống trần thế và hi vọng được an ủi, giải thoát. Năm 1926, đạo Cao Đài ra đời đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống đạo đức, dân trí, nếp sống văn hóa của cư dân Nam Bộ và phần nào đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận quần chúng nhân dân nên nhanh chóng thu hút được đông đảo người gia nhập. Kết quả việc phổ độ buổi đầu thời gian (1925-1931), tín đồ đạo Cao Đài đã lên tới một triệu người (theo tài liệu của Sở mật Thám Đông Dương lúc ấy). Năm 1937, đạo Cao Đài có 1.027.000 tín đồ, riêng tại Nam Bộ chiếm 980.000 người, ở miền Trung và Bắc kỳ 7.000 người (riêng Hà Nội có 4.000 người) và Campuchia lên tới 40.000 người (gồm người Cao Miên, Hoa kiều và Việt kiều). Năm 1953, số tín đồ lên tới 1,5 triệu người, đến năm 1954 lên đến 2,5 triệu người. Hiện nay, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, 3 vạn chức việc, khoảng 2,5 triệu tín đồ, hơn 1.200 cơ sở thờ tự, phạm vi hoạt động ở 38 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở Nam Bộ.
          Quá trình tồn tại và phát triển, đạo Cao Đài đã góp phần hình thành lối sống đạo đức, dân trí, nếp sống văn hóa của cư dân Nam Bộ.     
          1. Tác động đến lối sống đạo đức
Trong đời sống tôn giáo của người tín đồ đạo Cao Đài, họ chú trọng việc giữ gìn đạo đức theo chuẩn mực Nho giáo như Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức được chỉ dạy theo Tân luật, Pháp Chánh truyền,... Tín đồ đạo Cao Đài tham gia sinh hoạt tôn giáo bởi họ được tu dưỡng về đạo đức. Qua kết quả khảo sát năm 2003 của Ban Tôn giáo Chính phủ: “trong 1.500 tín đồ được hỏi có 86,9% cho rằng theo đạo Cao Đài tìm thấy được giá trị đạo đức văn hoá”[1].
Đạo Cao Đài chú trọng việc giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức cho chức sắc, tín đồ. Trong phương châm hành đạo của đạo Cao Đài, người tín đồ đạo Cao Đài được chỉ dạy đối đãi, giao thiệp với người ngoài đạo phải có lòng từ bi, thương yêu, lấy sự trung thực để bày tỏ cái tâm của người có đạo: “Trong đường giao thiệp, ta cần phải lấy hết tấm lòng bác ái, đem hết tấc dạ chí thành, mà đối đãi nhau, thì đạo tâm ta mới biểu lộ ra cái gương chân chánh”[2].
Người tín đồ đạo Cao Đài phải tuân theo chức sắc trong việc tu hành, ngoài ra người tín đồ, cũng như chức sắc phải tuân theo Tân luật của Đạo. Đó là phải làm lành lánh dữ, ăn ở ngay thật không làm điều thất đức, đồng thời phải cứu nhơn độ thế, giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn. Không những vậy mà người tín đồ Cao Đài còn phải trau dồi đức hạnh, biết khiêm nhường, nhẫn nại, hòa thuận, kiên tâm, thanh liêm trong cuộc sống. Đạo Cao Đài chỉ dạy:
“Đức hạnh là điều cần nhứt của bực tu hành. Thành Tiên, thành Phật cũng nhờ đức hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà không hoàn toàn đức hạnh. Thái Thượng khuyên lập đức, Khổng Thánh dạy tu thân, lập đức tu thân là căn bổn của tôn giáo. Muốn vẹn bề đức hạnh, ngoài ra đạo Tam cang Ngũ thường ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm nhượng, nhẫn nại, thuận hòa, kiên tâm, thanh liêm, thì mới gọi là khắc kỷ, mới gấm ghé đặng phẩm vị Thần Tiên vậy”[3].
