Văn hóa Cao Đài kế thừa và phát huy Văn hóa đạo đức dân tộc (TCCĐ/Văn hóa-Tôn giáo)

Gửi ngày 11/09/2014
Văn hóa Cao Đài kế thừa và phát huy Văn hóa đạo đức dân tộc (TCCĐ/Văn hóa-Tôn giáo)
Văn hóa Cao Đài kế thừa và phát huy
văn hóa đạo đức dân tộc

Diệu Nguyên(*)

Ngày 23-8 Giáp Ngọ, như lệ hằng năm, Nam Thành Thánh Thất trân trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày Khai Tịch Đạo 23-8 Bính Dần 1926, là ngày 247 vị trong số các môn đệ Cao Đài đầu tiên đã ký tên vào tờ Khai Đạo, chính thức công khai hóa hoạt động phổ độ của nền tôn giáo mới trước chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Thế là đã 88 năm trôi qua kể từ khi đạo Cao Đài- một nền tôn giáo dân tộc- được khai sinh trên mảnh đất miền Nam nước Việt, một vùng đất hội tụ nhiều yếu tố văn hóa thuận lợi để hạt giống Cao Đài dễ dàng nẩy mầm, đâm tược và phát triển thành cây lá sum sê như lời Đức Chí Tôn Thượng Đế đã dạy:
Chính mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng,
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Nâng cành, sửa lá, pháp hòa tăng.
Thật vậy, ngược dòng lịch sử, trở về với bối cảnh xã hội vùng đất phương Nam nước Việt vào những năm đầu của thế kỷ XX, thời điểm chuẩn bị cho sự ra đời của đạo Cao Đài, chúng ta thấy rằng đây là một vùng đất tập hợp nhiều dân tộc khác nhau từ các nơi về đây khai hoang lập ấp mưu sinh. Môi trường thiên nhiên khắc nghiệt thuở ban đầu đã khiến cho những con người nơi đây, cho dù khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán… vẫn thắt chặt mối tình đoàn kết tương thân tương trợ lẫn nhau trong đời sống. Do đó, người dân Nam kỳ thường có tính hiếu khách, bao dung, nhân ái, hào sảng và trọng nghĩa khinh tài. Ngoài ra, nhờ ở vào vị trí trung tâm của Đông Nam Á với hệ thống kênh rạch và sông ngòi dày đặc đổ ra biển Đông và vịnh Thái Lan, thuận lợi cho việc giao lưu mua bán với các nước láng giềng trong khu vực mà Nam kỳ đã sớm trở thành nơi hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây bao gồm cả các nền tôn giáo và tín ngưỡng.
Vì thế mà tinh thần bao dung, hòa đồng tôn giáo là một đặc điểm văn hóa nổi bật của người dân Nam kỳ,  là điều kiện thuận lợi để nền đạo Cao Đài với tinh thần đại đồng và dung hòa tổng hợp nhanh chóng phát triển.
Tôn giáo Cao Đài có các đặc điểm như:
- Đấng Giáo chủ là Đức Chí Tôn Thượng Đế, hoàn toàn phù hợp với tín ngưỡng thờ Trời đã có từ lâu đời của người dân Việt.
- Hệ thống giáo lý, kinh kệ bằng chữ quốc ngữ với những vần thơ lục bát và song thất lục bát nhuần nhụy Việt Nam.
- Đạo phục của nam nữ tín đồ là trang phục áo dài truyền thống của dân tộc, lễ nhạc trong nghi thức cúng kính của đạo Cao Đài cũng là âm nhạc truyền thống dân gian miền Nam, cách tổ chức cuộc sống cộng đồng theo Tân Luật Cao Đài cũng rất gần gũi với văn hóa sống quần cư theo hình thức làng xã của người dân Việt, v.v…
Do đó, có thể nói rằng, đạo Cao Đài là một nền tôn giáo dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và trong chừng mức nào đó, đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức nước nhà.
Trước khi tìm hiểu về sự đóng góp của Cao Đài trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa đạo đức dân tộc, chúng ta cần thống nhất về một số khái niệm về văn hóa, văn hóa dân tộc và văn hóa đạo đức.
