Mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

Gửi ngày 11/08/2014
Mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
GIỚI THIỆU

Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, việc giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên là một phần không thể tách rời của việc huấn luyện nhân viên.
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (gọi tắt: "Cơ Quan") được Đức Chí Tôn thành lập vào ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 1965; người hành đạo tại Cơ Quan, dù ở cấp bậc nào, đều được Ơn Trên gọi là "nhân viên". Từ tháng Tư năm Bính Ngọ 1966, các Đấng Thiêng Liêng đã ban hành một chương trình huấn luyện nhân viên được gọi là Lịch Trình Hành Đạo.

Ba tháng sau đó, vào ngày Rằm tháng Bảy năm Bính Ngọ 1966, việc giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên tại Cơ Quan được chính thức bắt đầu với sự kiện thành lập đoàn thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý theo sáng kiến của Ban Thường Vụ Cơ Quan với sự chấp thuận của Đức Lý Giáo Tông.

Đoàn thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý, theo thời gian, dần dần được Ơn Trên tái cơ cấu thành Thanh Niên Vụ, rồi thành Vụ Giáo Sĩ – Tu Sĩ, và đến nay, thành Tập Đoàn Giáo Sĩ, trong hệ thống tổ chức của Cơ Quan. Quá trình tái cơ cấu này, về thực chất, là quá trình triển khai một mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên cho Đại Đạo, một mô hình giúp cho toàn đạo có được nguồn nhân lực đủ đức đủ tài để mang hồng ân cứu độ của Đức Chí Tôn ra khắp năm châu.

MỤC TIÊU CỦA MÔ HÌNH

Theo sự định hướng ngay từ đầu của Đức Lý Giáo Tông, mục tiêu của mô hình giáo dục và đào tạo này là trang bị cho các thế hệ tiếp nối khả năng phổ thông giáo lý Đại Đạo trên cả hai phương diện: (1) phương diện thiên đạo, nhằm cứu rỗi chúng sanh về mặt tinh thần hay linh hồn; (2) phương diện thế đạo, nhằm trợ giúp nhân sanh giải quyết những điều thiết thực, hữu ích cho đời sống thể chất và vật chất.

Để thực hiện mục tiêu ấy, từ cuối năm Bính Ngọ 1966, Đức Chí Tôn đã cho một Đấng Thiêng Liêng đến dẫn dắt việc giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên tại Cơ Quan; Đấng Thiêng Liêng đó là Đức Cao Triều Phát. Tập trung vào việc trang bị cho thế hệ tiếp nối những hành trang đặc biệt để chuyển luân chánh pháp đại thừa mà cứu độ toàn nhân loại sau này, những lời dạy của Đức Cao Triều Phát có thể được tóm tắt thành ba điểm căn bản:

1. Tinh thần vong kỷ vị tha, phụng sự nhân sanh, xả thân cứu thế độ đời;
2. Ý thức về sứ mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ;
3. Lý tưởng Đại Đạo.

Trong ba điểm căn bản vừa nêu, mỗi điểm đều chứa đựng đủ hai phần thiên đạo và thế đạo, thể hiện rõ mục tiêu của mô hình.

CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA MÔ HÌNH

Ở Cơ Quan, hầu hết các hoạt động giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên được thực hiện dưới hình thức trường lớp. Tương ứng với độ tuổi của các lớp học ngoài đời từ cấp mẫu giáo cho đến sau đại học, Cơ Quan tổ chức một hệ thống lớp học giáo lý như được trình bày trong hình 1. Chương trình ở mỗi cấp lớp được thiết kế nhằm phát triển tâm, hạnh, đức, tài của thanh thiếu niên theo mục tiêu chung của mô hình và phù hợp với tâm lý lứa tuổi.       


Hình 1. Hệ thống các lớp giáo lý cho thanh thiếu niên tại Cơ Quan.

Lớp giáo lý đầu tiên, dành cho độ tuổi mẫu giáo, là lớp Vườn Ươm. Được thiết kế như là khu vườn ươm mầm non đạo đức cho Đại Đạo, cho xã hội, cho gia đình của các em và cho chính bản thân các em, lớp này giúp cho các em hình thành thói quen gắn bó với môi trường thánh thất, thánh tịnh một cách tự nhiên từ tuổi thơ ấu.
Khi hết tuổi mẫu giáo, các em được lên cấp lớp cao hơn, lớp Lễ Nghi Đạo Đức.

Lễ Nghi Đạo Đức là lớp giáo lý dành cho độ tuổi tiểu học (cấp 1), tức là tuổi nhi đồng. Các em được học về sự lễ phép, về các bổn phận trong gia đình, ngoài xã hội và ở thánh sở, về tình thương yêu đối với mọi người và mọi vật, về những cách thức làm công quả phù hợp với lứa tuổi nhi đồng. Lớp này còn giúp cho các em hình thành thói quen tính cực trong việc  "làm phải, làm lành".
Khi qua khỏi lứa tuổi này, các em được lên lớp Phổ Huấn.