          Đạo Cao Đài luôn nêu cao ý thức công dân cho người tín đồ, căn dặn bổn phận của người công dân phải biết yêu nước, yêu dân tộc, chấp hành pháp luật, không trộm cướp, biết giữ quy giới của Đạo, một lòng với gia đình, có tinh thần thương yêu con người. Đó là trách nhiệm, bổn phận mà người tín đồ Cao Đài phải thực hiện theo lối sống đạo đức, văn minh của người tu hành chân chính. Trong cuốn sách Giáo lý Đại Đạo của Tiếp pháp Trương Văn Tràng có viết:
“Là một phần tử trong nước, người công dân phải giữ tròn bổn phận của mình. Yêu nước nhà, mến giống nòi, thuế sưu đóng đủ đừng toan kế tà, chẳng nên vầy đoàn, hiệp lũ gây việc trộm cướp, phá xóm, phá làng. Ở trong quốc gia phải tuân hành luật nước, ở trong Đạo phải giữ qui điều giới luật của Hội thánh và phải kiêng sợ luật Trời báo ứng. Rồi cứ một lòng bảo hộ gia đình, tương thân, tương ái với người xã hội, góp công vào việc thuần phong, mỹ tục, an cư lạc nghiệp của giống nòi”[4].
Trong Châu trivề việcchỉnh đạo,Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạoở Bến Trenêu rõ: “…chọn cử trong hàng chức sắc hay là đạo hữu có đạo đức và tri thức: nhất là để lo chấn chỉnh nét tu, khép trọn vào khuôn hạnh, gom hiền góp đức mà làm cho ra vẻ Đạo thành”[5].
Quá trình hoạt động, đạo Cao Đài luôn nêu cao đạo đức của người tu hành và điển hình là đạo đức củacác vị chức sắc đứng đầu Hội thánh như: Giáo tông Lê Văn Trung, Hộ pháp Phạm Công Tắc,Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Chưởng pháp Trần Đạo Quang, Chưởng pháp Cao Triều Phát, Giáo tông Nguyễn Bửu Tài,…trở thành tấm gương cho chức sắc, tín đồ trong Đạo noi theo.Cao Đài Ban Chỉnh đạo quy định cụ thể chức sắc từ Giáo hữu trở lên, muốn vào chính vị phải thực hành những điều kể ra dưới đây:
“… 4. Phải có tịnh 36 ngày, 72 ngày, 108 ngày sắp lên. Tịnh có ích là bỏ được những tánh không lành, không tốt do tính dục mà ra như là: giận, ghét, oán thù, gây rầy, lớn tiếng, khinh người, kích bác người, tự cao, tự đắc v.v… Mà đem lại những tánh hạnh tốt như là: Hoà thuận, thương yêu theo đạo đức, ăn nói dịu ngọt đưa ra ròng những lời tao nhã, hữu ích cho người”[6].
Sau khi thành lập, đạoCao Đài đã tạo ra một lực lượngquần chúng đông đảo, gây tácđộng mạnh đến cư dân Nam Bộvà phục hưng nền đạođứcvề nhiều phương diện trong đó có việc trấn an tinh thần, củng cố đức tin, gieo tư tưởng đúng đắn, nêu gương sáng về đạo đức tu hành, tạo được niềm tin trong chức sắc, tín đồ.
2. Tác động đến dân trí
Trong đời sống văn hóa của người tín đồ đạo Cao Đài ngoài việc tu hành thực hiện quy định của luật pháp Đạo còn có sự mở mang về dân tríđượcHội thánh vàcác vị chức sắc đứng đầu quan tâm hướng dẫn. Năm 1927, sau một năm khai đạo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh quyết định mở trường khai dân trí. Chương trình học theo chương trình nhà nước: Tiểu học có các môn: Việt văn, Pháp văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Cách trí, Vệ sinh, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo: Giáo lý, Hán văn; Trung học có các môn: Việt văn, Pháp văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sử địa, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo về Giáo lý, Hán văn. Tháng 9-1928, khai giảng năm học đầu tiên, trường Đạo Đức Học Đường có tất cả 210 học sinh. Đạo Đức Học Đường được giải nghĩa như sau:
Đạo Đức truyền lưu hậu tấn hiếu trung phò xã tắc,
Học Đường giáo hoá thơ sanh nhân nghĩa lập giang san.