Về mặt ngữ nghĩa, văn có nghĩa là vẻ đẹp, hóa là biến chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Vậy, văn hóa có nghĩa là làm cho trở nên tốt đẹp.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Thái Bạch đã từng giảng giải về ý nghĩa của hai chữ văn hóa như sau:
“Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhơn loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ, chương cú, giáo dục.”
Xin được nhấn mạnh hai ý trong lời dạy của Đức Lý Giáo Tông, đó là: 1. Văn hóa có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. 2. Bản chất của văn hóa là đạo đức.
Vậy, những gì phi đạo đức hoặc không mang tính nhân bản thì không thể gọi là văn hóa. Xin đơn cử một ví dụ:
Cách đây khá nhiều năm, một tờ nhựt báo đã đưa tin: “Nữ diễn viên người Pháp Brigitte Bardot, được biết đến như một nhà hoạt động xã hội (bảo vệ thú vật), đã nhận được hơn 7000 lời đe dọa giết chết từ Hàn Quốc, nơi đang diễn ra giải vô địch bóng đá thế giới, chỉ vì những người dân ở đây rất giận dữ khi nghe nói về kế hoạch chống ăn thịt chó của Bardot trong mùa World  Cup. Họ nói với Bardot: Đó là văn hóa truyền thống của chúng tôi. Vừa trở về từ Áo, nơi bà nhận được giải thưởng cho hoạt động bảo vệ thú vật, Bardot tuyên bố bà sẽ không nhân nhượng. Bà nói: Ăn thịt chó không phải là văn hóa [bởi lẽ hành động này đi ngược lại lòng nhân ái]. Văn hóa là sáng tác những bản nhạc như Mozart hay xây dựng các công trình kiến trúc như ở thành Vienne kìa!”
Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “văn hóa đồi trụy”, đây cũng là cách nói sai, bởi lẽ những gì đồi trụy đều không phải là văn hóa.
Trong các mẫu Sơ yếu lý lịch thường có mục “Trình độ văn hóa”, đây cũng là sự nhầm lẫn giữa văn hóa và học vấn. Lẽ ra phải ghi là “Trình độ học vấn” (Tốt nghiệp Phổ thông trung học hay Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, v.v.), còn trình độ văn hóa của một người chỉ có thể được đánh giá qua cách hành xử của người đó trong đời sống. Một người có trình độ học vấn cao nhưng khi ra đường chạy xe vượt đèn đỏ, vứt rác xuống đường một cách tùy tiện hoặc sáng sớm quét sân trước nhà rồi hất rác sang nhà hàng xóm, v.v. thì cũng là một người vô văn hóa. Ngược lại, có những người nông quê chân lấm tay bùn, chất phác, ít học, nhưng lại là người có văn hóa cao vì biết cách đối xử rất tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Về văn hóa dân tộc, Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Văn hóa dân tộc nói lên được tất cả những cái gì cao quý tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của dân tộc ấy.”
Vậy, sau khi phân tích ngữ nghĩa của hai chữ văn hóa và qua lời dạy của Đức Giáo Tông Đại Đạo, chúng ta có thể nói rằng, văn hóa chỉ bao gồm những gì tốt đẹp và đạo đức trong đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Chẳng hạn như ở nước ta ngày nay, khi đi ra đường, chúng ta thường thấy những tấm bảng đề Khu phố văn hóa trước ngõ dẫn vào một khu dân cư, tức là trên nguyên tắc, trong các khu phố ấy, mọi người dân đều có một nếp sống đạo đức, lành mạnh, tuân thủ pháp luật, gia đình thuận thảo, hàng xóm láng giềng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Đức Giáo Tông Đại Đạo còn dạy thêm về nội dung của văn hóa đạo đức như sau:
Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, v.v.
Các nhà khoa học xã hội cũng đã đưa ra cấu trúc văn hóa khá tương đồng với lời dạy của Đức Giáo Tông Đại Đạo về nội dung của văn hóa đạo đức. Cấu trúc ấy bao gồm:
1. Văn hóa nhận thức: nhận thức về vũ trụ (vũ trụ quan) và nhận thức về con người (nhân sinh quan). Đây chính là nhận thức về sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật.
