NHẠC LỄ ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN VÀO SỰ ĐA DẠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (TCCĐ/Văn hóa-Tôn giáo)

Gửi ngày 27/09/2014
NHẠC LỄ ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN VÀO SỰ ĐA DẠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (TCCĐ/Văn hóa-Tôn giáo)
NHẠC LỄ ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN VÀO SỰ ĐA DẠNG
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
 
       Hiến Pháp LỮ VĂN CHÂU
        Ủy viên Ban Thường trực
  Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo
                 Tổng Biên tập Tạp chí Cao Đài
 
I. PHẦN DẪN NHẠC
Việt Nam có khoảng 7.300 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc khác nhau nằm trải dài ở 63 tỉnh,thành phố đã chứng minh Việt Nam có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Đây là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cũng là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong tiến trình kiến quốc và vệ quốc của nhân dân Việt Nam.
Tìm hiểu di sản văn hóa trong đa dạng tôn giáo ở Việt Nam thông qua nhạc lễ Đạo Cao Đài với hy vọng góp phần làm phong phú cho hội nghị nầy. Di sản văn hóa Việt Nam quả rất phong phú, gồm có di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể; trong đó có di sản là tôn giáo, trong tôn giáo có di sản văn hóa của Đạo Cao Đài. Phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu vào di sản văn hóa phi vật thể thông qua nhạc lễ của Đạo Cao Đài.
Tại Việt Nam, hiện đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới; trong đó có 3 di sản có liên quan đến lễ nhạc như: Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Quan Họ, Ca trù.
1. Nhạc lễ thời khai minh Đạo Cao Đài
Ngày 15/10/ Bính Dần (1926), Đạo Cao Đài chính thức khai minh tại Việt Nam. Phần nghi thức dâng lễ được ơn trên Đức Chí Tôn và chư Phật, Tiên, Thánh, Thần chỉ dạy cách dùng nhạc lễ để cúng tế so với các tôn giáo quả là rất mới, rất đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Từ góc nhìn di sản văn hóa thì các bài kinh được dùng bằng chữ quốc ngữ, khi cúng đàn có phần nhạc hòa theo từng giọng xuân, giọng ai, giọng thài, ... Đức Cao Đài dạy Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tiếp nhận tinh túy của Tam giáo cộng với Tân pháp của Đại Đạo. Phần xây dựng Đền thờ cũng kết hợp kiến trúc của nền văn minh Âu Á, tạo nên một công trình văn hóa vật thể phong phú, đa dạng trong nền kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam.
2. Nhạc lễ của Đạo Cao Đài ngày nay
Nhạc lễ của đạo Cao Đài cho thấy có tiếp nhận nhạc lễ của Nam Bộ cộng với sự sáng tạo từ sự chỉ dạy của Đức Cao Đài. Căn cứ vào nghi tiết cúng đàn cho thấy các bài đờn, cách đi lễ sắp đặt vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại. Khi nói về điều nầy, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê có kể lại: “Ngày 11 tháng 10 dương lịch năm 1996 là một ngày tôi sẽ ghi nhớ mãi trong đời, cơ duyên hạnh ngộ với các chức sắc và đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Từ Vân, đã đưa tôi về dĩ vãng lúc tôi mới được dượng Năm tôi Phối sư Thái Tòng Thanh, khai tâm để hiểu đôi điều về Đạo Cao Đài, nhớ lại thời kỳ tôi còn là học sinh của thầy Nguyễn Văn Ngợi và thầy Trần Văn Quế, cho tôi có dịp hội ngộ với những người bạn chí thân của tôi trong lĩnh vực âm nhạc và kịch nghệ. Anh Nguyễn Vĩnh Bảo và cô Bảy Phùng Há để chúng tôi cùng đem tiếng đàn, điệu hát minh họa những lời giải thích về các hơi, các điệu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam để cho các bạn yêu nhạc, các bạn trẻ của thế hệ mai sau hiểu thêm nguồn gốc của các hơi dùng trong cách đọc kinh Cao Đài thấy rõ rằng lễ nhạc dùng trong Đạo Cao Đài rất đậm màu sắc dân tộc Việt Nam. Bản sắc dân tộc đó không phải chúng ta muốn mà được. Tôi xin chắp tay hoa tạ ơn trên đã cho tôi sống những phút tuyệt vời ngày 11 tháng 10 năm 1996 vừa qua” (Dẫn theo một góc nhìn Văn hóa Cao Đài của Huệ Khải trang 89,90).
