Nên xem qua
- Thông tin BTG Chính Phủ Gửi ngày 25/03/2022
- Khả năng hội nhập thế giới của Đạo Cao Đài (Bài viết/Tham ... Gửi ngày 11/08/2014
- ĐẠO CAO ĐÀI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG ... Gửi ngày 23/03/2019
- LỄ VÀ KHIÊM Gửi ngày 10/12/2021
- Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao Đài Gửi ngày 25/09/2022
- YẾU TỐ CAO ĐÀI TRONG CÁC TÔN GIÁO ĐÔNG TÂY Gửi ngày 25/03/2022
- CAO ĐÀI VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN RA THẾ GIỚI Gửi ngày 28/12/2021
- Các hoat động gần đây của Tổ chức LG Gửi ngày 08/09/2014
- Chớ để bản năng nổi dậy (Bài viết/Tham luận-Nghiên cứu) Gửi ngày 11/08/2014
- THU MOI HOI THAO Gửi ngày 04/08/2024
- HỘI NGHỊ LIÊN GIAO 10 CÁC HỘI THÁNH & TỔ CHỨC TRONG ... Gửi ngày 19/05/2017
- TRICH LỤC LICH SỬ CÁC SỰ KIỆN KHAI ĐẠI ĐA0 TKPD Gửi ngày 29/05/2023
NĂM PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐẠO CỦA NGŨ CHI (TCCĐ/Văn hóa-Tôn giáo)
Gửi ngày 18/09/2014
NĂM PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐẠO CỦA NGŨ CHI
Hình bên: Thánh tượng có các ảnh tượng Ngũ chi (từ dưới lên: Ngai Giáo Tông-Khương Thái Công-Kitô Giê Su-Thái Bạch Kim Tinh-Thích Ca Mâu Ni)
I. NHẬP ĐỀ
Tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là qui Tam Giáo hiệp Ngũ Chi, khi tôn chỉ nầy được đưa vào pháp hành thì tự nó biến thành đường lối, thành phương thức hành đạo cho hàng giáo đồ hướng theo đó mà đạt tới mục đích tuyệt khổ đại đồng hay Thế đạo đại đồng và Thiên đạo giải thoát. Nếu xét về hàng dọc của Ngũ Chi: Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật thì trong hàng dọc nầy cũng bao gồm cả Tam Giáo Nho, Thích, Đạo.
Trên Thiên bàn tại Bát Quái Đài, hàng dọc Ngũ Chi từ ngôi Phật đến ngôi Thần đều có thờ bài vị mỗi Đấng Chưởng giáo, như Phật Đạo thì có Đức Thích Ca, Tiên Đạo thì có Đức Lão Tử, Thánh Đạo thì có Đức Da Tô (Jésus), Thần Đạo thì có Đức Khương Thái Công, và đại diện cho Nhơn Đạo là Ngai Giáo Tông nơi Bát Quái Đài phía dưới Thiên bàn tại Tòa Thánh. Nhưng khi nói về năm phương thức hành đạo thì chọn giáo lý Nho giáo làm đường lối của Nhơn Đạo. Năm phương thức hành đạo của Ngũ Chi là:
Tùng Khổ của Nhơn Đạo
Thắng Khổ của Thần Đạo
Thọ Khổ của Thánh Đạo
Thoát Khổ của Tiên Đạo
Giải Khổ của Phật Đạo.
Tuy phân ra năm phương thức, được ví như năm nấc thang hay năm bước hành đạo để người tu theo Cao Đài thực hiện từng bước, nhưng trên thực tế của một đời tu trong thời kỳ đại ân xá, để kịp giải thoát trong một kiếp thì cùng lúc người tu phải thực hành cả năm phương thức một lượt, không phải đợi xong phương thức nầy mới tới phương thức nọ, vì năm phương thức đều có sự liên quan nhau trong cùng một sinh hoạt tâm linh và thể đạo.
II. CHÁNH ĐỀ
A. PHƯƠNG THỨC TÙNG KHỔ CỦA NHƠN ĐẠO
1. Định nghĩa:
Tùng [從] là đi theo, thuận theo, như: tòng nhất nhi chung (從一而終): theo một bề đến chết. Khổ [苦] là vị đắng; cảnh huống khó chịu đựng, như: thọ khổ thọ nan (受苦受難): chịu khổ chịu khó. Tùng khổ [從苦] là theo cái khổ của người khác mà chung chịu và sẻ chia.
Nhơn loại dù đang sống trong thế giới văn minh tiến bộ về mọi mặt, những tiện ích giúp cuộc sống con người tăng thêm chất lượng hạnh phúc, nhưng vẫn nỗi đau khổ vần tồn tại do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân tiến bộ của khoa học gây ra; tinh thần đạo đức, nhơn luân bị băng hoại tột cùng. Cho nên Đạo Cao Đài đề ra phương thức Tùng Khổ để cùng gánh vác, sẻ chia nỗi khổ triền miên của con người từ bản thân, gia đình và xã hội.
2. Phương thức:
Phương thức Tùng Khổ của Nhơn Đạo dựa vào đường lối Nho giáo là Tam Cang, Ngũ Thường làm nền tảng.
a.Tam cang: Tam cang =cương [三綱] là ba giềng mối, có hệ thống không tách rời nhau được: Quân thần cang, phụ tử cang và phu thê cang.
1.a.Quân thần cang [君臣綱]: Giếng mối vua tôi là nói theo chế độ quân chủ phong kiến thời xưa, bây giờ từ ngữ vua được hiểu là Tổ quốc, là Nhà nước, đại diện cho Nhà nước là Chính phủ. Từ ngữ tôi được hiểu là quan chức, là cán bộ từ trung ương đến địa phương. Nho giáo đặt ra giếng mối vua-tôi là để làm sáng tỏ chữ trung lương: trung thành và lương thiện, một lòng vì sự an nguy của đất nước và thi hành công vụ với với tâm vô tư liêm chánh, cư xử tốt với nhân nhân. Cho nên làm bề tôi “trung” để định quốc không cũng chưa đủ, mà còn phải “lương” để an dân.
