Nên xem qua
- THU MOI HOI THAO Gửi ngày 04/08/2024
- DINH HƯỚNG ĐẠO CAO ĐAI HỘI NHAP QUỐC TẾ Gửi ngày 24/10/2024
- Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham ... Gửi ngày 11/08/2014
- ĐẠO CAO ĐÀI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG ... Gửi ngày 23/03/2019
- CAO ĐÀI VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN RA THẾ GIỚI Gửi ngày 28/12/2021
- Các hoat động gần đây của Tổ chức LG Gửi ngày 08/09/2014
- HỘI THÁNH TRUYỀN ĐẠO ĐẾN NHƠN SANH Gửi ngày 29/05/2023
- Chớ để bản năng nổi dậy (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu) Gửi ngày 11/08/2014
- LỜI DẪN KHAI MẠC HỘI THẢO Gửi ngày 23/11/2024
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO LẦN 12 CÁC HỘI THÁNH và CÁC TỔ ... Gửi ngày 24/03/2019
- Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao Đài Gửi ngày 25/09/2022
- VỀ VIỆC KHAI ĐẠO VỚI CHÍNH QUYỀN (23-8-Bính Dần, 1926) Gửi ngày 29/05/2023
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Gửi ngày 30/03/2016
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Đinh Quang Tiến [1]
Đạo Cao Đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập năm 1926 tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hoá của cư dân Nam Bộ. Mục đích của Đạo Cao Đài nhằm đưa chân lý của các tôn giáo chân chính hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, xã hội và giải thoát linh hồn hướng tới một con người chuẩn mực, toàn diện, đạo đức, đoàn kết xây dựng xã hội hòa bình, an lạc. Đạo Cao Đài chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của các tôn giáo và nêu nguyên lý chung của tôn giáo là đề cao đạo đức, lối sống nhân ái, thương yêu nhằm giác ngộ nhân loại toàn cầu. Với tư tưởng đó, chỉ trong một thời gian từ 1926 đến 1934, Đạo Cao Đài đã thu hút hàng triệu người nhập môn vào Đạo. Quá trình hình thành và phát triển của Đạo Cao Đài đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hoá Việt Nam.
Dưới góc nhìn văn hoá thì Đạo Cao Đài là một tôn giáo mang tính khoa học với các giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ. Trong đó có 9 đặc điểm của Đạo Cao Đài được biểu hiện qua các giá trị văn hóa cụ thể là: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong cuộc sống gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong lễ nhạc, tính văn hóa vật thể, và tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh.
1. TÍNH TOÀN CẦU TRONG TÔN GIÁO
Đạo Cao Đài là tôn giáo có tính toàn cầu được thể hiện ngay trong việc thờ Thiên nhãn, có nghĩa là mắt Trời, biểu tượng qua hình ảnh con mắt mở của con người để nhìn thấu rõ mọi việc ở thế gian. Điều này giúp con người phải trung thực trước hành động của mình, mọi sự vật, hiện tượng của sự sống đều được Thượng Đế biết đến, lương tâm và hành vi của con người luôn được soi xét mọi lúc, mọi nơi. Với đức tin có Đấng Thượng Đế Cao Đài, người tín đồ Cao Đài luôn luôn hướng thiện, tu chỉnh bản thân để sống đạo đức, thương yêu nhân loại. Mỗi người chúng ta dù ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên địa cầu đều có con mắt để nhìn, để sống trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đều trân trọng con mắt. Để thấy sự vật hiện tượng và có nhận thức, tư duy về các sự vật hiện tượng đó, con người cần đôi mắt để nhận biết. Như vậy, Thiên nhãn tượng trưng cho ánh sáng tỏa khắp vũ trụ, cho sự minh bạch, trung thực của con người. Đức Thượng Đế Cao Đài dạy rằng: “Thầy đến lập cho các con một nền chơn Đạo, tức là mỗi sự chi dối trá là chẳng phải của Thầy”[2]. Đồng thời Đức Thượng Đế Cao Đài cũng dạy rằng: “Người sống trên thế gian này dầu thuộc giống dân nào cũng chỉ có một cha chung mà thôi. Ấy là Trời, đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng Đạo lý mà chính các con đều phải chung chịu đau khổ rửa tội của các con ở cõi thế gian này.” [3]
2. TÍNH TRIẾT LÝ VỀ QUAN NIỆM VẠN GIÁO NHẤT LÝ