Phổ Huấn là lớp giáo lý dành cho độ tuổi trung học (cấp 2 và cấp 3), tức là tuổi thiếu niên và thanh niên. Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, đây là cấp lớp vô cùng quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo của Cơ Quan. Nhiệm vụ chính của cấp lớp này là trang bị cho các em lý tưởng Đại Đạo, gầy dựng nơi các em ý thức về sứ mạng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và đánh thức trong bản thân các em tinh thần vong kỷ vị tha, phụng sự nhân sanh, xả thân cứu thế độ đời. Lớp này còn giúp cho các em hình thành lòng tự hào đối với việc hiến dâng để nhận lãnh sứ mạng cứu thế kỳ ba, trọn đời quên mình để phụng sự Đại Đạo và nhân sanh.

Trên cấp lớp Phổ Huấn, chương trình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên của Cơ Quan bắt đầu "liên thông" với Lịch Trình Hành Đạo (chương trình huấn luyện nhân viên Cơ Quan) và được chia thành hai hệ:

• Hệ dành cho người hiến dâng trọn đời để phục vụ cho Đại Đạo, bao gồm lớp Tu Sĩ và lớp Giáo Sĩ;
• Hệ dành cho người không hiến dâng trọn đời, bao gồm lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 1 và lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 2.

Lớp Tu Sĩ và lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 1 chỉ khác nhau ở tâm nguyện hiến dâng trọn đời của học viên, còn nội dung giáo dục và đào tạo đều dựa vào phần dành cho Tu Sĩ trong Lịch Trình Hành Đạo. Được huấn luyện để mai sau có đủ khả năng "giáo dân vi thiện", học viên các lớp này phải "lập tâm hành đạo", tu tập tác phong đạo hạnh, tuân giữ giới quy, thực hành các bổn phận đối với đạo và đời, tìm hiểu về nền tổ chức Đại Đạo, nghiên cứu sâu về kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang bị kiến thức nhân văn học, và phải biết một ngoại ngữ để hành đạo.

Lớp Giáo Sĩ và lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 2, tương tự như cấp lớp vừa trình bày, chỉ khác nhau ở sự hiến dâng trọn đời của học viên, còn nội dung đều dựa vào phần dành cho Giáo Sĩ trong Lịch Trình Hành Đạo. Được đào tạo để thực hiện chức năng "hoằng nhơn phổ hóa", học viên các lớp này phải rèn luyện các đức tính của một giáo sĩ, nắm vững mục đích, tôn chỉ, lập trường của Đại Đạo, nằm lòng Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, tìm hiểu sử đạo, trang bị kiến thức tâm lý học, luận lý học và triết học Đông Tây kim cổ, đào sâu vào phần nhơn đạo của Khổng giáo, trau dồi nghệ thuật thuyết trình và giảng đạo, thông thạo Việt ngữ và hai ngoại ngữ.   

Người hiến dâng trọn đời cho Đại Đạo, khi đã tốt nghiệp lớp Giáo Sĩ sẽ phải qua hai năm tập sự ở cương vị giáo sĩ; sau đó sẽ trở thành một giáo sĩ Đại Đạo. Còn người không hiến dâng trọn đời, sau khi tốt nghiệp lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 2, sẽ trở thành một nhân viên nồng cốt phổ thông phổ truyền giáo lý.

Giáo sĩ và nhân viên nồng cốt là "đầu ra" của mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên này. Qua thực tế của nhiều năm, cả hai đều có đủ năng lực căn bản để tham gia vào các đạo sự then chốt ở Cơ Quan hoặc các thánh sở. Riêng ở Cơ Quan, cả hai đều có khả năng tiến đức tu nghiệp, tiếp tục tự trau dồi tâm, hạnh, đức, tài theo các yêu cầu ở các cấp bậc trong Lịch Trình Hành Đạo.

HIỆU QUẢ CỦA VIỆC THỰC HIỆN MÔ HÌNH

Từ năm 1966 đến năm 2014, nghĩa là sau bốn mươi tám năm, Cơ Quan đã đào tạo được sáu thế hệ giáo sĩ và bảy thế hệ nhân viên nồng cốt. Như vậy, để đào tạo được một thế hệ giáo sĩ hoặc nhân viên nồng cốt bằng mô hình này, Cơ Quan phải cần một khoảng thời gian từ bảy đến tám năm.

Ở đầu vào, các cấp lớp từ Vườn Ươm đến Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 1 và Tu Sĩ tiếp nhận hầu như mọi đối tượng thanh thiếu niên trong đạo và ngoài đạo; ngoại trừ yêu cầu về sự hiến dâng trọn đời đối với lớp Tu Sĩ, các lớp còn lại chỉ đơn giản là tiếp nhận học viên theo lứa tuổi và trình độ học vấn ngoài đời, chứ không yêu cầu học viên phải có sẵn bất cứ vốn liếng nào về đạo.