2.a. Phụ tử cang [父子綱]: Nho giáo đặt ra giềng mối cha-con nhằm ổn định tôn ti trật tự trong gia đình, cha ra cha, con ra con; phụ phải từ, con phải hiếu; cha mẹ đối với con cái lớn nhỏ đều phải lấy lẽ công bằng, con cái đối cha mẹ phải có hiếu tâm, hiếu hạnh. Một điều gây không ít nhức nhối cho những nhà giáo dục về đạo đức trong xã hội mở hiện nay là do ảnh hưởng làn sóng văn hóa Âu Mỹ du nhập và lối sống theo phong cách máy móc công nghiệp, khiến cho một bộ phân không nhỏ thanh thiếu niên và người lớn có lối ứng xử với cha mẹ thiếu đi sư tôn kính, lễ độ, hiếu thuận, xem cha mẹ như trang bạn nhau. Hơn nữa, việc báo hiếu giống như một việc làm “trả nợ quỉ thần”, thiếu đi cái hiếu tâm, hiếu hạnh.
3.a. Phu thê cang[夫妻綱]: Nho giáo đặt ra giềng mối vợ-chồng nhằm xây dựng một gia đình hòa thuận, trong ấm ngoài êm; tương kính như tân; mọi việc lớn nhỏ trong nhà, vợ chồng cùng bàn bạc với nhau mà làm. Theo nếp cũ, thì vai trò chính của người vợ là nội trợ, quán xuyến mọi việc trong nhà và nuôi dạy con cái. Làm tốt được vai trò “nội tướng” trong gia đình là nhờ thấm nhuần đạo lý tam tùng, tứ đức. Giai đoạn nầy, hai chữ tùng phu, tùng tử là gần gũi nhứt, còn tùng phụ lại nằm ở giềng mối cha con; và bốn chữ công, dung, ngôn hạnh thì lúc nào cũng phải có. Vì có đủ đạo lý ấy gia đình mới yên ấm đúng với chữ AN [安]: yên ổn, mà người xưa cấu tạo chữ với ý rằng: nhà nào [宀 miên=mái nhà] có người phụ nữ [女] là nhà đó được sự yên ổn, hạnh phúc nhờ công, dung, ngôn, hạnh. Cũng theo nếp cũ, thì vai trò chính của người chồng là rường cột gia đình; làm kinh tế để tạo sự sống cho gia đình, phải va chạm ngoài xã hội qua các mặt làm ăn, công danh, lợi lộc nên buộc phải giữ đạo tam cang, ngũ thường. Người đàn ông giữ được tam cang, ngũ thường chứng tỏ là người có gia giáo, có chữ nghĩa, có văn hóa. Nhờ giữ đạo lý ấy nên bên ngoài gia đình là quan hệ xã hội mới được hanh thông, hòa hảo, đúng với chữ TỰ [字] của người xưa cấu tạo: nhà nào [宀 miên=mái nhà] có đàn ông con trai [子] thì nhà đó có chữ nghĩa: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
b. Ngũ thường: Ngũ thường [五常] là năm hằng; đạo lý, quan hệ luân lý. Còn gọi là Ngũ Đức [五德], nghĩa là năm tiêu chuẩn đạo đức gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người lúc nào cũng phải có, không thể thiếu được.
1.b. Nhân: Chữ Nhân [仁] được cấu tạo bởi bộ nhơn [イ: người] và chữ nhị [二: hai] chỉ sự đối đãi giữa người với người bằng tình người muôn thuở, nên đức Khổng Tử kết luận: Nhân giả, nhơn dã” [1]: người có đức Nhân mới xứng đáng là người vậy.
Lòng trắc ẩn là đầu mối của đức Nhân. Trắc ẩn là một thuật ngữ biểu thị sự bất nhẫn trước những cảnh ngộ bất hạnh, nguy nan của người khác, sanh lòng buồn thương và đồng cảm với họ. Lòng trắt ẩn đạt đến cao độ sẽ phát sinh lòng nhân ái. Do thiếu lòng nhân nên người ta không ngần ngại tranh cạnh nhau, tác hại nhau bằng nhiều phương cách, gây bao khổ lụy cho người khác chỉ với mục mục đích mưu lợi cho mình trên các mặt danh, lợi, tình, quyền, tạo ra các đợt sống ngầm làm xoáy mòn tình yêu thương chân thật với nhau, để phải hiện ra bên ngoài những tình cảm giả tạo lọc lừa, khiến cho bộ mặt gia đình và xã hội như sáng tươi chiều héo. Người tu theo đường lối Nhơn Đạo là bắt đầu từ nỗi khổ của sự vô nhân mà quay lại bến bờ nhân ái, nơi chỉ có tình yêu thương và an lạc. Người nương theo giới răn không sát sanh hại vật thì chuyện sát phạt, hãm hại cũng không thể có. Bởi mang thân làm người đi trên muôn nẻo ngược xuôi cùa đường trần đầy gió bụi thì làm sao tránh khỏi những hạt bụi li ti bay bám vào chân tơ kẻ tóc. Đâu phải chỉ “không sát sanh hại vật và không giết chết, hoặc đánh đập làm cho đau đớn rên xiết” là xong, đôi khi có những ý nghĩ, lời nói làm cho người khác đau đớn, rên xiết, thậm chí muốn chết đi mà ta không thấy, vì không cảm nhận được ta trong người và người trong ta. Cho nên người có đức Nhân, ngoài việc thể hiện từ tâm cứu khó trợ nghèo, trong sinh họat làm ăn của mình đều phải xuất phát từ tâm lương thiện, không vì lợi nhiều mà sản xuất hay mua bán hàng giả cho người tiêu dùng, khiến họ phải tiền mất tật mang.
2.b.Nghĩa: Chữ Nghĩa [義] được cấu tạo bởi chữ dương (羊=tường: điềm tốt) và chữ ngã [我]: tôi], ý nói người đặt sự tốt đẹp lên trên mình, xem trọng lợi ích của người khác hơn lợi ích của mình là người có nghĩa: Đức Khổng Tử nói: Nghĩa giả nghi dã [2]: Nghĩa là hòa thuận vậy.