Sau 4 năm học, Trường Đạo Đức Học Đường đã có sự tiến bộ vượt bậc góp phần việc mở mang dân trí cho người đạo Cao Đài. Trong Báo cáo của Hội Nhơn Sanh năm 1932 có viết:
“Trường Đạo Đức Học Đường năm nay có mở thêm được ba lớp học nam nữa. Một lớp năm thứ nhì (Cours 2 è année) và hai lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), cộng chung là 11 lớp. Số học trò được 417. Trong đó có 312 trò nam và 105 trò nữ, thêm được 143 trò, nhiều hơn năm ngoái. Kỳ thi tiểu học vừa rồi, nhà trường có 26 trò đi thi đều đậu hết. Có 21 trò đậu luôn phần Pháp văn (mention francaise). Mấy cô giáo và thầy giáo dạy nơi trường đều siêng năng, lo lắng dạy dỗ. Không người nào ăn lương bổng hết”[7].
Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã duy trì Trường Đạo Đức Học Đường đến năm 1974. Năm 1952, trường có 60 lớp lợp bằng tranh, tường xây gạch đất không nung (gạch sống), có 10 lớp Cao đẳng, đi thi tiểu học với 5.393 thí sinh thi tại Tỉnh lỵ, và chỉ trượt một trò vì bị bệnh bất thường. Đó là kết quả của quá trình tập trung đào tạo, nâng cao dân trí của Hội thánh với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và nỗ lực của học trò là con em người đạo Cao Đài. Mô hình trường Đạo Đức Học Đường được nhân rộng có hệ thống từ Trung ương tới địa phương. Ở Trung ương Hội thánh có Đạo Đức Học Đường, ở các phận đạo có Trường Minh Đức Tân Dân (quen gọi Trường Đại Đồng), và Trường Địa Linh Động. Trong trường của đạo Cao Đài dạy đủ các môn theo chương học của Nhà nước, cũng đi thi lấy các văn bằng của Bộ Giáo dục. Bên cạnh đó, Hội thánh tổ chức kỳ thi lấy văn bằng của Đạo. Mục đích để tuyển chọn người vào làm trong các cơ quan Đạo. Đặc điểm của các trường học giáo dục Cao Đài là học thêm môn Giáo lý về thần học Cao Đài để cho học sinh hiểu về triết lý của đạo Cao Đài. Ngoài ra, các lớp đều học Hán văn để có kiến thức học hiểu về đạo đức Nho giáo, giúp học sinh sau này có thể theo học trường Đại học Văn Khoa.
Đến năm 1971, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh mở Viện Đại học Cao Đài được chính quyền cấp giấy phép hoạt động. Viện Đại học Cao Đài gồm 2 phân khoa: Nông Lâm Mục và Sư phạm. Khoa Nông Lâm Mục gồm có hai cấp: Cấp I: Học trình 2 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng cán sự Nông Lâm Mục; Cấp II, Học trình 4 năm, các sinh viên có khả năng chuyên môn và có phương tiện tiếp tục thêm 2 năm, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư Nông Lâm Mục với ghi chú ngành chuyên môn (Nông khoa, Súc khoa…). Khoa Sư phạm gồm 2 cấp: Cấp I, học trình 2 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cao đẳng Sư phạm có ghi chú ngành liên hệ và nhiệm ý lựa chọn; Cấp II, học trình 4 năm, các sinh viên có khả năng chuyên môn, có phương tiện có thể tiếp tục học thêm 2 năm để lấy bằng Cử nhân Sư phạm (Ban Văn khoa hoặc Ban Khoa học).
