DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ TỔNG KẾT KỶ NIỆM 90 NĂM KHAI ĐẠO CAO ĐÀI

Gửi ngày 30/03/2016
DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ TỔNG KẾT KỶ NIỆM 90 NĂM KHAI ĐẠO CAO ĐÀI
DIỄN VĂN KHAI MẠC
LỄ TỔNG KẾT KỶ NIỆM 90 NĂM KHAI ĐẠO CAO ĐÀI
 
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
 
 Kính thưa:
- Quý lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương.
- Quý lãnh đạo chính quyền thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
- Quý vị chức sắc đại diện các tôn giáo bạn.
- Quý vị đại biểu khách quý.
- Quý vị chức sắc lãnh đạo Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài, cùng toàn đạo lưỡng phái.
 
Hôm nay tại Tòa Thánh Châu Minh, trong không khí ấm áp của mùa xuân Bính Thân, với niềm hân hoan và tình cảm sâu sắc, toàn đạo Cao Đài chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn đạo Cao Đài chúng ta về đây long trọng tổ chức Đại Lễ kỷ niệm 90 năm Khai đạo Cao Đài.
Thay mặt Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài trong hoạt động giao lưu hành đạo, Ban Tổ chức buổi lễ xin gửi đến quý vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, chính quyền tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố, đại biểu nhân sỹ, trí thức, các nhà hảo tâm, cùng quí vị đại biểu đại diện các Tổ chức tôn giáo, quý chức sắc, toàn đạo lưỡng phái và toàn thể đại biểu khách quý về dự buổi lễ kỷ niệm hôm nay lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Cách đây tròn 90 năm, dân tộc Việt Nam được Đức Chí Tôn khai sáng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nền tân tôn giáo cho dân tộc Việt Nam đã kế thừa và tiếp nhận tín ngưỡng, tôn giáo của các tôn giáo để phụng thờ và thành lập tôn giáo Cao Đài.
Trãi qua 90 năm hình thành và phát triển, với tinh thần hy sinh vì nền Đại Đạo của các chức sắc tiền bối đạo Cao Đài, với sự nổ lực phấn đấu của nhiều thế hệ trong đạo Cao Đài đã từng bước trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Đức Chí Tôn giao phó và niềm tin của nhơn sanh gửi gắm.
Từ khi Đức Chí Tôn chọn nước Việt Nam khai sáng nền Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ, qua chặng đường lịch sử 90 năm lập giáo, Đạo Cao Đài đã được các vị chức sắc tiền bối phát huy chơn lý nền Đại Đạo để tồn tại đến hôm nay. Tôn chỉ, mục đích của Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ với hai phương châm “Thế đạo Đại đồng” và “Thiên đạo giải thoát”, đã được phổ truyền sâu rộng trong toàn nhơn sanh. Trãi qua nhiều thăng trầm biến đổi, với biết bao thử thách của lịch sử, của thời đại nền Đại Đạo đã bị phân hóa thành nhiều chi phái nhưng cũng mở ra các phương thức và sự phát triên của cơ phổ độ thêm phong phú, đa dạng. Giáo lý, giáo luật, giáo điều và nghi lễ cùng tổ chức sinh hoạt hành đạo có bản sắc riêng trong từng phái Cao Đài. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh hay sự tác động của xã hội, tín đồ đạo Cao Đài vẫn luôn trọn đức tin với Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Điều đó đã giúp cho cộng đồng tín hữu Cao Đài thêm bền chặt thủy chung. Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh, ra đời tại Việt Nam nên văn hóa đạo Cao Đài phù hợp với đời sống của dân tộc và góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giáo lý đạo Cao Đài lấy tình thương yêu làm nền tảng, là yếu tố căn bản của hạnh phúc nhơn sanh, tinh thần là cứu cánh vô biên của hòa bình thế giới. Thánh thi của Đức Chí Tôn thuở mới khai đạo dạy rằng:
“Hảo Nam bang, hảo Nam bang
Tiểu quốc tảo khai hội Niết bàn.
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian”.
Đức Cao Đài gọi thân mật là Thầy, là Cha của sự thương yêu, là trung tâm đoàn kết, là đấng duy nhất biểu hiện tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi hiệp nhất” của đạo Cao Đài. Đồng thời mang thông điệp hòa hiệp, đồng thuận tín ngưỡng, tôn giáo hiện có của nhân loại, mở rộng lòng nhân ái, không phân biệt màu da sắc tóc, xóa bỏ hàng rào sắc tộc, tô đậm tình thương yêu, sự hằng sống, tư tưởng cởi mở, nhân hòa, nhân bản, nhân sinh, nhân trí cho nòi giống Lạc Hồng.
Xuất phát từ những ý thức đó, các vị chức sắc tiền nhân trong đạo Cao Đài luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong sự đa dạng. Từ năm 1930 đến năm 1939, đạo Cao Đài đã kết hợp các phái lại gần nhau, thực hiện nhiệm vụ hoằng khai mối đạo, đã cùng tổ chức thành công Đại hội Long Vân từ Cà Mau đến Đà Nẵng, khai mở nhiều Thánh tịnh, Thánh thất trong những năm 1940 – 1950. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tín hữu đạo Cao Đài nêu cao tinh thần yêu nước thực hiện sứ mạng cứu quốc thành lập tổ chức Cao Đài Cứu quốc góp sức cùng nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc với phương châm “Phụng Đạo, yêu Nước”. Từ đó các phái Cao Đài đã liên kết thành tổ chức Liên giao I ra đời năm 1955, Liên giao II ra đời năm 1972 nhằm mục đích bảo vệ Tổ quốc khỏi sự xâm lược của thực dân, đế quốc, bảo vệ tôn giáo, gìn giữ văn hóa dân tộc và cầu nguyện hòa bình cho nhân dân Việt Nam với lòng yêu nước chân thành của người tín hữu Cao Đài.
Kính thưa toàn thể quý vị!
Qua gần một thế kỷ, giá trị nhân văn của đạo Cao Đài đã toát lên tinh thần đoàn kết vốn có trong nền Đại Đạo, thể hiện tình thương yêu của Đức Chí Tôn, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và đạo đức, lối sống nhân ái trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người tín hữu Cao Đài.
Từ truyền thống của tiền nhân đi trước, thế hệ hôm nay với tinh thần tự nguyện, các Hội Thánh và tổ chức Cao Đài tiếp tục vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài xây dựng tinh thần đoàn kết, đem đạo đức tôn giáo hòa nhập vào cộng đồng xã hội, phát triển tình thương yêu để đi đúng chơn truyền đạo pháp của Đức Chí Tôn, thực hiện tôn chỉ, mục đích của đạo Cao Đài, góp phần kiến tạo một xã hội hòa bình, yên vui, hạnh phúc, kiến tạo cuộc sống thượng ngươn nhân nghĩa đại đồng để nhân dân Việt Nam hội nhập khu vực và toàn cầu theo lời dạy của Đức Chí Tôn:
 