Lòng hổ thẹn là đầu mối của đức Nghĩa. Xấu hổ là xấu hổ về điều không tốt của mình và ghét bỏ người xấu. Lòng hổ thẹn còn là chuẩn mực của công lý và nguyên tắc đạo đức, và biết hổ thẹn cũng gần với đức Dũng như lời Đức Khổng Tử : Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã [3]: nhìn thấy việc chính nghĩa mà không dám làm, là không có dũng khí.
_____________________________
Do giàu lòng vị kỷ, tham lam mà nghèo nàn đức Nghĩa, nên người ta mới nảy sanh thù hận, oán ghét lẫn nhau làm cho mối bất hòa giữa những người trong gia đình và xã hội. Mối bất hòa càng nẩy nở báo nhiêu thì sự bình an càng bị phá vỡ bấy nhiêu. Cho nên, chỉ có đức Nghĩa mới hóa giải sự hung hàn và cường bạo, khiến cho những cuộc đời liên hệ luôn vui vẻ vì tình cảm giao hảo có thủy có chung mà không khổ sầu vì sự bội bạc lọc lừa. Người có đức Nghĩa thường xem nhẹ cái “ta” để hòa hợp cùng người khác làm nên nhừng điều tốt đẹp, không phụ bốn đại ân: ân trời đất, ân tổ quốc, ân tổ tiên cha mẹ và ân đồng bào chủng tộc.
3.b.Lễ: Chữ Lễ [禮] được cấu tạo bởi chữ kỳ [礻:Thần đất] và chữ phong [豊: tốt tươi, thịnh vượng] ám chỉ sắc thái tốt đẹp của sự tôn kính. Kinh Lễ viết: “Đừng bất kính thì dung mạo sẽ nghiêm cẩn, lời nói sẽ an định, như thế đủ để an dân rồi!” [1].
Lòng từ nhượng là đầu mối của Lễ. Từ nhượng là khiêm nhượng, hạ mình. Bất cứ tầng lớp nào trong xã hội cũng cần có Lễ và được đối xử theo Lễ. Nho giáo chú trọng điều Lễ để rèn nhân cách con người, nhân cách trở nên tốt đẹp thì cuộc đời không còn sầu héo khổ đau nữa mà trở nên vui tươi hạnh phúc.
4.b.Trí: Chữ Trí [智] cấu tạo bởi chữ tri [知] và chữ nhật [日], hàm ý sự hiểu biết sáng tỏ như ánh mặt trời, nên mới gọi là Đức Trí có nghĩa là sự thông minh, hiểu biết theo ánh sáng đạo lý.
Tâm thị phi (phải, quấy ) là đầu mối của Trí. Thị phi là phân biện phải quấy, lành dữ, tốt xấu. Cái nhìn của Trí về kẻ làm việc xấu ác, là do vọng tình bên trong, do ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài hoặc do vật chất cám dỗ nên lý trí bị mờ đi, không còn là Đức Trí nữa. Sở dĩ gọi là Đức Trí vì nó không theo định nghĩa thông thường là trí óc chỉ chức năng tư duy, mà cái Trí nầy được tôi luyện trong lò đạo đức nên mới gọi là Đức Trí.
Đức Trí là sự hiểu biết sáng suốt như đường đi ban ngày, chỗ nào bằng phẳng hay gập ghềnh ta đều nhận biết để tránh vấp ngả. Nhờ đức trí mà ta cảm hóa được người xấu trở về nẻo thiện mà không bị họ lôi kéo theo đường ác. Nhờ có đức trí nên mọi rắc rối xảy ra giữa những người liên hệ, đều tự xử với nhau ổn thỏa, tránh việc kiện thưa quan sự. Nhờ có đức trí nên ta biết được mình, được người để cư xử thấu tình đạt lý. Nhờ đức trí nên ta giữ vững được lập trường tu Tiên, không bị mê hoặc bởi tà thần ngoại đạo.
5.b.Tín: Chữ Tín [信] cấu tạo theo lối hội ý, gồm bộ nhơn [イ:người] và chữ ngôn [言:lời nói] chỉ cho lời nói và hành vi của người nói phải hiệp nhất. Tín là sự thành thật, lòng thành thật. Sách Luận Ngữ viết: Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã[2].: người mà không có Đức Tín thì không hiểu sao làm nên việc được
_________________________
Do thiếu Đức Tín, nên người ta mới phát sanh nhiều nỗi khổ đau vì sự ngược ngang, gian trá; vì sự bội bạc của tình đời đổi trắng thay đen. Hệ quả của thất tín cũng gây ra nhiều thảm cảnh: con cái bơ vơ vì cha mẹ lỗi đạo tào khang; nhiều người bị tổn hại sức khỏe và tiền bạc vì mua phải hàng gian hàng giả; bị tán gia bại sản vì hụi hè hoặc vay nợ lãi cao; biết bao thanh niên nam nữ tan nát cuộc đời vì lời mật ngọt của kẻ buôn người; biết bao sự rạn nứt phu thê hay tình cảm bạn bè bởi lời đâm thọc hai đầu. Đức Khổng Tử cho đây là xảo ngôn loạn đức, lời nói trau chuốt giả dối chỉ làm rối loạn đạo đức mà thôi.
Để tạo một không gian sống tin cậy lẫn nhau, trước hết nên tạo niềm tin nơi chính mình, rồi mới gieo và đặt niềm tin ở người một cách sáng suốt bằng ngôn và hành đi đôi; ngôn kèm chữ Tín, hành kèm chữ Kính thì cuộc đời tất sẽ lạc quan đáng yêu hơn.
Tóm lại, Nhân là trung tâm của mỹ đức, là nguyên tắc đạo đức tối cao. Nghĩa là sức đẩy bên trong của Nhân, Lễ là bảo vệ vòng ngoài của Nghĩa, Trí là điều kiện nhận biết đạo đức, Tín thể hiện sự hợp nhất của Thiên Đạo và Nhơn Đạo. Nói cách khác,Tình thương và trung hậu là Nhân. Đại hiếu đại dũng là Nghĩa. Tu, tề, trì, bình là Lễ. Thi ân, tha thứ là Trí. Công bằng hợp lý là Tín.