          Ngoài việc chú trọng đào tạo tập trung trong Trường Đạo Đức Học Đường hoặc Viện Đại học Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh còn mở các lớp hạnh đường để bồi dưỡng cho chức sắc, chức việc về hành chính đạo nâng cao trình độ quản lý trong điều hành việc đạo. Từ đó, giúp cho người tín đồ Cao Đài có môi trường được học tập từ nhỏ đến lớn và nếu có nguyện vọng làm việc cho Đạo thì được bồi dưỡng qua các lớp hạnh đường bổ sung thêm kiến thức về tôn giáo và hành chính đạo để trở thành một chức sắc Cao Đài.
            Bên cạnh hệ thống giáo dục của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh còn có Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo cũng chú trọng đến hoạt động mở mang dân trí cho người tín đồ đạo Cao Đài. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thuộc Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạochú trọnglập Minh Đạo Học đường nhằm nâng cao dân trí, hiểu biết về tôn giáo, về cách thức tu hành cho chức sắc, tín đồ. Theo Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thì việc lập Minh Đạo Học đường là: Minh là tỏ rạng, làm cho sáng rõ Đạo là nói về sự hành Đạo của mỗi chức sắc và sự giữ đạo của mỗi tín đồ cho rõ thêm luật Đạo và cách tu hành, nâng đỡ đức tin cho trong Họ đạo được thêm vững vàng mạnh mẽ. Nghĩa là: xem xét việc hành đạo theo phận sự của Chánh,Phó Đầu Họ đạo, Bàn Cai quản và chức việc, xem xét sự tín ngưỡng sùng bái và sự tu hành của tín đồ. Đem những Thánh giáo trong Hiệp tuyển, Tân luật, Nội luật và những Tiểu luật trong Châu tri của Hội thánh đã ban truyền. Giải nghĩa cho chức sắc, chức việc rõ thêm mà thi hành phận sự cho tròn và dạy thêm tín đồ cho thông hiểu luật lệ của Đạo hầu đem đức tin của Họ đạo càng ngày càng thêm cao, bước Đạo càng ngày càng thêm đầm thấm, vững bền. Cao Đài Ban Chỉnh đạo chú trọng việc giáo dục văn hóa cho chức sắc, tín đồ. Nhận biết chức sắc, tín đồ của Hội thánh chủ yếu là nông dân có trình độ văn hóa còn thấp nên Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương quan tâm việc dạy chữ trong Đạo. Tại Tòa thánh, mở trường học chữ, tổ chức nuôi học sinh mồ côi nghèo khó cho ăn học được 94 người. Ban đêm mở hai lớp dạy chữ, hai lớp dạy Đạo lý phổ thông cho những người làm công quả, số học viên 4 lớp này trên 200 người. Đồng thời mở lớp dạy Đạo cho hàng chức sắc làm việc tại Tòa thánh. Ngoài ra, còn có một trường Hạnh đường gồm 2 lớp: một lớp cho chức sắc và một lớp cho chức việc dự học, mỗi tháng 15 ngày, hàng tháng đều có mở. Tại Thánh thất An Hội lập một lớp Hạnh đường để dạy chức sắc hiến thân cho Đạo. Dự định mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 7 ngày học. Hội thánh lập một trường Tiểu học cho trẻ biết chữ, biết kinh lễ và phận sự đồng nhi. Mỗi Thánh thất phải có lớp Đồng nhi. Mỗi tháng, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ra một Châu tri dạy Đạo, nhất là về Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui, Bài Thương yêu… Đồng thời khuyến khích chức sắc, tín đồ học thuộc lòng và ban khen cho những người đã học thuộc. Tại các Họ đạo đều hưởng ứng phong trào học tập, trở thành động lực khuyến khích tinh thần học Đạo sâu rộng trong chức sắc, tín đồ.