Ở đầu ra, người tốt nghiệp lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 2 trở thành nhân viên nồng cốt phổ thông phổ truyền giáo lý Đại Đạo (đầu vào của lớp này chỉ tiếp nhận học viên đã tốt nghiệp lớp Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp 1 mà thôi), còn người tốt nghiệp lớp Giáo Sĩ trở thành giáo sĩ Đại Đạo (đầu vào của lớp này chỉ tiếp nhận học viên đã tốt nghiệp lớp Tu Sĩ, và do đó, là người hiến dâng trọn đời). Xét trong ngữ cảnh của mô hình đào tạo, những danh hiệu này hàm ngụ rằng Cơ Quan là nơi Ơn Trên sử dụng để đào tạo nhân sự cho cả Đại Đạo chứ không chỉ cho riêng Cơ Quan. Vì vậy, trong số những người đã tốt nghiệp, chỉ những ai tự nguyện hành đạo tại Cơ Quan mới được bổ sung vào nguồn nhân lực của Cơ Quan, còn ai có tâm nguyện hành đạo tại thánh sở của mình cũng đều được động viên khuyến khích.

Nếu khái niệm "hiệu quả" được định nghĩa như là mức độ khác biệt về phẩm chất giữa đầu ra với đầu vào, thì hiệu quả thực hiện mô hình này có thể được coi là khá cao, vì trên thực tế, Cơ Quan đã tạo ra được những con người có thực lực hoằng hóa đạo Trời từ những thanh thiếu niên hoàn toàn bình thường trong và ngoài đạo. Tại Cơ Quan, nguồn nhân lực được đào tạo từ mô hình này đang là nguồn lực chủ yếu để bổ nhiệm vào các cấp chức vụ; đây cũng đang là nguồn lực chủ yếu tham gia vào việc giáo dục và đào tạo hiện nay.

Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện của mô hình vẫn chưa thật sự đạt đến mức độ mà Ơn Trên mong đợi. Chính Đức Lý Giáo Tông đã nhắc nhở:  
"Nhân sự được đào tạo phải có tầm vóc nhân loại, vượt khỏi ngưỡng cửa Cao Đài, do đó, đòi hỏi phải hội đủ tâm, hạnh, đức, tài để thực hiện sứ mạng lớn lao của Cơ Quan. Thế chư hiền đệ muội đã chuẩn bị chưa? Nếu chỉ đào tạo một nhân sự chung chung thì chưa đủ với sứ mạng trong tương lai."  

Có những nội dung về giáo dục và đào tạo tuy đã được Ơn Trên dạy bảo, mà cũng đã được Cơ Quan thực hiện trong một giai đoạn nhất định, nhưng lại không được duy trì lâu dài do lực bất tòng tâm, nên dẫn đến những khiếm khuyết đáng tiếc về chất lượng nhân sự ở đầu ra. Ví dụ, Đức Cao Triều Phát đã dạy từ năm 1967, rằng song song với các hoạt động trường lớp, Cơ Quan phải tổ chức các hoạt động thanh thiếu niên "dựa trên căn bản các tổ chức hướng đạo quốc tế sẵn có" nhưng phải đặc biệt hơn nhờ ở "phần phổ truyền giáo lý và tình thương để phụng sự nhân loại". Thế mạnh của các phương pháp huấn luyện hướng đạo quốc tế là giúp cho thanh thiếu niên có sức khỏe tốt, có sự tháo vát, có óc tổ chức, có tinh thần kỷ luật và tinh thần đồng đội. Do không duy trì được nội dung giáo dục này, nhiều thế hệ thanh thiếu niên đã và đang được đào tạo của Cơ Quan bị khiếm khuyết trong hầu hết các điểm vừa nêu: sức khỏe không tốt, dễ bị ốm đau lặt vặt, thiếu sự tháo vát lanh lợi, khả năng tổ chức nghèo nàn, tinh thần kỷ luật yếu kém,… Đây là một ví dụ cho thấy, trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu, người thực hiện đạo sự giáo dục và đào tạo cần phải tuân thủ một cách chính xác toàn bộ những nội dung mà Ơn Trên đã truyền đạt. Trong trường hợp lực bất tòng tâm, thì việc liên kết với các tổ chức khác trong Đại Đạo để học hỏi và nâng cao năng lực hành đạo của mình là một việc làm vô cùng cần thiết.

KẾT LUẬN

Mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên tại Cơ Quan được xây dựng và phát triển theo nguyên lý Thiên Nhân hiệp nhất. Trong đó, phần thiết kế tổng quát của mô hình là do các Đấng Thiêng Liêng, còn phần chi tiết hóa và hiện thực hóa mô hình là do Cơ Quan. Sau gần năm mươi năm triển khai trên thực tế, việc thực hiện mô hình có nhiều chỗ cần được rút ưu bổ khuyết để đạt được hiệu quả như mong muốn. Tham khảo mô hình này, các tổ chức trong toàn đạo có thể xây dựng và phát triển những mô hình giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của mình.