Những gì trình bày trên đây thuộc về Phương thức Tùng Khổ của Nhơn Đạo, là hành trang cần thiết của người bắt đầu dấn thân lên đường Thiên Đạo. Cho nên giai đoạn Tùng Khổ phải là giai đoạn của hoa sen vừa vươn khỏi vũng bùn để từ từ xòe cánh tỏa hương cho một khoảng không gian ao tù nước đọng. Hòa lẫn vào ánh sáng của đời, chịu chung bụi băm của đời (hòa kỳ quang, đồng kỳ trần) để chuyển hóa mùi vị khổ đau ác trược thành hương thơm đạo đức.
B. PHƯƠNG THỨC THẮNG KHỔ CỦA THẦN ĐẠO:
1. Định nghĩa:
Chữ Thắng [勝] ở đây dùng như một động từ, có nghĩa là hơn, vượt trội hơn. Ví dụ: Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử [1]: chất phác trội hơn văn nhã là người quê mùa, văn nhã trội hơn chất phác là người chép sử, văn và chất đều nhau mới là người quân tử.. Thắng khổ [勝苦] là vượt qua những khó khăn, gian khổ của thời bỉ cực để đạt tới vận thái lai; thắng khổ cũng có nghĩa là dùng sức chế ngự, khuất phục gian khổ. Thần Đạo là bước thứ nhì của năm bước hành đạo, coi như vừa đứng đầu, vừa đứng giữa những khổ cảnh của thế gian đang bày ra trước mắt. Ở giai đoạn nầy dành cho hai bậc căn duyên khác nhau: người tín đồ còn ràng buộc phần nhơn đạo và người tín đồ lập nguyện thượng thừa tu cầu giải thoát.
2. Phương thức:
Phương thức hành đạo theo bậc phẩm này là Thắng khổ. Đường lối Thắng khổ của Thần là vượt qua khó khăn để thực hành giai đoạn nâng chất từ Nhơn phẩm lên Thần phẩm. Mở đầu bài xưng tụng ngày Vía của Đức Khương Thái Công:
“Kiền thiền vọng bái Thái Công
Tử Nha Khương Thượng danh phong Tiên Thần”.
Như thế, trải qua mấy ngàn năm, Đức Khương Thái Công không còn là một vị tán Tiên nữa, mà chính là một vị Tiên cai quản ngôi Thần theo sự phó định của Đức Cao Đài để qui hướng những người vừa hoàn thành vai trò trung cang nghĩa khí siêu xuất linh hồn nhập hàng Thần vị trong Bát Quái Đài, đồng thời lãnh sắc Phong Thần trong Kỳ Ba Đại Xá. Phương thức lập thân hành đạo định quốc an dân giúp nhà Chu dựng nghiệp của Đức Thái Công còn lưu lại trong quyển Thái Công Binh Pháp bằng sáu tiêu chuẩn đức hạnh mà đến nay vẫn ứng hợp mà Ngài được Thiên tôn Chưởng giáo ngôi Thần Đạo trong Cao Đài Giáo.
Sáu tiêu chuẩn đức hạnh cho người lập thân phụng đời, phụng sự đạo phải giữ gọi là lục thủ [六守]: Nhân, Nghĩa, Trung, Tín, Dũng và Mưu [2].
a. Nhân:
Nhân [仁] là nhân ái. Đối với nhơn sanh đại chúng thì thương yêu đoàn kết; với thân tộc thì hảo hợp thuận hòa. Thực hành từ thiện, kính già yêu trẻ, chăm nom đến những người yếu thế, cô quả; tương thân tương trợ lẫn nhau. “Trời có thời vận bốn mùa thay đổi qua lại, Đất có lợi tài sản vật, nếu hay cùng với Người chung sử dụng thì đó là Nhân vậy. Thiên hạ đều qui về tại chỗ Nhân”[3].
b. Nghĩa:
Nghĩa [義] ở đây được hiểu là chính nghĩa, là đạo lý chính đáng, hàm ý cả công bằng và công lý. “Làm nên cho người, giúp người nên đạo” là chánh nghĩa. Nâng đỡ những người bị ngược đãi; an ủi, hóa giải những nỗi oan khuất của người là chánh nghĩa. Không vì quyền lợi hay danh vọng cá nhân mà chèn ép đồng môn làm mất đạo tình là chánh nghĩa. Những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình cũng đừng làm cho kẻ khác [4] là chánh nghĩa. Không vì tư tâm, vọng ý mà có hành vi làm đảo lộn kỷ cương, vô hiệu hóa qui điều giới luật cũng là chánh nghĩa.
c. Trung:
Trung [忠] là trung thực thẳng thắng, không xu mỵ quyền môn, hạ khinh thượng trọng. Thấy việc lành việc phải đến là quyết định làm ngay, không chần
__________________________________
chừ mà tỏ ra hân hoan, quyết đoán. Lập trường tu hành theo Đại Đạo không bị lung lay bởi thế lực hay thần quyền nào. Giữ bản thân khoan nhu và an tĩnh; giữ tâm hồn vô tư không thiên lệch[1]; giao tiếp với người thì khiêm cung mà có lễ mạo; xử lý công việc thì cương nhu tương tế. Bởi “một người nếu có hai lòng, rốt cuộc tất suy bại. Triều đình nếu không có trung thần thì xã tắc tất lâm nguy”[2]. Cho nên lòng trung thực, ngay thẳng thắng tư dục thì đạo lý được xương minh; khiêm kính thắng được lờn dễ biếng nhác thì cơ đạo phát triển, bằng người lại thì nền đạo trệ ngưng, tinh thần suy bại.
d. Tín:
Tín [信] là thành tín, chân thật, không giả dối. Thành thật tin kính các Đấng thiêng liêng; thành thật tin tưởng lẫn nhau; giải quyết vấn đề khó khăn không che dấu sự thật; lời nói việc làm thường đi đôi. Thành thực là phép tắc của đạo trời, làm cho tới chỗ thành thực là đạo người [3]. Cho nên thành tín là mỹ đức trọng yếu trong sự tu dưỡng của đạo làm người.
e. Dũng:
Dũng [勇] là dũng cảm, mạnh dạn, có đảm lượng. Lòng dũng cảm của người tu là can đảm quán xét lỗi mình để trau sửa thân tâm: Biết nghe dư luận nhơn dân/ Để mà phục thiện thì thân vẹn toàn [4]. Mạnh dạn phê phán cái xấu của mình, không chỉ trích cái sai của người khác[5]. Những nghịch cảnh, hoạn nạn, thử thách đến với mình cũng không kinh tâm hoảng sợ; những thuận cảnh, may mắn, phúc phần đến với mình cũng không tự đắc mừng vui. Đó là cái dũng của người tu.