“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
 Cùng nhau một đạo tức mộtcha”.
Ngày nay, Nhà nước chủ trương đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo cùng nhau xây dựng đất nước vươn lên khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến tới hiện đại hóa, công nghiệp hóa làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhà nước luôn quan tâm về tôn giáo, và thực hiện chánh sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Từ đó, đạo Cao Đài từng bước phát triển ổn định, các Hội thánh được công nhận tư cách pháp nhân để hành đạo, được giúp đỡ, được tạo điều kiện trong hoạt động tôn giáo và minh chứng cụ thể là sự kiện toàn đạo chúng ta có mặt tại đây trong lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội có sự chứng dự của chính quyền các cấp giúp nền đạo được khai minh. Cơ đạo ngày càng được phổ truyền trong cả nước, nhiều người đạo có lòng yêu nước, mến quê hương đã làm sáng ngời tinh thần đạo đức của người tín hữu Cao Đài và con người trong xã hội. Tiêu biểu như Chưởng pháp Cao Triều Phát, Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, Đầu sư Tô Văn Pho,…
Hôm nay, các Hội thánh và tổ chức Cao Đài long trọng tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài tại Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, để tổng kết thành tựu 90 năm qua của Đạo Cao Đài và nói lên tinh thần của toàn đạo Cao Đài học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Luôn chấp hành tốt chủ trương, chánh sách của Đảng, Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo theo quy định pháp luật của người công dân có đạo.
Tại đại lễ hôm nay,  Ban Tổ chức vinh dự tiếp đón các quý vị đại biểu đại diện cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, chính quyền các cấp của tỉnh Bén Tre và các tỉnh, thành phố, các nhân sỹ, trí thức, các nhà hảo tâm, cùng quý chức sắc đại diện tôn giáo bạn và quý đại biểu đại diện cho đạo Cao Đài cả nước về dự làm ngày lễ được tăng phần long trọng. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Đại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày khai đạo Cao Đài.
Xin chân thành cảm ơn!
NamMô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
 
                                       TM. BAN TỔ CHỨC
                            Anh Lớn NGỌC BẢY NGUYỆT