Đạo Cao Đài quan niệm rằng các tôn giáo trên thế giới đều từ một gốc sinh ra, cùng thờ Đấng Thượng Đế Tối Cao tức là ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời,... Đạo Cao Đài đã kế thừa và dung hòa những tư tưởng căn bản của các tôn giáo trên thế giới. Trên bàn thờ của Đạo Cao Đài có các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần đại diện của các tôn giáo là Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo tượng trưng cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên hay Vạn giáo nhất lý, tức là các tôn giáo đều có chung một chân lý để giác ngộ nhân loại toàn cầu hướng đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ của con người. Theo xã hội học thì “chân lý là những quan niệm về cái thật và cái đúng” [4]. Chân lý của các tôn giáo là những quan niệm về cái đúng của con người, để con người tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân tiến đến một con người hoàn hảo và từ đó xã hội sẽ trở thành xã hội đạo đức hoàn toàn. Điều này người tín đồ Đạo Cao Đài đã được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy rằng: “Thầy sắp đặt một thực tướng Tam giáo cho các con hiểu rõ vạn giáo trên thế gian đồng nhất lý, ngõ hầu lập đời Thánh Đức sau hội Long Hoa.” [5]
3. TÍNH TRIẾT HỌC TRONG NHÂN SINH QUAN
Trong quan niệm về nhân sinh quan con người, Đạo Cao Đài cho rằng con người được Đức Thượng Đế tạo dựng nên con người có cùng chất liệu với Thượng Đế nên mang sự linh diệu, sáng suốt, trường tồn. Những sinh vật thấp hơn thì tùy theo sự tiến hóa mà có bản năng khác nhau. Nhân sinh quan Cao Đài có các điểm chính sau đây: Linh hồn con người là một siêu thực thể trường tồn bất diệt. Linh hồn kết hợp với thể xác tạo thành con người có sự sống hoàn hảo. Con người hoàn toàn có quyền tự chủ dìu dắt thiên lương của mình. Mỗi người phải được tự do sống theo tính phận của mình. Cõi trần là một trường học, con người là những học trò đang theo học trên trường đời. Số mạng và tương lai của con người không phải là một việc đã được an bài hay định trước bởi Thượng Đế, mà do nhân quả của mỗi người.
Đạo Cao Đài có tính triết học thể hiện việc sử dụng hiện tượng Thông linh học để sáng tạo ra một tôn giáo với nhiều yếu tố liên quan đến phong trào cơ bút, con người có thể và có khả năng giao cảm giữa người sống và người chết, nhưng không phải là mê tín dị đoan. Khoa học thế giới đã chứng minh sự hiện hữu của linh hồn trong mỗi con người, người chết rồi vẫn tồn tại linh hồn. Trong con người có ba thể: thể xác (hữu hình), chơn thần (bán hữu hình) và linh hồn (vô hình). Chơn thần làm trung gian cho thể xác và linh hồn và là điểm mới trong giáo lý của Đạo Cao Đài để lý giải các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình qua vô hình. Hiện nay, Đạo Cao Đài không sử dụng cơ bút nữa mà thay vào đó là việc tập thể chức sắc quyết định những việc quan trọng của Đạo bằng hình thức nhóm họp, bàn bạc, cùng thống nhất thể hiện sự dân chủ, bình đẳng của con người trong xã hội hiện đại.
4. TÍNH VĂN MINH TRONG NGHI LỄ
Đạo Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ, văn minh. Trong sinh hoạt cúng lễ không dùng đồ xa xỉ, chỉ dùng toàn đồ mầu trắng, lễ phẩm dùng trái cây, hoa. Việc cúng tế vong linh tại các đàn lễ dùng toàn đồ chay. Lễ cầu siêu vong linh cho người tín đồ Cao Đài quy vị từ tuần cửu đến Đại tường (581 ngày) là mãn tang. Trong khi đó, theo phong tục Việt Nam để tang là 3 năm (1095 ngày) gấp đôi thời gian theo quy định của Đạo Cao Đài. Vì vậy, thời gian chịu tang của người Đạo Cao Đài rút gắn được một nửa và dành thời gian để làm ăn, sinh hoạt không nặng nề về việc sinh ly tử biệt. Tân luật quy định: “Việc cầu siêu vong linh trong tuần cửu cửu (81 ngày), tiểu tường (200 ngày) đến Đại tường (300 ngày) là mãn tang”.[6] Đạo Cao Đài không mê tín dị đoan, cấm kỵ việc dùng bói toán, đồng cốt, giết sinh vật tế lễ, không dùng vàng mã. Để dâng lên Đức Chí Tôn lòng tín thành, người đạo Cao Đài dùng tam bửu là ba món quý báu nhất của con người gồm tinh khí thần qua ba thứ: bông rượu trà. Bông (hoa) tượng trưng cho hình thể hữu vi (thể xác) tức là Tinh. Rượu tượng trưng cho trí khôn tức là Khí. Trà tượng trưng cho linh hồn tức là Thần. Đức Cao Đài dạy rằng: “Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian gọi là tà quái dị đoan, nếu có xảy ra một ít dị đoan trong Đạo đã dùng lỡ, ấy là tại nơi tâm của một vài môn đệ, nếu chẳng giữ theo lẽ Chánh mà hành Đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau sẽ trở nên một mối Tả Đạo.” [7]