Nhạc sĩ Lê Thương có một kỷ niệm với Đạo Cao Đài trong quá trình sáng tác Hòn Vọng Phu II, tức Ai Xuôi Vạn Lý lúc đang ăn gửi nằm nhờ trong gia đình Đạo Cao Đài ... tôi cũng xin nói thêm về âm giai trong bài Ai Xuôi Vạn Lý nầy có âm hưởng kinh Cao Đài mà trong thời gian tôi tá túc gia đình ông Đầu Tộc Cao Đài, sớm tối, nghe giọng tụng kinh và lời thuyết giáo (...) đã thắm vào tôi lúc nào không hay. Đến khi tìm giai điệu thể hiện Ai Xuôi Vạn Lý thì âm hưởng trầm bỗng của hơi nhạc lễ trong kinh Cao Đài đã lồng vào đoạn nhạc mở đầu (Introduction) một giai điệu trầm bỗng buồn buồn: phá rê, rê, phà phá. Phá rê, Rô Đồ Rê Phá là (...) Rề, Pha xôn là phá, Xôn Rề. Rồi lời ca và tiết điệu như âm hưởng những lời rao giảng: Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Có đám cây trên đồi, sống trong, trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ. Cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già. Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa. Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa? (Dẫn theo Huệ Khải như Sđd)
Qua lời tự sự của Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê và nhạc sĩ Lê Thương đã cho thấy nhạc lễ Cao Đài có tiếp nhận một phần nhạc lễ của dân tộc Việt ở Nam Bộ. Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn dạy dùng lễ nhạc để tổ chức cúng đàn khi. Ngay từ buổi ban sơ Đức Chí Tôn dạy các môn đệ dâng lễ theo Tân pháp Cao Đài. Sắp đặt lễ nhạc hòa với đồng nhi khi đọc kinh hoặc thài có sự giao hòa linh diệu, có giọng xuân, giọng ai tùy theo bài kinh đã chứng minh ở đây có sự sáng tạo. Cụ thể trống khai đàn không đánh Bát Nhã mà đánh Ngọc Hoàng Sấm. Quý anh lớn Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, Bảo văn pháp quân Cao Quỳnh Diêu là người am tường âm luật, có công khôi phục lại nhạc cung đình kết hợp với các bản nhạc lễ của Nam Bộ thành ra nhạc Cao Đài gọi là nhạc Thánh đường gồm có 7 bài: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc
1. Xàng xê: Đưa qua trộn lại, diễn tả thời kỳ hỗn độn sơ khai
2. Ngũ đối thượng: Năm khí (ngũ hành) thanh nhẹ thăng lên làm trời
3. Ngũ đối hạ: Năm khí (ngũ hành) trọng trược giáng xuống làm đất
4. Long đăng: Rồng bay lên, tượng trưng khí dương
5. Long ngâm: Rồng bay xuống, tượng trưng khí âm
6. Vạn giá: Muôn sự vạn vật đã định hình
7. Tiểu khúc: Nhỏ và vụn vặt, các sự tế vi cũng đã có tên
Nhạc cụ dùng để đánh các bài trên là nhạc cụ truyền thống của người Việt như: đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, trống, kèn, .... Nhận xét về âm nhạc Cao Đài, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê cho rằng:
“Nhạc trong Đạo Cao Đài đều xuất phát từ nhạc dân gian Việt Nam, từ truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa đến, không phải từ nước ngoài tới mà từ dân gian ... Âm nhạc trong Đạo Cao Đài là âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam, không phải miền Trung hay miền Bắc tức là âm nhạc Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian miền Nam một cách rõ ràng ...”