f . Mưu:
Mưu [謀] là mưu lược, toan tính, trù hoạch; lo liệu, mong cầu, cố gắng đạt được, như: Quân tử mưu đạo bất mưu thực: Người quân tử mong cầu đạt đạo,
không mong cầu hưởng bổng lộc[6]. Mưu lược của người tu là lo liệu làm sao cho nhơn sanh được an vui cả về thể xác lẫn tinh thần; dùng huệ trí để trù tính phương hướng phát triển nền đạo, lợi lạc quần sanh, chớ không dùng trí mưu gian xảo để cầu lấy lợi ích cá nhân, làm tổn thương danh Thầy danh Đạo.
Tóm lại, nhân, nghĩa, trung, tín, dũng, mưu là sáu phương thức hành đạo của Thần Đạo để hoàn thành bước Thắng Khổ. Ở vai trò của người tín đồ nhập thế, hoàn thành bước nầy, ngày chung cuộc sẽ chứng đắc vị Thần nơi cõi thiêng liêng.
______________________________________________
Ở vai trò của người tu sĩ lập thân hành đạo, hoàn thành bước nầy, ngày chung cuộc sẽ chứng đắc Thánh vị, bởi chặng đường Thắng Khổ và Thọ Khổ vừa tiếp giáp nhau vừa liên quan nhau. Đức Chí Tôn dạy:
Đài vân quan võ để phong Thần,
Còn của Thầy đây để nhắc cân;
Muôn đức ngàn lần không sót một,
Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần[1].
C. PHƯƠNG THỨC THỌ KHỔ CỦA THÁNH ĐẠO
1. Định nghĩa:
Thọ = thụ [受]: nhận lấy, chịu lấy. Thọ Khổ [受苦]là nhận lấy khổ hạnh từ người khác trao cho hay nhận lấy sự khổ đau từ nghịch cảnh để giúp người khác vượt qua đau khổ. Như: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Cứu Thế phải chịu khổ hình và phục sinh sau ba ngày thọ tử”[2].
2. Phương thức:
Phương thức tu hành theo bậc Thánh được hàm chứa trong chữ Thọ Khổ, và muốn hoàn tất thánh hạnh nầy phải hội đủ các yếu tố:
a. Sự hy sinh và tình yêu thương:
Hy sinh là không kể quyền lợi và sinh mạng của mình, gạt bỏ cái tôi ích kỷ của mình để cứu giúp người khác hay phục vụ lý tưởng đạo đức. Đức Jésus từng đương đầu với khổ nạn, chống lại Satan và cái chết bi thảm của Ngài đã chứng minh cho sự hy sinh và tình yêu thương nhơn loại. “Con người đến không phải để người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ người ta và phó mình làm giá chuộc nhiều người [3]. Về tình yêu thương, Kinh Thánh dạy: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng
ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời”[3].
b. Sự công chính:
Công chính là công bằng và chính trực, chỉ những hành vi tương quan giữa người với người trong xã hội. Không vì danh lợi cá nhân mà gây cho người khác thiệt thòi về vật chất hay bị mất mát về danh dự. Không bẻ cong sự thật để che đậy nhược điểm hay tội lỗi của mình. Đức Chúa Jésus dạy: “Ta phán cùng các ngươi rằng, nếu sự công chính của các ngươi chẳng trỗi hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng” [4].
____________________________
[1] Thánh Ngôn HT q.1, TTTN 1964, tr.115.[2]“This what is written: The Messiah must suffer and must rise from death three days later”(Luke 24:46). [3] “like the Son of Man, who did not come to be served, but to serve and to give his life to redeem many people” (Matthew 20:28). [4] “Dear friends, let us love one another, for love comes from God. Everyone who loves has been born of God and knows God” (1 John 4:7, New International Version ). [4] “For I tell you that unless your righteousness surpasses that of the Pharisees and the teachers of the law, you will certainly not enter the kingdom of heaven” (Matthew 5: 20, New International Version)
b. Hạ mình và tha thứ:
Muốn tha thứ người phạm lỗi, trước hết phải hạ mình. Còn tính tự tôn, tự ái khó có thể tha thứ ai được. Phương diện khác, muốn cho người lầm lỗi phụcthiện, ta phải biết cảm thông, an ủi và tha thứ họ. Kinh Thánh dạy: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ mình, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” [1]. Và “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy”[2].
Tóm lại, phương thức hành đạo của Thánh Đạo là Thọ Khổ, nhận chịu sự hy sinh tư hữu cá nhân để phụng sự đời, phụng sự đạo bằng tình yêu thương, sự công chính và hạ mình tha thứ.
D.PHƯƠNG THỨC THOÁT KHỔ CỦA TIÊN ĐẠO
1. Định nghĩa:
Thoát [脫] là không bị gò bó, câu thúc, như: sái thoát [灑脫] tự do tự tại, siêu thoát [超脫] vượt ra khỏi ngoài vòng cương tỏa. Thoát khổ [脫苦] là vượt khỏi vòng khổ lụy.