          Như vậy, khi người tín đồ đạo Cao Đài nhập môn vào Đạo, họ có điều kiện được học tập từ bậc tiểu học đến Đại học. Việc mở mang tri thức cho người đạo Cao Đài cho thấy các vị chức sắc đứng đầu đạo Cao Đài luôn quan tâm đến giáo dục, dân trí để không chỉ đào tạo con người có kiến thức về đạo Cao Đài mà còn am hiểu các kiến thức xã hội đáp ứng yêu cầu của chính tôn giáo và xã hội đương thời.
3. Tác động đến nếp sống văn hóa
Đạo Cao Đài còn hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong chức sắc, tín đồ. Đầu sưNguyễn Ngọc Tươngkhi còn làm việc tại Tòa thánh Tây Ninh đãchỉnh đốn việc ăn uống tại Tòa thánh. Do khi mới thành lập,việc ăn uống tại Tòa thánh Tây Ninh có sự phân cấp rõ ràng. Chức sắc lớn trong đạo không ăn chung cùng chức việc và tín đồ. Thấy vậy, Đầu sưNguyễn Ngọc Tương xem xét các phòng ăn của đạo hữu làm công quả và thường xuyên ăn cơm cùng với đạo hữu. Sau khi có thời gian nghiên cứu thực tế, Đầu sưNguyễn Ngọc Tương đề nghị giảm bớt số tiền ăn của chức sắc lớn để thêm vào số tiền ăn của đạo hữu và cử người kiểm soát chu đáo mọi việc thu chi lúa gạo, lương thực của phòng Trù. Kết quả là vừa tiết kiệm nhiều tiền bạc lương thực của Hội thánh vừa nâng được mức ăn cho đạo hữu. Về tinh thần đã xóa bớt được chế độ phân cấp trong ăn uống, tình cảm giữa chức sắc lớn và đạo hữu được gắn bó hơn. Đầu sưNguyễn Ngọc Tương còn chỉ dạy về vệ sinh trong ăn uống, người đạo ăn chay phải biết tận dụng sự bổ dưỡng của gạo lức và đậu nành, các thực phẩm khác để giữ sức khoẻ, hỗ trợ việc tu hành. Khi về Bến Tre lập Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạo và được công cử lên phẩm Giáo tông, ông đề nghị Hội thánhlập Uỷ ban chọn lựa và kiểm duyệt các kinh sách đạo được in lại. Các vị này sẽ xem xét, lựa chọn và cho in những kinh sách phù hợp với đường hướng chỉnh đạo của Hội thánh.
Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương còn làm gương về sự chuyên cần trong sinh hoạt. Theo Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương một ngày làm việc của ông được ghi lại như sau:
“Sáng sớm, Người thức dậy lúc 5 giờ, cùng rồi tịnh đến 6 giờ ra ăn cháo, đọc sách báo. 7 giờ, đến văn phòng làm việc. 8 giờ, cỡi xe đạp đi viếng các cơ sở như: Học đường, Hạnh đường, Dưỡng đường, các cơ sở công nghệ và 9 sở rẫy. 10 giờ, trở về văn phòng làm việc. 11 giờ, cúng rồi tịnh. 1 giờ, ra tịnh ăn cơm rồi đọc sách báo. 1 giờ rưỡi, đến văn phòng làm việc. 3 giờ, đi viếng các văn phòng và các cơ quan nội phận Cửu viện, phòng trù… 5 giờ, cúng rồi tịnh. 7 giờ tối, ra tịnh ăn cháo, đọc sách báo. 8 giờ, làm việc giấy tờ đến 11 giờ tại thơ phòng. 11 giờ, cúng rồi tịnh. 1 giờ, ra tịnh rồi nghỉ”[8].