Đánh giá về quan hệ của lễ nhạc được dùng trong Đạo Cao Đài căn cứ vào lời dạy của Đức Cao Đài cho thấy việc dùng lễ nhạc trong Đạo Cao Đài có một sắc thái rất thiêng liêng. Mỗi khi thiết đàn dâng lễ Thầy dạy rất chi tiết cho mỗi đàn.
II. Ý NGHĨA CỦA NHẠC LỄ CAO ĐÀI
Đức Cao Đài dạy: “ĐẠO THÀNH NHỜ LỄ”. Vì vậy, việc hành các lễ luôn có nhạc kèm theo. Sự phối hợp nhịp nhàng nầy đã biểu thị sự linh diệu trang nghiêm khi dâng lễ. Nhạc hòa với lễ làm cho thể đạo được hiển lộ trước cuộc đời. Nhân dân tiếp nhận, gìn giữ, trì hành cách dâng lễ nầy suốt 88 năm qua ngày càng mở rộng, phát triển từ Nam ra Bắc và theo thời gian phổ hóa trên khắp các châu lục có người Đạo Cao Đài định cư. Thánh nhân xưa dùng lễ phép để giao lưu, để giáo dục con người sống theo nhân nghĩa đạo đức. Dùng lễ để hạn chế lòng người trong khuôn khổ hòa kính, lễ giúp con người biết kính trên nhường dưới, lễ tiết chế tình dục không cho phóng túng, giúp cho đời giữ được thuần phong mỹ tục, lễ định ngôi thứ về cách ăn mặc cho có trật tự trong xã hội, tạo được sự hòa ái, thiện cảm với nhau, tránh xa được tội lỗi nên con người không thể sống thiếu lễ.
Sinh thời Đức Khổng Tử rất sở mộ lễ nhạc. Ngài hỏi lễ với Đức Lão Tử, học nhạc với Trành Hoằng, Sư Nhương. Buổi Đại Đạo khai minh, Đức Chí Tôn xem lễ nhạc là yếu chỉ trên đường hành đạo và truyền đạo. Tân pháp Cao Đài được xương minh ở lễ nhạc. Lễ nhạc có quan hệ mật thiết với lý đạo, rèn luyện nhân cách đạo đức, giữ thuần phong mỹ tục, lễ phân ra trật tự khác nhau cho vạn vật có thứ tự phân minh, nhạc dạy hợp cho điều hòa làm một. Kinh nhạc dạy rõ: “Nhạc giã âm thanh chi dã”, Nhạc do nơi âm thanh mà sinh ra, âm khối phát ra tự lòng người, lòng người cảm ngoại vật mà động tức nhiên thành cung bậc cao thấp gọi là âm. Âm mới chia ra làm 5 bậc: Cung-Thương-Giốc-Chủy-Vũ. Nhạc với lòng người cảm hóa với nhau, khiến cho lòng người theo tiếng nhạc mà biến đổi. Con người khi thấy ngoại cảnh đau đớn xót xa thì lòng buồn, thấy ngoại cảnh tốt lành thì lòng vui. Xem tiếng nhạc mà biết thịnh suy của xã hội. Người xưa dùng nhạc để cảm hóa lòng người, để cải hóa, biến đổi cho kẻ dữ trở nên hiền, kẻ ác thành người lương thiện. Đức Cao Đài dạy lập lễ nhạc vì lễ nhạc có tác dụng mạnh mẽ về đường đạo đức, mà dùng nhạc để dạy người. Nhạc đời thạnh trị thì nghe hòa đồng êm tịnh, vui vẻ. Còn âm nhạc đời loạn thì nghe hơi oán giận tức tối, âm nhạc lúc mất nước thì nghe bi ai sầu thảm, tiếng nhạc khi độc lập tự do thì nghe hân hoan phấn chấn tư tưởng. Thầy dạy dùng nhạc lễ phải khiến lòng người đồng vui, đồng thương nhưng vui thương vẫn lấy điều hòa làm chủ. Đức Khổng Tử dạy: “Lạc như bất dâm, ai như bất thương” nghĩa là: vui mà chẳng dâm loạn, thương yêu hoài cảm mà không hại đến danh thể. Nhạc là để điều hòa tánh tình nhơn sanh, dầu nói thế nào cũng  không mất lẽ điều hòa. Chữ hòa là cốt yếu cho thích hợp nhơn tâm con người. Chung qui lễ nhạc có ý sửa thế đạo nhơn tâm cho ngay chính, bồi dưỡng tình cảm cho trọng hậu nhưng lễ và nhạc cũng có mục đích riêng.