2. Phương thức:
Phương thức Thoát Khổ của Tiên Đạo là thực hành vô vi chơn đạo, thân trong mọi vật mà tâm trên mọi vật; qui tam bửu, hiệp ngũ hành gọi là qui tam hợp ngũ bằng bốn yếu điểm:
a. Vô vi:
Vô vi [無為] là không làm. Đức Lão Tử viết: “Đạo thường không làm, nhưng không có gì là không làm” [3].Trời đất sanh vạn vật, tự nhiên sanh ra mà không chiếm hữu, làm lợi mọi người mà không trông cậy báo đáp; làm lớn mà không đứng đầu. Cho nên, người tu theo đạo vô vi, luôn sùng thượng Thiên đạo, tức giữa người và tự nhiên giới đều tuân theo đề xuất Đạo pháp tự nhiên[4]: Đạo bắt chước tự nhiên, là làm mọi việc lành đều không vì tư hữu riêng mình; không tính kể công trạng; không cầu lấy danh tiếng (vô kỷ, vô công, vô danh). Làm mà như không làm là hợp với Đạo.
b. Vô dục:
Vô dục [無慾] là không ham muốn những điều phàm tục. Đức Lão Tử dạy: Thường không tư dục mới thấy chỗ vi diệu của Đạo; thường có tư dục chỉ thấy chỗ
_____________________
chia lìa của Đạo[1]. Cho nên Đạo gia khuyên bỏ ham muốn; tiết chế dục vọng để đạt tới vô dục. Tâm bị trói buộc bởi dục vọng sẽ làm nô lệ cho dục vọng, dục vọng càng lớn thì áp lực tinh thần càng mạnh; dục vọng càng mạnh thì gông cùm càng nặng, hủ bại tâm linh, lương tri đọa lạc.
c. Qui tam bửu:
Qui Tam bửu [歸三寶] là gom ba món báu trong thân người: Tinh, Khí, Thần lại một chỗ, gọi là kết đơn. Tinh, khí, thần là nội tam bửu; tai, mắt, miệng là ngoại tam bửu. Người tu chơn, lấy Thiên tâm làm chủ, lấy Nguyên thần làm dụng, lấy Tam bửu làm nền; ngoại tam bửu không để lộ ra ngoài thì nội tam bửu tự hợp lại. Nội đơn cho rằng: “Trời giống như ta, ta giống như Trời”[2]. Thánh ngôn dạy: “Thầy là các con, các con là Thầy”. Tiên đơn chằng tìm cầu ở ngoài, thân người là đỉnh lư, Tinh Khí là dược vật, vận dụng Thần để nung luyện mới khiến cho tinh, khí, thần trong thân người ngưng tụ không tản lạc, kết thành Thánh đơn tức nội đơn. Đạo giáo dụng tinh, khí, thần tạo ra sinh mệnh gọi là “tam bửu”, hợp tất sinh, ly tất tử.
d. Hiệp ngũ hành:
Hiệp Ngũ Hành [合五行] là hợp năm nguyên tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ lại một chỗ, còn gọi là Ngũ Khí triều nguyên 五氣朝原(5 khí quay về chỗ gốc). Phế Kim (Canh Tân) thuộc hướng Tây, màu trắng, số 4; Can Mộc (Giáp Ất) thuộc hướng Đông, màu xanh, số 3; Thận Thủy (Nhâm Quí) thuộc hướng Bắc, màu đen, số 1; Tâm Hỏa (Bính Đinh) thuộc hướng Nam, màu đỏ, sồ 2; Tỳ Thổ (Mậu Kỷ) trung ương, màu vàng, số 5. Sách Tánh Mạng Khuê Chỉ viết:
“Nếu Thân bất động thì Tinh bền, và Thuỷ triều Nguyên.
Tâm bất động, thì Khí bền, và Hoả triều Nguyên.
Chân Tính mà tĩnh tịch, thì Hồn tang, và Mộc triều Nguyên.
Vọng tình mà trừ được thì phách sẽ ẩn phục, và Kim triều Nguyên.
Tứ đại an hoà thì Ý định mà Thổ sẽ triều Nguyên.
Đó là Ngũ Khí Triều Nguyên, đều qui tụ tại đỉnh đầu vậy”[*].
Tóm lại, phương thức Thoát Khổ của Tiên Đạo là dạy người tu phải thông suốt luật nhân quả cảm ứng để bồi bổ thiện hạnh, làm nền tảng cho sự tu luyện vô vi chơn đạo, siêu phàm nhập thánh, phản bổn hoàn nguyên.
___________________________________
E. PHƯƠNG THỨC GIẢI KHỔ CỦA PHẬT ĐẠO
1. Định nghĩa:
Giải [解] là tiêu trừ, làm cho hết; thoát khỏi. Giải khổ [解苦] là làm cho hết khổ. Phật giáo quan niệm đời là biển khổ bởi sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ và tử khổ gọi chung là tứ khổ. Trong Tứ Diệu Đế (hay Tứ Thánh Đế), diệu đế đầu tiên là Khổ đế, xem thế gian như là khổ hải.
2. Phương thức:
Do quan niệm vạn sự thế gian là khổ, nên Đức Thích Ca vì lòng từ bi, vạch ra phương thức Giải Khổ cho chúng sinh bằng cách thực hành Tam qui Ngũ giới, Tứ diệu đế và Bát Chánh Đạo.
a. Quy y Tam Bảo:
Quy y Tam Bảo [皈依三寶] là nương theo Phật, Pháp, Tăng; là khóa trình đầu tiên của Phật giáo; là biểu thị sự xác định mục tiêu tín ngưỡng của người đệ tử. Thế gian xem kim ngân, trân châu, mã não là vật báu, còn Đạo Phật xem Phật, Pháp, Tăng là báu vật của tuệ mạng; là tài bảo xuất thế gian.
1.a. Phật bảo[佛寶: Chỉ sự triệt ngộ chư pháp thực tướng; là vị giáo chủ hay chư Phật có khả năng giáo đạo mọi người.
2.a. Pháp bảo[法寶]: Chỉ những gì chư Phật giáo đạo chúng sinh, muốn cho chúng sinh thoát vòng khổ hải mà tuyên thuyết giáo pháp. Thường ngày xem kinh sách, tượng trưng cho Pháp Bảo còn tại thế để phụng hành kính ngưỡng.
3.a. Tăng bảo[僧寶]: Chỉ giáo đoàn tu học Phật pháp. Tăng lữ xuất gia đại biểu cho Tăng Bảo, được mọi người tôn trọng.