          ĐạoCao Đàiđãhình thành nếp sống văn minh cho người đạo, từ việc nhỏ nhất như thay đổi nếp ăn uống, phải biết tác dụng, công hiệu của từng loại thực phẩm, sắp xếp thời gian tu hành và làm việc hiệu quả, khoa học. Với nhiềutấm gương tiêu biểu như:Hộ pháp Phạm Công Tắc, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Chưởng pháp Cao Triều Phát,…rất khoa học trong thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bố trí thời gian hợp lý để vừa đảm bảo việc tu luyện, vừa không sao nhãng công việc Đạo. Những thay đổi trong đời sống hàng ngày của người đạo đã có tác động nhất định đến rèn luyện đạo đức, nâng cao dân trí và nếp sống vănhoá của quần chúng tín đồ trong sinh hoạt. Đồng thời cũng ảnh hưởng tích cực đến quần chúng nhân dân ở Nam Bộ và nhất là ở nơi có Toà thánh Cao Đài hoạt động, tạo ra tinh thần hiếu học, siêng năng, lối sống văn minhtrong mỗi gia đình đạo và người tín đồ Cao Đài.
            ĐạoCao Đài đã tích hợp, hỗn dung những giá trị tâm linh làm giảm bớt những tín ngưỡng tuỳ tiện, cổ sơ, hoang dã tạo ra đường hướng tu hành đúng đắn. Do tiếp xúc với văn hoá phương Tây, những người sáng lập đạo Cao Đài đã thu nhận những giá trị nhân văn mới, tiến bộ, văn minhcủa nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, nhân quyền. Việc tiếp thu, dung hoà các tinh hoa văn hoá phương Tây và văn hoá truyền thống vốn có tạo cho đạo Cao Đài một diện mạo mới lôi cuốn được cưdân Nam Bộ.
Hiện nay,đạoCao Đài ổn định về tổ chức và có nhiều hoạt động tôn giáo tiến bộ, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng. Hình ảnh những chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài mặc áo dài trắng, đội khăn xếp hòa cùng dòng người trên đường trở nên dung dị, quen thuộc và tác động đến lối sống đạo đức của cư dân Nam Bộ. Hàng năm, đạo Cao Đài có khoảng 3 vạn người nhập môn vào Đạo. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng và vai trò của đạo Cao Đài trong đời sống của cư dân Nam Bộ.
Kết luận
Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 tại Tây Ninh, do một số quan lại, công chức, địa chủ… sáng lập. Mục đích của Đạo Cao Đài nhằm “làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hòa bình như buổi trước”[9].Sự ra đời của đạo Cao Đài là một sự tất yếu của xã hội miền Nam Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20. Nam Bộ là vùng đất rộng, chưa khai phá hết, con người chất phác, phóng khoáng. Cư dân chủ yếu là những người ở vùng khác đến khai hoang, lập nghiệp nên họ có lòng kính thờ các Đấng Thiêng liêng, nhất là Tam giáo (Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo) là các tôn giáo của người phương Đông. Nam Bộ thời kỳ này dưới sự cai trị của thực dân Pháp nên chịu áp lực nặng nề của sự áp bức, bóc lột và tư tưởng văn hóa phương Tâydu nhập. Ngay từ những năm đầu thành lập, đạo Cao Đài rất chú trọng đến đạo đức, dân trí và nếp sống văn hóa giúp cho chức sắc, tín đồ nâng cao về tri thức, tu dưỡng đạo đức và lối sống văn minh. Chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài chủ yếu có thành phần xuất thân từ nông dân, ít được đào tạo, học tập nên còn hạn chế trong nhận thức về xã hội, tôn giáo. Nhận thấy vấn đề bất cập của tôn giáo, các chức sắc đứng đầu đạo Cao Đài thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng con người thì phải giáo dục, đào tạo, hướng dẫn cách sinh hoạt có khoa học cho tín đồ của mình. Với chiến lược đó, đạo Cao Đài đã xây dựng được hệ thống giáo lý phù hợp để mọi người có thể hiểu và tin theo đạo Cao Đài. Đó là tu hành để rèn luyện đạo đức con người, biết yêu nước, yêu dân tộc, sống chân thực, có đạo đức, giúp đỡ nhau trong cuộc sống như trong một gia đình “cùng nhau một Đạo tức một Cha”. Đặc biệt, đạo Cao Đài tạo ra môi trường giáo dục, dân trí cho chức sắc, tín đồ được học tập trong trường học của tôn giáo theo quy định của nhà nước từ bậc tiểu học đến đại học. Trong môi trường Cao Đài, người tín đồ được chỉ dạy về cách thức sinh hoạt phù hợp với môi trường xã hội về ăn ở mặc, sinh hoạt thường ngày, hiểu về dinh dưỡng của người ăn chay, đảm bảo vệ sinh của người tu hành nơi tịnh thất. Những yếu tố đó cho thấy, đạo Cao Đài đã có kế hoạch lâu dài để đào tạo con người, coi con người là vấn đề quan trọng của tôn giáo.