5. TÍNH THỦY CHUNG TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
Đạo Cao Đài đề cao tính chung thủy của con người trong cuộc sống gia đình, mỗi người chỉ một vợ một chồng. Khi trở thành chức sắc thì luật đạo quy định “Cấm vợ chồng bỏ nhau” nên chức sắc Đạo Cao Đài thường thủy chung với gia đình. Mặt khác, Đạo Cao Đài khuyên người đi tu để làm điều có ích cho gia đình, xã hội, trở thành người hiểu lẽ đời, lẽ đạo, học lối sống đạo đức trong sáng, tiến bộ, văn minh, không làm hại đến gia đình làm cho vợ chồng ly tán, chia lìa. Dưới khía cạnh xã hội học quan niệm: “gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của các thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người” [8]. Đạo Cao Đài quy định người tín đồ phải thủy chung trong cuộc sống vợ chồng để giữ gìn đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Tân luật của Đạo Cao Đài viết : "Cấm người trong Đạo, từ ngày ban hành luật này về sau, không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối, …Vợ chồng người Đạo không được để bỏ nhau” [9].
6. TÍNH DÂN CHỦ TRONG SINH HOẠT
Trong giao tiếp hàng ngày, người Đạo Cao Đài xưng hô với nhau thân thiện, gần gũi không quan cách. Giáo tông là người đứng đầu trong Đạo xưng là anh Cả, còn các vị chức sắc xưng với người tín đồ là anh, là chị. Người tín đồ gọi chức sắc là anh lớn, chị lớn. Đức Cao Đài khi xuất hiện qua “cơ bút” xưng danh với các đệ tử là Thầy, như là người hướng dẫn, chỉ dạy cho tín đồ. Lời dạy của Đức Cao Đài với tín đồ như sau: “Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hằng ngày xúi biểu nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức các con” [10].
Đức Cao Đài còn xưng danh là Đấng Cha Trời để khuyên chúng sanh biết nhìn nhận mình là anh em con chung một Đấng Cha Trời.
“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một đạo tức một cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hoà” [11].
7. TÍNH DÂN TỘC TRONG LỄ NHẠC
Đạo Cao Đài cũng sáng tạo ra văn hoá tinh thần riêng của tôn giáo. Kinh, lễ nhạc của Đạo Cao Đài cũng mang âm hưởng của văn hóa dân gian Nam Bộ với điệu nam xuân, nam ai, thể thơ song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,... Khi hành lễ người Đạo Cao Đài luôn có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị,… để thể hiện giai điệu dân tộc và ban đồng nhi đọc kinh. Ngày 11.10.1996, trong buổi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại Thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại kỷ niệm về thời nhỏ ở Vĩnh Long với các chức sắc Cao Đài như Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (Cao Đài Tiên Thiên) và Trần Văn Quế (Truyền Giáo Cao Đài). Ông nói : “ Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm, thầy tôi gửi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra, …Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân… Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà [còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng”.
8. TÍNH VĂN HÓA VẬT THỂ
Đạo Cao Đài còn tạo ra nét văn hoá vật chất độc đáo trong kiến trúc xây dựng cơ sở thờ tự và trang phục dân tộc. Kiến trúc Toà thánh Tây Ninh và các Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, có tam đài (Bát quát đài, Cửu trùng đài, Hiệp thiên đài) cùng mầu sắc, trang trí hoa văn kết hợp giữa truyền thống dân tộc và nét hiện đại đã trở thành một bộ phận trong kiến trúc văn hoá Nam Bộ, đem lại bản sắc riêng của tôn giáo ra đời tại Việt Nam. Lầu chuông bên hữu gọi là Bạch Ngọc Chung đài có ý nghĩa là: “chuông ấy là do nơi Thiên Đình mỗi khi đánh chuông thì tiếng ngân thấu đến Phong Đô, mười cửa ngục đều mở để cho các âm hồn giác ngộ sám hối, tiền khiên mà siêu rỗi” [12]. Lầu trống bên tả gọi là Lôi Âm Cổ đài có nghĩa là: “ngôi đền của Đức Phật Thích Ca ngự tại Tây Phương. Mỗi khi có cúng đại lễ Lôi Âm Cổ nổi lên ba hồi, mỗi hồi 12 chập mỗi chập 12 dùi thì chư Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đến chầu Ngọc Đế” [13]. Người tín đồ Cao Đài mặc trang phục theo truyền thống của người Việt Nam, nam giới đội khăn đóng mầu đen, nam nữ đều mặc áo dài truyền thống mầu trắng, nam để râu tóc.