2. Văn hóa tổ chức cộng đồng: tổ chức đời sống tập thể và tổ chức đời sống cá nhân (sự liên hệ giữa con người và con người).
3. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên: sự liên hệ giữa con người và vạn vật.
4. Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội.
Chúng ta có thể dựa trên cấu trúc văn hóa này khi khảo sát về văn hóa Cao Đài.
1. Văn hóa nhận thức
Con người luôn có nhu cầu tìm hiểu về vũ trụ và về chính bản thân con người. Một nền tôn giáo được xem là có giá trị văn hóa đạo đức một khi giáo lý tôn giáo đó giúp cho con người có được một nhận thức đúng đắn về vũ trụ và con người, về sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, để từ nhận thức đó, con người có thể chọn cho mình một nếp sống đạo đức thanh cao, hợp với lẽ Trời, ích nhơn lợi vật, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà cũng là giúp cho bản thân được tiến hóa.
Giáo lý Cao Đài với thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể giúp cho con người hiểu rằng mình là một điểm tiểu linh quang xuất phát từ khối Đại Linh Quang là Thượng Đế nên cũng có đầy đủ quyền năng như Ngài, nếu biết tu thân hành đạo, làm tròn bổn phận vi nhân thì có thể tiến hóa lên làm Trời như lời dạy của Ơn Trên:
Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang,
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình.
Hoặc là:
Tu là học để làm Trời,
Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian.
Đây chính là một nét đẹp của văn hóa đạo đức Cao Đài vì nhận thức này có tác dụng tích cực thúc đẩy con người luôn cố gắng thăng hoa mãi.
Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể cũng giúp cho chúng ta hiểu được rằng con người dù thuộc quốc gia, chủng tộc nào cũng đều là anh em có cùng một Đấng Cha Trời. Nhận thức này giúp mọi người đối xử với nhau bình đẳng, thương yêu, không kỳ thị chia rẽ. Đây cũng là yếu tố cần thiết giúp con người xây dựng một thế giới đại đồng, hòa bình và hạnh phúc.
2. Văn hóa tổ chức cộng đồng
Văn hóa tổ chức cộng đồng bao gồm những vấn đề liên quan đến tổ chức đời sống cộng đồng. Tân luật Cao Đài có quy định rõ: “Nơi nào có đông tín đồ được chừng 500 người sắp lên thì được lập riêng một họ, đặt riêng một Thánh thất, có một chức sắc làm đầu cai trị.”
Mối quan hệ giữa các tín đồ trong cộng đồng cũng được Tân luật quy định như sau:
- “Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con một Cha. Phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường Đạo và đường đời. Nhập Đạo rồi thì quên những việc oán thù nhau khi trước, phải tránh việc ganh ghét tranh đua và kiện cáo, phải nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải vui nghe người làm đầu trong họ phân giải. Đối với hàng đạo hữu phải nuôi nấng cái tính thù tạc với nhau, cho khắn khít cái dây liên lạc. Một người trong Đạo gặp tai nạn thình lình thì bổn đạo trong họ hãy tùy hỷ chung nhau, tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.”
- “Trong hàng tín đồ còn ở thế phải nhớ hai dịp là tang và hôn. Trong bổn đạo xảy có người mãn phần quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ. Người làm đầu trong họ, khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong họ, làm lễ cầu siêu cho vong linh theo Tân luật và đưa xác đến mộ phần. Trong việc tống chung không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc lòe loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ mà mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi. Việc cầu siêu cho vong linh trong tuần cửu cửu và đến lúc tiểu, đại tường, thì do nơi thánh thất sở tại cầu lễ. Bổn đạo trong họ, nếu có mời phải đến mà cầu nguyện.”
Như vậy, chúng ta thấy rằng tình yêu thương và tinh thần tương thân tương ái trong đời sống hằng ngày là một nét đẹp của văn hóa tổ chức cộng đồng Cao Đài.