Lễ là cốt yếu của sự cung kính để giữ trật tự cho phân minh. Nhạc cốt ở sự điều hòa, nhạc khiến cho tâm tình được tao nhã, đôi bên dung hòa nhau thì mới hoàn toàn mọi sự. Vì vậy nên lễ phải có nhạc. Nhạc làm cho hiệp đồng, lễ làm cho phân biệt, hiệp đồng thì tương thân nhau, lễ làm cho phân biệt thì tương kính, nếu dùng nhạc quá thì thành ra lưu đãng, còn dùng lễ quá thì phân ly cách biệt mất tình thân ái nhau, trang sức dung mạo là sở Lễ nhạc có sức cảm hóa rất mạnh mẽ chủ yếu là làm cho trong hòa ngoài thuận. Nhạc là cực hòa, lễ là cực thuận. Hòa là điều hòa tánh tình, thuận là thuận hợp nghĩa lý ... Chánh thể đạo theo sự sắp đặt lễ nhạc mà thành. Các nhà nghiên cứu về ý nghĩa lễ nhạc trong văn minh phương Đông có nhận xét rất tinh tế. Các vị cho là nhạc có thể hiện hai nghĩa rộng hẹp. Hiểu theo nghĩa hẹp là đàn ca nhã nhạc. Hiểu theo nghĩa rộng thì nhạc có phạm vi hết sức mênh mông, bát ngát bao gồm câu hò, tiếng hát từ phong trào đồng dao dân ca, dân nhạc cho đến những cung đàn, khúc nhạc, khúc hát điêu luyện cho đến những màn đại nhạc vũ, đại hòa tấu. Rồi tiếng đàn trong truyện Bá Nha-Tử Kỳ, tiếng đàn Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, tiếng đàn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Gần đây có nhiều công trình nghiên cứu về nhạc lễ Cao Đài đã góp phần làm cho ý nghĩa lễ nhạc thêm phần phong phú trong vốn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.
III. KẾT LUẬN
Tìm hiểu di sản văn hóa trong đa tôn giáo, trong đó có Đạo Cao Đài nhất là ý nghĩa lễ nhạc; người viết nghĩ vì thời gian có hạn nên chỉ đi sâu một khía cạnh là lễ nhạc. Đạo Cao Đài sáng tạo ra văn hoá tinh thần riêng của tôn giáo. Kinh, lễ nhạc của Đạo Cao Đài mang âm hưởng của văn hóa dân gian Nam Bộ với điệu nam xuân, nam ai, thể thơ song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,... Khi hành lễ người Đạo Cao Đài luôn có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị,… để thể hiện giai điệu dân tộc và ban đồng nhi đọc kinh. Thực ra tôn giáo Cao Đài với tôn chỉ “Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ chi” có ý nghĩa kế thừa những tinh hoa, những giá trị của các tôn giáo xưa nay. Di sản văn hóa của Đạo Cao Đài có giá trị rất đặc biệt được sáng tạo suốt chiều dài gần một thế kỷ với hàng triệu người gìn giữ, cần sớm được nghiên cứu để giữ gìn, bảo tồn, phát huy là yêu cầu cấp thiết để phát triển di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại./.