Tam Bảo có sáu loại hàm nghĩa: Thứ nhất, ý nghĩa hy hữu, chỉ trân bảo mà thế gian khó được. Thứ hai, chỉ Tam Bảo xa lìa hữu lậu pháp, quét sạch cáu bẩn, trả lại sự sáng trong. Thứ ba, chỉ Tam Bảo đầy đủ uy đức tự tại bất khả tư nghì. Thứ tư, chỉ sự trang nghiêm xuất thế gian của Tam Bảo. Thứ năm, chỉ Tam Bảo là pháp trung đạo tối thắng. Thứ sáu, chỉ Tam Bảo là pháp vô lậu, không phải thế gian pháp.
b. Ngũ giới:
Ngũ Giới [五戒] là năm điều răn cấm dành cho người nhập đạo, gồm: Sát giới, Đạo giới, Dâm giới, Tửu giới và Vọng ngữ giới.
c. Tứ diệu đế:
Tứ Diệu Đế [四妙諦] là bốn chân lý mầu nhiệm về kiếp sống của đời người thật sự là khổ, đó là khổ đế. Do nghiệp xấu trước đó đã gieo, như tham lam, giận dữ, ngu si, gom góp lại thành các nỗi khổ, đó là tập đế. Muốn cho khỏi khổ, cần phải đoạn diệt nhân xấu bởi tham, sân, si để không còn khổ nữa, đó là diệt đế. Muốn được tới cõi Niết bàn, cần phải tu thân hành đạo, đó là đạo đế. Bốn điều này luôn xảy ra trong thực tế nên gọi là tứ đế.
1.c. Khổ đế [苦諦]: Là khổ quả trong tam giới, khổ có tam khổ, bát khổ:
Tam khổ: 1) Khổ về cái khổ: chúng sinh đều thọ nhận sắc thân tứ đại là đất, nước, gió, lửa tạo thành; và sắc thân con người vốn có nhiều hoàn cảnh khổ não bức bách, nên nói thân là gốc mọi sự khổ; 2) Hoại khổ: hiện tại chúng ta sở thọ tất cả hoàn cảnh, bất luận khổ hay vui cũng đều là sinh diệt vô thường, hư ngụy không thực, như cảnh trong mộng, như quầng sáng ảo hóa giữa không trung. Vui không mấy chốc rồi trở lại sầu bi, luân chuyển theo dòng thành, trụ, hoại, không, nên gọi là hoại khổ; 3) Hành khổ: tức duyên thứ hai là Hành (trong thập nhị nhân duyên[*]) luôn ngấm ngầm biến đổi, từng sát-na sát-na, niệm niệm không ngừng nên gọi là hành khổ.
Bát khổ: 1) Sanh khổ: con người chào đời bằng tiếng khóc “khổ a! khổ a!” để rồi tiếp tục đi vào cuộc sống đầy khổ não; 2) Lão khổ: cái khổ trong tuổi già yếu; 3) Bệnh khổ: cái khổ vì mang nhiều bệnh trạng; 4) Tử khổ: cái khổ trong khi hấp hối đi vào cõi chết; 5) Ái biệt ly khổ: cái khổ vì thương nhau mà phải bị chia lìa; 6) Cầu bất đắc khổ: cái khổ vì cầu mà không được; 7) Oán tăng hội khổ: cái khổ vì người mình ghét mà phải gặp hằng ngày; 8) Ngũ ấm sí thạnh khổ: cái khổ về năm ấm hưng thạnh, năm ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đây nói về sự khổ của thân và tâm.
2.c. Tập đế [集諦]: Là nguyên nhân của sự khổ trong tam giới. Thu thập tất cả phiền não chướng thành nghiệp nhân, tùy theo nghiệp mà chịu cảm báo, do đó mới chiêu cảm tam khổ, bát khổ và vô lượng khổ quả. Cuộc đời giả tạm mà cho là trường cửu nên sanh sản nghiệp nhân. Cái thấy biết mê lầm tạo ra các loại phiền não như ngã kiến, ngã mạn và ngã ái…gọi là kiến hoặc. Như mắt thấy sắc thì suy nghĩ việc mê đắm sắc; tai nghe tiếng thì suy nghĩ say mê tiếng, không biết sắc với tiếng đều là hư vọng, thế gọi là tư hoặc. Dựa vào sự mê hoặc mà tạo nghiệp và tùy nghiệp mà thọ báo theo qui luật nhân quả luân hồi, đó gọi là tập đế.
3.c. Diệt đế [滅諦]: Là quả của xuất thế gian. Diệt là tịch diệt, là sở chứng Niết bàn của bậc A La Hán, đoạn trừ được mọi mê lầm của kiến tư phiền não; diệt trừ được cái khổ của phân đoạn sinh tử.
______________________________
[*]Thập nhị nhân duyên: 1.Vô minh: là phiền não của đời quá khứ vô thủy; 2.Hành: là nghiệp thiện ác gây ra dựa vào đời quá khứ; 3.Thức: một niệm nương vào nghiệp đời quá khứ mà chịu thụ thai vào đời hiện tại; 4.Danh sắc: là giai đoạn bào thai dần dần có hình tướng; 5.Lục xứ: là giai đoạn 6 căn đầy đủ sắp xuất thai; 6.Xúc: là giai đoạn khoảng 2, 3 tuổi, đối với sự vật chưa biết thế nào là sướng, khổ, mà chỉ muốn tiếp xúc với sự vật; 7.Thụ: thời kỳ từ 6, 7 tuổi trở đi, đối với sự vật đã biết phân biệt sướng khổ mà cảm thụ nó; 8.Ái: là giai đoạn từ 14, 15 tuổi trở đi, nảy sinh đủ thứ ái dục mạnh mẽ; 9.Thủ: là giai đoạn từ lúc trưởng thành về sau, ái dục càng thịnh, đuổi theo các cảnh để cầu lấy sở dục; 10:Hữu: là giai đoạn nương theo phiền não, ái thủ mà gây ra biết bao nhiêu nghiêp, quyết định cái quả tương lai; 11.Sinh: là địa vị nương vào cái nghiệp hiện tại mà thụ sinh ở đời sau; 12.Lão tử: địa vị lão tử ở đời sau nầy.(Từ điển Phật Học Hán Việt, nxb KHXH 2002)
4.c.Đạo đế [道諦]: Là nhân của xuất thế gian; là chân lý dẫn người tu đến Bát Chánh Đạo; là phương thức đạt tới con đường diệt khổ.
d. Bát chánh đạo:
Bát Chánh Đạo [八正道] còn gọi là tám nhánh chánh đạo hay bát thánh đạo; là phương thức và đường lối để người đạt tới cảnh giới Niết bàn tối cao, lý tưởng. Đức Phật nói, đây chính là Đạo diệt khổ thánh đế; là con đường thánh tám nhành: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. Bát chánh đạo là tổng hợp của 37 phẩm trợ đạo và là sự qui kết tối hậu vào giới, định, huệ.