Cách tổ chức tang lễ Cao Đài cũng mang tính tương trợ cộng đồng rất cao. Khi một gia đình đạo hữu Cao Đài có người qua đời thì đồng đạo đều đến giúp đỡ lo tang sự chu đáo. Các chức sắc cùng bổn đạo đến giúp tang chủ làm phép bí tích và tụng kinh cầu siêu hoàn toàn trong tinh thần trợ giúp công quả, tuyệt đối không nhận bất cứ một khoản tiền thù lao nào cả. Trước đây, người Việt thường tổ chức tang lễ theo nghi thức Trung Hoa như Thọ Mai gia lễ, v.v… nhưng khi Cao Đài ra đời thì đã có riêng một nghi thức tang lễ độc đáo với các bài kinh hết sức cảm động, dễ hiểu, không những có tác dụng vô vi cứu rỗi cho linh hồn người chết mà còn có tác dụng giáo dục, cảm hóa người sống. Thực vậy, đã có nhiều người sau khi chứng kiến, tham dự các lễ tang của Cao Đài đã cảm xúc chân thành và quyết định nhập môn vào Đạo.
Còn về chuyện hôn nhân, Tân luật Cao Đài cũng quy định rõ: “Làm lễ sính rồi hai đàng trai và gái phải đến thánh thất mà cầu lễ chứng hôn.” Nghi thức hôn phối được tiến hành trước Thiên bàn với sự chủ trì của một vị chức sắc cùng với sự cầu nguyện của tất cả các đạo hữu hiện diện. Thông qua ý nghĩa thâm thúy của bài kinh Hôn phối cùng với sự ban ơn hộ trì của Thiêng Liêng, tất cả sẽ là một ấn tượng tốt đẹp giúp cho đôi tân hôn ghi nhớ để cùng nhau xây dựng một gia đình đạo đức và  hạnh phúc về sau.
Riêng đối với từng cá nhân người tín đồ, luật Đạo cũng quy định: “Phải giữ tam cang ngũ thường là nguồn cội của nhơn đạo. Nam thì hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ, nữ thì tùng phụ, tùng phu, tùng tử và công, dung, ngôn, hạnh. Ra giao thiệp với đời thì phải tập và giữ tánh ôn, lương, cung, khiêm, nhượng. Kể từ ngày ban hành luật này, người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật; chẳng được làm nghề gì mà đồi phong bại tục; chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình, huê nguyệt; không đặng buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người. Người nào đã lầm lỡ rồi, hãy kiếm thế mà giải nghệ…”
Người tín hữu Cao Đài nếu thực hiện được đúng những điều quy định trong Tân luật thì cũng sẽ là một con người văn hóa chính danh, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đạo đức.
Văn hóa Cao Đài về mặt tổ chức cộng đồng còn có ưu điểm là quan tâm chăm sóc trẻ em và phụ nữ.
Đối với trẻ em, Tân luật quy định: “Con nít mới sanh phải chọn cha và mẹ đỡ đầu cho nó, phòng sau bảo hộ nó lúc rủi phải thân côi. Đứa con nít khi được một tháng sắp lên phải đem đến thánh thất sở tại mà xin làm lễ ‘tắm thánh’ và ghi vào bộ sanh của bổn đạo. Buộc cha mẹ con nít từ 6 tuổi chí 12 tuổi phải cho con vào trường học chữ hay là học Đạo.”
Đối với phụ nữ,
- Việc Pháp Chánh Truyền quy định cho nữ giới được đứng vào hàng giáo phẩm Cửu Trùng Đài cho tới bậc Đầu Sư cũng là một điểm hết sức đặc biệt của Hội Thánh Cao Đài mà xưa nay chưa hề có trong bất cứ giáo hội nào khác.
- Việc mở cửa tâm pháp thâu nhận phụ nữ, việc lập ra tổ chức Nữ Chung Hòa để giúp nữ giới nâng cao trình độ tu học giáo lý và tham gia các hoạt động xã hội, v.v…đều thể hiện chủ trương nam nữ bình quyền của đạo Cao Đài.