9. TÍNH TRUYỀN THỐNG TRONG VIỆC NHẬP THẾ PHỤC VỤ NHÂN SANH
Đạo Cao Đàithực hiện mục tiêu sứ mạng vi nhân là phụng sự xã hội, dân tộc, đất nước. Trong đời sống xã hội, người đạo Cao Đài hướng tới xây dựng cuộc đời thánh đức. Bên cạnh việc tu hành, người đạo Cao Đài còn thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Khi đất nước bị xâm lược, người đạo Cao Đài sẵn sàng thực hiện sứ mạng với dân tộc, tích cực tham gia phong tràokháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnchống Phápcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh,hàng ngàntín đồ Cao Đài Minh Chơn đạodưới sự lãnh đạocủa Chưởng pháp Cao Triều Phát xây dựngMặt trận Giồng BốmởBạc Liêu đã anh dũng đứng lên chống lại quân xâm lược. Tiếng súng kháng chiến ở Mặt trận Giồng Bốm trở thành một trong những trận đánh lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Đội quân áo trắng đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch đồng thời viết nên một trang sử vẻ vang về Đạo Cao Đài. Ý chí quật cường, hi sinh anh dũng của nghĩa quân "áo trắng" gây tiếng vang lớn khắp vùng,trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần "phụng đạo, yêu nước" trong quần chúng tín đồ Cao Đài và lan rộng đến các phái Cao Đài ở Nam Bộ. Từ đây, Đạo Cao Đài nói chung và Cao Đài Minh Chơn đạo nói riêng đã trở thành một lực lượng quần chúng yêu nước có đóng góp đáng kể vào phong trào kháng chiến cứu quốc và có ảnh hưởng tích cực tới tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ. Giá trị văn hoá tinh thần của người Đạo Cao Đài được hun đúc từ truyền thống chống giặc ngoại xâm và còn đến ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
10. KẾT LUẬN
Có thể nói, Đạo Cao Đài là tôn giáo có vai trò nhất định trong hệ thống các tôn giáo ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ. Đạo Cao Đài là tôn giáo có đường hướng hành đạo tiến bộ, có quá trình hoạt động gắn bó với dân tộc. Đạo đức tôn giáo có những nội dung phù hợp với đạo đức cách mạng của người cộng sản, phát huy những giá trị cao đẹp của tôn giáo để giáo dục con người sống có đạo đức, có văn hóa, có tình người, biết đoàn kết, thương yêu nhau trong cuộc sống. Hình ảnh người tín đồ Cao Đài mặc áo dài trắng, đội khăn đóng mầu đen, kiến trúc của Tòa thánh Tây Ninh và những Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, xe thuyền bát nhã hình con rồng đưa vong linh tiễn biệt người quá vãng trong đạo, tiếng kinh ngân nga theo điệu nam ai, nam xuân,… trở thành nét đẹp trong văn hóa của Đạo Cao Đài nói riêng và của nhân dân Nam Bộ nói chung. Tìm hiểu một số đặc điểm văn hóa trong Đạo Cao Đài giúp chúng ta thấy rõ hơn bản thể của một tôn giáo ra đời tại Việt Nam với những đặc trưng tư tưởng, ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống. Từ đó, mỗi chúng ta biết trân trọng những giá trị văn hóa của tôn giáo, cũng là giá trị triết lý nhân sinh của cư dân Nam Bộ
[1] Ban Tôn Giáo Chính Phủ
[2] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 77.
[3] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 123.
[4] Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên), Xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr 248
.[5] Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Yếu điểm giáo lý Đại Đạo, Nxb Tôn giáo, 2008, tr 35.
.[5] Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Yếu điểm giáo lý Đại Đạo, Nxb Tôn giáo, 2008, tr 35.
[6] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 13.
[7] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhì), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 42.
[8] Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên), Xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr 310.
[9] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 12.
[10] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 69.
[11] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Thánh ngôn Hiệp tuyển 2006, tr.9.
[12] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ đô Tòa thánh Tây Ninh, Khai đạo Phạm Tấn Đãi (Chủ biên), Giải thích nội tâm và ngoại tâm Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh, NXB Tôn giáo, 2013, tr.9.
[13] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ đô Tòa thánh Tây Ninh, Khai đạo Phạm Tấn Đãi (Chủ biên), Giải thích nội tâm và ngoại tâm Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh, NXB Tôn giáo, 2013, tr.9-10.