Đạo Cao Đài có đường hướng hành đạo đúng đắn bằng việc nâng cao dân trí, mở mang các cơ sở phước điền, cơ sở công nghệ, cải thiện mức sống của người tu hành, dạy bảo tín đồ cách tu luyện để đạt tới sự giải khổ và tích cực hoạt động từ thiện, nhân đạo đem tới sự thương yêu đoàn kết thực sự trong Đạo. Chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài vừa tu hành, vừa tăng gia sản xuất để nuôi sống bản thân và làm giàu cho xã hội. Đó là điều mới mẻ, tiến bộ củađạoCao Đài. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốchiện nay, đạo Cao Đài tích cựcvận động chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, làm từ thiện, nhân đạo,... và đóng vai trò trong việc đoàn kết tôn giáoở Nam Bộ.Chính vì vậy, đạo Cao Đài đã góp phần hình thành lối sống đạo đức, văn hóa, văn minh trong cư dân Nam Bộ.
Với 2,5 triệu tín đồ hiện nay, đạo Cao Đài vẫn là một thực thể khách quan tồn tại cùng với xã hội đương thời. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm vấn đề tôn giáo và ghi nhận những đóng góp của tôn giáo trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo Cao Đài là tôn giáo sinh ra tại Việt Nam nên mang đặc điểm, tính chất của dân tộc. Các phái Cao Đài hiện nay đều xây dựngđường hướng hành đạo tiến bộ, hoạt động gắn bó với dân tộc nên trong quá trình quản lý, chính quyền các cấp cần quan tâm và tạo điều kiện chođạoCao Đài hoạt độngđúng với những nội dung tiến bộ trong giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Đạo đức tôn giáo có những nội dung phù hợp với đạo đức củangườiCộng sản, phát huy những giá trị văn hóa của đạo Cao Đàiđể giáo dục con người cólối sốngđạo đứctrong sáng,đoàn kết, thương yêu, giúp đỡnhau trong cuộc sống, đồng thời vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài tích cực tham gia các hoạt động văn hóa ở cơ sở./.


[1] Ban Tôn giáo Chính phủ (2004), Báo cáo tổng quan Dự án “Điều tra căn bản thực trạng đạo Cao Đài – những kiến nghị về chủ trương chính sách”, tr. 92.
[2] Đầu sư Lê Văn Trung (1964), Phương châm hành đạo, Tòa thánh Tây Ninh, tr.9.
[3] Đầu sư Lê Văn Trung (1964), Phương châm hành đạo, Tòa thánh Tây Ninh, tr.4.
[4] Tiếp pháp Trương Văn Tràng (1970), Giáo lý, Tòa thánh Tây Ninh, tr.100.
[5] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn, tr.55.
[6] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (2007), Tuyên ngôn dạy đạo của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 28.
 
[7] Hiền tài Trần Văn Rạng (1974), Giáo dục văn hóa đạo Cao Đài, Tòa thánh Tây Ninh ban hành, tr. 6.
[8] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn.
[9]Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (2005), Lịch sử Đạo Cao Đài (quyển 1) Khai Đạo từ khởi nguyên đến khai minh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.290.