Các Đấng Thiêng Liêng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vẫn thường khích lệ nữ phái qua các lời dạy như:
Nữ cũng như nam có khác nào,
Cũng người, cũng học, cũng tài cao,
Chỉ riêng thể chất thì hơi thiệt,
Lập đức thi công rạng má đào.
Ngay từ năm 1926, lúc chưa khai Đạo, Đức Chí Tôn đã dạy lập tổ chức nữ phái như sau:
“Đường Thị! [bà Lê Văn Trung] Thầy giao phái nữ cho con lập thành, chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.
Phần các con truyền Đạo kỳ phổ độ này cũng lắm nặng nề. Bao nhiêu nam tức bấy nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật, chớ nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam và nữ, mà phần nhiều nữ lấn quyền hơn nam rất nhiều.”
Về phương diện này, có thể nói văn hóa Cao Đài đã đi trước thời đại: Ngày nay, nhân loại đã bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh tiến bộ, nhưng tại một số quốc gia trên thế giới, người phụ nữ vẫn còn bị coi rẻ, nữ quyền vẫn còn bị chà đạp. Vậy mà từ năm 1926, khi chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, Cao Đài đã đề cao giá trị người phụ nữ và tôn trọng nữ quyền. Đây là một nét đẹp độc đáo của văn hóa Cao Đài.
3. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Ngày nay, khi con người đạt được những thành tựu văn minh khoa học và công nghệ kỳ diệu, con người có thể chinh phục vũ trụ, thám hiểm đại dương… thì cũng chính là lúc con người đang đứng trước một vấn nạn lớn: đó là nạn ô nhiễm môi trường, thiên tai hạn hán xảy ra khắp nơi, môi trường tự nhiên bị hủy hoại một cách tàn khốc do nạn phá rừng lấy gỗ, nhiều nơi môi trường sinh thái bị mất cân bằng do nạn săn bắt bừa bãi làm cho một số loài động vật gần như bị tuyệt chủng, v.v… Tất cả những điều đó cũng có nghĩa là đời sống con người đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Để lập lại sự cân bằng giữa tự nhiên và con người, để môi trường thiên nhiên không bị vắt cạn kiệt, các nhà khoa học xã hội nhận định rằng văn hóa có thể đóng vai trò vừa là động lực, vừa là hệ điều chỉnh cho sự phát triển kinh tế xã hội. Quyển Giòng Sinh Mệnh Văn Hóa Việt Nam  có ghi: “…vấn đề sản xuất, hưởng thụ, phân phối không thể phó mặc cho dục vọng vốn không cùng của con người và đồng loại mà phải ứng dụng phương pháp điều hợp của văn hóa có nghĩa là từ nội dung và giá trị sản vật đến việc sử dụng sản vật đều phải mang văn hóa tính.”
Giáo lý Cao Đài với thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể đã cho chúng ta nhận thức rằng Trời, người và vạn vật đều cùng một thể linh quang. Các loài thảo mộc thú cầm chính là đàn em của chúng ta đang trên đường tiến hóa lên làm người, do đó con người không nên tàn phá, sát hại chúng một cách vô tội vạ mà  cần phải nuôi dưỡng và bảo tồn thiên nhiên xung quanh mình.
Về việc bảo tồn mạng sống các loài động vật, Thánh giáo Cao Đài đã dạy:
… Loài vật kia cũng sống như mình,
Lẽ nào đành đoạn sát sinh,
Rượu ngon thịt béo tiệc tùng sớm trưa.
Tân luật Cao Đài cũng quy định:
“… người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật…”
“Trong việc cúng tế vong linh không nên dùng hy sanh, dùng toàn đồ chay thì được phước hơn.”
Như vậy, chủ trương quý trọng mạng sống của muôn loài vạn vật theo giáo lý Cao Đài có một ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ môi trường, một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại ngày nay, khi mà thiên nhiên đang bị tàn phá dữ dội cũng như tình trạng cân bằng sinh thái tại một số nơi bị phá vỡ do tệ săn bắt động vật hoang dã bừa bãi. Đây cũng là một nét đẹp của văn hóa Cao Đài trong vấn đề bảo vệ môi sinh, môi trường.
4. Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
Về vấn đề này có tác giả viết: “Một cộng đồng cư dân không  chỉ sống trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên mà còn luôn phải quan hệ với các dân tộc xung quanh, đó là môi trường xã hội. Cách thức ứng xử với môi trường xã hội là thành tố thứ tư của một hệ thống văn hóa.
“Trong lĩnh vực này, với vị trí ngã tư đường của các nền văn minh, người Việt Nam quan tâm đặc biệt tới việc tiếp nhận các giá trị văn hóa nhân loại: Tiếp thu văn hóa Ấn Độ, ta có nền văn hóa Chăm độc đáo và một nền Phật giáo Việt Nam. Tiếp thu văn hóa Trung Hoa, ta có Nho giáo và Đạo giáo. Văn hóa phương Tây đem lại Ki Tô giáo và những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mới mẻ. Đặc tính xuyên suốt quá trình giao lưu văn hóa nhiều thế kỷ này của người Việt Nam, ngoài tinh thần bao dung, hiếu hòa, là tính tổng hợp – dung hợp – tích hợp.”
Cũng nhờ vào tinh thần bao dung và lòng hiếu hòa của dân tộc Việt mà mảnh đất Việt Nam đã được Đức Chí Tôn Thượng Đế chọn lựa để gieo mối đạo Cao Đài, một nền tôn giáo với tinh thần đại đồng nhằm xóa bỏ mọi tị hiềm đố kỵ, mọi khía cạnh ngã chấp sắc màu để thực hiện cơ cứu thế kỳ hạ nguơn mạt kiếp.
Trên lý thuyết, các tôn giáo chân chính đều có cùng một sứ mạng là dìu dắt nhơn sanh trên con đường tiến hóa tâm linh, mang lại nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử đã cho thấy một số tôn giáo chẳng những chưa làm tròn sứ mạng của mình mà còn gây ra biết bao cuộc chiến tranh tôn giáo thảm khốc. Thế giới nhân loại ngày nay đang bị đe dọa nghiêm trọng trước thảm trạng cuồng tín cực đoan của những phần tử quá khích.
Do đó, Cao Đài giáo ngày nay, với tinh thần vạn giáo đồng nhứt lý và chủ trương dung hòa tổng hợp, đang cố gắng hết sức mình thực hiện sứ mạng hòa đồng tôn giáo như lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã dạy từ năm 1963: “Nhơn loại ngày nay đang phập phồng lo sợ thảm họa diệt vong, tự diệt bởi chiến tranh nguyên tử, bởi các mối chia rẽ trầm trọng giữa người và người, giữa học thuyết và học thuyết, đương mong cầu sự giải cứu của phép mầu thần linh. Tình trạng ấy càng chứng tỏ tôn chỉ giải phóng toàn diện con người trên tinh thần Vạn giáo nhứt lý, Vạn pháp đồng nguyên của Đại Đạo là một nhu cầu cấp thiết rất đáng sớm được xương minh.” 

Học giả Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ đã phát biểu rằng: “…làm bất cứ cái gì hay, cái gì đẹp, cái gì lợi, cái gì ích cho mình, cho người, cho nhà, cho nước đều là làm văn hóa dân tộc, làm bất cứ cái gì mà hướng về chân, thiện, mỹ, đều là làm văn hóa dân tộc cả…” Do đó, có thể nói rằng, văn hóa Cao Đài với những nét đẹp như vừa phân tích trên đây, chắc chắn đã có ít nhiều đóng góp cho việc  bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc, góp phần xây dựng một đất nước an bình thạnh trị trên nền tảng văn hóa đạo đức. Không những thế, đạo Cao Đài, với sứ mạng tái lập cõi dinh hoàn hay xây dựng cõi thiên đàng tại thế cho toàn nhân loại, còn hướng tới một nền hòa bình thế giới mà khởi điểm là cái nôi Việt Nam như lời Đức Chí Tôn Thượng Đế đã dạy:
Trước xây đắp Cao Đài thánh đức,
Dụng Nam bang làm mức phong khai,
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.
________________________________________
(*) CQPTGL