1.d. Chánh kiến [正見]: Là thấy biết chơn chánh, chỉ sự tri kiến chính xác của trí tuệ về Phật lý. Ở Bát chánh đạo, nội dung chánh kiến là cơ sở tối cần cho đường tu trung đạo, không rơi vào tà kiến mê tín dị đoan hay nhận thức sai lầm về giáo pháp.
2.d. Chánh tư duy[正思惟]: Là suy nghĩ chơn chánh, chỉ sự tư duy chính xác, ý hướng chơn chánh; lấy trí huệ dẫn đạo về chân lý và suy niệm về đạo lý, bao gồm việc xuất ly tư duy (xa lìa nghiệp tham ái); vô khuể (diệt trừ sân nộ, sinh khởi từ bi tâm); vô hại (diệt trừ tàn nhẫn, sanh khởi từ bi tâm). Đặc biệt ly khai khỏi sự ngộ nhận tà tư; ly khai khỏi tà vọng mê lầm để theo qui tắc tư duy thuần chơn của trí huệ.
3.d. Chánh ngữ [正語]: Là lời nói chơn chánh, chỉ lời nói thuần chơn tịnh thiện, hợp đạo lý. Không nói lời dối trá (vọng ngữ); không nói lời kiêu ngạo, vô lễ (mạn ngữ); không nói lời xấu xa (ác ngữ); không nói lời xỏ xiên, ngang ngược (ỷ ngữ); không nói lời trêu cợt (hí ngữ). Đặc trưng của chánh ngữ là lời nói hợp thời, chân thực, nhu hòa, hữu ích và từ ái.
4.d. Chánh nghiệp [正業]: Là gìn giữ tam nghiệp thân, khẩu, ý cho chơn chánh, không sát sanh, đạo tặc, tà dâm, tửu nhục, vọng ngữ. Tránh xa mọi điều ác, làm tất cả việc lành.
5.d. Chánh mạng [正命]: Là làm ăn mưu sinh chơn chánh, không làm những nghề nghiệp bất lương (tà mạng) để nuôi sống thân mạng mình.
6.d. Chánh tinh tấn [正精進]: Là nỗ lực chơn chánh, khử ác tùng lương, tự giác phấn đấu; ác tâm chưa sanh thì đừng sanh, đã sanh thì phải đoạn trừ; chưa sanh thiện tâm thì nên sanh khởi, đã sanh thiện tâm thì kíp mau hoàn thiện.
7.d. Chánh niệm [正念]: Là ý niệm, quán niệm chơn chánh; là nguồn năng lượng quán chiếu của thiền định. Chỉ giai đoạn thấm nhuần Phật pháp, bắt đầu ly khai vọng tưởng, tiến đến tư duy tu hành chánh pháp.
8.d. Chánh định [正定]:Là thiền định chơn chánh, chỉ giai đoạn thân tâm tịch tĩnh, quyết định bất nghi, thường trụ chân không, tinh tiến thiền pháp và tu chứng thiền định.
Tóm lại, phương thức Giải Khổ của Phật đạo xuất phát ở đức từ bi, chỉ rõ đường lối cho chúng sanh tu hành theo Giới, Định, Huệ gọi là tam vô lậu học, bao gồm cả Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Đức Phật nói: “ Nước trong bốn biển chỉ có một vị, ấy là vị mặn. Cũng như thế, giáo pháp của Ta tuy có muôn ngàn phương tiện pháp môn, nhưng duy nhất chỉ có một vị, đó là hương vị giải thoát”.
III. KẾT LUẬN
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã dạy tổng hợp những tinh túy giáo lý của Tam giáo Ngũ chi mà lập thành nền tảng giáo lý Đại Đạo, ứng hợp giữa giáo nghi và giáo lý. Giáo nghi trên Thiên bàn tính từ trên xuống là Phật, Tiên, Thánh, Thần, Hiền; giáo lý là năm phương thức, năm đường lối hay năm bước hành đạo của Ngũ Chi: Tùng Khổ của Nhơn đạo (Hiền), Thắng Khổ của Thần đạo, Thọ Khổ của Thánh đạo, Thoát Khổ của Tiên đạo và Giải Khổ của Phật đạo.
Năm phương thức nầy cũng nằm trong tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là kim chỉ nam cho người tín hữu Cao Đài hướng tới mục tiêu cuối cùng là cơ tuyệt khổ trên bình diện thể xác và linh hồn. Cho nên đòi hỏi chúng ta phải tu cùng một lúc với cả năm phương thức tùy theo thời gian ứng xử và không gian sự kiện để hoàn hiện lộ trình phước huệ song tu hay Thế đạo đại đồng và Thiên đạo giải thoát.
Thế đạo đại đồng gồm những bước tùng khổ, thắng khổ và thọ khổ. Hòa đồng trong thế tục để đem an lạc đến cho đời bằng đạo lý nhân luân và nhân, nghĩa, lễ ,trí, tín. Vì đời không đạo như chiếc thuyền không lái mãi chông chênh giữa trùng khơi biển cả, luôn bất an trong nỗi khổ sầu, lo âu và sợ hãi, chỉ có tinh thần dũng cảm thắng được giặc lòng mới có sự hy sinh kèm theo tình yêu thương chúng sinh chân thật.
Thiên đạo giải thoát gồm những bước thoát khổ và giải khổ. Muốn cứu khổ tha nhân trước tiên phải tự cứu mình, tự cứu mình bằng công phu luyện kỷ, vượt khỏi những hàng rào ma chướng bởi lục dục, thất tình; xa lìa những nhân duyên phiền não bởi tham, sân, si, mạn.
Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã đến chung cùng các con, các con duy có tu mới đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh con phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi”[*]. Cho nên tu hành theo năm phương thức của Ngũ Chi là điều kiện tiên quyết của người sứ mạng thế Thiên hành hóa, phổ độ nhơn sanh, hoằng khai Đại Đạo./-
THANH CĂN BIÊN SOẠN
________________________
[*]Thánh Ngôn HT q.1 TTTN 1964, tr.33